Việt Nam với bề dầy lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Hầu hết, suốt chiều dài lịch sử của các triều đại phong kiến ở nước ta, đều gắn liền với các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước và các cuộc nội chiến, tranh giành quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến. Nên yếu tố pháp luật, sớm được các triều đình phong kiến chú trọng xây dựng và phát triển. Thực tế là, trong lịch sử phong kiến nước ta, đã có rất nhiều các bộ luật ra đời và ít nhiều ghi được những dấu ấn, trong lịch sử trị nước bằng pháp luật của các triều đại. Với đặc trưng của luật là, các bộ luật sau là sự kế thừa và phát triển của các bộ luật trước. Nói đến luật pháp trong thời kỳ phong kiến ở nước ta, phải kể đến Bộ Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long) thời nhà Nguyễn, là bộ luật cuối cùng của chế độ quân chủ ở nước ta, nó có sức ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của xã hội đương thời và có giá trị rất lớn đối với sự phát triển của luật pháp đương đại.
1. Tư tưởng pháp luật của nhà Nguyễn
Triều Nguyễn tồn tại trong giai đoạn từ (1802 - 1945). Bắt đầu từ khi Nguyễn Ánh đánh đổ nhà Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Gia Long (1802), đến khi vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại thoái vị (1945), là triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, với hơn một thế kỷ tồn tại (143 năm), trải qua 13 đời vua. Nhà Nguyễn sử dụng Nho giáo với tư cách là độc tôn duy nhất trong quản lý và xây dựng đất nước. Điều này đồng nghĩa với việc, triều Nguyễn cai trị đất nước chủ yếu dựa vào Đức trị và Nhân trị (quan điểm trị nước của Nho giáo). Tuy nhiên, để bảo vệ vương quyền và xây dựng một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền chuyên chế cao độ, buộc nhà Nguyễn phải sử dụng đến yếu tố pháp trị. Đó là sự kết hợp giữa độc tôn Nho giáo và pháp trị, nhà Nguyễn đã xây dựng và thực thi pháp luật trên nền tảng của Nho giáo. Nho giáo đã cùng với pháp luật ổn định trật tự kỷ cương xã hội, đảm bảo cho sự phát triển của đất nước giai đoạn này. Sự ra đời của bộ Hoàng Việt luật lệ dưới thời vua Gia Long, là một minh chứng cho phương pháp cai trị mới của nhà Nguyễn, có sự kết hợp giữa pháp trị với đức trị, nhân trị của nho học. Theo tác giả Đỗ Bang, “Bộ Hoàng triều luật lệ là một cống hiến quan trọng của Gia Long đối với pháp luật triều Nguyễn”1, vì nó là cơ sở để các vị vua sau này của nhà Nguyễn sử dụng để thực hiện quyền cai trị tuyệt đối của mình.
Bộ luật này được vua Gia Long cho tiến hành biên soạn từ năm 1811, do Nguyễn Văn Thành làm Tổng tài soạn, năm 1812 thì hoàn thành. Đến năm 1815, nhà vua cho ban hành và áp dụng rộng rãi trên phạm vi cả nước. Có thể đánh giá đây là là bộ luật đầy đủ và hoàn chỉnh nhất trong hệ thống luật cổ của nước ta và là bộ luật đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam có sự thống nhất từ Bắc vào Nam.
2. Một số quy tắc được thể hiện trong Hoàng Việt luật lệ
Bộ luật với 22 quyển, chia thành 7 chương, gồm 398 điều và 30 điều tỷ dẫn, được xây dựng chủ yếu dựa trên bộ "Đại Thanh luật lệ" của nhà Mãn Thanh (Trung Quốc) và Luật Hồng Đức (thời Lê), với 397 điều giống luật của nhà Thanh, chỉ có một điều được lấy từ Luật Hồng Đức. Tuy nhiên, bộ luật đã được điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm tình hình, kinh tế, văn hóa, chính trị của nhà Nguyễn lúc bấy giờ. Phần lớn các điều được ban hành trong Luật Gia Long, đều gắn với nhiệm vụ và sự cai quản của 6 bộ (Lại, Công, Lễ, Hộ, Binh, Hình). Lại luật là những quy định về tổ chức nhà nước và hệ thống quan lại; Công luật quy định về xây dựng, bảo vệ đê điều, lăng tẩm; Lễ luật quy định về ngoại giao và nghi lễ cung đình; Hộ luật quy định về quản lý dân cư và đất đai; Binh luật quy định về tổ chức quân đội và quốc phòng; Hình luật quy định về các tội danh và hình phạt. Trong 398 điều của Luật Gia Long, có 166 điều về hình luật, 66 điều về hộ luật, 10 điều về công luật. Một số điều trong Hộ luật đã được cụ thể thành chính sách kinh tế của nhà Nguyễn. Từ việc phân chia các điều luật, có thể thấy rằng nhà Nguyễn rất quan tâm tới pháp luật trong quá trình trị nước, đặc biệt là yếu tố hình luật được đề cao, thể hiện sự hà khắc của Luật Gia Long, với mục đích bảo vệ quyền lợi và địa vị của vương triều.
So với Luật Hồng Đức, thì Luật Gia Long của triều Nguyễn hà khắc hơn, nhưng nội dung và cách áp dụng rõ ràng hơn. Điều này thể hiện qua việc ban hành các nguyên tắc: Nguyên tắc luật định; nguyên tắc so sánh luật; nguyên tắc xét xử theo luật mới; nguyên tắc chiếu cố; nguyên tắc người thân thuộc được che giấu tội cho nhau; nguyên tắc truy cứu trách nhiệm hình sự; nguyên tắc luận tội theo tang vật; nguyên tắc chuộc tội bằng tiền. Luật còn nghiêm cấm sử dụng các bản án chưa được biên soạn vào Bộ luật để làm chuẩn cho việc xét xử. Trong luật cũng quy định, nếu quan lại cố tình bao che hoặc bẻ cong sự thật, thì bị ghép vào tội vô ý hay cố ý thêm bớt tội cho người và phải thẩm xét cho rõ ràng và cải chính ngay.
3. Những giá trị cơ bản của Hoàng Việt luật lệ
Sự ra đời của Luật Gia Long và cách thức trị nước gắn liền với pháp trị của triều Nguyễn có giá trị vô cùng to lớn trong dòng chảy lịch sử của pháp luật Việt Nam. Đối với xã hội phong kiến đương thời, thì một mặt pháp luật khẳng định quyền cai trị tối cao của nhà vua, “bảo vệ chủ quyền quốc gia, mà việc bảo vệ chủ quyền chính là xuất phát từ yêu cầu bảo vệ chế độ vương quyền”7. Ngoài ra, vua Gia Long rất quan tâm đến việc xét xử các vụ án. Trong Đại Nam hội điển sư lệ, quyển 44, có ghi lại, năm 1812, vua Gia Long ra chỉ dụ cho bộ hình: “Hình ngục là việc lớn, quan hệ đến sinh mệnh của thiên hạ. Gần đây các nha môn hỏi việc hình, có nơi cứ để ứ đọng án tiết làm lụy cho bình dân, ta rất thương. Vậy hạ lệnh cho cho sở tại phải xét văn án soát tội tù, kẻ nào nhẹ thì ta tha cho, kẻ nào nặng thì tâu xin xử trí cho hình được thanh, chính được bình, xứng với lòng ta”. Bên cạnh đó, nhà vua muốn các vụ án xét xử nhanh chóng, công minh và “có sự khoan hồng cho các công thần của bản triều”8. Điều này có ý nghĩa, hướng dân chúng và quan lại hết sức phụng sự cho triều đình. Mặt khác việc đưa ra các điều luật đã giúp ổn định trật tự xã hội, ngăn chặn người dân làm điều ác, con người có bổn phận làm theo những quy phạm đạo đức, giữ gìn trật tự kỷ cương phép nước. Tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của đất nước, tránh được tình trạng dân nổi dậy chống lại triều đình và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Những quy định này, có giá trị cho hệ thống pháp luật đương đại trong việc yêu cầu các bộ, ngành có liên quan phải xét xử nghiêm minh, tạo sự công bằng cho những người có tội và vô tội, tránh gây phẫn uất trong dân chúng do những vụ án oan. Để nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Đối với giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó tất cả mọi người đều bình đẳng, và chịu trách nhiệm trước pháp luật, “các cơ quan, đơn vị, tổ chức và mọi công dân đều phải tôn trọng và thực hiện những quy định của pháp luật một cách bình đẳng, tự giác, nghiêm minh và thống nhất”9. Pháp luật triều Nguyễn đã để lại cho các cơ quan làm luật những bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá về lập pháp. Việc lập pháp phải dựa vào hoàn cảnh cụ thể, điều kiện của cụ thể của đất nước và khắc phục những thiếu sót trong luật, điều mà các nhà làm luật của chúng ta hiện nay luôn chăn chở, là làm thế nào để có những điều luật vừa công minh nhưng lại cũng hết sức khoan hồng, vừa giữ được sự tôn nghiêm của luật pháp, vừa có tính răn đe, lại vừa trấn an được dân chúng. Để khi áp dụng, người thực thi pháp luật và người phạm tội đều cảm thấy thỏa đáng và bị khuất phục. Bên cạnh đó, cơ quan tư pháp và hành pháp cũng rút ra những kinh nghiệm trong xét xử. Đó là, xác định việc thực thi pháp luật phải được tiến hành nhanh chóng, đúng người đúng tội, công minh và có yếu tố khoan hồng. Do đó, hiện nay trong quá trình xét xử án, các cơ quan chức năng luôn xét đến yếu tố thân nhân, tâm lý, bệnh lý... để bảo đảm cho việc kết án được công bằng. Tránh tình trạng nhanh vội, dẫn đến oan sai. Khi phát hiện ra án oan, phải nhanh chóng tiến hành điều tra và xét xử lại nhằm minh oan cho người vô tội và đền bù thỏa đáng theo luật định.
Đến thời vua Minh Mệnh, ông còn bổ sung một số những điều luật mới “Định lệ chi tiết về phân xử việc làm sai lầm của các thuộc viên, các đường quan ở kinh đô và các tỉnh. Định lệ về việc xử phạt quan lại tham nhũng và hối lộ…”. Tư tưởng về việc xử phạt quan tham, nhận hỗi lộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là bài học kinh nghiệm sâu sắc đối với nước ta giai đoạn hiện nay, trong việc xây dựng luật pháp về phòng chống tham nhũng. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, theo con đường nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Để thực hiện những mục tiêu trên, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, đề ra những chủ trương, giải pháp phòng chống tham nhũng, hối lộ. Bên cạnh đó đề ra những điều luật áp dụng nghiêm khắc cho việc xử phạt về vấn đề này. Còn với người dân, tư tưởng này giúp họ tích cực hưởng ứng phong trào phòng chống tham ô, lãng phí mà Đảng và nhà nước đề ra.
Ngày nay, tư tưởng này giúp hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp của các cơ quan pháp luật được thực thi một cách rõ ràng, minh bạch, trong việc đưa ra các chính sách, chế độ khuyến khích công dân làm những điều thiện, những việc tốt có ích cho xã hội, nhằm tăng cường và đẩy mạnh mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đồng thời cũng đưa ra được các điều luật, nghiêm khắc có tính chất răn đe, trừng trị thích đáng đối với kẻ phạm tội.
Bên cạnh đó, Luật Gia Long còn có quy định "bát nghị", đó là những quy định đối với việc xét xử tám loại người trong xã hội, sẽ được quan xử án ưu tiên, giảm nhẹ hình phạt, dựa trên cống hiến, địa vị, tài năng của họ trong xã hội. Ngoài ra bộ luật có ý nghĩa quan trọng, tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi của người già, phụ nữ, trẻ em và người cô quả, tàn tật, dân thường có hoàn cảnh đặc biệt, người tự thú và cả những người phạm tội (đang chịu hình phạt). Trong Hoàng Việt luật lệ, quyển 1, phần Biểu đồ các lệ chuộc tội có quy định: Riêng các loại tội nhân già cả, trẻ thơ, tàn tật, nhân viên thiên văn, đàn bà..., thì đã có chiếu cố để tỏ ý thương già yêu trẻ, thương hại người tàn tật, khoan dung nghệ nhân và thương xót đàn bà. Với đối tượng này, luật có quy định là không được dùng hình để khảo vấn. Nếu người già, trẻ em phạm tội thì được xem xét nộp tiền chuộc. Luật cũng có những điều quy định nghiêm ngặt để bảo vệ thân thể người phụ nữ và người dân thường có hoàn cảnh đặc biệt, ngay cả với những đối tượng đã là phạm nhân thì luật cũng xem xét để giảm án, hưởng ân xá. Điều này chứng tỏ rằng, trong Luật Gia Long đã có yếu tố xét đến yếu nhóm đối tượng cần được ưu tiên và có xét đến yếu tố thân nhân trong quá trình thẩm án. Kế thừa tư tưởng pháp luật này của nhà Nguyễn. Pháp luật đương đại của chúng ta hiện nay, vẫn áp dụng và thực thi triệt để nội dung tư tưởng trên, khi xếp người già, trẻ nhỏ vào nhóm cần có sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng xã hội và trong xử án các cơ quan chức năng luôn xét đến yếu tố thân nhân của bị cáo.
Có thể thấy rằng, pháp luật của triều Nguyễn, mặc dù không phải là hệ thống luật pháp duy nhất dưới thời phong kiến ở nước ta. Nhưng có thể được coi là bộ luật lớn nhất, hoàn chỉnh và đầy đủ dưới chế độ phong kiến. Bên cạnh những điều luật hà khắc, áp chế đối với nhân dân, còn có rất nhiều những điều luật có giá trị, mang tính nhân văn trong việc thể hiện mối quan hệ giữa các giai cấp trong xã hội. Nó không chỉ có ý nghĩa với xã hội đương thời, mà còn có ý nghĩa là bài học kinh nghiệm vô cùng sâu sắc và quý giá cho hệ thống pháp luật đương đại. Đặc biệt cho các nhà làm luật và thực thi pháp luật về công tác lập pháp, hành pháp, tư pháp ngày càng hoàn thiện hơn. Góp phần kiện toàn, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
ThS. Đỗ Việt Hà
Trường CĐ Kinh tế công nghiệp Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
(1) (3) (4) (5) Đỗ Bang (chủ biên - 1997) “Tổ chức bộ máy nhà nước triều Nguyễn giai đoạn 1802 - 1884”, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
(2) Trần Trọng Kim (1971), Việt Nam sử lược, QII, Trung tâm học liệu, Sài Gòn.