Sự kiện pháp lý được rất nhiều người quan tâm là việc khởi tố vụ án, bắt tạm giam ông Hoàng Thế Trung, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội và ông Trần Cao Bằng, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần ống sợi thủy tinh Vinaconex, vì hành vi “vi phạm quy định về xây dựng gây hiệu quả nghiêm trọng” được quy định trong Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Sở dĩ, sự kiện này được nhiều người quan tâm bởi nó xuất phát từ sự cố 10 lần vỡ ống nước sông Đà xảy ra liên tiếp, đẩy nhiều người dân Thủ đô rơi vào tình cảnh khốn khổ khi bị mất nước. Theo dõi một quá trình từ sự cố - thông tin - họp báo - xử lý, trong đó có những phát biểu của những người có trách nhiệm thì sự việc được lý giải vòng vo, đổ lỗi khách quan, không chịu trách nhiệm, khiến dư luận bức xúc. Mất nước đã bức xúc lắm rồi, nghe giải trình và cách xử lý lại càng bức xúc thêm. Vì vậy, khi những người chịu trách nhiệm về sự cố nghiêm trọng này bị bắt thì ít người tỏ thái độ đáng tiếc với các nhà kinh doanh này mà ngược lại, dư luận dường như đã chờ đợi ngày này từ lâu lắm rồi.
Đáng nói hơn cả là công trình này tiêu tốn của ngân sách 1.500 tỷ đồng và vào năm 2010 được trao “Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam” của Bộ Xây dựng. Cúp vàng chất lượng song hành với việc vỡ ống và lại mất hàng chục tỷ đồng bỏ ra để sửa chữa trong nỗi ấm ức của người dân, thì quả là một sự trớ trêu cho cả người trao và người nhận danh hiệu “cao quý” này!
Chữa cháy cho “chất lượng vàng”, một công trình đường ống khác song song được xây dựng và vẫn được trao “sứ mệnh” cho Vinaconex. Cuộc họp báo mới đây cho thấy, tình hình tiến triển cũng rất ì ạch, chậm tiến độ với lý do là không được trao “cơ chế đặc biệt”, ống gang dẻo đặt mua từ nước ngoài phải chờ... và tất nhiên, thùng, xô dự trữ nước của người dân Thủ đô trong mùa hè này vẫn là thứ thiết thân không thể thiếu.
Trở lại với công trình “chất lượng vàng”, Cục Giám định và quản lý chất lượng công trình giao thông - Bộ Giao thông vận tải cho ra kết quả là ống không đảm bảo chất lượng, là không có lót sàn bê tông khi đường ống đi qua cầu dân sinh. “Vàng” đã bị rút ruột chăng?
Có nhiều công trình xây dựng gây họa cho dân từ lúc đang thi công và sau khi đi vào sử dụng, to như công trình đường sắt trên cao tại Hà Nội, nhỏ như công trình cấp nước sạch ở miền núi và tai tiếng như công trình “chất lượng vàng” đang đề cập tại đây. Vấn đề là ở chỗ ngăn chặn từ trước khi “thảm họa” xảy ra chứ không phải chỉ là chuyện khởi tố vụ án. Không ai thích một ai phải vướng vòng lao lý, mà lạ thay khi nghe tin có người bị bắt thì dư luận lại tỏ ra hả hê. Nghịch lý này chấm dứt càng sớm, càng tốt cho xã hội chúng ta. Và có lẽ, nó bắt đầu bằng việc “giải mã” bằng phương pháp hình sự những việc làm vi phạm pháp luật, nhưng được “bảo hộ” bằng sự lý giải “đúng quy trình”.
Tiếp theo, ngày 11/5/2015, cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kết luận về vụ án “dùng nhục hình” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sóc Trăng, đề nghị truy tố 03 bị can gồm 02 cán bộ công an và 01 kiểm sát viên tỉnh này.
Trước đó, tháng 7/2013, một người lái xe ôm bị giết và cướp tài sản. Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, bắt giam 06 người về “tội giết người” và 1 nữ tiếp viên quán về “tội không tố giác tội phạm”. Mặc dù, các nghi phạm không thừa nhận việc họ giết người nhưng bị hai điều tra viên đánh đập ép họ phải nhận tội. Bất ngờ, vào tháng 11/2013, hai cô gái gây ra vụ việc trên đã đến Công an đầu thú. Sau khi xác minh, những người bị bắt giam oan được tự do và được đình chỉ điều tra. Viện kiểm sát tỉnh này đã bồi thường cho họ 500 triệu đồng.
Cùng với diễn biến của vụ oan sai này, sau khi được đình chỉ điều tra, những hành vi trái luật và tàn bạo mà các điều tra viên dùng như một biện pháp nghiệp vụ được đưa ra ánh sáng, ví dụ như: Treo nghi phạm lên cửa sổ, áp đá lạnh vào tinh hoàn...
Vụ án oan sai này từng làm chấn động dư luận và góp phần đẩy mạnh tiến trình lập pháp, nhằm hạn chế oan sai và nạn bức cung, nhục hình. Cùng với vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn, dư luận đòi hỏi phải xử lý nghiêm khắc những người coi thường pháp luật, lơ là trách nhiệm, bàng quan với sinh mạng con người đã gây nên những vụ oan sai này. Những người gây ra oan sai cho ông Chấn cũng đã bị khởi tố, gồm các điều tra viên, kiểm sát viên và cả thẩm phán chủ tọa phiên tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao.
Có điểm rất giống nhau ở hai vụ án oan sai nổi tiếng này, đó là việc ép cung, tra khảo của các điều tra viên, ép nhận tội đến cùng và những người bị oan chỉ thoát khỏi vòng lao lý khi thủ phạm đích thực đầu thú, những lời kêu oan của họ hầu như không được đếm xỉa.
Giờ đây, những người trực tiếp gây ra nỗi oan khiên đó phải đối diện với pháp luật và trả giá cho hành vi của mình. Song những việc mà họ gây ra để lại một hậu quả nặng nề, dài lâu cho những người bị oan, thân nhân, gia đình và cả cho xã hội nữa. Vấn đề là việc xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật, đạo đức và nhân cách của những người thừa hành pháp luật phải được điều chỉnh để hạn chế đến mức thấp nhất oan sai.
Cùng với việc khởi tố các vụ án mà hậu quả của nó gây ra không chỉ là những thiệt hại vật chất, tinh thần, mà còn làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh chế độ như việc bắt giam nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Eximbank Sài Gòn làm thiệt hại 160 tỷ. Dư luận đòi hỏi những vụ việc gây bức xúc trong nhân dân phải được xử lý bằng hình sự như: Việc chặt hạ cây xanh trên đường Nguyễn Trãi hoặc các công trình thi công ẩu gây tai họa hay những vụ làm thất thoát, lãng phí tiền của của nhân dân trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Bình Sơn
Ảnh (st)