Năm 1983, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được Bộ Đại học (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) phân công về Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp.
Buổi đầu tới nhận công tác, ông Viện trưởng kiêm Tổng biên tập phân công tôi làm việc ở bộ phận Tạp chí. Một hôm, sau khi trao đổi công việc xong, ông Tổng biên tập - Nguyễn Văn Thảo hỏi tôi:
- Cậu có đọc Báo Nhân dân không?
Tôi đáp:
- Dạ, có ạ. (Lúc bấy giờ sách báo rất ít, chủ yếu là báo viết, chưa có báo mạng, chưa có máy tính thông dụng như bây giờ. Tài liệu tham khảo hàng ngày chủ yếu là Báo Nhân dân, thỉnh thoảng mới được đọc “Tin tham khảo” của Thông tấn xã Việt Nam. Tài liệu mật, dành riêng cho Vụ trưởng).
Ông lại hỏi tiếp:
- Đọc báo, cậu đọc trang, bài nào?
Tôi đáp:
- Dạ, cháu thường đọc tin, bài ở trang 1 và trang 4 (thông thường các tin, bài ở trang 1 và trang 4 Báo Nhân dân hay đưa các tin về hiếu, hỉ, sự kiện thế giới và đăng nhiều ảnh đẹp; tin bài lại ngắn, dễ đọc).
Nghe tôi trả lời, trầm ngâm một lúc, ông nhìn tôi và nói tiếp:
- Cậu còn trẻ, đường đi phía trước còn dài. Muốn trở thành nhà báo, nhà nghiên cứu hay bất kỳ nhà gì đi nữa với đúng nghĩa của nó, thì cậu phải đọc mục “Xã luận”, phải đọc Tạp chí Cộng sản và phải biết tiếng Anh.
Nghe ông nói, tôi buồn cười, nhưng cố nén, không dám cười to. Trong đầu tôi xuất hiện ý nghĩ: “Có lẽ ông này lẩm cẩm, chắc do tuổi tác. Ai sức đâu mà đọc “Xã luận”. Nội dung thì khô khan, câu văn thì lên gân, lên cốt. Còn học tiếng Anh ư, cần gì. Tiếng Nga - Tiếng nói của Lênin mình đã đọc thông, viết thạo. Thế là quá đủ”. Tôi đáp chiếu lệ:
- Vâng ạ.
Theo thời gian, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông, chúng tôi bắt tay vào xây dựng tờ tạp chí (lúc bấy giờ ra 2 tháng một số), in bằng giấy đen, màu chủ đạo là đen trắng, chưa có ảnh màu đẹp như bây giờ.
Cho dù gặp muôn vàn khó khăn, nhưng phải thừa nhận thời kỳ ông Nguyễn Văn Thảo làm Tổng biên tập, Tạp chí đã có những đóng góp xuất sắc cho Ngành Tư pháp cũng như cho nền khoa học pháp lý non trẻ nước nhà. Tạp chí Pháp chế XHCN đã có vị trí xứng đáng trong làng báo chí Cách mạng Việt Nam. Anh em phóng viên, biên tập viên chúng tôi rất tự tin, tự hào giới thiệu mình là người của Tạp chí với bất kỳ cơ quan, tổ chức nào từ Trung ương tới địa phương và với bất kỳ cơ quan báo bạn nào, kể cả Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Đài Truyền hình hay Đài Tiếng nói Việt Nam…
Sự tự tin, tự hào của anh em chúng tôi trong quá trình tác nghiệp báo chí là có cơ sở, không ai có thể phủ nhận. Bởi ngay vào những năm đầu của thập kỷ 80 thế kỷ trước, khi cả nước vẫn chìm sâu trong cơ chế quản lý kinh tế tập trung bao cấp, theo sự chỉ đạo của Tổng biên tập, tôi đã đến gặp ông Chế Viết Tấn - Nguyên Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị ông viết bài cho Tạp chí. Bài của ông có tựa đề: “Pháp luật và việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế”, được Tổng biên tập duyệt, đăng trong số 1/1988. Sau khi phát hành, bài viết đã gây tiếng vang lớn đối với các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý kinh tế - nhất là ở các tỉnh phía Nam và các nhà nghiên cứu luật học trong cả nước. Bài viết đề cập nhiều thuật ngữ, nhiều tư tưởng rất mới (thú thực khi đọc, bản thân tôi cũng không hiểu vì chưa được học, chưa thấy ai nói như các thuật ngữ: “Hình thái thương mại thực thể”; “Hình thái thương mại vô hình”... Bài viết này đăng trên Tạp chí đã góp phần không nhỏ về mặt khoa học vào công cuộc đổi mới của Đảng, chuyển nền kinh tế nước nhà từ tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Tạp chí còn đăng bài của nhiều học giả hàng đầu trên các lĩnh vực khác nhau của cả nước như bài “Mấy suy nghĩ về chiến lược xây dựng pháp luật Việt Nam” (số 1/1988) của nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Phan Hiền; “Một số biện pháp nhằm đảm bảo nguyên tắc: Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập, chỉ tuân theo pháp luật” (số 4/1988) của nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Đông ; “Bàn về pháp trị và đức trị” (số 1/1988) của Giáo sư Vũ Khiêu; “Về công bằng xã hội” (số 1/1988) của Giáo sư Trần Quốc Vượng; “Tranh luận tại phiên tòa” (số 3/1988) của Giáo sư Nguyễn Ngọc Minh; “Dân chủ và pháp chế” (số 5 + 6/1988) của Giáo sư Hoàng Văn Hảo; “Pháp luật và chính trị” (số 2/1988) của Luật gia Phạm Đình Tân; “Một số ý kiến về giám định pháp y” (số 4/1988) của Giáo sư Nguyễn Như Bằng; “Pháp y học trong đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm” (số 5 + 6/1988) của GS. TSKH Châu Diệu Ái; “Tư duy pháp lý và vấn đề đổi mới” (số 3/1988) của PGS. TS, Hà Hùng Cường ...
Tư tưởng nội dung, cách thể hiện trong các bài viết của các học giả trên Tạp chí dù đã trải qua trên dưới 30 năm, nhưng vẫn là những bài nghiên cứu mẫu mực để các thế hệ trẻ noi theo, là nền tảng lý luận cơ bản, quan trọng của khoa học pháp lý hiện nay.
Để chuẩn bị cơ sở khoa học cho tiến trình cải cách tư pháp, trong thời gian khá dài, Tạp chí đã mở chuyên mục “Trao đổi về việc thỉnh thị và duyệt án”. Chuyên mục đã thu hút được khối lượng đông đảo bạn đọc tham gia như: Vũ Khắc Xương, Ngô Cường, Nguyễn Bá Kim, Hữu Chánh… công tác tại Tòa án nhân dân tối cao; Khuất Văn Nga, Vũ Đức Khiển (Viện kiểm sát nhân dân tối cao); Nguyễn Trọng Nghĩa (Toà án nhân dân tỉnh Đắc Lắc); Huỳnh Ngọc Chi (Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh)... Sau khi kết thúc chuyên mục, Tạp chí đã có quan điểm chính thức về những hệ lụy của việc duyệt và thỉnh thị án (đăng trên số 4 + 5/1988) như:
+ Hạn chế quyền độc lập khi xét xử của thẩm phán và hội thẩm nhân dân đã ghi trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân;
+ Kìm hãm, không phát huy trình độ chuyên môn, tạo sức ì trong tư duy, ỉ lại trông chờ vào cấp trên của thẩm phán;
+ Không sát thực tiễn (nhiều tình tiết mới nảy sinh trong phiên tòa xét xử nhưng thẩm phán thụ động, không dám quyết định khác với ý kiến đã cho trước);
+ Hội thẩm nhân dân trở thành hình thức, luật sư bị vô hiệu hóa, bị cáo bị dồn ép, thiếu bình đẳng; bị cáo, bị đơn ngại kháng án vì biết đã có mức án trước;
+ Thẩm phán xét xử ít quan tâm tới ý kiến của Viện kiểm sát; Viện kiểm sát ngại kháng nghị vì biết đã có ý kiến của lãnh đạo;
+ Gây trì trệ, tốn kém tiền của vô ích, đôi khi tạo ra sự nghi ngờ, mâu thuẫn trong nội bộ hoặc cấp dưới với cấp trên;
+ Do thụ động, ỉ lại và nhiều khi do trình độ yếu, Tòa án đã hợp lý hóa những sai lầm của cơ quan điều tra, truy tố dẫn tới tình trạng xử oan, sai, bỏ sót tội phạm;
+ Tòa án cấp trên ngại sửa sai bản án, vì đó là ý kiến đã cho trước của mình. Do mất nhiều công sức vào việc “xét xử hộ cấp dưới”, nên nhiệm vụ chính của mình như tổng kết, hướng dẫn công tác xét xử, giám đốc lại các bản án có sai sót làm không kịp thời, để dây dưa, kéo dài. Hậu quả, uy tín của Tòa án bị giảm sút, pháp luật không phát huy được hiệu lực, tạo ra tâm lý coi thường pháp luật, sử dụng “luật rừng” để giải quyết tranh chấp trong nhân dân.
Quan điểm của Tạp chí về những hệ lụy của việc thỉnh thị và duyệt án, chắc chắn còn nguyên giá trị trong công cuộc cải cách tư pháp đang được tiến hành hiện nay ở nước ta.
Bên cạnh đó, Tạp chí còn có những bài đi sâu nghiên cứu nhằm giải quyết rành mạch mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan thông tấn báo chí, điển hình như bài “Đồng chí Chánh án Toà án nhân dân thị xã Bắc Ninh trả lời báo Tuần tin tức”. Bài báo đã phân tích cái sai do không nắm, không hiểu được pháp luật về tố tụng của nhóm phóng viên báo “Tuần tin tức” khi đưa tin hoạt động xét xử của Tòa án đã phê phán Hội đồng xét xử bỏ mặc mọi người ở phòng xử án, mà không hiểu Hội đồng xét xử phải vào phòng kín để nghị án trước khi tuyên án. Hay bài “Quyền nhà báo, kỷ luật phiên tòa và việc thu máy ghi âm của Tòa án Ba Đình - Hà Nội” (số 1/1990). Nội dung bài báo đã phân tích thẳng thắn, chỉ ra cái sai, cái đúng của Toà án nhân dân quận Ba Đình - Hà Nội và cái sai, cái đúng của tổ phóng viên báo “Giáo viên nhân dân” khi hoạt động đưa tin tại phiên tòa. Qua phân tích, bài báo đưa ra một số kiến nghị cụ thể nhằm đảm bảo cho báo chí hoạt động dân chủ, nhưng dứt khoát phải nằm trong khuôn khổ mà pháp luật đã quy định.
Có thể nói, những thành quả của Tạp chí nêu trên là chỗ dựa tin cậy, là nền tảng để anh em phóng viên, biên tập viên chúng tôi tự tin trong công tác và cũng từ đây, tạo được sự kính trọng, vị nể của các báo, tạp chí bạn. Trong thành quả này, không thể không nhắc đến đóng góp không nhỏ của Tổng biên tập Nguyễn Văn Thảo là người đã đào tạo ra những nhà báo chuyên viết về pháp luật, nhưng trong các tác phẩm báo chí của mình lại chứa đậm nét nhân bản. Tiêu biểu trong số đó phải kể tới nhà báo Lê Thu Hương, một cây bút đã cho ra đời những bài bình luận án sắc xảo, tạo sự nể trọng đối với không ít cán bộ trong Ngành Tòa án cũng như Ngành Tư pháp. Tiếp đến là nhà báo, nhà thơ Phùng Ngọc Đức với các bài đăng trên chuyên mục “Văn học pháp lý” của Tạp chí như “Tình con, tình mẹ”; “Cuộc truy bắt xuyên lục địa” (số 5/1990)… Với tài năng bẩm sinh, nhà báo họ Phùng đã đem đến cho bạn đọc những giây phút nghỉ ngơi cần thiết để tiếp tục chinh phục kho kiến thức pháp luật đồ sộ mà Tạp chí chuyển tải. Nhà báo - TS. Luật học Đặng Vũ Huân với các bài nghiên cứu sắc sảo, để đời như: “Mấy vấn đề pháp lý xung quanh vụ án nước hoa Thanh Hương”; “Ướp xác, luyện bùa - Hành vi nguy hiểm chưa được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự” (số 1/1991); cùng các truyện văn học pháp lý như: “Sợi dây oan trái” (số 1/1990); “Kẻ ngộ sát” (số 3/1991); phóng sự “Gặp người tù trở về”... Để rồi khi Tạp chí phát hành, tới tay bạn đọc, mọi người đều phải có những suy nghĩ, có cái nhìn khác về những người làm việc tại các cơ quan bảo vệ pháp luật. Họ là những người “cứng như thép, nhưng lại dẻo, uyển chuyển, mềm như thép”...
Riêng đối với cá nhân tôi, theo thời gian, tôi cũng lớn lên và già đi. Chẳng hiểu vô tình hay hữu ý, tôi cũng nghiện đọc “Xã luận” của Báo Nhân dân và Tạp chí Cộng sản. Có lẽ do áp lực công việc, buộc bản thân phải tìm hiểu để xử lý những vấn đề đã và đang đặt ra trong cuộc sống. Hay nói nôm na, để có thể gặp gỡ, tiếp chuyện được một cách bình đẳng với các cây đa, cây đề trong và ngoài ngành, với các nhà văn, nhà thơ, nhà báo tên tuổi, thì buộc mình phải có vốn kiến thức nhất định. Và mọi thứ mình cần đều đã được thể hiện một cách cô đọng, xúc tích trong các bài Xã luận, trong các bài nghiên cứu đăng trên Tạp chí Cộng sản. Đọc, đọc mãi rồi quen, đâm ra thích.
Cho tới khi thích đọc “Xã luận” của Báo Nhân dân, mới thấy thấm thía lời khuyên của Tổng biên tập khi tôi mới đi làm. Và rồi từ đó, bất kỳ trên các diễn đàn khoa học dù lớn, dù nhỏ. Từ các bục giảng lớn, sang trọng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Học viện Hành chính - Chính trị Quốc gia, Toà án nhân dân tối cao, ... tới bục giảng của các trường ở hầu hết 63 tỉnh, thành trong cả nước, sau khi kết thúc bài giảng về các chuyên đề của mình, tôi đều nhắc lại câu nói nhớ đời của ông Tổng biên tập Nguyễn Văn Thảo dặn tôi: “Để hiểu và nắm kỹ hơn nội dung các vấn đề nghiên cứu, đề nghị các đồng chí đọc “Xã luận” báo Nhân dân và Tạp chí Cộng sản”.
TS. Trần Nho Thìn