Giám định viên kỹ thuật hình sự phải có chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ giám định ở chuyên ngành được đề nghị bổ nhiệm do Viện Khoa học hình sự hoặc cơ quan khoa học hình sự ở nước ngoài được công nhận tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về giáo dục và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập cấp.
Thông tư cũng quy định đối với những giám định viên kỹ thuật hình sự được bổ nhiệm trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà chuyên ngành học chưa phù hợp với chuyên ngành giám định đang thực hiện hoặc chưa có trình độ đại học theo chuyên ngành quy định thì được tiếp tục thực hiện công tác giám định (không phải bổ nhiệm lại hoặc miễn nhiệm) nhưng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực phải học tập để đảm bảo tiêu chuẩn giám định viên kỹ thuật hình sự (khoản 1 Điều 10).
Đối với những trường hợp có đủ tiêu chuẩn giám định viên kỹ thuật hình sự theo quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012 và Thông tư này, đã được bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà trong quyết định bổ nhiệm chưa ghi rõ chuyên ngành theo quy định thì phải ra quyết định bổ nhiệm lại cho phù hợp với chuyên ngành giám định kỹ thuật hình sự (khoản 2 Điều 10).
Thông tư ngày có hiệu lực kể từ ngày 22/9/2014. Theo hoản 2 Điều 10 nêu trên thì những trường hợp giám định viên kỹ thuật hình sự trước ngày 22/9/2014 mà trong quyết định bổ nhiệm chưa ghi rõ chuyên ngành theo quy định tại Điều 3; Điều 4 của Thông tư số 33/2014/TT-BCA thì phải bổ nhiệm lại cho phù hợp chuyên ngành kỹ thuật hình sự. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cho thấy có những vấn đề pháp lý sau và cách hiểu khác nhau:
Thứ nhất, trong Luật Giám định tư pháp năm 2012 và Nghị định 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp năm 2012 chỉ quy định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên không có quy định nào quy định về bổ nhiệm lại.
Như chúng ta đã biết Điều 7 Luật Giám định tư pháp quy định về tiêu chuẩn của giám định viên tư pháp. Theo đó, Luật vẫn giữ nguyên tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm như quy định của Pháp lệnh đối với giám định viên tư pháp trong các lĩnh vực văn hóa, tài chính, xây dựng…, cụ thể các tiêu chuẩn đó là: công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp. Người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp có thể là công chức, viên chức nhà nước hoặc cũng có thể là người hành nghề tự do.
Riêng đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì ngoài các tiêu chuẩn trên còn phải có chứng chỉ đã được bồi dưỡng nghiệp vụ giám định. Đây là quy định mới của Luật so với Pháp lệnh. Sở dĩ có quy định này vì: do đặc thù của hoạt động giám định tư pháp trong các lĩnh vực này là người có chuyên môn về y tế hay kỹ thuật hình sự cũng chưa thể thực hiện giám định được theo yêu cầu (ví dụ: khi có một vết thương trên một người, một bác sĩ bình thường thì chỉ quan tâm đến vết thương đó dài, rộng, nông, sâu như thế nào? còn giám định viên pháp y cần ngoài việc xác định dài, rộng, nông, sâu cần phải xác định vết thương đó do vật nào gây nên, cơ chế tổn thương như thế nào để làm cơ sở cho việc điều tra, giải quyết vụ án).
Một điểm nữa trong quy định của Luật về tiêu chuẩn của giám định viên pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự là: đối với người đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn chỉ cần từ đủ 03 năm trở lên (không phải 5 năm) cũng được xem xét bổ nhiệm giám định viên tư pháp.
Điều 10 Luật quy định rõ ràng hơn đối với trường hợp giám định viên tư pháp là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng có Quyết định nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí hoặc thôi việc. Đối với những trường hợp này, không thực hiện miễn nhiệm giám định viên tư pháp, trừ trường hợp họ có nguyên vọng xin thôi làm giám định viên, vì đây là những chuyên gia có kinh nghiệm, rất cần thiết cho hoạt động giám định tư pháp, nhất là trong điều kiện thiếu đội ngũ giám định viên như hiện nay, vì giám định viên kỹ thuật hình sự được bổ nhiệm suốt đời không theo nhiệm kỳ do vậy dùng cụm từ bổ nhiệm lại trong Thông tư số 33/2014/TT-BCA chưa thực sự chuẩn xác, quy định trong Thông tư chưa phù hợp với Luật Giám định tư pháp năm 2012.
Hiện tại, một số Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định bổ nhiệm lại (ghi trong phần trích yếu của Quyết định) giám định viên kỹ thuật hình sự thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh theo quy định khoản 2 Điều 10 Thông tư số 33/2014/TT-BCA trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh và Giám đốc Sở Tư pháp; một số Ủy ban nhân dân trả hồ sơ đề nghị làm rõ thành phần hồ sơ..
Thứ hai, mặc dù tại thời điểm ban hành Thông tư số 33/2014/TT-BCA thì Bộ trưởng được quy định thủ tục hành chính (theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 thì chỉ có Luật mới được quy định thủ tục hành chính). Tuy nhiên, khi quy định về bổ nhiệm lại Thông tư số 33/2014/TT-BCA cũng không quy định về trình tự giải quyết; thành phần hồ sơ; thời gian giải quyết; phí hoặc lệ phí, mẫu đơn... hay các trường hợp giám định viên kỹ thuật hình sự được cấp từ 02 chứng chỉ đào tạo chuyên ngành khác nhau trở lên thì khi bổ nhiệm lại thì ghi trong cùng một quyết định hay mỗi chuyên ngành phải ra một quyết định? Do vậy khi thực hiện việc bổ nhiệm lại giám định viên Kỹ thuật hình sự thuộc Phòng kỹ thuật công an các tỉnh, thành phố tại các địa phương không thống nhất, có địa phương yêu cầu thành phần hồ sơ bổ nhiệm lại như hồ sơ bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự lần đầu cụ thể: ngoài các văn bản quy định tại Điều 8 Luật Giám định tư pháp năm 2012 còn phải có các văn bản sau: Văn bản đề xuất của lãnh đạo phòng nơi người được đề nghị bổ nhiệm làm việc; Bản tự kiểm điểm của người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên trong thời gian giúp việc trong hoạt động giám định có nhận xét của phòng; 02 ảnh màu cỡ 2cm x 3cm. Có địa phương yêu cầu chỉ cần có Quyết định bổ nhiệm trước đây chưa ghi rõ chuyên ngành và có chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ giám định ở chuyên ngành được đề nghị bổ nhiệm.
Từ những bất cập trên rất cần quan tâm kịp thời của các cơ quan liên quan trong đó có Bộ Công an cần có hướng xử lý về vấn đề này. Theo ý kiến của cá nhân của tác giả trong trường hợp cụ thể này do sử dụng thuật ngữ không chuẩn xác dẫn đến cách hiểu khác nhau? cơ quan soạn thảo có thể lý giải rằng bổ nhiệm lại trong trường hợp này là bổ nhiệm lại là để thay thế quyết định ban đầu, chứ không phải “Bổ nhiệm lại” là việc người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo tiếp tục giữ chức vụ đang đảm nhiệm khi hết thời hạn bổ nhiệm” đối với trường hợp bổ nhiệm có thời hạn theo nhiệm kỳ. Như vậy để quy định trên được hiểu một cách thống nhất cần phải sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 10 Thông tư số 33/2014/TT-BCA cụm từ bổ nhiệm lại nên thay bằng cụm từ “Quyết định thay thế”; nếu quy định như vậy thì thành phần hồ sơ đề nghị được hiểu là chỉ cần có văn bản đề nghị của cơ quan sử dụng Giám định viên kỹ thuật hình sự, chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ giám định ở chuyên ngành và quyết định bổ nhiệm trước đây đã bổ nhiệm mà thôi.
Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 33/2014/TT-BCA cần được sửa đổi, bổ sung quy định như sau: “Đối với những trường hợp có đủ tiêu chuẩn giám định viên kỹ thuật hình sự theo quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012 và Thông tư này, đã được bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà trong quyết định bổ nhiệm chưa ghi rõ chuyên ngành theo quy định thì các cơ quan, đơn vị sử dụng giám định viên kỹ thuật hình sự đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định bổ nhiệm thay thế cho phù hợp với chuyên ngành giám định kỹ thuật hình sự”./.
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin khác
Một số vấn đề về Dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú
Hiện nay, công tác tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành tạm...
Một số bất cập về tham gia, hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Việc làm năm 2013 và kiến nghị hoàn thiện
Bài viết phân tích một số hạn chế, bất cập trong quy định của Luật Việc làm năm 2013 về việc tham gia và hưởng bảo hiểm thất nghiệp, từ đó, đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Xây dựng quy chế mẫu hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong kỷ nguyên mới của đất nước
Bài viết tập trung làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn xây dựng quy chế mẫu hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nước ta hiện nay, từ đó, đề xuất khung quy chế mẫu hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp - Thách thức đặt ra và một số giải pháp thực hiện
Trong xu thế hội nhập quốc tế, nguồn nhân lực có kỹ năng nghề phải đáp ứng yêu cầu, đòi...
Đơn giản hóa trình tự, thủ tục và đẩy mạnh giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài
Đây là chủ trương đã được luật hóa trong Luật Đầu tư công năm 2024 nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA.