Toàn cảnh cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Đặng Hoàng Oanh, Mai Lương Khôi và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Vụ Pháp luật hình sự - hành chính cho biết, trong bối cảnh triển khai chủ trương sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính, trên cơ sở rà soát và ý kiến của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính đã đề xuất một số nhóm nhiệm vụ cần được hướng dẫn và điều chỉnh thẩm quyền như sau: (i) trường hợp không còn tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính kiến nghị phần lớn nhiệm vụ của cấp huyện hiện tại sẽ được chuyển giao cho cấp xã, như các nhiệm vụ về hộ tịch, nuôi con nuôi. Một số nhiệm vụ mang tính chất điều phối chung sẽ được chuyển lên cấp tỉnh, những nhiệm vụ đặc thù gắn liền với sự tồn tại của cấp huyện cũng sẽ không còn; (ii) trường hợp sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã để hình thành đơn vị hành chính mới, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính nhận thấy cần có hướng dẫn cụ thể về phương thức thực hiện các nhiệm vụ sau khi sắp xếp, việc bảo đảm nguồn lực và cơ chế hoạt động, cũng như hướng dẫn địa phương trong việc đề xuất các chương trình phát triển ở các cấp hành chính; (iii) Vụ Pháp luật hình sự - hành chính đã tiến hành rà soát và đề xuất việc phân cấp nhiệm vụ và quyền hạn từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tư pháp cho các tỉnh. Trong đó, cần xác định rõ những nhiệm vụ hiện đang do các cơ quan Trung ương đảm nhiệm và đề xuất phân cấp cho cấp tỉnh, đi kèm với quy trình, thủ tục thực hiện mới và các điều kiện đảm bảo về nguồn lực, cũng như đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành nếu cần thiết.
Đại diện Vụ Pháp luật hình sự - hành chính phát biểu tại cuộc họp.
Trong quá trình lấy ý kiến, nhiều đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã phản ánh một số khó khăn như chưa rõ ràng về chức năng quản lý nhà nước hoặc chưa đủ thẩm quyền để đưa ra kiến nghị cụ thể. Một số ý kiến cho rằng, nếu không có tổ chức chính thức tại địa phương thì sẽ không có cơ quan thực hiện dịch vụ công như cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục… Điều này đòi hỏi cần làm rõ các nhóm nhiệm vụ gắn với từng cấp hành chính, tránh để trống chức năng sau khi tổ chức kết thúc hoạt động.
Về hướng sửa đổi pháp luật, một số ý kiến cho rằng, cần đưa nội dung phân cấp, phân quyền vào nghị định hoặc nghị quyết của Chính phủ, trong đó cần quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện và điều kiện bảo đảm. Các đề xuất cũng bao gồm việc sửa đổi các quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Sở Tư pháp, quy trình chuyển giao dịch vụ từ cấp huyện lên cấp tỉnh và từ Trung ương về địa phương.
Một số nội dung đặc biệt như việc cấp phép thành lập tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam hoặc chi nhánh công ty luật nước ngoài, liên quan đến Luật Luật sư đang được đề xuất theo hai phương án: (i) giữ nguyên và tăng cường quản lý hành chính, hoặc (ii) sửa đổi toàn diện theo hướng phân cấp mạnh mẽ hơn cho địa phương. Đồng thời, đề xuất này cũng gắn với việc nâng cấp chất lượng công tác quản lý, yêu cầu sửa đổi cả Luật Luật sư và các văn bản liên quan.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trao đổi và làm rõ thêm nhiều vấn đề liên quan đến phân cấp, phân quyền và sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp, cụ thể:
Đại diện Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm và Bồi thường nhà nước phát biểu về khả năng có thể dẫn đến “hiểu nhầm” trong việc xác định trách nhiệm bồi thường nhà nước sau khi thực hiện chuyển giao nhiệm vụ giữa các cấp chính quyền. Theo đó, đại diện Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm và Bồi thường nhà nước cho biết, cơ quan nào thực hiện công vụ mà để xảy ra sai phạm thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm bồi thường, không phụ thuộc vào việc nhiệm vụ đó đã được phân cấp hay chuyển giao. Do đó, không đặt vấn đề sửa đổi thẩm quyền hay nội dung của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Đại diện Cục Bổ trợ tư pháp đề xuất một số nội dung quan trọng liên quan đến việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Cục Bổ trợ tư pháp lưu ý nội dung liên quan đến các tổ chức xã hội nghề nghiệp do Cục Bổ trợ tư pháp quản lý như Đoàn Luật sư và Hiệp hội Công chứng. Việc sáp nhập các địa phương có thể gây khó khăn trong việc tổ chức đại hội hoặc lựa chọn nhân sự chủ chốt của các hội này. Đối với Đoàn Luật sư, do quy trình tổ chức đại hội phức tạp và khác biệt giữa các tỉnh, Cục Bổ trợ tư pháp đề xuất hướng dẫn theo hướng chỉ định người đứng đầu lâm thời nhằm bảo đảm sự ổn định tổ chức và không ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức Đại hội Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Bên cạnh đó, Cục Bổ trợ tư pháp đề xuất giữ lại ở cấp Bộ thẩm quyền cấp phép cho tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam, bởi đây là lĩnh vực nhạy cảm, có yếu tố nước ngoài, cần bảo đảm kiểm soát chặt chẽ. Ngược lại, các lĩnh vực mang tính nghiệp vụ hành chính thông thường như trọng tài thương mại, hòa giải thương mại, đấu giá tài sản, công ty luật có thể phân cấp về cho Sở Tư pháp địa phương quản lý và cấp phép, nhằm tinh giản thủ tục và phù hợp với tính chất công việc.
Đại diện Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phát biểu tại cuộc họp.
Đại diện Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho biết hiện nay mới có Thông tư số 07/2020/TT-BTP ngày 21/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nhưng chưa có thông tư nào quy định cụ thể để phân định rõ ràng giữa thẩm quyền cấp huyện và cấp tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh cấp huyện đang được sắp xếp lại hoặc kết thúc hoạt động. Vì vậy, Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật kiến nghị bổ sung nhiệm vụ xây dựng thông tư liên quan đến phân định thẩm quyền nếu cần thiết sau quá trình rà soát.
Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo về chủ trương và theo tinh thần định hướng chung là phân cấp mạnh cho địa phương, đồng thời siết chặt cơ chế giám sát việc thực thi nhiệm vụ. Vụ Tổ chức cán bộ cho biết một số kết luận thanh tra gần đây liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ cũng như các vấn đề về lợi ích nhóm, do đó đề xuất cần rà soát kỹ, không để xảy ra sơ hở trong phân định thẩm quyền. Hiện Vụ Tổ chức cán bộ đang triển khai lấy ý kiến xây dựng thông tư thay thế Thông tư số 07/2020/TT-BTP ngày 21/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trong bối cảnh sắp xếp lại cấp huyện, thông tư mới cần tính toán đến việc quản lý trực tiếp đối tượng cấp xã theo Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, vì Nghị định số 45/2025/NĐ-CP ngày 28/2/2025 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hiện chỉ hướng dẫn đến cấp huyện trở lên.
Kết luật cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ghi nhận sự chủ động, nghiêm túc của các đơn vị trong việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực cụ thể, phù hợp với yêu cầu chung và hướng dẫn của Vụ Pháp luật hình sự - hành chính. Bộ trưởng cho biết, việc rà soát này không chỉ thể hiện tinh thần cải cách hành chính mà còn đặt nền móng cho việc tái cấu trúc bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Về công tác phối hợp liên bộ, Bộ trưởng giao Vụ Pháp luật hình sự - hành chính chủ trì soạn thảo công văn gửi Bộ Nội vụ, đề xuất định hướng và nội dung hướng dẫn về việc sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực tư pháp. Công văn này cần được xây dựng trên cơ sở tổng hợp đầy đủ ý kiến của các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ, trong đó phải làm rõ: (i) tổng số nhiệm vụ, quyền hạn hiện hành của cấp huyện trong lĩnh vực tư pháp; (ii) danh mục nhiệm vụ đề xuất chuyển giao xuống cấp xã, cấp tỉnh; (iii) những nhiệm vụ giữ lại ở cấp tỉnh hoặc được chuyển từ Bộ xuống địa phương; (iv) các thủ tục hành chính tương ứng đi kèm; (v) các nội dung liên quan đến phân cấp thẩm quyền từ Bộ Tư pháp xuống địa phương, gồm cả các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (nếu có). Bộ trưởng yêu cầu hoàn thành dự thảo công văn chậm nhất vào ngày 10/4/2025, bảo đảm kịp thời phục vụ công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ trong triển khai chủ trương chung.
Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận cuộc họp.
Đối với nhiệm vụ xây dựng Nghị định của Chính phủ về phân định thẩm quyền, Bộ trưởng giao Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật làm đầu mối thực hiện. Dự thảo Nghị định phải bám sát kết quả rà soát thực tiễn, đồng thời, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị chức năng có liên quan. Thời hạn hoàn thiện dự thảo là ngày 15/4, thể hiện quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức thực thi nhiệm vụ ở địa phương.
Liên quan đến việc xây dựng thông tư thay thế Thông tư số 07/2020/TT-BTP ngày 21/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng văn bản này không chỉ dừng lại ở việc sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của Sở Tư pháp mà còn phải bao quát toàn bộ các nhiệm vụ còn lại của Bộ sau khi thực hiện phân cấp cho địa phương. Thông tư cần hướng dẫn chi tiết về quy trình thực hiện nhiệm vụ, thủ tục hành chính, yêu cầu nghiệp vụ, tiêu chuẩn năng lực và các vấn đề kỹ thuật bảo đảm tính thống nhất, khả thi trong triển khai. Bộ trưởng giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì xây dựng thông tư, đồng thời, yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và Vụ Pháp luật hình sự - hành chính để bảo đảm tính đồng bộ giữa chính sách thể chế và tổ chức bộ máy.
Bộ trưởng khẳng định tinh thần chỉ đạo xuyên suốt là các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là các đơn vị có chức năng quản lý nhà nước cần “mạnh dạn” phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương, tránh tình trạng “ôm đồm” nhiệm vụ vượt quá chức năng, khả năng thực thi ở cấp Trung ương. Vai trò của Bộ Tư pháp cần tập trung vào công tác xây dựng thể chế, hoạch định chính sách, hướng dẫn, kiểm tra và giám sát, chứ không sa đà vào xử lý các vụ việc cụ thể ở địa phương. Công văn gửi Bộ Nội vụ và dự thảo Nghị định của Chính phủ về phân định thẩm quyền cần phản ánh đúng tinh thần này, coi đó là kim chỉ nam cho toàn bộ tiến trình đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành Tư pháp trong giai đoạn tới./.
Hoàng Trung