Thứ ba 01/07/2025 17:13
Email: danchuphapluat@moj.gov.vn
Hotline: 024.627.397.37 - 024.62.739.735

Những ngày không có mặt trời

Những ngày tháng mười, trời thường mưa dầm dề, ngày ngắn hơn đêm, ở xứ núi này, có khi cả tháng chẳng nhìn thấy mặt trời. Cả bầu không khí cứ âm u và ẩm ướt. Lẽ ra, hôm nay có trăng, nhưng trăng của tháng mười thường hay bị mây mù che khuất. Tôi bước vào nhà với bộ áo mưa dính đầy nước mưa và bùn đất, “vào nhanh kẻo lạnh!”.

Thời gian cứ qua đi, hai mươi mùa đông và cũng là hai mươi mùa xuân của hạnh phúc. Tôi nhớ nụ cười thẹn thùng của vợ trong ngày cưới vào mùa hạ, vợ mặc chiếc áo dài màu hồng mượn của cô bạn thân, tay cầm bó hoa mua rừng thay cho hoa hồng đỏ, không có khăn vành, tôi làm cho vợ một vòng hoa đồng nội, trông cô dâu của tôi đẹp hơn bất kì cô dâu nào khác trên cõi đời này. Tôi nhớ nụ cười pha những giọt nước mắt hạnh phúc của vợ khi đứa con gái đầu lòng của chúng tôi chào đời, chúng tôi đặt tên nó là Thu, bởi nó sinh ra vào mùa thu, mùa của trái chín thơm lừng. Gia đình nhỏ bé của chúng tôi đón chào đứa trẻ thứ hai vào mùa đông, khi mưa cũng giăng giăng kín đồng như hôm nay.

Khi mặt trời đem giấu ánh sáng vào chân mây ảm đạm, phải chăng đầu óc con người ta cũng trở nên đầy mộng mị. Chuyện xảy ra như một giấc mơ dài!

Mùa đông năm ấy, vợ tôi chuyển dạ sinh thằng cu Út, khi cái Thu giống tôi như đúc thì thằng Út có cái mũi tẹt y hệt mẹ nó, đôi mắt tròn xoe như nói với tôi rằng: “Con chẳng giống ba tẹo nào!”. Thằng con quý tử chẳng giống mình tôi cũng chẳng buồn, giống vợ tôi, thì càng dễ thương chứ sao. Tôi sung sướng vì vợ tôi đẻ khéo nhưng chưa được bao lâu, thì thằng Út đã biết hư hỏng, nó ốm triền miên và khóc đêm ròng ròng. Tôi lo lắng bao nhiêu, thì vợ tôi vất vả với nó gấp ngàn vạn lần. Cũng thật xấu hổ cho một người cha, người chồng như tôi, khi lại đi phân bì với một đứa trẻ, mà đó lại là con của mình. Trong mắt vợ tôi chỉ còn có con, vợ không rời nó nửa bước. Tôi cảm thấy mình bị bỏ rơi và xấu hổ. Trong lúc phòng lạnh đơn côi, tôi đã... phải lòng cô hàng xóm. Tôi trở thành người không chung thủy từ cái ngày sang nhà cô Hà bên hàng xóm giúp cô sửa lại mái tôn bị dột. Cơm nước xong, khi tôi ngà ngà say, cô kéo tay tôi bảo ở lại với cô thêm chút nữa. Thế là trong khoảnh khắc mùa đông bao trùm lên xứ núi, mang mưa dầm đổ lên các nẻo đường quê, có một vài tâm hồn trống vắng tìm thấy nhau, dù không thuộc về nhau, nhưng có lẽ họ đã không nghĩ suy được nhiều như thế. Tôi về nhà lúc một giờ sáng, vợ lo lắng hỏi: “Sao anh về trễ vậy?”. Tôi nhanh nhảu trả lời: “Anh chơi tú lơ khơ với mấy ông bạn cho vui ấy mà!”. Đó là lần đầu tiên tôi nói dối vợ. Thế rồi tôi tiếp tục nói dối vợ khi cô Hà tìm cớ nhờ tôi khi thì sửa chuồng gà, khi lại sửa giếng nước... Mỗi lần trở về, tôi thấy có chút tội lỗi với vợ, với con. Tôi ân cần với vợ hơn, lo cho con nhiều hơn, nhưng không biết tại sao, cứ cô hàng xóm gọi, là tôi lại đi mà không chút do dự.

Và những việc lén lút, không đường hoàng ấy có giấu đằng trời thì cũng bị lộ. Vợ tôi mở vách xông vào nhà cô Hà khi tôi đang say giấc nồng trong vòng tay cô ấy. Không la hét, không đánh đập hay khóc lóc ỉ ôi, vợ chỉ nhìn tôi, ánh mắt nhìn đau đớn, thất vọng xoáy vào tâm can tôi mà cho đến tận bây giờ, tôi cũng không thể nào quên được. Rồi vợ quay đi, chạy băng băng trong màn mưa. Đầu óc tôi rối bời, tôi chạy theo sau, nhưng không biết sẽ đối diện thế nào với vợ, với con.

Cái im lặng chết người bao trùm ngôi nhà nhỏ bé, chỉ có tiếng con Thu thỉnh thoảng hát ru em, giọng còn ngọng líu. Vợ tôi không nói, không rằng, không trách móc, chẳng xỉa xói như những người phụ nữ thường vẫn làm vậy. Vợ nựng con rồi cười nhạt, ánh mắt buồn xé nát trái tim tôi.

Sự việc cứ thế trôi qua, tôi không sang nhà cô hàng xóm nữa. Vì tôi chẳng muốn tiếp tục có lỗi với vợ con. Tôi vẫn tìm cơ hội để nói lời xin lỗi vợ và ước rằng, những mùa đông năm sau đừng lạnh lùng như mùa đông năm ấy.

Một năm trôi qua, thằng Út tròn một tuổi, nó cũng chẳng giống tôi tí nào. Mọi người đùa: “Không khéo lại là con hàng xóm mất!”. Vợ nhìn tôi bằng ánh mắt khó hiểu, vừa như oán trách, vừa như thách thức: “Là con hàng xóm thật mà, có phải con ba Minh đâu, Út nhỉ!”. Thằng nhỏ chưa hiểu gì, nghe mẹ nựng nó cười toe toét rồi huơ huơ tay tỏ vẻ vui mừng. Nhìn cảnh ấy tôi bực không chịu được. Vài lần như thế, tôi kéo vợ vào phòng và trách:

- Sao em cứ nói thế! Em phải nghĩ đến cảm nhận của anh chứ? Tại sao cứ bảo nó không phải con anh?

Vợ nhìn tôi, lại ánh mắt đầy thách thức:

- Tôi thích thế đấy! Sao khi anh gian díu với người khác, anh không nghĩ đến cảm nhận của tôi?

Tôi cứng họng chẳng nói được gì, là mình có lỗi trước thì phải nhịn như thế. Tôi cứ tưởng cô ấy đã bỏ qua cho tôi một lần trót dại và quên chuyện ấy rồi, nhưng cô ấy không hề quên, thỉnh thoảng bất đồng, vợ vẫn lôi chuyện tôi trăng hoa ra nhắc và dù có không phục cỡ nào tôi vẫn là người thua trong cuộc tranh luận bất đồng. Ôi phụ nữ! Thù dai kinh khủng!

Vợ mắc màn và lên giường, thao thức mãi, tôi cũng không sao ngủ được. Tôi ôm vợ ôn tồn:

- Em sao vậy? Sao không ngủ?

Vợ có điều gì khó nói, ấp úng rồi lại ngập ngừng:

- Em... có chuyện... muốn nói với anh!

- Ừ, em nói đi, sao mà nghe nghiêm trọng vậy?

Vợ tỏ vẻ như người có lỗi, rồi bắt đầu nói. Trong lời nói có sự ăn năn, hối hận, có giọt nước mắt, rồi tiếng khóc sụt sùi:

- Anh tha lỗi cho em, thật ra là thằng Út không phải con trai anh! Là em đã gian dối, là em đã phản bội anh...!

Lời vợ như sét đánh bên tai, nhìn thái độ của vợ chẳng có vẻ gì là đùa, nhưng tôi vẫn mong đó không phải là sự thật:

- Em đùa đấy à ? Đừng có mang chuyện này ra mà đùa!

- Không! Tất cả là sự thật, hai năm trước, mấy ngày anh đi làm bên Xóm Mới không về, em ở nhà vừa lạnh, vừa buồn, trống trải quá nên em... trót dại.

Trời ơi! Là vợ tôi đây sao? Là thật sao? Đồ phản bội! Tôi đẩy vợ ra và hét lên như một con thú bị sập bẫy. Hai nửa chiếc giường như hai nửa thế giới, nửa kia là vợ tôi lạnh ngắt đến đau lòng, còn nửa bên này tôi bốc khói ngùn ngụt, cột khói căm phẫn, giận dỗi và thất vọng. Tôi bị cắm sừng ư? Sao có thể? Tôi vò đầu bứt tóc rồi chạy thục mạng ra ngoài, trời tối đen, mưa vẫn dầm dề không ngớt.

Vợ chồng tôi thật sự lạnh lùng từ đó. Tôi chỉ biết làm việc và làm việc để tạm quên đi nỗi đau đớn bị phản bội và lừa dối, Thằng Út hươ hươ tay về phía tôi đòi bồng, tôi cũng muốn lại bồng nó lên, hôn hít vào cái má phúng phính thơm mùi sữa của nó như mọi khi tôi vẫn làm, nhưng mà tôi biết cái khoảng cách giữa tôi và nó là khá lớn. Giận vợ, tôi giận luôn đứa trẻ bé nhỏ ấy, vì nó không phải con tôi, tôi không thể nào yêu thương nó như yêu thương con của chính mình. Có lần nó tập đi, ngã trầy đầu gối, khóc thét lên và chảy máu, tôi cũng mặc kệ. Vợ rơm rớm nước mắt nhìn nó rồi nhìn tôi, tôi quay đi trốn tránh cái nhìn trên đôi mắt ướt của vợ. Vợ tôi đó mà xa xôi đến lạ, tôi ghét vợ, ghét như chưa bao giờ ghét ai hơn thế. Và mỗi lần có ai đùa “con hàng xóm” là tôi buồn, nỗi buồn của kẻ bị cắm sừng, nỗi buồn của kẻ bị lừa dối, thật không tài nào diễn tả nỗi.

Rồi thằng Út phải đi viện và phẫu thuật vì bị u lạ. Bác sĩ bảo nó còn nhỏ nên rất yếu, phải cần một lượng máu hỗ trợ nhưng vẫn chưa có máu cùng nhóm, Vợ tôi không cùng nhóm máu, con bé Thu thì quá nhỏ để làm việc này. Ai có thể làm được đây? Tất nhiên tôi nghĩ mình không thể. Vợ lo lắng đến mất ăn, mất ngủ, gầy rộc và xanh xao. Liệu có nên bảo vợ tìm cha ruột thằng Út hay không, tìm được cha nó thì nó sẽ được cứu, nhưng khác nào vạch áo cho người xem lưng, gia đình có cái mã bề ngoài hạnh phúc mà biết bao người ao ước như gia đình tôi sẽ phải giải thích như thế nào với hai bên nội ngoại, với bàn dân thiên hạ? Ôi cuộc đời! Sao mà éo le đến thế? Đang mải suy ngẫm với điếu thuốc cháy dang dở trên tay thì vợ tôi đến bên:

- Anh ra bệnh viện với em bây giờ để người ta kiểm tra máu, nếu được thì ngày mai họ tiến hành phẫu thuật cho cu Út nhé!

Vẫn còn rất giận chuyện bị cắm sừng, nhưng nghĩ đến thằng Út đang đau đớn với bệnh tình, dù không là cha ruột, tôi vẫn có tình người, vẫn lo lắng cho nó lắm.

- Tôi thì làm gì được, cô nên tìm cha ruột của nó! – Tôi vẫn giữ thái độ lạnh lùng, ngụ ý rằng tôi vẫn không quên, không bao giờ tha thứ cho lỗi lầm của vợ. Và cũng hy vọng rằng có người giúp chúng tôi sớm phẫu thuật cho thằng Út.

- Cha nó, anh là cha nó chứ ai nữa, anh bảo em tìm đâu ra một người cha khác?

- Là sao?

Vợ lấy vội mấy thứ cần thiết rồi kéo tay tôi đi ra cửa. Bàn tay vợ nắm tay tôi thật chặt. Hơi ấm ấy tôi đã cố tình né tránh bao lâu nay, bất giác cảm nhận lại, tôi hơi chột dạ. Chiếc Dream II nổ bành bạch vì ống bô bị hư đưa tôi và vợ ra bệnh viện. Vợ khóc thút thít sau lưng tôi:

- Em xin lỗi vì đã lừa anh, ngoài anh ra em chưa từng có một người đàn ông nào khác. Thằng Út chẳng có người cha nào khác cả. Em xin lỗi!

Gì cơ? Sao lại thay đổi xoành xoạch như thế, lúc nào là con tôi, lúc nào lại không phải, giờ lại là con tôi? Cô ấy có nói thật không hay lại mang tôi ra đùa bỡn? Cái người phụ nữ tôi gọi là vợ kia, sao cứ làm khổ tâm tôi thế này ? Nhưng nếu là sự thật thì tôi phải mừng mới đúng, mà tại sao vợ lại đem chuyện này ra mà hành hạ tôi suốt những tháng ngày qua ?

- Vì em rất đau khổ khi bị anh lừa dối, em chưa từng tha thứ cho anh, anh biết không? Em muốn anh cảm nhận được con người ta sẽ đau đớn thế nào khi người mình yêu thương nhất lại đi lừa dối mình... giờ thì anh biết rồi chứ.

Tim tôi tan chảy, nếu không phải chứng tỏ cho vợ thấy tôi là một thằng đàn ông cứng cỏi thì tôi cũng đã khóc cùng với vợ. Ôi vợ tôi! Khi người phụ nữ bị tổn thương vì bị người đàn ông của mình lừa dối, họ sẽ trả thù, bằng cách này hay cách khác, họ sẽ làm cho kẻ đó đau, đau thật đau. Và vợ tôi đã dùng cách này đây, người phụ nữ của tôi cũng thật là ghê gớm! Nhưng nhờ đó mà tôi hiểu được cái cảm giác đau khổ của người bị lừa dối, để hiểu vợ hơn, yêu vợ hơn và tự hứa với lòng sẽ không bao giờ làm gì có lỗi thêm lần nữa: Em... ác quá! – Cũng tại anh hết thôi! Vợ vòng tay ôm tôi, má vợ nóng hổi áp vào lưng tôi và tôi biết bao giận hờn, oán trách của vợ đã nguôi ngoai... Tôi cũng thế. Tôi chạy xe thật nhanh ra bệnh viện. Điều duy nhất mà chúng tôi cùng quan tâm giờ này là chữa trị cho thằng Út và cầu mong nó mau lớn, khỏe mạnh.

Ai đó đã nói rằng, thời gian không phải đơn giản là năm này nối tiếp năm kia, mùa này nối tiếp mùa kia, mà là những sự kiện xâu chuỗi cuộc đời. Tôi thấy lạnh khi những cơn gió đông luồn qua vách gỗ, vợ ôm tôi vào lòng, một thằng đàn ông ngoài bốn mươi tuổi cũng muốn được che chở trong vòng tay ấm để cảm thấy vững lòng. Không phải cái cảm giác ấm nồng như vòng tay của mẹ ôm tôi thuở thiếu thời, cũng không phải yêu thương trìu mến như vòng tay các con tôi, tôi chẳng biết phải diễn tả thế nào, chỉ biết rằng, chính vòng tay ấy đã ôm ấp tôi, sưởi ấm tôi và dìu tôi qua những mùa đông giá lạnh.

Tôi ngửi thấy mùi cơm chín nồng nàn, mùi thịt xào sả thơm lừng mà ngoài vợ tôi ra không ai làm ngon hơn thế. Khi cha con tôi còn trong chăn ấm thì vợ tôi đã dậy sớm trong cái lạnh se sắt của mùa đông để chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Thế mà đã có lúc tôi tưởng rằng, cái tổ ấm thân thương ấy sẽ vỡ tan như bong bóng chiều mưa xóm núi. Con người cũng lắm lúc mơ hồ, hạnh phúc ngay trước mặt mà cứ tìm kiếm ở đâu xa. Những ngày mùa đông không có mặt trời, nhưng có vợ con bên mình, tôi chẳng cần thêm mặt trời nào nữa

Thùy Dương

Bài liên quan

Tin bài có thể bạn quan tâm

Thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp - Thách thức từ chính sách thuế mới và giải pháp

Thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp - Thách thức từ chính sách thuế mới và giải pháp

Khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện mục tiêu phấn đấu có 02 triệu doanh nghiệp đến năm 2030 và 03 triệu doanh nghiệp đến năm 2045. Để chính sách phát huy hiệu quả cũng cần có những giải pháp để khắc phục những khó khăn, thách thức. Đây là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội và được các đại biểu Quốc hội chất vấn tại Phiên chất vấn về nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài chính diễn ra vào sáng ngày 19/6/2025.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tập trung xử lý những lĩnh vực mới phát sinh, đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn và đang có “khoảng trống” pháp lý

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tập trung xử lý những lĩnh vực mới phát sinh, đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn và đang có “khoảng trống” pháp lý

Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh tại phiên họp toàn thể tại Hội trường Quốc hội sáng ngày 25/6/2025 về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Với 435/435 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (đạt tỷ lệ 100% đại biểu tham gia biểu quyết), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam với nhiều quy định “mở”, góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển của đất nước

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam với nhiều quy định “mở”, góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển của đất nước

Sáng 24/6/2025, với 416/416 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (đạt tỷ lệ 100% đại biểu có mặt), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Vai trò của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong mô hình chính quyền địa phương hai cấp

Vai trò của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong mô hình chính quyền địa phương hai cấp

Ngày 16/6/2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật số 72/2025/QH15 (Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025) đã nâng tầm vị trí, vai trò, chức năng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo hướng chuyển đổi từ tư duy điều hành tập thể sang phát huy vai trò cá nhân, gắn với chế độ, trách nhiệm rõ ràng, cụ thể. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh không chỉ là người đứng đầu về mặt hành chính mà còn là hạt nhân điều hành, góp phần hiện thực hóa mô hình quản trị địa phương hiện đại.
Nhiều quy định "mở" để trao quyền chủ động cho chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn

Nhiều quy định "mở" để trao quyền chủ động cho chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn

Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh khi trao đổi với chúng tôi về 28 nghị định của Chính phủ về phân quyền, phân cấp; phân định thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương 02 cấp.
Phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp

Phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp

Ngày 11/6/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 120/2025/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp (Nghị định số 120/2025/NĐ-CP). Nghị định bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan; không để gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 01/7/2025 trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
Phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp

Phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp

Nhằm thể chế hoá đầy đủ quan điểm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phân quyền, phân cấp; bảo đảm việc triển khai nhiệm vụ được thông suốt, hiệu quả, kịp thời, cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, Chính phủ ban hành Nghị định số 121/2025/NĐ-CP quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp (Nghị định số 121/2025/NĐ-CP).
Cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế tư nhân bứt phá

Cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế tư nhân bứt phá

Kinh tế tư nhân chiếm hơn 70% cơ cấu kinh tế Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng quốc gia, tuy nhiên, khu vực này chưa phát triển tương xứng với tiềm năng do còn nhiều rào cản về thủ tục, chính sách và thiếu cơ chế phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp. Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển (Nghị quyết số 198/2025/QH15) và Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 17/5/2025 của Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 (Nghị quyết số 139/NQ-CP) với nhiều cơ chế, chính sách quan trọng sẽ góp phần “cởi trói”, tạo động lực để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới.
Quyết tâm mạnh mẽ bảo đảm quyền không bị tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục con người ở Việt Nam

Quyết tâm mạnh mẽ bảo đảm quyền không bị tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục con người ở Việt Nam

Việt Nam đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ và cam kết rõ ràng trong việc bảo vệ quyền không bị tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo. Quyết tâm này được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa kể từ khi Việt Nam gia nhập Công ước về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước UNCAT) vào năm 2015. Những nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm quyền này không chỉ thể hiện qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật mà còn qua việc triển khai các biện pháp hành chính, tư pháp và hợp tác quốc tế.
Xây dựng pháp luật thi hành án dân sự đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới

Xây dựng pháp luật thi hành án dân sự đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới

Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội khóa XII đã thông qua ngày 14/11/2008, được sửa đổi, bổ sung các năm 2014, 2018, 2020, 2022 (Luật Thi hành án dân sự). Sau gần 17 năm triển khai thực hiện, công tác thi hành án dân sự đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của đất nước.
Bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin là chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước

Bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin là chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước

Ở nước ta, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền được tiếp cận thông tin được ghi nhận cụ thể trong Hiến pháp, pháp luật. Cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam gia nhập nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương về vấn đề bảo vệ quyền con người. Trong đó quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin ngày càng được bảo đảm tốt hơn, thông qua quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia và quá trình nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao - Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, mang tính chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước

Phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao - Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, mang tính chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước

Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước. Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân cần có sự vào cuộc toàn diện của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp.
Nhiều chính sách mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025, kịp thời tháo gỡ khó khăn, “điểm nghẽn” về thể chế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Nhiều chính sách mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025, kịp thời tháo gỡ khó khăn, “điểm nghẽn” về thể chế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Từ ngày 01/7/2025, nhiều luật do Quốc hội khóa XV thông qua chính thức có hiệu lực thi hành với nhiều chính sách mới có tính đột phá, góp phần khơi thông “điểm nghẽn” về thể chế, tạo động lực phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, sẵn sàng đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Định hướng lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI của Chính phủ

Định hướng lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI của Chính phủ

Ngày 10/4/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 745/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Định hướng lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI của Chính phủ” (Đề án).
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh: Nỗ lực cao nhất để sớm đưa Cổng Pháp luật quốc gia phục vụ người dân và doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh: Nỗ lực cao nhất để sớm đưa Cổng Pháp luật quốc gia phục vụ người dân và doanh nghiệp

Sáng nay (31/5/2025), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương đã bấm nút khai trương Cổng Pháp luật quốc gia. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối vận hành Cổng Pháp luật quốc gia về nội dung này.

Theo dõi chúng tôi trên:

trung-nguyen
hanh-phuc
cong-ty-than-uong-bi
vien-khoa-hoac-cong-nghe-xay-dung
bao-chi-cm