Năm 2005, Đạo luật về hòa giải trong vụ án hình sự và dân sự được ban hành (sau đây gọi tắt là Đạo luật) và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2006. Đạo luật về hòa giải trong vụ án hình sự và dân sự gồm 04 chương, 26 Mục, cụ thể: Chương 1 về Những quy định chung; Chương 2 về Thỏa thuận hòa giải và bồi thường chi phí; Chương 3 về Thủ tục hòa giải và Chương 4 về Các điều khoản khác.
1. Một số quy định cụ thể của Đạo luật về hòa giải trong vụ án hình sự của Phần Lan
1.1. Về phạm vi điều chỉnh
Đoạn 1 Mục 1 của Đạo luật này quy định về phạm vi điều chỉnh của hòa giải trong vụ án hình sự. Theo đó, hòa giải trong vụ án hình sự được hiểu là dịch vụ không thu phí, trong đó, nghi phạm và nạn nhân được tạo cơ hội để gặp riêng thông qua cơ quan hòa giải độc lập để trao đổi, thảo luận về thiệt hại vật chất và thiệt hại về tinh thần gây ra bởi nghi phạm trong vụ án và chủ động thỏa thuận về phương thức bồi thường thiệt hại.
1.2. Về các điều kiện chung để thực hiện việc hòa giải
Mục 2 Đạo luật quy định về các điều kiện chung để thực hiện việc hòa giải trong vụ án hình sự. Cụ thể, việc hòa giải được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, chỉ được thực hiện bởi các bên có tư cách pháp nhân và tự nguyện, thiện chí trong việc hòa giải và có khả năng hiểu được ý nghĩa của việc hòa giải và các giải pháp được đưa ra trong quá trình hòa giải. Trước khi các bên đồng ý hòa giải, các bên phải được giải thích về quyền của họ về hòa giải và địa chỉ của họ trong quá trình hòa giải. Các bên đều có quyền rút hòa giải tại bất cứ thời điểm nào của quá trình hòa giải.
Thứ hai, người chưa thành niên phải tự mình thể hiện sự nhất trí đối với việc hòa giải. Ngoài ra, việc tham dự của người chưa thành niên trong quá trình hòa giải yêu cầu phải có người giám hộ của người chưa thành niên đó hoặc người đại diện hợp pháp khác đồng ý với việc hòa giải. Người bị hạn chế năng lực hành vi có thể được tham gia quá trình hòa giải nếu người đó hiểu được ý nghĩa của vụ án và đưa ra ý kiến cá nhân để hòa giải.
1.3. Về thỏa thuận hòa giải và bồi thường chi phí
Chương 2 của Đạo luật quy định về thỏa thuận hòa giải và bồi thường chi phí. Theo đó, đối với việc hòa giải trong các vụ án hình sự và dân sự nói chung, Chính phủ giao thẩm quyền cho Bộ Y tế và Xã hội trong việc quản lý, giám sát và kiểm tra dịch vụ hòa giải. Đối với việc hòa giải trong vụ án hình sự, Chính phủ giao nhiệm vụ này cho Ủy ban Tư vấn về hòa giải trong vụ án hình sự với thời hạn là 03 năm kể từ ngày Chính phủ giao nhiệm vụ và nằm trong sự bảo trợ của Bộ Y tế và Xã hội. Đồng thời, nghĩa vụ cung cấp dịch vụ hòa giải được giao cho các chính quyền ở các tỉnh, thành phố thực hiện và phải bảo đảm việc hòa giải được thực hiện theo hình thức thống nhất tại tất cả các cơ quan trên địa phương.
Bên cạnh việc quy định về các cơ quan có thẩm quyền cung cấp dịch vụ hòa giải trong vụ án hình sự như đã nêu trên, Chương 2 của Đạo luật còn quy định về hình thức và nội dung của Hợp đồng hòa giải (Mục 9 của Đạo luật); yêu cầu về năng lực đối với người được giao thực hiện dịch vụ hòa giải (Mục 10 và 11 của Đạo luật); bồi thường chi phí cho ngân sách nhà nước (Mục 12 của Đạo luật).
1.4. Trình tự hòa giải
Trình tự, thủ tục hòa giải là một trong những nội dung quan trọng của Đạo luật, được quy định tại Chương 3 với 7 Mục, với các nội dung chính như sau:
- Bắt đầu việc hòa giải
Theo quy định tại Mục 13 của Đạo luật thì việc hòa giải được tiến hành với sự tham gia của nghi phạm, nạn nhân, công an hoặc người có thẩm quyền khởi tố hoặc cơ quan có thẩm quyền khác. Trường hợp nghi phạm hoặc nạn nhân là người chưa thành niên thì người giám hộ hoặc đại diện hợp pháp khác của họ có quyền tham gia hòa giải. Trường hợp phải có sự tham gia của người bị hạn chế năng lực hành vi thì người quản lý tài sản của họ cũng phải tham gia hòa giải. Tuy nhiên, chỉ công an hoặc người có thẩm quyền khởi tố có quyền tiến hành hòa giải trong trường hợp tội phạm có liên quan đến vi phạm được gây ra trực tiếp bởi vợ chồng, con cái, bố mẹ hoặc bởi những người có mối quan hệ thân thiết khác với họ. Khi công an và người có thẩm quyền khởi tố tiếp cận vụ án mà thấy rằng vụ án đủ yếu tố để hòa giải như đã nêu tại ý thứ nhất mục 2 của Đạo luật thì phải thông báo cho nghi phạm và nạn nhân của vụ án về khả năng hòa giải của vụ án, trừ trường hợp vụ án có liên quan đến vi phạm được gây ra trực tiếp bởi vợ chồng, con cái, bố mẹ hoặc bởi những người có mối quan hệ thân thiết khác với họ. Trường hợp nghi phạm hoặc nạn nhân của vụ án là người chưa thành niên thì thông báo về khả năng hòa giải phải được thông tin đến người giám hộ hoặc đại diện hợp pháp của họ. Đối với trường hợp vụ án có liên quan đến người bị hạn chế năng lực hành vi thì thông tin về khả năng hòa giải của vụ án phải được gửi đến đồng thời người bị hạn chế năng lực hành vi và người quản lý tài sản của người bị hạn chế năng lực hành vi.
- Về địa điểm hòa giải
Việc hòa giải phải được thực hiện tại một trong các địa điểm sau đây:
Thứ nhất, đề nghị có liên quan đến hòa giải sẽ được thực hiện tại cơ quan hòa giải nơi mà người đề nghị sinh sống, nơi đề nghị thực hiện hòa giải phải phù hợp để thực hiện việc hòa giải và phù hợp với điều kiện của các bên. Địa điểm hòa giải cũng có thể được thực hiện tại địa điểm mà vụ án diễn ra.
Thứ hai, các bên có quyền đề trình yêu cầu có liên quan đến hòa giải đến các cơ quan có thẩm quyền về hòa giải tại địa phương nơi họ cư trú. Khi cơ quan có thẩm quyền về hòa giải tại địa phương nhận được yêu cầu mà không giải quyết thì cơ quan đó có trách nhiệm chuyển ngay vụ án đó đến cơ quan có thẩm quyền hòa giải như đã nêu tại ý thứ nhất nêu trên.
Thứ ba, trường hợp không có sự thống nhất giữa cơ quan có thẩm quyền hòa giải về vấn đề quyết định cơ quan nào là cơ quan thực hiện hòa giải như đã nêu tại ý thứ nhất của mục này thì việc hòa giải sẽ được thực hiện tại cơ quan hòa giải mà cơ quan có thẩm quyền hòa giải tại địa phương về hòa giải quyết định, trừ trường hợp cơ quan hòa giải nằm trong cùng địa phương với cơ quan hòa giải tại địa phương. Trường hợp cơ quan hòa giải khác tỉnh với cơ quan có thẩm quyền hòa giải tại địa phương thì quyết định sẽ được đưa ra bởi Bộ Y tế và Xã hội.
- Xác minh các điều kiện để hòa giải và quyết định hòa giải
Trước khi quyết định bắt đầu hòa giải, cơ quan có thẩm quyền hòa giải phải bảo đảm rằng các điều kiện để hòa giải phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện chung để thực hiện việc hòa giải như đã nêu tại Mục 2 Phần I của bài viết này; đồng thời, phải phù hợp với vụ án được hòa giải. Nếu vụ án có liên quan đến vụ án dân sự thì cơ quan có thẩm quyền hòa giải phải đánh giá tính thiết thực của vụ án trong việc sử dụng cơ chế hòa giải. Người có thẩm quyền của cơ quan có thẩm quyền hòa giải sẽ quyết định việc có chấp nhận việc hòa giải hay không.
- Nghĩa vụ của cơ quan hòa giải trong việc quá trình hòa giải
Mục 16 của Đạo luật quy định cơ quan có thẩm quyền hòa giải khi xét thấy vụ việc có thể hòa giải theo quy định của Đạo luật, sẽ phải thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
Thứ nhất, chỉ định một hòa giải viên để tiến hành hòa giải. Người được chỉ định phải đáp ứng một số yêu cầu như có kinh nghiệm trong lĩnh vực được chỉ định hòa giải và cá nhân có tư cách phù hợp và không trái với các quy định về nhân thân quy định tại Đạo luật về Thủ tục hành chính (434/2003);
Thứ hai, trên cơ sở thỏa thuận của các bên, thu thập các hồ sơ cần thiết từ công an, cơ quan có thẩm quyền khác, Tòa án và các bên về việc hòa giải;
Thứ ba, bảo đảm việc dịch hoặc giải thích các nội dung hòa giải trong trường hợp bên tham gia hòa giải không hiểu được ngôn ngữ, thiểu năng về ngôn ngữ hoặc vì một lý do nào đó không hiểu được nội dung thảo luận trong quá trình hòa giải;
Thứ tư, sau khi hòa giải, thông báo cho công an và cơ quan có thẩm quyền về quá trình hòa giải, kết quả hòa giải, kể cả trong trường hợp có các điều khoản bảo mật.
- Nghĩa vụ của hòa giải viên
Đạo luật quy định cụ thể về các nghĩa vụ mà hòa giải viên phải thực hiện khi hòa giải vụ việc. Theo đó, Mục 18 của Đạo luật thì hòa giải viên có các nghĩa vụ: dàn xếp buổi hòa giải giữa các bên; không thành kiến và tôn trọng các bên khi tiến hành hòa giải; giúp các bên tìm được giải pháp thống nhất liên quan đến vụ việc để bồi thường thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần mà nạn nhân phải chịu bởi tội phạm; cung cấp thông tin tư vấn pháp lý cho các bên và các dịch vụ khác; soạn thảo văn bản thể hiện thỏa thuận giữa các bên trong quá trình hòa giải và xác nhận bằng chữ ký. Sau khi hòa giải, hòa giải viên có trách nhiệm trình báo cáo về kết quả của quá trình hòa giải đến cơ quan có thẩm quyền hòa giải tại địa phương.
1.5. Khởi kiện
Tại Chương 4 của Đạo luật quy định về việc giải quyết tranh chấp có liên quan đến các thỏa thuận hòa giải được thực hiện trong quá trình hòa giải và quyền khởi kiện. Theo đó, các tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng hòa giải đã được thực hiện theo Đạo luật thì được giải quyết tại Tòa hành chính như đã được quy định trong Đạo luật về tố tụng tư pháp hành chính của Phần Lan (586/1996). Quyền khởi kiện đối với quyết định của cơ quan chính quyền địa phương hoặc Bộ Y tế và Xã hội theo quy định về khoản 3 Mục 14 của Đạo luật, như đã nêu tại ý thứ ba mục 3.2 phần I của bài nghiên cứu này, hoặc hòa giải tại các cơ quan theo quy định của Đạo luật thì Tòa hành chính có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Đạo luật về tố tụng tư pháp hành chính của Phần Lan. Như vậy, theo quy định về khởi kiện và quyền khởi kiện, các bên tham gia hòa giải đều có quyền khởi kiện đối với thỏa thuận hòa giải được thực hiện trong quá trình hòa giải cũng như văn bản thể hiện ý chí của việc hòa giải giữa các bên. Đồng thời, Đạo luật cũng cho phép các cơ quan có thẩm quyền hòa giải được phép tiếp cận các tài liệu cần thiết để thực hiện việc hòa giải từ công an hoặc người có thẩm quyền khởi tố và tòa án.
2. Quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về hòa giải tại cộng đồng và đề xuất kiến nghị hoàn thiện
BLHS năm 2015 có 02 điều quy định về nội dung này là các căn cứ miễn trách nhiệm hình sự (Điều 29) và hòa giải tại cộng đồng (Điều 94). Để có thể thực hiện chế định này trong thực tiễn, tác giả cho rằng cần thiết phải nghiên cứu, hoàn thiện một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, Điều 92 BLHS năm 2015 quy định điều kiện áp dụng là “người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp này”. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, để bảo đảm tính khả thi, ngoài điều kiện nêu trên, cần bổ sung thêm một điều kiện là “có sự đồng ý của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ”. Kinh nghiệm nước ngoài cũng quy định điều kiện để hòa giải là có sự đồng ý từ các bên (Mục 2 Đạo luật hòa giải vụ án hình sự tại Phần Lan).
Thứ hai, còn tồn tại sự chưa thống nhất giữa quy định tại Điều 91 và Điều 94 BLHS năm 2015. Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 94 BLHS năm 2015 quy định “người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng” được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng. Tuy nhiên, tại điểm a khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015 lại loại trừ một số tội không áp dụng biện pháp này như tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác (Điều 134), tội hiếp dâm (Điều 141)… Do đó, để thống nhất với quy định tại khoản 2 Điều 91, tác giả cho rằng, cần chỉnh lý lại điểm a khoản 1 Điều 94 theo hướng “Ḥa giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường hợp sau đây: a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trong quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này”.
Thứ ba, cân nhắc bổ sung quy định về thời điểm tổ chức hòa giải tại cộng đồng. Khoản 2 Điều 94 BLHS năm 2015 quy định “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự”. Để xác định rõ thời điểm biện pháp hòa giải tại cộng đồng được thực hiện, tác giả cho rằng, cần quy định bổ sung “sau khi có quyết định miễn trách nhiệm hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức hòa giải tại cộng đồng”.
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin khác
Một số vấn đề về Dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú
Hiện nay, công tác tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành tạm...
Một số bất cập về tham gia, hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Việc làm năm 2013 và kiến nghị hoàn thiện
Bài viết phân tích một số hạn chế, bất cập trong quy định của Luật Việc làm năm 2013 về việc tham gia và hưởng bảo hiểm thất nghiệp, từ đó, đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Xây dựng quy chế mẫu hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong kỷ nguyên mới của đất nước
Bài viết tập trung làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn xây dựng quy chế mẫu hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nước ta hiện nay, từ đó, đề xuất khung quy chế mẫu hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp - Thách thức đặt ra và một số giải pháp thực hiện
Trong xu thế hội nhập quốc tế, nguồn nhân lực có kỹ năng nghề phải đáp ứng yêu cầu, đòi...
Đơn giản hóa trình tự, thủ tục và đẩy mạnh giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài
Đây là chủ trương đã được luật hóa trong Luật Đầu tư công năm 2024 nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA.