Mừng, lo và trang trọng. Họ bàn về mỹ thuật của bốn trang bìa Tạp chí. “Dân chủ và Pháp luật” - Mầu sắc và “co” chữ phải tươi mà nghiêm, ngay ngắn mà không... lạnh! Các chuyên mục cần sao cho phong phú, vừa phổ cập, vừa cao, sâu và rộng, cho xứng với tên gọi của Tạp chí, với những phạm trù lớn như “Dân chủ”, “Pháp luật”. Những phóng sự, bút ký, truyện ngắn, chuyện vui và cả thơ nữa!... “Pháp luật”, “Dân chủ” là chính cuộc đời, thì những trang báo cũng phải rất đời chứ!... Cho nên, dẫu chỉ là một nhà thơ, tôi đã được mời đến tham gia như một phóng viên. Và cũng được phân công góp phần lo, ngay từ những số tạp chí đầu, về thơ và truyện!
Ừ mà cũng lạ thật đấy! Hầu hết các tác phẩm văn chương lớn từ đông sang tây, từ cổ chí kim, dường như đều gắn bó rất nhiều đến những vấn đề... tư pháp và pháp luật! Ví như: “Truyện Kiều”; “Thạch Sanh”; “Phạm Công Cúc Hoa”; “Trê Cóc...”, rồi thì “Tắt đèn”; “Bước đường cùng”; “Giông tố”; “Vỡ đê”; “Thủy Hử”; “Những người khốn khổ”; “Tội ác và trừng phạt”... không có thiên truyện nào mà không dính đến pháp luật và có xét xử, Tòa án. Đến như cả chuyện nhà Phật của tiểu Kính Tâm, nàng Thị Mầu, ít nhất thì cũng có việc gì đó phải ra Tòa án... làng!...
Văn chương và Pháp luật trong suốt chiều dài vô tận của đời sống con người, dường như đấy là “hai người bạn đồng hành” từ cổ sơ! Lý và Tình. Phép vua, luật nước có bộ này, tập kia, điều nọ, thì giữa đời, dẫu chưa thành văn, nhưng đã có biết bao nhiêu thuần phong, mỹ tục đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác. “Chữa bệnh, cứu người” đâu phải chỉ là phương châm của Ngành Y! Và ngay trong một câu thơ dân gian (ca dao) chỉ có mười bốn chữ thôi, mà sao cũng lại có đủ cả trừng phạt, độ lượng, xét xử, bỏ hay dùng, ví dụ: “Tưởng rằng đá nát thì thôi/ Ai ngờ đá nát nung vôi lại nồng”! Đá nát thì chỉ có bỏ đi, nhưng nếu còn đủ can đảm chấp nhận một sự nung nấu, luyện rèn nào đó, thì có khi lại trở nên nồng hậu, đằm thắm cho một miếng trầu tình nghĩa, tình duyên! “Lò cừ nung nấu sự đời”... là thế chăng?
“Đúng” và “Đẹp”, đâu chỉ là những tiêu chí lớn của cuộc đời và trật tự xã hội. “Đúng” chính là cái, ngỡ như cứng cỏi, của “luật”, nhưng lại có giá trị gốc gác cho cái mềm mại, uyển chuyển của “Đẹp” trong nghệ thuật, văn chương, phong độ, cốt cách...
Không phải ngẫu nhiên mà con người thường xuyên đứng trước ba “Tòa án”. Đấy là “Tòa án lương tâm”, “Tòa án dư luận” và “Tòa án... tư pháp”. Đấy đâu phải chỉ là mối quan hệ của “ba tòa” mà cũng còn là mối quan hệ giữa pháp luật, đạo lý, văn hóa, nghệ thuật, văn chương. Mối quan hệ này còn luôn luôn chi phối đến cả những trò chơi, giải trí của con người nữa! Đá bóng hay quần vợt, bóng bàn, bơi lội... đã thi đấu thì có hòa, có thắng, có thua theo luật định. Nhưng kỳ lạ thay, điều bao trùm lên niềm hoan lạc cho hàng triệu, thậm chí hàng tỷ con người, thời nào cũng là “chơi đẹp”! Cả bên thắng bên thua đều... quá đẹp! Tuyệt vời thay!
Tuyệt vời thay “Dân chủ” và “Pháp luật” song hành. Và sở dĩ có cuộc song hành ấy là bởi con người đã biết không nên tuyệt đối hóa điều gì. Và cũng nhân lúc nói về trò chơi thể thao vĩ đại là bóng đá, tôi cứ hay có cái liên tưởng ngộ nghĩnh giữa luật bóng đá và cái đấu trường. Nếu sân bóng là một “quốc gia” thì luật bóng đá sẽ được coi như “luật nước”! Đấy là một “nước” chỉ có diện tích gần một ha, “dân số” gồm hai đội bóng và năm trọng tài (kể cả trọng tài bàn), tổng cộng là... gần 30 người! Ấy thế nhưng hệ thống “giám sát pháp luật” ở “quốc gia” này là hàng chục ngàn khán giả (có sân tới trăm ngàn). Họ (khán giả) dường như đều rất thuộc luật bóng đá và phương pháp trọng tài. Và bằng sự say mê, họ không hề rời mắt quan sát từ gót chân đến chỏm tóc của gần 30 “cư dân” trong sân. Đúng là một môi trường giám sát lý tưởng! Vậy mà đây đó vẫn có những bàn thắng lận, trận thua oan, cổ động viên, vận động viên đánh lộn!...
Lại càng thấy quý biết bao cuộc đồng hành “Dân chủ” và “Pháp luật”, “Nghệ thuật” và “Văn chương”, “Đúng” và “Đẹp”..., khả năng tự cân bằng, sáng suốt của mỗi công dân; sự minh bạch, công bằng của một thể chế!
Hà Nội mùa thu 2012
Trần Ninh Hồ