Trong bài viết, tác giả Ngô Quỳnh Hoa đã đi sâu phân tích thực trạng nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Theo đó, ngoài những kết quả đạt được, tác giả cũng đã đề cập đến một số hạn chế, tồn tại cả về nội dung giáo dục và hình thức giáo dục. Từ những phân tích thực trạng, tác giả đã đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật cho người lao động, cụ thể: (i) Các giải pháp liên quan đến nội dung giáo dục pháp luật cho người lao động; (ii) Các giải pháp liên quan đến hình thức giáo dục pháp luật cho người lao động; (iii) Các giải pháp về nguồn lực đảm bảo.
Hiện nay nhu cầu có được thông tin pháp luật càng tỏ ra cần thiết đối với người lao động (NLĐ) trong doanh nghiệp, tình trạng thiếu hiểu biết pháp luật đã gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống cũng như trong các quan hệ lao động. Đa phần NLĐ trong doanh nghiệp chưa tạo được thói quen thực hiện và sử dụng quyền, nghĩa vụ pháp lý trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, dẫn đến dễ bị người khác lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ vi phạm pháp luật mà chính bản thân họ, do không hiểu biết pháp luật đã không tự bảo vệ được mình hoặc vi phạm pháp luật. Trong quan hệ lao động ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài, đặc biệt là quan hệ giữa người lao động với chủ sử dụng lao động có những nơi diễn biến phức tạp về các vụ việc liên quan đến vướng mắc về pháp luật. Nhiều chủ doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và những cam kết, thỏa thuận với người lao động, nhất là các quy định về hợp đồng lao động, tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, thời gian làm việc và nghỉ ngơi, điều kiện làm việc... Trong khi đó, người lao động cũng không nắm rõ các quyền và nghĩa vụ của mình trong các mối quan hệ lao động để đấu tranh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình. Bởi vậy, trong giai đoạn hiện nay, cần tổ chức tốt việc đưa pháp luật đến với NLĐ trong các doanh nghiệp thông qua hoạt động giáo dục pháp luật.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc giáo dục pháp luật (GDPL) là một trong những công đoạn hết sức quan trọng. Nó không chỉ giúp nâng cao ý thức pháp luật cho người dân, mà còn tạo ra khả năng hình thành những nhu cầu, tình cảm, những chuẩn mực mới, đồng thời, góp phần củng cố ý thức về nghĩa vụ, trách nhiệm đạo đức, ngăn chặn các biểu hiện xâm phạm lợi ích chính đáng của người khác, khuyến khích những hành vi hợp pháp và hợp đạo lý. Người đã từng nhắc nhở: “Việc công bố đạo luật chưa phải là đã xong, mà còn phải tuyên truyền, giáo dục lâu dài mới thực hiện được tốt”. Vì vậy, để pháp luật trở thành chuẩn mực về nhân cách trong xử sự của mỗi công dân nói chung và NLĐ nói riêng, một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường GDPL để giúp họ không những biết bảo vệ quyền lợi của bản thân, mà còn biết tôn trọng quyền của người khác, điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là phải lựa chọn nội dung và triển khai các hình thức GDPL phù hợp cho đối tượng này.
1. Thực trạng nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay
1.1. Những kết quả đạt được
1.1.1. Về nội dung giáo dục pháp luật cho người lao động
Trong thời gian qua, để công tác GDPL cho NLĐ đạt hiệu quả, việc xác định nội dung pháp luật luôn là vấn đề cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng. Theo Điều 7 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, GDPL cho NLĐ được thực hiện với các nhóm nội dung như: (i) Đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của NLĐ. Trong thời gian qua, các chủ thể thực hiện GDPL cho NLĐ đã quan tâm vấn đề này; đặc biệt, trong lựa chọn nội dung pháp luật phù hợp với nhu cầu của NLĐ hoặc nơi có các doanh nghiệp, NLĐ đang có điểm nóng về vi phạm pháp luật, có nhiều vướng mắc liên quan đến pháp luật; (ii) Phổ biến các quy định cơ bản về quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trong đó, tập trung phổ biến, giáo dục (PBGD) về các quy định của Hiến pháp, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Đất đai, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Giao thông đường bộ, các quy định pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội… Đây là những văn bản pháp luật liên quan đến người dân nói chung, gắn với quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. NLĐ trước khi hiểu biết về các quy định liên quan đến công việc của bản thân, cần có trách nhiệm nắm vững các quy định về quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được Hiến pháp và luật định; như vậy, họ mới có thể tham gia vào các quan hệ xã hội, các quan hệ pháp lý, biết cách bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình, của gia đình và xã hội; (iii) Phổ biến, giáo dục về các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến người lao động trong các doanh nghiệp, như Bộ luật Lao động với các quy định liên quan tới hợp đồng, tiền công, làm thêm giờ, thời giờ lao động, nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động, thỏa ước lao động tập thể, trợ cấp thất nghiệp, chế độ nghỉ ốm đau, thai sản, đình công, xuất khẩu lao động…); Luật Doanh nghiệp, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thuế thu nhập cá nhân, các văn bản có liên quan…
Việc xác định nội dung GDPL này dựa trên hai tiêu chí: Một là, dựa trên cơ sở đặc điểm của người lao động về trình độ học vấn, nhận thức, nghề nghiệp, đặc thù ngành nghề, điều kiện, hoàn cảnh sống; Hai là, dựa trên cơ sở khảo sát nhu cầu tìm hiểu pháp luật, những vướng mắc về pháp lý của NLĐ.
1.1.2. Về hình thức giáo dục pháp luật cho người lao động
Theo Điều 11 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, có 07 hình thức GDPL và có quy định: “Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác phù hợp với từng đối tượng cụ thể mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể áp dụng để bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đem lại hiệu quả”.
Trên thực tiễn, các hình thức khác theo Luật quy định rất phong phú và mang nhiều màu sắc của các địa phương, vùng miền thể hiện sự sáng tạo trong tư duy, cách thức tổ chức thực hiện. Hình thức thường được sử dụng triển khai GDPL cho NLĐ như: GDPL trong trường học; tuyên truyền trực tiếp (nói chuyện chuyên đề, hội nghị, tập huấn, các buổi giới thiệu văn bản pháp luật…); tư vấn pháp luật, đối thoại chính sách pháp luật, tài liệu pháp luật, bản tin pháp luật tại các văn phòng của doanh nghiệp, loa truyền thanh trong doanh nghiệp, thi tìm hiểu pháp luật, phương tiện thông tin đại chúng, cổng, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin… Mỗi hình thức sẽ được lựa chọn tiến hành phù hợp với nội dung, đối tượng, đặc điểm, điều kiện của NLĐ, điều kiện về kinh phí, nguồn lực con người… Theo thống kê chưa đầy đủ, riêng các cấp công đoàn đã tổ chức được 286.519 cuộc tuyên truyền trực tiếp, thu hút 23.000.524 lượt cán bộ công đoàn và công nhân lao động tham gia; tổ chức được 11.554 cuộc tư vấn tại doanh nghiệp, thu hút 488.078 lượt công nhân lao động tham gia; biên soạn và phát hành 11.848.556 loại tài liệu; tổ chức được 3.540 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút 1.284.769 lượt người tham gia; xây dựng được 14.757 tủ sách pháp luật; xây dựng được 2.538 tổ công nhân tự quản thu hút 207.552 công nhân tham gia[1]. Với việc xác định, nội dung, căn cứ vào các yếu tố đặc điểm, hoàn cảnh, trình độ, nhận thức, điều kiện của NLĐ và đầu tư nguồn lực con người, kinh phí, các điều kiện đảm bảo khác, trong thời gian qua công tác GDPL cho NLĐ đã có những chuyển biến tích cực. NLĐ đã có ý thức hơn trong việc tìm hiểu pháp luật, đã biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, ý thức trong tuân thủ pháp luật.
1.2. Những vấn đề còn hạn chế
1.2.1.Về nội dung giáo dục pháp luật cho người lao động
- Theo Điều 7 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, bên cạnh quy định nội dung phổ biến là các văn bản pháp luật, còn quy định phổ biến: “Ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật”. Tuy nhiên, trên thực tế, việc GDPL cho người lao động vẫn thường thiên về cung cấp thông tin pháp luật. Việc GDPL, vận động NLĐ tự giác tìm hiểu pháp luật, tuân thủ pháp luật còn hạn chế. Chính vì vậy, việc hình thành và phát triển ý thức pháp luật, củng cố niềm tin đối với pháp luật và hình thành lối sống theo pháp luật cho NLĐ chưa đạt được kết quả như mong muốn.
- Việc phổ biến pháp luật ngay từ khâu dự thảo có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc đưa dự thảo lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của văn bản, bên cạnh đó giới thiệu về dự thảo để người dân khi tiếp cận với dự thảo văn bản sẽ có cách hiểu đúng. Vấn đề này nếu thực hiện sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn khi văn bản đó được ban hành và tổ chức thực hiện đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, trong thời gian qua chưa tập trung thực hiện nhiệm vụ này.
- Nội dung pháp luật chưa theo kịp được các vấn đề nóng của xã hội, vấn đề dư luận quan tâm và cần định hướng dư luận, các vấn đề người dân, NLĐ đang vướng mắc về pháp luật, xảy ra nhiều tranh chấp và trở thành các điểm nóng…
1.2.2.Về hình thức giáo dục pháp luật cho người lao động
- Một số hình thức tổ chức GDPL cho NLĐ được lựa chọn chưa phù hợp với tính chất, đặc điểm của NLĐ về lứa tuổi, giới, nghề nghiệp, lĩnh vực lao động, loại hình doanh nghiệp, vùng miền… và nội dung cần phổ biến, GDPL.
- Hình thức GDPL chưa có nhiều đổi mới, chưa khắc phục được tính hình thức; việc đánh giá các hình thức, mô hình hiệu quả để nhân rộng còn chưa được chú trọng; ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác GDPL còn chậm, chưa đồng đều trên phạm vi cả nước...
2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả về nội dung và hình thức giáo dục pháp luật cho người lao động trong thời gian tới
2.1. Về nội dung giáo dục pháp luật cho người lao động
Thứ nhất, cần lựa chọn nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) phù hợp với tính chất, đặc điểm của NLĐ (trình độ nhận thức, hoàn cảnh sống, tâm lý, điều kiện kinh tế, thời gian, giới tính, lứa tuổi, khu vực, loại hình doanh nghiệp...). Nội dung PBGDPL cho NLĐ, trước hết phải xuất phát từ nhu cầu của bản thân, gia đình, cuộc sống của họ. Để có thông tin về nhu cầu tìm hiểu pháp luật của NLĐ, các chủ thể PBGDPL cần tiến hành khảo sát thực trạng và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của NLĐ, thông qua công tác quản lý nhà nước về PBGDPL và các kênh thông tin khác để lựa chọn nội dung PBGDPL phù hợp.
Thứ hai, kết hợp giữa PBGDPL những điểm mới, nội dung chính sách pháp luật được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; các quyền và lợi ích hợp pháp; các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm với hoạt động tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật, gắn với các tình huống, vụ việc pháp lý cụ thể dựa trên cơ sở nhu cầu của NLĐ để giáo dục kiến thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng lựa chọn cách xử sự phù hợp với pháp luật.
Thứ ba, việc PBGDPL cần được thực hiện ngay từ khâu dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nhằm trang bị những kiến thức nhất định, tránh việc các văn bản pháp luật mới được ban hành đã không tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Bên cạnh đó cần kết hợp giữa giáo dục kiến thức pháp luật và vận động, thuyết phục, xây dựng niềm tin, tình cảm của NLĐ đối với pháp luật, để từ đó nâng cao ý thức tìm hiểu, tuân thủ chấp hành pháp luật.
Thứ tư, đổi mới trong tư duy, cần PBGDPL theo hướng lấy NLĐ làm trung tâm, thực hiện PBGDPL về những nội dung NLĐ cần, chứ không phổ biến, giáo dục về những nội dung mà các chủ thể PBGDPL có. Đặc biệt, cần kịp thời nắm bắt các vấn đề nóng của NLĐ khi có vướng mắc về pháp luật để có thể tư vấn, cung cấp thông tin, tháo gỡ kịp thời.
Thứ năm, hàm lượng nội dung PBGDPL cần được thiết kế phù hợp với khả năng tiếp thu của NLĐ, tránh tình trạng quá tải kiến thức. Tăng cường việc theo dõi đánh giá hiệu quả PBGDPL thông qua đánh giá, tham khảo ý kiến nhận xét của NLĐ trước và sau các đợt PBGDPL.
2.2. Về hình thức giáo dục pháp luật cho người lao động
Một là, cần đa dạng hóa các hình thức GDPL, kết hợp các hình thức GDPL truyền thống như GDPL trong nhà trường, tuyên truyền trực tiếp, tài liệu pháp luật, phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, câu lạc bộ pháp luật… với các hình thức GDPL mới như đối thoại trực tuyến, thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, hỏi đáp pháp luật, giáo dục pháp luật trên cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong công tác này.
Hai là, thông qua các cuộc khảo sát, báo cáo, kiểm tra thực tế về thực trạng và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của NLĐ, thông qua phân tích các đặc điểm, điều kiện của NLĐ để các chủ thể lựa chọn hình thức PBGDPL phù hợp với NLĐ.
Ba là, phát huy các hình thức, mô hình hiệu quả trong GDPL cho người lao động như đối thoại chính sách, pháp luật, tư vấn pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền miệng, các hình thức GDPL có ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về GDPL cho NLĐ. Nghiên cứu, sử dụng mạng xã hội để tăng cường các hoạt động truyền thông, GDPL để phù hợp với nhu cầu của NLĐ, tạo sự lan tỏa, kịp thời thu thập thông tin, nắm bắt nhu cầu và phản ứng của dư luận để có định hướng tương tác, điều chỉnh hoạt động GDPL cho phù hợp.
2.3. Về các nguồn lực đảm bảo
Thứ nhất, cần tinh gọn, chuyên nghiệp hóa đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật theo hướng củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng; tách bạch nhiệm vụ giữa đội ngũ công chức thực hiện PBGDPL với đội ngũ tác nghiệp trực tiếp PBGDPL, đảm bảo không chồng lấn về nhiệm vụ, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của đội ngũ này. Định kỳ bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn, pháp chế, tư vấn viên pháp luật…; cung cấp tài liệu pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ GDPL cho đội ngũ này. Thu hút đội ngũ luật sư, luật gia, những người công tác trong ngành pháp luật tham gia GDPL cho NLĐ.
Thứ hai, từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, cần phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ những người thực hiện công tác GDPL. Ở các nước trên thế giới, đội ngũ thực hiện công tác này đều là những người, những chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật, họ là luật sư, thẩm phán… Vì vậy, Việt Nam muốn thực hiện hiệu quả công tác GDPL nói chung và cho người lao động nói riêng trong thời gian tới, cần xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên trách, kiêm nhiệm thực sự vững vàng, giỏi về kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ.
Thứ ba, cần có sự hài hòa về trách nhiệm GDPL cho NLĐ, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt xác định rõ vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, vấn đề này thuộc nội tại của từng doanh nghiệp. Vì vậy, đối với GDPL cho NLĐ, trước tiên là trách nhiệm của doanh nghiệp. Bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước, kinh phí từ doanh nghiệp và thu hút các nguồn kinh phí hợp pháp từ nhiều nguồn khác nhau trong xã hội tập trung GDPL cho NLĐ đi vào thực chất, hiệu quả.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
[1]. Báo cáo số 160-BC/ĐĐTLĐ ngày 14/8/2019 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW.