1. Các vấn đề cơ bản về án lệ theo truyền thống dân luật
1.1. Quan niệm về án lệ trong truyền thống dân luật
Hệ thống dân luật được xem như hệ thống pháp luật của các nước có sự pháp điển hóa cao. Điều này có nghĩa là, trong những hệ thống pháp luật bị ảnh hưởng bởi truyền thống dân luật thì các bộ luật và các luật do Nghị viện ban hành là những nguồn pháp luật chính thức. Trong các hệ thống pháp luật dân luật, không có sự thể hiện chính thức học thuyết bắt buộc phải tuân theo án lệ như đã và đang tồn tại trong hệ thống các nước thông luật. Trong hệ thống dân luật, các Tòa án cấp dưới không chính thức bị ràng buộc bởi các quyết định của các Tòa án cấp trên[1]. Khái niệm án lệ gắn với những tiêu chí cơ bản để một bản án, quyết định của Tòa án có thể trở thành án lệ:
Thứ nhất, án lệ phải là bản án, quyết định của Tòa án, khi nhắc tới án lệ là nhắc tới bản án, quyết định cụ thể của Tòa án trong một vụ việc cụ thể. Án lệ do Tòa án tạo ra và không được tạo ra ngoài những tình huống, sự kiện có thực của một vụ án.
Thứ hai, án lệ là bản án, quyết định của Tòa án, nhưng không phải tất cả các Tòa án trong một hệ thống pháp luật đều có thẩm quyền tạo ra án lệ. Án lệ chỉ được tạo ra bởi các Tòa án cấp cao trong hệ thống Tòa án. Án lệ của Tòa án tối cao trong hệ thống Tòa án sẽ có giá trị hiệu lực cao nhất và có ảnh hưởng tới mọi Tòa án cấp dưới.
Thứ ba, không phải mọi bản án, quyết định của Tòa án cấp cao nhất trong hệ thống Tòa án (trừ các quyết định của Tòa án Hiến pháp) đều được coi là án lệ. Chỉ những bản án, quyết định của Tòa án cấp cao nhất có chứa đựng những giải pháp pháp luật, những câu hỏi phức tạp về pháp luật đã được giải đáp trong một bản án, quyết định của Tòa án cụ thể trong một vụ việc cụ thể mới được coi là án lệ.
Thứ tư, trong hệ thống pháp luật của các nước theo hệ thống dân luật thì án lệ được coi là nguồn luật bổ trợ có giá trị tham khảo cho các thẩm phán áp dụng pháp luật thống nhất. Trong các hệ thống pháp luật Pháp, Đức thì sự tham khảo các án lệ của Tòa án cấp tối cao là một hoạt động thường xuyên và cần thiết của các Tòa án cấp dưới.
Thứ năm, trong mối quan hệ với luật do cơ quan lập pháp ban hành thì án lệ có hiệu lực thấp hơn. Đây là một đặc điểm nền tảng và tối quan trọng khi tiếp cận với khái niệm về án lệ trong bất kỳ hệ thống pháp luật nào trên thế giới. Trong hệ thống dân luật thì điều này dễ dàng nhận thấy khi mà nội dung các quyết định xét xử của Tòa án đều được tuyên trên cơ sở căn cứ các quy định pháp luật chứ không phải dựa trên căn cứ duy nhất là án lệ. Án lệ trong hệ thống dân luật chỉ là nguồn luật bổ sung, giải thích làm tăng tính thuyết phục và rõ ràng trong các quyết định của Tòa án.
Thứ sáu, án lệ có thể bị bãi bỏ bởi luật do cơ quan lập pháp ban hành và có thể bị bãi bỏ bởi chính Tòa án đã ban hành ra án lệ (Tòa án cấp dưới không thể bãi bỏ án lệ của Tòa án cấp trên). Án lệ bị bãi bỏ khi bị chứng minh rằng án lệ sai, không phù hợp với thực tiễn và cản trở đến sự phát triển của pháp luật.
1.2. Các điều kiện hình thành án lệ của Tòa án tối cao trong hệ thống dân luật
Các quốc gia thuộc hệ thống dân luật tiêu biểu như Đức, Pháp về cơ bản đều có điều kiện hình thành án lệ tương tự nhau do cùng ghi nhận luật thành văn là nguồn luật chính. Theo đó, các điều kiện hình thành án lệ bao gồm:
Thứ nhất, khi văn bản ở dạng khung không rõ ràng. Pháp luật của Pháp hay Đức được biết đến như là một hệ thống dân luật. Tuy nhiên, văn bản thường đưa ra những khái niệm ở dạng “khung” (chưa cụ thể) và Tòa án địa phương có thể áp dụng hay không áp dụng khái niệm này vào một hoàn cảnh cụ thể. Nhằm thống nhất áp dụng pháp luật cho hoàn cảnh cụ thể trong đời sống (xảy ra tương tự trước các Tòa án địa phương khác nhau), Tòa án tối cao Pháp thường phải can thiệp theo thủ tục giám đốc thẩm và đưa ra các phán quyết của mình nhằm thống nhất áp dụng pháp luật trên toàn lãnh thổ Pháp, tạo tâm lý an toàn cho người dân. Những phán quyết này đã thực chất tạo ra án lệ của Tòa án tối cao Pháp[2].
Thứ hai, khi văn bản pháp luật không có quy định điều chỉnh. Ở Pháp, Nghị viện và Chính phủ hàng năm ban hành nhiều văn bản pháp luật để điều chỉnh các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, rất nhiều vấn đề pháp lý phát sinh cần phải giải quyết nhưng chưa được văn bản điều chỉnh. Đối với những hoàn cảnh như vậy, Tòa án tối cao Pháp thường xuyên can thiệp và thiết lập án lệ thông qua các quyết định giám đốc thẩm của mình.
Thứ ba, khi các văn bản lạc hậu, cứng nhắc so với đòi hỏi khách quan của xã hội. Ở Pháp, khi xây dựng văn bản, các nhà làm luật thường chỉ quan tâm tới những vấn đề phổ biến phát sinh trong đời sống. Thực tế cho thấy, không hiếm quy định trong văn bản phù hợp với đa số trường hợp nhưng lại không tương thích với một vài hoàn cảnh cụ thể. Trước những trường hợp như vậy, đôi khi Tòa án tối cao Pháp đã phải giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm và tạo ra ngoại lệ.
Thứ tư, ngoài các điều kiện trên, nhu cầu giải thích pháp luật cũng là một điều kiện đưa đến sự ra đời của án lệ, đây chính là nét đặc trưng của pháp luật Đức. Tòa án tối cao Liên bang Đức đóng vai trò tích cực trong việc giải thích các quy định của Bộ luật Dân sự Đức 1990. Bằng cách này, Tòa án đã tạo ra những án lệ có ảnh hưởng đối với việc nhận thức và giải thích pháp luật của các Tòa án cấp dưới ở Đức. Bộ luật Dân sự Đức mặc dù đã được xây dựng rất công phu, tuy nhiên, nó đã lộ ra nhiều bất cập và có những khoảng trống cần được bổ sung khi áp dụng nó đối với các vụ việc cụ thể.
1.3. Cách thức xây dựng án lệ trong các nước thuộc hệ thống dân luật
Các án lệ của Pháp được người quan tâm biết đến chủ yếu về nội dung. Ít ai biết cách thức Tòa án tối cao Pháp thể hiện án lệ của mình trong quyết định giám đốc thẩm như thế nào. Đối với một vấn đề pháp lý, quyết định giám đốc thẩm của Tòa án tối cao được coi là án lệ thường trải qua quy trình sau:
Thứ nhất, Tòa án tối cao Pháp đưa vào quyết định giám đốc thẩm một nội dung giống như một quy định trong văn bản pháp luật, nội dung này có đối tượng điều chỉnh rất chung, không giới hạn ở vụ việc mà Tòa án tối cao đang giải quyết.
Thứ hai, Tòa án tối cao Pháp nêu lại những gì Tòa án địa phương đã làm. Việc nêu lại này hoàn toàn là sự tường thuật khách quan, không có bất kỳ ý kiến, quan điểm hay bình luận nào về vụ án.
Thứ ba, Tòa án tối cao Pháp đối chiếu những gì Tòa thượng thẩm làm với nội dung nêu trong bước thứ nhất và cuối cùng đưa ra kết luận của mình về giải pháp của Tòa thượng thẩm.
Kết quả của quá trình này sẽ cho ra đời một án lệ và giá trị của nó chỉ có tính tham khảo đối với Tòa án cấp dưới. Như vậy, so với các nước thông luật thì quy trình xây dựng án lệ ở Pháp đơn giản hơn rất nhiều, nó không phải trải qua giai đoạn tranh luận, bác bỏ hay ủng hộ án lệ. Chỉ cần có sự kết luận của Tòa án tối cao Pháp thì các kết luận đó sẽ có giá trị án lệ. Và đương nhiên, giá trị áp dụng của các án lệ ở các nước theo hệ thống dân luật không mang tính bắt buộc như ở các nước theo hệ thống thông luật.
2. Kinh nghiệm áp dụng án lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay
2.1. Vị trí của án lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam
Thứ nhất, án lệ của Việt Nam dường như không tuân theo nguyên tắc của án lệ theo truyền thống thông luật (state decisis) mà theo nguyên tắc của án lệ ở Pháp (jurisprudence constant), nơi mà án lệ chủ yếu được hình thành dựa trên sự tôn trọng và dựa trên giá trị thuyết phục của bản án trong việc giải thích, bổ sung và sữa chữa những bất cập của văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, án lệ của Việt Nam không phải là nguồn pháp luật chủ đạo mà là nguồn pháp luật bổ trợ. Phân tích quy định về án lệ trong các luật và bộ luật có liên quan, đặc biệt là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có thể thấy rằng, án lệ không phải là một loại văn bản quy phạm pháp luật, không chứa đựng các quy phạm mà là một loại nguồn bổ trợ nhằm giải thích các quy phạm pháp luật, trong đó thể hiện quan điểm về việc nhận thức ý nghĩa và nội dung các quy phạm pháp luật cũng như đưa ra các giải pháp pháp lý cho những trường hợp cụ thể.
Quyết định số 74/QĐ-TANDTC ngày 31/10/2012 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phê duyệt Đề án “Phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao” (Quyết định số 74/QĐ-TANDTC) đã nêu rõ mối quan hệ giữa án lệ và văn bản quy phạm pháp luật như sau: Việc sử dụng án lệ chỉ được coi là thứ yếu, sau văn bản quy phạm pháp luật và không phải là nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; việc áp dụng án lệ nhằm định hướng cho Tòa án các cấp áp dụng pháp luật thống nhất, chính xác, giải quyết vụ việc khi không có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật điều chỉnh. Khi các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành những văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những vấn đề được án lệ giải quyết trước đó thì án lệ không được áp dụng nữa mà phải áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.
Như vậy, có thể thấy, vị trí của án lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam cũng có những điểm tương đồng với án lệ ở các nước theo truyền thống dân luật. Ở các nước thuộc hệ thống dân luật, luật thành văn cũng đóng vai trò chủ đạo, án lệ chỉ là một nguồn luật thứ yếu đóng vai trò bổ trợ và không có giá trị bắt buộc. Trong mối quan hệ với luật do cơ quan lập pháp ban hành thì án lệ luôn có hiệu lực thấp hơn. Đây là một đặc điểm nền tảng khi tiếp cận với khái niệm về án lệ ở các nước theo truyền thống dân luật.
2.2. Các điều kiện để một bản án trở thành án lệ
Một là, bản án phải chứa đựng sự giải thích, lập luận cho một hoặc một số các văn bản quy phạm pháp luật về một vấn đề pháp lý đặt ra chưa được văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật đề cập hoặc đề cập còn chung chung, thiếu tính cụ thể hoặc có mâu thuẫn. Đây chính là hoạt động giải thích pháp luật của Tòa án thông qua việc áp dụng các phương pháp đặc thù của khoa học pháp lý, đặc biệt là các phương pháp tư duy logic nhằm tìm ra các quy tắc thật sự “ẩn chứa” sau những câu chữ trừu tượng, đa nghĩa hoặc khó hiểu[3].
Hai là, bản án phải có tính chuẩn mực. Để một bản án trở thành hình mẫu để các bản án khác noi theo, bản án đó cần có sức thuyết phục trong lập luận của Tòa khi giải quyết các vấn đề pháp lý. Tính thuyết phục này xuất phát từ các lập luận chặt chẽ, logic, súc tích của Tòa, trong các giải pháp mà Tòa án đưa ra khi giải quyết các vấn đề pháp lý bằng việc giải thích và áp dụng các quy tắc của luật thành văn.
Ba là, bản án phải có giá trị “hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”. Tiêu chí này dường như hướng tới mục đích của việc lựa chọn một bản án để trở thành án lệ hơn là hướng tới tiêu chuẩn của một bản án để trở thành án lệ. Quyết định số 74/QĐ-TANDTC khẳng định: Việc phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao nhằm nâng cao chất lượng của bản án, quyết định của Ngành Tòa án nói chung, góp phần đảm bảo việc áp dụng pháp luật đúng, thống nhất, từ đó đảm bảo sự bình đẳng của mọi tổ chức và công dân trước pháp luật.
Bốn là, bản án phải được thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố. Các tiêu chí này hướng tới các yêu cầu về mặt thủ tục để một bản án trở thành án lệ. Để một bản án trở thành án lệ thì bản án đó phải trải qua quá trình lựa chọn và thông qua khắt khe bởi Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, sau khi đã trải qua các bước như: Rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ; lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất, xem xét ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ trước khi được công bố bởi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Như vậy, tương tự như các nước theo truyền thống dân luật, xuất phát từ nhu cầu giải thích cho sự không rõ ràng của các văn bản luật hay xuất phát từ sự thiếu hụt trong quá trình điều chỉnh của các văn bản luật chính là những điều kiện để hình thành án lệ. Tuy nhiên, để các bản án, quyết định trở thành án lệ, cần trải qua quy trình rà soát, phát hiện, đề xuất, lấy ý kiến, thông qua và công bố một cách chặt chẽ, rõ ràng. Có như thế thì án lệ mới thực sự có giá trị và phát huy được tối đa vai trò của nó.
2.3. Cách thức xây dựng án lệ ở Việt Nam hiện nay
Ở Việt Nam hiện nay, việc đề xuất xây dựng án lệ trên cơ sở quy định tại Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ (Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP). Theo đó:
Thứ nhất, Tòa án rà soát các bản án, quyết định hoặc các cá nhân, cơ quan, tổ chức gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí theo quy định cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ.
Thứ hai, trên cơ sở kết quả lấy ý kiến rộng rãi đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ. Hội đồng tư vấn án lệ có trách nhiệm thảo luận cho ý kiến đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ. Việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ được thực hiện thông qua phiên họp thảo luận trực tiếp hoặc bằng văn bản. Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ quyết định phương thức lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kết quả tư vấn.
Thứ ba, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để thảo luận, biểu quyết thông qua án lệ.
So với quy trình ban hành án lệ ở các nước theo truyền thống dân luật như Pháp, chỉ cần có sự kết luận của Tòa án tối cao Pháp thì các kết luận đó sẽ có giá trị án lệ, thì ở Việt Nam, việc ban hành án lệ phải trải qua quy trình phức tạp hơn trong đó là việc tranh luận, lấy ý kiến từ hội đồng tư vấn án lệ. Trong hệ thống pháp luật dân luật, án lệ không được coi là nguồn luật mang tính chính thức bắt buộc[4]. Vì vậy, các Tòa án không thể sử dụng án lệ làm cơ sở pháp lý độc lập để đưa ra phán quyết, quy trình ban hành án lệ theo đó cũng trở nên đơn giản hơn. Đối với Việt Nam, theo tinh thần của Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, thẩm phán có nghĩa vụ phải áp dụng án lệ khi vụ việc mình đang xét xử và án lệ có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau. Tuy nhiên, theo các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015, án lệ dường như chỉ được áp dụng sau khi các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định, không có tập quán được áp dụng, không thể áp dụng tương tự pháp luật và án lệ lúc này được áp dụng đồng thời với nguyên tắc cơ bản của pháp luật và lẽ công bằng, mà không phải dựa trên sự “tương tự” giữa án lệ và vụ án đang xét xử.
Tóm lại, Trong mối tương quan khi so sánh vị trí án lệ của Việt Nam so với các nước theo truyền thống dân luật có thể thấy được hai điểm chung quan trọng: (i) Thừa nhận vị trí ưu thế của luật thành văn trong thứ tự các nguồn của pháp luật; (ii) Vai trò trung tâm của Tòa án tối cao trong việc hình thành án lệ. Hai đặc điểm này là cơ sở quan trọng để xây dựng và phát triển mô hình án lệ mang nhiều đặc trưng của các nước theo truyền thống dân luật tại Việt Nam. Ghi nhận án lệ như một nguồn pháp luật vào hệ thống pháp luật Việt Nam hiện tại là một nhu cầu tất yếu, tuy nhiên, khi lựa chọn mô hình án lệ để áp dụng cần chú ý là giữa mô hình án lệ được lựa chọn và hệ thống pháp luật hiện tại cần tương thích và phù hợp. Vì vậy, việc nghiên cứu áp dụng án lệ ở các nước theo truyền thống dân luật và rút ra những bài học để rút kinh nghiệm và áp dụng cho Việt Nam là điều vô cùng cần thiết.
Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng