Lựa chọn chủ đề gì? Đặt giả thuyết nghiên cứu và tìm cách nào để đi đến đích hướng của bài viết? Phân chia dung lượng bài viết cho các luận điểm và lập luận như thế nào? Sử dụng ngôn ngữ, văn phạm sao cho chính xác, gọn gàng, dễ hiểu, dễ nhớ mà chuyển tải được ý tứ của người viết một cách hiệu quả nhất...? Đây là những vấn đề mà những người trẻ chúng tôi không được tập huấn một cách chính thức, nhưng chính qua mỗi lần viết bài và thảo luận với Ban Biên tập về việc sửa bài mà nó dần dần hình thành và trở thành kỹ năng tư duy. Người trẻ thì thường bồng bột và thích thể hiện ý tưởng bằng ngôn từ đao to búa lớn, thậm chí, đôi khi cố chấp trong bảo vệ quan điểm của mình. Mỗi lần được Ban Biên tập, nhất là Tổng biên tập Nguyễn Tất Viễn gọi lên trao đổi về việc sửa bài là một lần tôi học hỏi được rất nhiều, đó là những điều không có trong sách vở. Vị Tổng biên tập với cách biên tập kỹ lưỡng, cẩn trọng đến mức chi li đối với từng con chữ ấy đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc về sự mực thước và thái độ trân trọng đối với sản phẩm của người viết. Không áp đặt. Không dùng quyền biên tập khi chưa phân tích thấu đáo và thuyết phục tác giả về sự cần thiết phải thay chữ, đổi câu, chuyển ý. Không chấp nhận những sản phẩm nghiên cứu đính mác cá nhân, nhưng thực chất là sự pha loãng báo cáo hoặc cóp nhặt, biến báo ý tưởng, sản phẩm của người khác. Sâu xa hơn, tôi hiểu rằng, để có thể đưa ra những đề xuất biên tập có sức thuyết phục, không chỉ các anh, chị biên tập viên mà ngay cả Tổng biên tập đều phải đọc rất nhiều tài liệu, sử dụng nhiều kênh thông tin khác nhau để có thể nắm bắt và hòa mình vào luồng tư duy của tác giả. Thậm chí, có khi chỉ vì sự đầy đủ, chính xác của một trích dẫn mà Ban Biên tập phải mất nhiều công sức để tra cứu tài liệu thẩm định. Phong cách biên tập ấy giúp tôi sáng ra bài học “rèn chữ, rèn người”: Phải trân trọng, có ý thức và chịu trách nhiệm với từng con chữ của chính mình để mỗi sản phẩm được công bố phải mang dấu ấn và thể hiện tư duy cá nhân.
Nghề luật – công việc cày ải chữ nghĩa - người đi trước thường nhắc người đi sau: Trước khi có thể nói cho người khác nghe, phải đọc nhiều, nghe nhiều, nhìn nhiều và luyện viết. Viết cho tinh, cho sáng mới có thể nói đúng, nói khôn. Không phải là một cán bộ nghiên cứu chuyên nghiệp, nhưng từ quá trình cộng tác với Tạp chí, tôi dần trưởng thành hơn, có kinh nghiệm hơn trong việc chuyển tải suy nghĩ của mình bằng ngôn ngữ viết. Sau này, chuyển qua những công việc khác nhau, có thêm nhiều cách để thể hiện sản phẩm nghiên cứu của mình, nhưng các ấn phẩm Tạp chí Dân chủ và Pháp luật có bài viết được đăng, tôi vẫn luôn lưu giữ trên một góc giá sách. Đôi khi đọc lại bài viết của mình, nhận ra những điều đã thành lạc hậu, những điều cần phải suy nghĩ khác đi, nhưng vẫn vẹn nguyên cảm giác là chính mình. Với riêng tôi, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật chính là nơi thắp lửa cho những cán bộ tư pháp trẻ.
Hà Nội, tháng 11 năm 2012
ThS. Phạm Trọng Cường