Nội dung và những điểm mới cơ bản của các luật, bộ luật này là:
1. Bộ luật Lao động: Bộ luật Lao động với 17 chương, 220 điều, đã có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn, quan trọng, sẽ có khoảng 14 nghị định, 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 07 thông tư của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật. Bộ luật này có 03 nội dung sửa đổi, bổ sung lớn như: (i) Bộ luật đã mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với cả người lao động có quan hệ lao động và người lao động không có quan hệ lao động; (ii) Bộ luật Lao động sửa đổi phù hợp hơn với các nguyên tắc của kinh tế thị trường; (iii) Bộ luật Lao động đã bảo đảm phù hợp, tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, nhất là các tiêu chuẩn lao động cơ bản. Một số điểm mới của Bộ luật này là:
- Về tuổi nghỉ hưu: Bộ luật điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung theo lộ trình chậm, cụ thể:
+ Tuổi nghỉ hưu chung trong điều kiện lao động bình thường, nam nghỉ hưu ở tuổi 62 (vào năm 2028) và nữ ở độ tuổi 60 (vào năm 2035) theo lộ trình mỗi năm tăng 03 tháng đối với nữ và mỗi năm tăng 04 tháng đối với nam kể từ năm 2021.
+ Quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 05 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, được áp dụng đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
+ Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 05 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, được áp dụng đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt.
- Về tổ chức đại diện người lao động:
+ Bộ luật đã quy định về tổ chức của người lao động không thuộc hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và hoạt động của tổ chức này trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động trong quan hệ lao động.
+ Bộ luật quy định có tính nguyên tắc đối với 03 vấn đề cốt lõi nhất là: (i) Quyền thành lập, gia nhập tổ chức đại diện; (ii) Điều kiện đối với ban lãnh đạo và người đứng đầu tổ chức; (iii) Điều kiện về tôn chỉ, mục đích hoạt động của tổ chức đại diện.
- Nới trần làm thêm giờ theo tháng từ 30h/tháng lên 40h/tháng và quy định cụ thể các trường hợp được làm thêm giờ đến 300h/năm.
- Bổ sung 01 ngày nghỉ lễ liền kề trước hoặc sau ngày Quốc khánh 2/9.
- Bảo đảm hơn sự tự do giao kết hợp đồng lao động: Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do mà chỉ phải báo trước cho người sử dụng lao động.
+ Nhà nước chỉ ban hành mức lương tối thiểu, người sử dụng lao động tự quyết định chính sách tiền lương (thang, bảng lương) trên cơ sở tham vấn với tổ chức đại diện người lao động.
- Bảo đảm bình đẳng giới, tạo điều kiện để lao động nữ thực hiện quyền của mình; hạn chế tối đa các quy định cấm; sửa đổi một số quy định áp dụng chung cho cả lao động nam và lao động nữ.
- Mở rộng sự bảo vệ đối với người lao động chưa thành niên ở cả khu vực chính thức và phi chính thức, lao động chưa thành niên làm việc không có quan hệ lao động.
- Sửa đổi các luật có liên quan: Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dự kiến sửa đổi các điều 54, 55, 73 của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến điều kiện hưởng lương hưu do Bộ luật Lao động đã điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Sửa đổi Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự về những tranh chấp về lao động và tranh chấp liên quan đến lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Bộ luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước: Luật này bao gồm các nội dung chính như: Sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; quy định việc truy cập dữ liệu điện tử để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán; bổ sung quy định thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; bổ sung quy định Kiểm toán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính; quy định về kiểm soát chất lượng kiểm toán; bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hạn chế tình trạng chồng chéo; quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.
3. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam: Luật này gồm 08 chương, 52 điều, được ban hành nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước của công dân; quy định đẩy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch, trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh; bảo đảm tương thích, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh quốc gia. Luật có những điểm mới cụ thể như:
(i) Đối với công dân: Quy định rõ quyền, nghĩa vụ của công dân, gồm 04 quyền, 03 nghĩa vụ; không đặt vấn đề “nộp hồ sơ” khi đề nghị cấp hộ chiếu mà chỉ quy định điền vào tờ khai theo mẫu để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân; người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu ở trong nước nếu có căn cước công dân có quyền lựa chọn thực hiện tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thuận tiện; đối với hộ chiếu phổ thông, không đặt vấn đề hộ chiếu còn hạn hay hết hạn, mà quy định người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần hai trở đi được lựa chọn nơi thực hiện (tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thuận tiện); công dân có quyền lựa chọn nơi nhận hộ chiếu; hộ chiếu cấp riêng cho từng người (quy định hiện hành, người chưa đủ 9 tuổi cấp chung với bố, mẹ, thời hạn 05 năm); người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử; luật hóa việc khôi phục giá trị hộ chiếu bị mất được tìm thấy, nếu người dân có yêu cầu nhằm tạo thuận lợi cho người dân, nhất là các trường hợp có thị thực của nước ngoài còn thời hạn.
(ii) Về giấy tờ xuất nhập cảnh: Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông có 02 loại là gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử; hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm, có loại gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử, hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi thời hạn không quá 05 năm, không gắn chíp điện tử; thay cho việc cấp giấy thông hành cho công dân Việt Nam ra nước ngoài ngắn hạn phải về nước vì nhiều lý do khác nhau như hiện nay bằng việc cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn để thể hiện sự bảo hộ của Nhà nước đối với công dân trong mọi trường hợp, hộ chiếu có thời hạn không quá 12 tháng.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.
4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam: Luật này được ban hành nhằm luật hóa chính sách cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh quốc gia.
Luật sửa đổi 17 điều, bổ sung 03 điều so với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014. Các nội dung sửa đổi của Luật liên quan đến quy định về việc cấp thị thực điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; các trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực; sửa đổi quy định về ký hiệu, thời hạn của thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư nước ngoài… Trong đó, sửa đổi đáng chú ý là quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ khi đáp ứng đủ các điều kiện: Có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.
5. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương: (i) Luật này đã sửa đổi, bổ sung 05/50 điều của Luật Tổ chức Chính phủ về thẩm quyền của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức; thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu cơ quan bộ, cơ quan ngang bộ…; (ii) Luật này sửa đổi, bổ sung 38/143 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương về phân cấp, phân quyền, ủy quyền; mô hình tổ chức chính quyền địa phương; tổ chức Hội đồng nhân dân; bổ sung thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của cấp xã; bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương…
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.
6. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức
(i) Luật này đã sửa đổi, bổ sung 28/86 điều của Luật Cán bộ, công chức liên quan đến những vấn đề cụ thể như:
Thứ nhất, về đối tượng là công chức và áp dụng quy định của Luật Cán bộ, công chức đối với các đối tượng khác: Không quy định công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập; không quy định áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước; bổ sung và giao Chính phủ quy định cụ thể đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác (áp dụng đối với cả người có hành vi vi phạm trước ngày 01/7/2020) thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm; gắn hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật (khoản 5 Điều 84).
Thứ hai, về chính sách trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ: Giao Chính phủ quy định khung chính sách, trên cơ sở đó phân cấp cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý (Điều 6).
Thứ ba, về tuyển dụng công chức: Bổ sung đối tượng xét tuyển đối với người học theo chế độ cử tuyển, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và nhà khoa học trẻ tài năng (ngoài đối tượng cam kết làm việc 05 năm trở lên ở vùng đặc biệt khó khăn) (khoản 2 Điều 37); bổ sung và quy định rõ các đối tượng được tiếp nhận vào làm công chức từ cấp huyện trở lên đối với viên chức, cán bộ và công chức cấp xã, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang, người làm công tác cơ yếu, người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước và người đã từng là cán bộ, công chức (khoản 3 Điều 37)
Thứ tư, về nâng ngạch công chức: Bổ sung quy định “xét nâng ngạch” đối với 02 trường hợp là (i) có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong suốt thời gian giữ ngạch hiện giữ; (ii) được bổ nhiệm chức vụ gắn với yêu cầu của vị trí việc làm tương ứng với ngạch cao hơn ngạch hiện giữ.
Thứ năm, về đánh giá và xếp loại cán bộ, công chức: Sửa cụm từ “phân loại đánh giá” thành “xếp loại chất lượng” và bỏ cụm từ “nhưng còn hạn chế về năng lực” trong mức “hoàn thành nhiệm vụ” đối với cán bộ, công chức để thống nhất với các quy định của Đảng; bổ sung nội dung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm thông qua công việc, sản phẩm cụ thể; đối với công chức lãnh đạo, quản lý còn phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ và không cao hơn mức xếp loại của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách.
Thứ sáu, về kỷ luật cán bộ, công chức: Quy định 03 loại thời hiệu xử lý kỷ luật là 02 năm, 05 năm và các trường hợp không áp dụng thời hiệu; nâng thời hạn xử lý kỷ luật lên 90 ngày và 150 ngày (quy định hiện hành là 60 ngày và 90 ngày); quy định rõ việc bổ nhiệm khi bị kỷ luật (theo đó, không bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng nếu bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương; không bổ nhiệm giữ chức vụ trong thời hạn 24 tháng nếu bị kỷ luật giáng chức, cách chức).
(ii) Luật này đã sửa đổi, bổ sung 15/62 điều của Luật Viên chức liên quan đến những vấn đề cụ thể như:
Thứ nhất, về đánh giá viên chức; thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật viên chức; xử lý kỷ luật đối với viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác.
Thứ hai, về ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với viện chức: (i) Sửa đổi quy định về áp dụng ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ 12 tháng đến 60 tháng đối với viên chức được tuyển dụng mới sau ngày 01/7/2020. Đồng thời, quy định rõ 03 trường hợp: Đã tuyển dụng trước ngày 01/7/2020; cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức; viên chức được tuyển dụng sau 01/7/2020 nhưng làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì vẫn áp dụng chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. (ii) Bổ sung quy định trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập còn nhu cầu, viên chức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký kết tiếp hợp đồng làm việc với viên chức; trường hợp không ký kết tiếp hợp đồng làm việc với viên chức thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
Thứ ba, về khắc phục một số bất cập trong thực tiễn: Bổ sung quy định đơn vị sự nghiệp công lập được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc nếu viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự; sửa đổi quy định về hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc để khắc phục tình trạng lợi dụng hưởng các chế độ này khi chuyển công tác hoặc trước khi nghỉ hưu.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.
7. Luật Chứng khoán
Luật này bao gồm 10 chương, 135 điều với những nội dung nổi bật như: (i) Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật này, bảo đảm bao quát toàn diện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quy định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức thị trường chứng khoán và quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán. (ii) Cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng. (iii) Chuẩn hóa điều kiện, trình tự, thủ tục chào bán chứng khoán phù hợp với từng loại chứng khoán; sửa đổi, tách quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng tại Luật Chứng khoán hiện hành thành chào bán cổ phiếu lần đầu ra chúng và chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng để phù hợp với tính chất của từng đợt chào bán. (iv) Nâng điều kiện trở thành công ty đại chúng (nâng tiêu chuẩn về vốn điều lệ đã góp của công ty đại chúng từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng, sửa đổi, bổ sung điều kiện về cơ cấu cổ đông); luật hóa các quy định về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, phù hợp với nguyên tắc quản trị công ty của OECD/G20 năm 2015, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp trong quản trị doanh nghiệp. (v) Sửa đổi quy định cấp phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán theo hướng tách thành 02 hoạt động: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, sau đó, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Đồng thời, Luật đã quy định rõ các dịch vụ được cung cấp khi công ty chứng khoán được cấp phép các nghiệp vụ kinh doanh; quy định trách nhiệm của công ty chứng khoán trong thực hiện giám sát giao dịch chứng khoán, xây dựng hệ thống cơ sở dữ diệu dự phòng… Với các quy định như vậy, phạm vi hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán được mở rộng, tạo điều kiện tốt hơn cho các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.
8. Luật Dân quân tự vệ
Luật gồm 08 chương với 50 điều, quy định về nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với dân quân tự vệ. Luật đã thể chế hóa đường lối, quan điểm mới của Đảng liên quan đến dân quân tự vệ, đồng thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh và pháp luật có liên quan.
So với Luật Dân quân tự vệ năm 2009, Luật này có những điểm mới như: Bỏ quy định về “dân quân tự vệ nòng cốt”, “dân quân tự vệ rộng rãi”, chỉ sử dụng khái niệm “dân quân tự vệ” để phù hợp với Điều 66 Hiến pháp năm 2013; bổ sung, hoàn chỉnh địa vị pháp lý về vị trí và chức năng của dân quân tự về; bổ sung quy định về sự chỉ huy của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và người chỉ huy đơn vị quân đội vào trong nguyên tắc tổ chức, hoạt động của dân quân tự vệ để bảo đảm chặt chẽ nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với dân quân tự vệ và phù hợp với thực tế; bổ sung quy định lồng ghép đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ với đăng ký nghĩa vụ quân sự nhằm cải cách hành chính, tiết kiệm thời gian, nguồn lực của công dân và cơ quan, tổ chức theo tinh thần cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước; mở rộng đối tượng được tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ để tương thích với Luật Nghĩa vụ quân sự, phù hợp với thực tế và bảo đảm bình đẳng giới; bổ sung quy định thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trước thời hạn, đồng thời, quy định đưa ra khỏi danh sách dân quân tự vệ để khắc phục những bất cập, vướng mắc của Luật Dân quân tự vệ năm 2009, nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dân quân tự vệ…
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.
9. Luật Lực lượng dự bị động viên
Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019 được xây dựng nhằm thay thế Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên năm 1996, là cơ sở pháp lý vững chắc góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Luật này bao gồm 05 chương, 41 điều được ban hành nhằm tạo khung hành lang pháp lý về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Một số nội dung chưa quy định cụ thể tại Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên năm 1996, nay đã được quy định cụ thể trong Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019 như: Quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của quân nhân dự bị, của chủ phương tiện kỹ thuật dự bị, người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị; trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên khi thi hành lệnh thiết quân luật, để phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.
10. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
Luật này đã sửa đổi, bổ sung 02 điều trên tổng số 76 điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017. Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập, không để khoảng trống pháp lý trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong giai đoạn hiện nay, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan tổ chức, cá nhân.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2020.
11. Luật Thư viện
Luật Thư viện được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc ở Việt Nam; khẳng định vai trò của thư viện trong phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục của đất nước, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập. Luật bao gồm 06 chương với 52 điều quy định về chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện và xã hội hóa hoạt động thư viện; thành lập và hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện.
Luật Thư viện năm 2019 được ban hành thay thế cho Pháp lệnh Thư viện năm 2000. So với Pháp lệnh, thì Luật này có những điểm mới như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện cộng đồng và thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam; quy định ngày 21/4 là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; quy định việc xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số là chức năng, nhiệm vụ của tất cả các loại hình thư viện; thực hiện liên thông là nguyên tắc hoạt động chung của cả thư viện công lập và thư viện ngoài công lập; đánh giá hoạt động thư viện định kỳ hàng năm.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.
Những điểm mới cơ bản của các luật, bộ luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8
Bộ luật Lao động với 17 chương, 220 điều, đã có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn, quan trọng, sẽ có khoảng 14 nghị định, 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 07 thông tư của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật
Bùi Huyền