Trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau thì việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Để thực hiện được yêu cầu này, Nhà nước ta đã thực hiện chủ trương đổi mới tổ chức, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước và kết quả là doanh nghiệp nhà nước đã xuất hiện dưới nhiều loại hình khác nhau như: Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên là Nhà nước, công ty cổ phần có cổ phần chi phối của nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có phần vốn góp chi phối của Nhà nước, tổng công ty nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước. Các doanh nghiệp này, trên thực tế đã tạo thành một bộ phận vô cùng quan trong của nền kinh tế quốc dân, là lực lượng vật chất to lớn giúp Nhà nước giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội phức tạp của đất nước trong thời gian qua. Đồng thời với việc tổ chức lại các doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước ta cũng đã quan tâm nhiều đến việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về các loại hình doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Kết quả cho thấy, bước đầu đã thiết lập được một khung pháp lý tương đối đồng bộ theo hướng tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước nước với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; hoàn thiện cơ chế quản lý, cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước, xác định quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp theo hướng Nhà nước chỉ thực hiện các quyền và nghĩa vụ như các chủ đầu tư, chủ sở hữu vốn góp vào doanh nghiệp giống như các chủ đầu tư, chủ sở hữu vốn thuộc các thành phần kinh tế khác.
Trước ngày 01/7/2010, các công ty nhà nước được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003. Căn cứ vào quy định của Luật này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn như: Nghị định số 180/2004/NĐ-CP ngày 28/10/2004 về thành lập mới, tổ chức lại và giải thể công ty nhà nước, Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 05/02/2009 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp khác, Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/3/2010 của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên...
Bên cạnh khung pháp lý chung là các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành ban hành đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước, Thủ tướng Chính phủ còn ban hành các quyết định thành lập và phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của từng tập đoàn kinh tế nhà nước. Các bản điều lệ được phê duyệt này cũng được coi là một bộ phận cấu thành của pháp luật về doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, kể từ ngày 01/7/2010, các công ty nhà nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 đã phải chuyển đổi sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005. Hậu quả là nhiều quy định trong các văn bản pháp luật nêu trên đã không còn được áp dụng nữa vì không còn đối tượng điều chỉnh là công ty nhà nước.
Hiện nay, đối với những công ty nhà nước đã chuyển đổi sang mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì, công tác quản lý của chủ sở hữu nhà nước được thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Nghị định số 25/2010/NĐ-CP. Đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước, thì vẫn tạm thời vận dụng một số quy định của Nghị định số 111/2007/NĐ-CP và Nghị định số 101/2009/NĐ-CP. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Văn bản số 1626/TTg-ĐMDN ngày 13/09/2010 để hướng dẫn các tập đoàn kinh tế nhà nước áp dụng quy định tại Nghị định số 101/2009/NĐ-CP ngày 05/11/2009 của Chính phủ về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước.
Như trên đã phân tích, việc chuyển đổi các công ty nhà nước sang hoạt động theo một môi trường pháp lý bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, việc chuyển đổi các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã dẫn đến một số bất cập trong việc điều chỉnh pháp lý đối với việc quản lý và sử dụng tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước. Các công ty nhà nước chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đã không còn chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp nhà nước và Nghị định số 09/2009/NĐ-CP, Nghị định số 132/2005/NĐ-CP... nhưng do chưa có văn bản thay thế kịp thời nên cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp đều gặp khó khăn, lúng túng trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh.
Qua nghiên cứu, có thể thấy khung pháp luật điều chỉnh doanh nghiệp nhà nước còn một số hạn chế sau đây:
Thứ nhất, các vấn đề phát sinh trong việc tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp còn chịu sự điều chỉnh của các văn bản dưới luật. Luật Doanh nghiệp năm 2005 không thể bao quát toàn bộ những vấn đề cần điều chỉnh về doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước. Vì vậy, sau khi Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 hết hiệu lực, thì yêu cầu đặt ra là phải có một văn bản ở tầm luật để điều chỉnh các vấn đề đặc thù này nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp nhà nước có một cơ sở pháp lý tốt hơn, đầy đủ hơn để hoạt động một cách có hiệu quả hơn.
Thứ hai, nhiều quy định điều chỉnh việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp còn sơ sài, chưa đầy đủ, đặc biệt là đối với các tổng công ty và tập đoàn kinh tế. Hậu quả là, nhiều vấn đề phát sinh trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước này không có pháp luật để điều chỉnh hoặc điều chỉnh không đến nơi đến chốn. Việc quản lý, giám sát đối với tập đoàn kinh tế nhà nước cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cho đến nay, mới có 2 văn bản điều chỉnh các vấn đề liên quan trực tiếp đến quản lý, giám sát việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước là Nghị định số 101/2009/NĐ-CP ngày 05/11/2009 của Chính phủ về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước và Quyết định số 224/2006/QĐ-TTg ngày 26/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Theo Nghị định số 101/2009/NĐ-CP, cần ban hành quy chế quản lý, giám sát, đánh giá đối với tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó quy định đầy đủ, chi tiết về các tiêu chí cũng như trình tự đánh giá, xếp hạng hàng năm đối với tập đoàn kinh tế nhà nước, hội đồng quản trị, tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc, kế toán trưởng của công ty mẹ tập đoàn kinh tế nhà nước vì Quyết định 224/2006/QĐ-TTg đã không còn phù hợp. Tuy nhiên, đến nay, các quy chế này vẫn chưa được ban hành, vì vậy, chưa có đủ cơ sở pháp lý để quản lý, giám sát, bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu là Nhà nước trong các tập đoàn kinh tế nhà nước. Trên thực tế, việc thực hiện công tác quản lý, giám sát đối với các vấn đề cụ thể như về ngành nghề kinh doanh chính, về thực hiện các nhiệm vụ mà chủ sở hữu giao cho hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, kiểm soát viên,... còn gặp rất nhiều khó khăn.
Về công khai tài chính của doanh nghiệp nhà nước, mặc dù pháp luật có quy định nhưng còn chung chung, chưa cụ thể về nội dung tài chính, hình thức, phương tiện, đối tượng cần công khai.
Thứ ba, nội dung của nhiều quy định còn chưa hợp lý. Chẳng hạn, Nghị định số 07/1999/NĐ-CP ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước và công khai tài chính ở doanh nghiệp nhà nước và Nghị định số 87/2007/NĐ-CP về Quy chế thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn đều giới hạn việc công khai tài chính (kết quả kiểm toán và báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp) cho các đối tượng trong nội bộ doanh nghiệp, như vậy, các bên có liên quan ở bên ngoài doanh nghiệp không thể tiếp cận các thông tin này để thực hiện quyền giám sát của mình. Rõ ràng, đây là một quy định bất hợp lý, cần phải được khắc phục.
Thứ tư, vẫn còn không ít quy định có nội dung không thống nhất, mâu thuẫn với nhau. Ví dụ, Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Nghị định số 25/2005/NĐ-CP quy định nguyên tắc Nhà nước thực hiện thống nhất và tập trung các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu về vốn và mỗi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chỉ có một tổ chức được phân công, phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước. Trong thực tế, điều lệ của các công ty mẹ (phê duyệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) và Nghị định số 101/2009/NĐ-CP lại quy định quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước được phân công, phân cấp cho nhiều chủ thể thực hiện (Thủ tướng Chính phủ, bộ chức năng, bộ quản lý ngành,...).
Nghị định số 141/2007/NĐ-CP quy định thành viên hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, tổng giám đốc công ty mẹ hưởng chế độ lương, thưởng theo năm trong khi đó, Nghị định số 101/2009/NĐ-CP lại quy định các chức danh này được hưởng chế độ lương và thưởng theo nhiệm kỳ, còn Nghị định số 25/2010/NĐ-CP lại quy định các chức danh này được hưởng chế độ tiền lương theo năm và tiền thưởng theo nhiệm kỳ. Quy định không nhất quán này không những gây khó khăn, mà còn gây ra sự tuỳ tiện trong quá trình tổ chức thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng trong các doanh nghiệp nhà nước.
2. Một vài kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước
Trong bối cảnh Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 hết hiệu lực và doanh nghiệp nhà nước chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, pháp luật điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cần phải được khẩn trương hoàn thiện theo những định hướng cơ bản sau đây:
2.1. Hoàn thiện khung pháp lý đối với tập đoàn kinh tế nhà nước
Như phần trên đã phân tích, khung pháp lý đối với tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay còn nhiều hạn chế. Để hoàn thiện khung pháp lý này, cần sớm tổng kết việc thí điểm thành lập, tổ chức hoạt động và quản lý của tập đoàn kinh tế nhà nước theo Nghị định số 101/2009/NĐ-CP. Trước mắt, Chính phủ nên tạm ngừng việc thành lập mới các tập đoàn kinh tế nhà nước và tiếp tục chấn chỉnh tổ chức, hoạt động của các tập đoàn đã được thành lập. Bên cạnh các công việc mang tính chất tổ chức này, cần đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật theo hướng:
Một là, ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 101/2009/NĐ-CP về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó, tập trung điều chỉnh quan hệ tài chính của tập đoàn, các quan hệ về chuyển vốn, chuyển lãi, chuyển lỗ giữa tập đoàn và các công ty con; giữa các công ty con với nhau. Thay đổi tư duy và đổi mới cách thức quản lý, giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước cho phù hợp với mô hình tập đoàn (là một thực thể kinh doanh gồm nhiều doanh nghiệp, nhiều pháp nhân độc lập với nhiều tầng nấc, quan hệ khác nhau giữa mẹ - con – cháu - chắt và kinh doanh đa ngành). Xác định rõ những vấn đề Nhà nước cần quản lý như vốn nhà nước nên giao đến cấp nào, Nhà nước quản đến đâu... để tháo gỡ và xử lý một cách có hiệu quả các lúng túng, vướng mắc phát sinh trong thời gian qua.
Hai là, cần sớm ban hành nghị định về giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước với tư cách là một nhóm các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân hình thành dựa trên quan hệ công ty mẹ - công ty con. Nghị định này phải quy định cụ thể cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát các tập đoàn; xác định các căn cứ để giám sát.
Ba là, ban hành chuẩn mực kế toán; các biểu mẫu báo cáo như báo cáo tài chính hợp nhất, báo cáo tổng hợp kết quả kinh doanh, báo cáo tổng hợp tình hình đầu tư, báo cáo tổng hợp công tác quản lý, điều hành của các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Bốn là, ban hành quy chế quản trị tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó có chế độ công khai thông tin: Thông tin công bố gồm thông tin về tài chính và hoạt động sản xuất – kinh doanh; thông tin về mục tiêu hoạt động của tập đoàn (mục tiêu dài hạn và mục tiêu hàng năm); thông tin chi tiết về cơ cấu sở hữu và tài sản; thông tin về công tác cán bộ; thông tin về các giao dịch kinh doanh chủ yếu trong kỳ công bố thông tin, trong đó có các giao dịch với các bên có lợi ích liên quan (nếu có); thông tin về những rủi ro trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính, các chính sách hạn chế rủi ro; thông tin về hoạt động quản trị doanh nghiệp, đặc biệt các thông tin về chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm và cơ chế vận hành của chủ sở hữu, hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, ban giám đốc ...
Năm là, để tăng cường quản lý các tập đoàn, cần sớm nghiên cứu để tiến tới xây dựng các nghị định riêng điều chỉnh tổ chức, hoạt động của từng tập đoàn kinh tế nhà nước.
2.2. Sớm ban hành nghị định về thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác. Nghị định này cần tách bạch quyền quản lý hành chính nhà nước và quyền chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, khắc phục tình trạng phân tán quyền của chủ sở hữu, tình trạng không có một cơ quan cụ thể nào chịu trách nhiệm trước Nhà nước về kết quả hoạt động của doanh nghiệp; thiết lập cơ chế chỉ có một cơ quan thay mặt Nhà nước thực hiện quyền chủ sở hữu, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện các chủ trương này cần được thực hiện từng bước, có lộ trình để đảm bảo vừa tăng cường năng lực quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo toàn và phát triển giá trị tài sản doanh nghiệp, tránh thất thoát, lãng phí.
2.3. Ban hành quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Quy chế này được ban hành nhằm hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm tra tài chính đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước nhằm một mặt giúp chủ sở hữu nhà nước bảo vệ được những lợi ích của mình, mặt khác, tạo điều kiện để cơ quan quản lý tài chính nhà nước kịp thời phát hiện, cảnh báo và bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, người lao động, cũng như của doanh nghiệp.
2.4. Ban hành quy chế hoạt động của kiểm soát viên công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Quy chế này cần quy định cụ thể về cơ chế cung cấp, tiếp cận thông tin của kiểm soát viên; cơ chế phối hợp giữa các kiểm soát viên (khi số kiểm soát viên vượt quá 1 người); cơ chế báo cáo của kiểm soát viên; cơ chế tiếp nhận báo cáo của kiểm soát viên; cơ chế xử lý kiến nghị, đề xuất của kiểm soát viên; các chế tài khi kiểm soát viên vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
2.5. Ban hành nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu. Nghị định này cần xác định rõ những nguyên tắc trong việc đầu tư của Nhà nước vào doanh nghiệp; quy định rõ cơ chế để chuyển đổi một cách triệt để từ phương thức đầu tư, quản lý và sử dụng vốn của Nhà nước theo cách quản lý hành chính thông qua việc cấp phát vốn từ ngân sách nhà nước sang phương thức đầu tư, quản lý và sử dụng vốn của Nhà nước theo phương thức hạch toán kinh doanh. Nghị định này cũng cần ghi nhận chủ trương vốn hoá toàn bộ tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, kể cả giá trị quyền sử dụng đất có thời hạn; Nhà nước quản lý vốn theo tính hiệu quả sinh lời trên vốn, chứ không quản lý hiện vật của doanh nghiệp nhà nước; Nhà nước giao vốn và chỉ quản lý giá trị được giao, còn hiện vật dưới hình thức nào là quyền của doanh nghiệp, miễn là sử dụng có hiệu quả.
Về cơ chế tài chính, cần nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp gắn với việc tăng quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh. Giảm mạnh và tiến tới xoá bỏ sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước, các bộ, ngành, cấp hành chính chủ quản với tư cách là chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu vào quá trình sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Tạo điều kiện để người điều hành doanh nghiệp thoát khỏi thế bị động trong hoạt động, phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh mà pháp luật đã quy định.
2.6. Về lâu dài, để có khung pháp lý vững chắc cho việc thực hiện quan hệ giữa chủ sở hữu nhà nước với các doanh nghiệp nhà nước (đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước - lực lượng chủ chốt của kinh tế nhà nước), giữa công ty mẹ - công ty con, cần sớm triển khai xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh để quy định về một số vấn đề sau đây:
- Cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý hành chính nhà nước và đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Luật này phải đổi mới được phương thức quản lý vốn nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo hướng chuyển từ phương thức hành chính bao cấp sang phương thức đầu tư kinh doanh; tôn trọng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản của mình. Nhà nước có vốn đầu tư vào doanh nghiệp thì thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cổ đông hoặc người góp vốn, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; doanh nghiệp có quyền kinh doanh theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của nhà nước.
- Cơ chế giám sát việc thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước bao gồm: Xác định rõ nội dung giám sát của chủ sở hữu nhà nước, chủ thể giám sát, quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể giám sát, xác định các căn cứ để giám sát và đánh giá đối với các chủ thể là đại diện chủ sở hữu và đại diện vốn nhà nước.
- Quan hệ giữa Nhà nước với người đại diện theo uỷ quyền tại công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước; nâng cao trách nhiệm của người đại diện theo uỷ quyền tại các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần trong việc bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu nhà nước.
- Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu do người đại diện trực tiếp thực hiện.
- Chế tài đối với người đại diện theo uỷ quyền trong trường hợp họ vi phạm pháp luật, gây tổn hại đến lợi ích của chủ sở hữu nhà nước.
Các doanh nghiệp nhà nước đang là lực lượng nắm vai trò chủ lực trong nền kinh tế nước ta. Mặc dù còn nhiều hạn chế trong hoạt động sản xuất – kinh doanh nhưng do tầm quan trọng của chúng mà Đảng và Nhà nước ta vẫn tiếp tục dành cho các doanh nghiệp này một sự quan tâm đặc biệt, nhất là trong lĩnh vực xây dựng khung pháp lý. Việc nắm bắt và triển khai một cách có hiệu quả các kiến nghị nêu trên sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra
TS. Dương Đức Chính
Trường Cao đẳng Kinh tế, Công nghiệp Hà Nội