1. Các công ước quốc tế có liên quan đến người chưa thành niên vi phạm pháp luật
Trong 09 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người[1], có 03 công ước có liên quan đến việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật là Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và Công ước chống tra tấn và những hành động đối xử hoặc trừng phạt khác mang tính độc ác, vô nhân đạo hay hạ nhục.
Công ước quốc tế về các quyền trẻ em là văn kiện pháp lý quốc tế quy định các quyền cơ bản của trẻ em nói chung và của trẻ em vi phạm pháp luật nói riêng. Theo quy định tại Điều 1 Công ước thì trẻ em là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng đối với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn.
Công ước quy định những nguyên tắc chung cần được áp dụng đối với mọi hành động liên quan đến trẻ em. Những nguyên tắc này cũng phải được tuân thủ trong việc phòng ngừa, xử lý, giáo dục, phục hồi, và tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Điều 37 và Điều 40 của Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên phải thiết lập những đạo luật, thủ tục, các cơ quan và tổ chức riêng cũng như các dịch vụ hỗ trợ cho mọi trẻ em (là người dưới 18 tuổi) bị tình nghi, bị cáo buộc hay bị xác nhận là đã vi phạm pháp luật hình sự với mục tiêu phòng ngừa vi phạm và phục hồi, tái hòa nhập[2].
Điều 40 Công ước quyền trẻ em yêu cầu mọi quốc gia thành viên phải công nhậnquyền của mọi trẻ em bị tình nghi, bị cáo buộc hay bị xác nhận là đã vi phạm luật hình sự được đối xử theo cách thức phù hợp với việc thúc đẩy nhận thức của trẻ em về nhân cách và phẩm giá vốn có, một cách thức tăng cường sự tôn trọng của trẻ em đối với những quyền và tự do cơ bản của người khác và có tính đến độ tuổi của trẻ em cũng như mong muốn thúc đẩy sự tái hòa nhập của trẻ và giúp trẻ em đảm đương một vai trò có tính chất xây dựng trong xã hội.
Nhằm bảo đảm rằng người chưa thành niên không bị xử lý bằng hệ thống hình sự trừ trường hợp thực sự cần thiết, Điều 40(3) của Công ước quyền trẻ em yêu cầu các quốc gia xác lập “một độ tuổi tối thiểu mà những trẻ em ở dưới tuổi đó được coi như là không có khả năng phạm tội”, đồng thời phát triển “các biện pháp để xử lý trẻ em vi phạm pháp luật mà không phải viện đến quá trình tố tụng tư pháp, miễn là các quyền con người và những điều kiện bảo vệ hợp pháp được tôn trọng đầy đủ”[3]. Các biện pháp này có thể bao gồm chăm sóc, hướng dẫn và lệnh giám sát, tư vấn, tạm tha, chăm sóc thay thế, các chương trình giáo dục và dạy nghề và những biện pháp thay thế khác ngoài nhằm đảm bảo cho trẻ em được đối xử một cách phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, hoàn cảnh và hành vi của các em.
Điều 37 Công ước quyền trẻ em khẳng định rõ việc cấm tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn tệ, vô nhân đạo hay làm mất phẩm giá đối với trẻ em, đồng thời yêu cầu không được áp dụng hình phạt tử hình hay tù chung thân không có khả năng phóng thích đối với những hành vi phạm pháp luật do người dưới 18 tuổi gây ra[4]. Điều 37 cũng đề ra các nguyên tắc cho việc xử lý người chưa thành niên bị tước quyền tự do.
Công ước các quyền dân sự và chính trị
Điều 14 Công ước các quyền dân sự, chính trị về công ước về quyền bình đẳng trước Tòa án và Bình luận chung số 32 của Ủy ban quyền con người (Human Rights Committee) xác lập các nghĩa vụ của các quốc gia thành viên về việc bảo đảm các quyền tố tụng của người thành niên và người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Khoản 4 Điều 14 Công ước này yêu cầu “tố tụng áp dụng đối với người chưa thành niên phải xem xét tới độ tuổi của họ và mục đích thúc đẩy tái hòa nhập cộng đồng”. Bình luận chung số 32 cũng nêu chi tiết yêu cầu về việc cần thiết phải bảo vệ đặc biệt trong tố tụng hình sự, việc thiết lập hệ thống tư pháp để bảo đảm người chưa thành niên được đối xử một cách phù hợp với độ tuổi của họ, việc áp dụng các biện pháp xử lý thay thế để giải quyết các vi phạm pháp luật của người chưa thành niên như hòa giải, tư vấn, cung cấp dịch vụ, chương trình giáo dục…
Đoạn số 15 Bình luận số 32 nêu rõ quyền được xét xử công bằng, công khai trước Tòa án có thẩm quyền, độc lập và khách quan trong trường hợp liên quan đến việc xác định tội hình sự về nguyên tắc được áp dụng đối với những hành vi quy định tại luật hình sự của các quốc gia. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các quyền này cũng được áp dụng đối với các hành vi trên thực tế về bản chất là tội phạm và bị trừng phạt, bất kể nó được định tính thế nào trong luật quốc gia[5]. Ủy ban quyền con người lưu ý rằng khái niệm “trách nhiệm hình sự” có ý nghĩa độc lập, căn cứ vào mục đích, đặc điểm hoặc tính nghiêm trọng của hành vi đó mà không phụ thuộc vào cách phân loại trong hệ thống pháp luật của quốc gia thành viên. Vì lý do này, khi thực hiện nghĩa vụ báo cáo, Việt Nam luôn nhận được khuyến nghị về việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở cai nghiện.
Công ước chống tra tấn và những hành động đối xử hoặc trừng phạt khác mang tính độc ác, vô nhân đạo hay hạ nhục
Công ước này này nhằm mục đích loại bỏ hành vi tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người vì bất cứ lý do gì ra khỏi đời sống xã hội. Công ước quy định khái niệm tra tấn, nghĩa vụ của các quốc gia thành việc nghiêm cấm, trừng trị, phòng ngừa các hành vi tra tấn. Sau khi phê chuẩn Công ước này, Việt Nam đã nộp báo cáo quốc gia lần đầu tiên về việc thực thi Công ước và nhận được một số khuyến nghị của Ủy ban chống tra tấn (Committee against Torture) liên quan đến việc giam giữ người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Các quy tắc, hướng dẫn quốc tế có liên quan
Bên cạnh các công ước quốc tế có tính ràng buộc mà Việt Nam là thành viên, còn có một tập hợp các quy tắc, hướng dẫn các vấn đề phòng ngừa, xử lý, các điều kiện giam giữ và tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật, mặc dù không có hiệu lực ràng buộc về mặt pháp lý với các quốc gia, nhưng được xây dựng trên cơ sở các công ước quốc tế và được nhiều nước trên thế giới đồng tình ủng hộ. Những văn bản này có rất được coi trọng và có giá trị hướng dẫn để các quốc gia tham khảo nhằm thực hiện tốt nhất các quy định của Công ước quyền trẻ em và các công ước quốc tế khác[6].
Các công ước quốc tế và các hướng dẫn, quy tắc quốc tế này tạo thành các chuẩn mực quốc tế về tư pháp chưa thành niên. Các chuẩn mực quốc tế này khuyến nghị các quốc gia phải áp dụng một phương pháp tiếp cận toàn diện để cải cách tư pháp cho người chưa thành niên. Hệ thống tư pháp cần được thiết kế (hoặc thiết kế lại) để xử lý một cách tích cực và có hiệu quả đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật bằng việc tập trung cho công tác phòng ngừa, chuyển hướng xử lý người chưa thành niên bên ngoài hệ thống tư pháp chính thống, đầu tư cho các dịch vụ phục hồi và tái hòa nhập và thúc đẩy các biện pháp thay thế tước đoạt tự do.
2. Nghĩa vụ báo cáo tình hình thực hiện các công ước quốc tế
Các quốc gia thành viên công ước có nghĩa vụ báo cáo về việc thực hiện công ước, nhận những khuyến nghị từ các Ủy ban công ước để tiếp tục thực hiện tốt hơn. Thông thường, chu kỳ báo cáo sẽ gồm các giai đoạn: (i) Quốc gia thành viên chuẩn bị và nộp báo cáo; (ii) Ủy ban đưa ra danh sách các vấn đề cần trả lời; (iii) Quốc gia thành viên nộp báo cáo về các vấn đề nêu trên; (iv) Đối thoại giữa Ủy ban và phái đoàn của quốc gia thành viên trong phiên họp của Ủy ban tại Giơ-ne-vơ; (v) Ủy ban đưa ra kết luận và khuyến nghị, trong đó có xác định thời hạn nộp báo cáo cho giai đoạn tiếp theo; (vi) Thực hiện các khuyến nghị và bắt đầu chu kỳ báo cáo mới.
Chu kỳ báo cáo các công ước này được quy định tại các Công ước, cụ thể là Điều 40 Công ước các quyền dân sự và chính trị quy định chu kỳ báo cáo là một năm kể từ khi công ước có hiệu lực đối với quốc gia thành viên và sau đó theo yêu cầu của Ủy ban quyền con người; Điều 44 Công ước quyền trẻ em quy định quốc gia thành viên phải nộp báo cáo lần đầu tiên trong vòng hai năm kể từ Công ước có hiệu lực đối với quốc gia đó, và sau đó cứ 05 năm một lần. Điều 19 Công ước chống tra tấn quy định quốc gia thành viên nộp báo cáo lần đầu tiên trong vòng 01 năm sau khi Công ước có hiệu lực đối với quốc gia thành viên, sau đó các quốc gia phải trình báo cáo bổ sung 04 năm một lần về bất kỳ biện pháp mới nào được tiến hành và các báo cáo khác mỗi khi Ủy ban có yêu cầu. Báo cáo của các quốc gia thành viên sẽ được nộp đến các Ủy ban tương ứng gồm Ủy ban quyền con người, Ủy ban quyền trẻ em, Ủy ban chống tra tấn.
Thời hạn thời hạn nộp báo cáo cho giai đoạn tiếp theo thường được đưa ra trong đoạn cuối của kết luận quan sát được Ủy ban thông qua và gửi cho quốc gia thành viên sau khi xem xét báo cáo và kết quả tại phiên đối thoại.
Từ năm 1977, sau khi trở thành thành viên Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã từng bước tham gia hầu hết các Công ước quốc tế về quyền con người. Sau khi ký kết và phê chuẩn Công ước chống tra tấn, Việt Nam đã tham gia 07/09 công ước cơ bản và đã là thành viên của 03 công ước có liên quan đến tư pháp thân thiện cho người chưa thành niên. Với trách nhiệm quốc gia thành viên của các công ước, Việt Nam cần thường xuyên rà soát hệ thống luật pháp, chính sách và theo dõi, bảo đảm việc thực thi, định kỳ báo cáo các biện pháp Việt Nam đã tiến hành để thực hiện các cam kết của mình.
Việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo của Việt Nam đối với các công ước có liên quan đến tư pháp chưa thành niên nhìn chung còn chậm so với thời hạn quy định[7]. Tuy nhiên, rất ít các quốc gia nộp các báo cáo đúng hạn, kể cả các quốc gia phát triển[8].
3. Pháp luật Việt Nam về các biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật và các chuẩn mực quốc tế về tư pháp chưa thành niên
Việt Nam không có một luật riêng về tư pháp người chưa thành niên. Thay vào đó, vấn đề phòng ngừa, xử lý, giáo dục, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật được quy định rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật Trẻ em, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Trợ giúp pháp lý. Ngoại trừ Luật Trẻ em là luật quy định các vấn đề riêng của trẻ em, những văn bản pháp luật còn lại được áp dụng chung cho người thành niên và người chưa thành niên nhưng có thể có chương riêng hoặc một số điều khoản riêng quy định những biện pháp hoặc thủ tục đặc thù áp dụng đối với người chưa thành niên.
Pháp luật Việt Nam có hai hệ thống chế tài áp dụng để xử lý những người có hành vi vi phạm pháp luật: Chế tài hình sự và chế tài hành chính. Người chưa thành niên, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, có thể bị xử lý hình sự hoặc xử lý hành chính. Người chưa thành niên từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm hình sự nhưng chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc người chưa thành niên thực hiện nhiều lần vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội quy định tại Điều 90 và Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
Giáo dục tại xã, phường, thị trấn là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người vi phạm pháp luật để giáo dục, quản lý họ tại nơi cư trú trong trường hợp nhận thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi cộng đồng[9].
Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Điều 4 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013, được sửa đổi tại Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ quy định người chưa thành niên thuộc đối tượng áp dụng của biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn là người chưa thành niên từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm hoặc các hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người nghiện ma túy. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã là người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Người chưa thành niên có thể được áp dụng biên pháp quản lý tại gia đình, là biện pháp thay thế xử lý hành chính, khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 140 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ giao cho việc thực hiện quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho cơ quan, tổ chức phù hợp với đặc điểm của người chưa thành niên. Người chưa thành niên phải tham gia các chương trình học tập, hướng nghiệp, dạy nghề, tìm việc làm, các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại địa phương. Gia đình người chưa thành niên có trách nhiệm tạo điều kiện để người chưa thành niên tham gia các chương trình học văn hóa, học nghề, tham vấn, kỹ năng sống và các chương trình khác để giúp phục hồi, tránh tái phạm.
So với các chuẩn mực quốc tế, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật tương đối phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về tư pháp chưa thành niên. Tuy nhiên, các dịch vụ phòng ngừa, hỗ trợ, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng phù hợp với độ tuổi, điều kiện, hoàn cảnh cá nhân của người chưa thành niên, bảo đảm tính linh hoạt nhằm giải quyết các nguyên nhân và điều kiện dẫn đến vi phạm pháp luật của người chưa thành niên còn thiếu, chất lượng chưa cao. Sự tham gia của gia đình và các cơ quan có liên quan trong quá trình giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại cộng đồng còn mang tính hình thức, thiếu sự phối hợp, điều phối; cơ quan, cán bộ chịu trách nhiệm giáo dục, hỗ trợ người chưa thành niên chưa được chuyên môn hóa.
Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật được sử dụng không chỉ nhằm mục đích xử lý (hạn chế quyền tự do) mà còn nhằm mục đích giáo dục người chưa thành niên để giúp họ trở thành công dân có ích cho xã hội. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng do Tòa án nhân dân quyết định đối với người chưa thành niên có hành vi quy định tại Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính với thời hạn từ 06 tháng đến 24 tháng. Sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có hiệu lực, thẩm quyền quyết định biện pháp này được chuyển từ cơ quan hành chính (Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện) sang cơ quan tư pháp (Tòa án nhân dân cấp huyện). Thủ tục xem xét biện pháp này tại Tòa án nhân dân quy định tại Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/1/2014 của Ủy ban Thường vụ quốc hội quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân về cơ bản đã bảo đảm các quyền của người chưa thành niên. Những nội dung này thể hiện sự cải cách mạnh mẽ, hệ thống pháp luật quốc gia tiệm cận dần tới các chuẩn mực quốc tế.
Mặc dù biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng do Tòa án quyết định, song vẫn được quy định nằm trong hệ thống xử lý hành chính, xét theo hướng dẫn tại Bình luận chung số 32 về Điều 14 Công ước các quyền dân sự và chính trị, đây là một điểm chưa phù hợp giữa pháp luật quốc gia với các chuẩn mực quốc tế. Nguyên tắc “giam giữ chỉ được coi là biện pháp cuối cùng và trong thời gian thích hợp ngắn nhất và phải được thường xuyên xem xét lại việc giam giữ” được thể hiện bằng nguyên tắc tại Điều 134 Luật Xử lý vi phạm hành chính “biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn”, song pháp luật Việt Nam chưa có quy định về biện pháp thay thế, biện pháp xử lý chuyển hướng thay cho biện pháp đưa người chưa thành niên vào trường giáo dưỡng. Pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định về đánh giá về hoàn cảnh và đặc điểm của người chưa thành niên trước khi áp dụng biện pháp hạn chế tự do này, do đó, chưa phù hợp với yêu cầu của Quy tắc Bắc Kinh, theo đó, tất cả các vụ việc liên quan đến trẻ em cần phải có báo cáo điều tra xã hội trước khi đưa ra hình phạt, đặc biệt là khi áp dụng bất cứ hình thức đưa người chưa thành niên vào các cơ sở giam giữ. Quyền trợ giúp pháp lý của người chưa thành niên từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng cũng chưa được bảo đảm, chưa phù hợp với Điều 14 Công ước các quyền dân sự, chính trị.
Trên thực tế, khi báo cáo việc thực hiện Công ước, Việt Nam luôn coi các biện pháp xử lý hành chính là bộ phận của tư pháp chưa thành niên và đang tiếp tục nỗ lực để thực thi những công ước này.
Báo cáo Quốc gia lần thứ 5, 6 của Việt Nam coi Luật Xử lý hành chính nói chung, các biện pháp xử lý hành chính là một phần của hệ thống tư pháp chưa thành niên. Tại các Mục 9.10 (trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là nạn nhân, trẻ em là nhân chứng và tư pháp vị thành niên), Mục 9.11 (tư pháp vị thành niên, Tòa án riêng biệt và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 40), Mục 9.14. (khôi phục thế chất và tinh thần và tái hòa nhập xã hội (Điều 39) của Báo cáo luôn có các nội dung báo cáo về Luật Xử lý vi phạm hành chính, các tiến bộ trong sửa đổi luật pháp và việc thực thi, nêu rõ những điểm tiến bộ của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Luật Xử lý hành chính năm 2012 quy định về các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với trẻ em vi phạm pháp luật (các điều 89, 96, 134). Luật quy định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng bằng giáo dục tại cộng đồng, hạn chế đưa trẻ em vi phạm pháp luật vào trường giáo dưỡng. Việc đưa trẻ em vi phạm pháp luật vào trường giáo dưỡng phải có quyết định của Tòa án. Trẻ em là nạn nhân, nhân chứng được bảo vệ để tránh gây thêm tổn thương cho các em.
Đoạn 161, 162 báo cáo về việc thực hiện Điều 40 của Công ước (Mục 9.11 về tư pháp chưa thành niên) nêu về thẩm quyền của Tòa án xử lý biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, các biện pháp bảo vệ trong Luật Trẻ em; Đoạn 165 của Báo cáo cung cấp thông tin về thẩm quyền quyết định biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là Tòa án nhân dân, về số lượng trường giáo dưỡng và tổng số trẻ em trong trường giáo dưỡng.
Đoạn 168 báo cáo về việc thực hiện Điều 37 của Công ước khẳng định: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự yêu cầu hạn chế áp dụng biện pháp giam giữ đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Đặc biệt, Luật Xử lý vi phạm hành chính hạn chế phạm vi áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên, chuyển thẩm quyền áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng cho Tòa án thay vì Ủy ban nhân dân... Đoạn 158 cũng nêu rõ “trong quá trình quyết định tư pháp đối với trẻ em và vị thành niên, hệ thống tư pháp phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, đặc điểm nhân thân, khả năng nhận thức của người chưa thành niên về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, nguyên nhân và hoàn cảnh vi phạm để quyết định mức phạt tiền, thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Tất cả các biện pháp đều mang ý nghĩa giáo dục là chính”.
4. Khuyến nghị thực thi các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và việc hoàn thiện pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính
Theo Công ước quyền trẻ em và Công ước các quyền dân sự, chính trị các chuẩn mực quốc tế về tư pháp chưa thành niên cần được áp dụng đối với mọi người chưa thành niên vi phạm pháp luật dưới 18 tuổi, không kể là vi phạm pháp luật hình sự hay hành chính. Việt Nam luôn nhận được khuyến nghị điều chỉnh pháp luật nói chung, gồm cả các khuyến nghị liên quan đến biện pháp xử lý hành chính.
4.1. Công ước quyền trẻ em
Ủy ban Quyền trẻ em luôn bày tỏ quan điểm về sự cần thiết phải áp dụng một phương pháp tiếp cận toàn diện để cải cách tư pháp cho người chưa thành niên, thể hiện rõ trong các kết luận quan sát Ủy ban quyền trẻ em tại phiên họp thứ 60 từ ngày 29/5 đến 12/6/2012 xem xét Báo cáo định kỳ kết hợp lần thứ 3 và 4 của Việt Nam[10]. Nội dung về tư pháp chưa thành niên được nêu ra và yêu cầu Việt Nam xem xét gồm: Thiếu một hệ thống tư pháp chưa chưa thành niên toàn diện và các biện pháp hiện tại chỉ áp dụng đối với trẻ em dưới 16 tuổi; hệ thống mang tính trừng phạt hơn là giáo dục; thiếu các biện pháp thay thế giam giữ trẻ em và không có các chương trình phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng. Ủy ban khuyến nghị Việt Nam cần bảo đảm hệ thống tư pháp chưa thành niên hoàn toàn tương thích với Công ước, đặc biệt là các điều 37, 39 và 40 và các chuẩn mực có liên quan, xúc tiến sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bảo đảm sự tuân thủ đầy đủ với các nguyên tắc và điều khoản của Công ước, bao gồm các điều khoản áp dụng đối với trẻ em dưới 18 tuổi trong hệ thống tư pháp chưa thành niên; thành lập Tòa chuyên trách về chưa thành niên và các đơn vị cảnh sát chuyên về bảo vệ trẻ em; phân bổ đầy đủ nguồn lực con người, chuyên môn và tài chính cho hệ thống tư pháp chưa thành niên để bảo đảm chú trọng đến các biện pháp xử lý chuyển hướng và các biện pháp thay thế việc tước tự do và bảo đảm các chương trình phục hồi và tái hòa nhập.
4.2. Công ước chống tra tấn
Sau khi Việt Nam nộp Báo cáo Công ước chống tra tấn đầu tiên của Việt vào ngày 27/7/2017 và tham gia phiên bảo vệ Báo cáo tại phiên họp thứ 65 của Ủy ban chống tra tấn (Committee against Torture) vào ngày 14 và 15/11/2018 tại tại Giơ-ne-vơ, Ủy ban chống tra tấn đưa ra các kết luận quan sát liên quan đến các biện pháp xử lý hành chính tại Đoạn 26 như sau: Ủy ban quan ngại việc những người bị coi là đe dọa tới an ninh, trật tự an toàn xã hội không phải chịu trách nhiệm hình sự có thể bị giam giữ hành chính, không do phán quyết của Tòa án, tại các cơ sở giam giữ hành chính, bao gồm các cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, trung tâm bảo trợ xã hội và trung tâm cai nghiện bắt buộc. Vấn đề thực sự quan ngại là các quyền bảo đảm pháp luật cơ bản như tiếp cận với đại diện pháp luật…”. Đoạn 27 khuyến nghị Việt Nam “bảo đảm những người trong các cơ sở giam giữ hành chính được hưởng các quyền pháp lý cơ bản, như quyền có luật sư hoặc trợ giúp pháp lý; áp dụng quy trình tư pháp mà không phải là quy trình hành chính, trong việc đưa người vào những cơ sở giam giữ hành chính, và bảo đảm rằng giam giữ hành chính không được sử dụng thay thế cho giam giữ hình sự”.
Như vậy, dưới đánh giá của Ủy ban chống tra tấn, biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng nói riêng cũng như các biện pháp xử lý hành chính nói chung, đang được coi là giam giữ hành chính và được khuyến nghị bảo đảm các quyền pháp lý, như quyền trợ giúp pháp lý. Điều quan trọng là mặc dù Việt Nam đã báo cáo về việc chuyển thẩm quyền từ cơ quan hành chính sang cơ quan tư pháp, song luôn được khuyến nghị đưa ra quy trình tư pháp và không được áp dụng giam giữ hành chính thay thế cho giam giữ hình sự thông thường. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng áp dụng đối với người chưa thành niên thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm quy định tại Bộ luật Hình sự cần phải sửa đổi để thực hiện các khuyến nghị không chỉ của Công ước quyền trẻ em mà còn Công ước chống tra tấn.
4.3. Công ước các quyền dân sự và chính trị (ICCPR)
Sau khi Việt Nam nộp Báo cáo lần thứ 3 và tham gia phiên bảo vệ Báo cáo tại phiên họp thứ 65 của Ủy ban quyền con người vào ngày 11 và 12/3/2019 tại tại Giơ-ne-vơ, Ủy ban quyền con người ghi nhận những nỗ lực để tăng cường hệ thống tư pháp chưa thành niên và đưa ra các kết luận quan sát liên quan đến tư pháp chưa thành niên tại Đoạn 37 và 38 với các nội dung chủ yếu như Tòa gia đình và người chưa thành niên chỉ có tại 02 tỉnh, thành phố; quan ngại về định nghĩa trẻ em là người dưới 16 tuổi đã dẫn đến khoảng trống trong việc bảo vệ trẻ em 16 - 17 tuổi, đặc biệt là trẻ em có nguy cơ bị tước tự do; về việc biện pháp thay thế giam giữ đối với trẻ em, việc giam giữ trẻ em vi phạm pháp luật được báo cáo tới Ủy ban là vẫn phổ biến. Ủy ban khuyến nghị Việt Nam cần sửa đổi pháp luật về định nghĩa trẻ em là người dưới 18 tuổi, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, tiếp tục tăng cường hệ thống tư pháp chưa thành niên; bảo đảm việc giam giữ và bỏ tù chỉ là biện pháp cuối cùng trong thời gian ngắn nhất có thể; và trẻ em phải được giam giữ tách biệt khỏi người trưởng thành[11].
5. Khuyến nghị hoàn thiện pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về tư pháp thân thiện với người chưa thành niên
Như thể hiện trong nhận xét của các Ủy ban công ước, Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến phòng ngừa, xử lý, phục hồi tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật, thể hiện xu hướng cải cách rõ rệt nhằm xây dựng một hệ thống tư pháp người chưa thành niên toàn diện, hiệu quả, thân thiện, có thể đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người chưa thành niên vi phạm pháp luật, tiếp tục đưa hệ thống luật pháp, chính sách của Việt Nam tiệm cận hơn nữa với các chuẩn mực quốc tế về tư pháp thân thiện với người chưa thành niên.
Mặc dù vậy, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống tư pháp toàn diện cho người chưa thành niên ở Việt Nam để phù hợp hoàn toàn với Công ước quyền trẻ em, đặc biệt là các điều 37, 39 và 40 của Công ước và với các chuẩn mực quốc tế khác có liên quan. Quy định về các biện pháp xử lý hành chính của Việt Nam cần được sửa đổi để phù hợp hơn với các chuẩn mực quốc tế về tư pháp thân thiện với người chưa thành niên để bảo đảm tuân thủ các công ước mà Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn, cụ thể là:
- Nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi để bảo đảm người chưa thành niên vi phạm pháp luật được hưởng các biện pháp bảo vệ quy định tại Luật Trẻ em.
- Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng cần được quy định là biện pháp tư pháp, việc quyết định cũng như tổ chức thực hiện cần bảo đảm các chuẩn mực quốc tế quy định tại Điều 14 Công ước các quyền dân sự chính trị, các điều 37, 39 và 40 Công ước quyền trẻ em và Công ước chống tra tấn, gồm cả quyền được trợ giúp pháp lý. Cần có quy định về việc phải có báo cáo điều tra xã hội đánh giá về hoàn cảnh, đặc điểm của người chưa thành niên trước khi áp dụng biện pháp này.
- Để hạn chế việc đưa người chưa thành niên vào trường giáo dưỡng, cần quy định các biện pháp xử lý chuyển hướng, đồng thời, phát triển hệ thống dịch vụ giáo dục, hỗ trợ phục hồi người chưa thành niên tại cộng đồng đa dạng về dịch vụ và bảo đảm chất lượng nhằm giải quyết các nguyên nhân và điều kiện vi phạm pháp luật. Đồng thời, cần phát triển đội ngũ nhân viên chuyên trách làm việc với người chưa thành niên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ thực hiện việc giáo dục, phục hồi cho người chưa thành niên tại cộng đồng.
Đào Thị Thu An
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam
Ảnh minh họa, nguồn: Internet
[1]Gồm: Công ước về các quyền dân sự và chính trị 1966 (ICCPR), Việt Nam gia nhập ngày 24/9/1982; Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa 1966 (ICESCR), Việt Nam gia nhập ngày 24/9/1982; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ 1979 (CEDAW), Việt Nam ký kết ngày 29/7/1980, phê chuẩn ngày 17/2/1982; Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc 1969 (ICERD), Việt Nam gia nhập ngày 09/6/1982; Công ước về quyền trẻ em 1989 (CRC),Việt Nam ký kết ngày 26/01/1990, phê chuẩn ngày 28/2/1990 và hai Nghị định thư bổ sung về trẻ em trong xung đột vũ trang (ký kết ngày 08/9/2000, phê chuẩn ngày 20/12/2001) và chống sử dụng trẻ em trong các hoạt động mại dâm và tranh ảnh khiêu dâm (Việt Nam ký kết ngày 08/9/2000, phê chuẩn ngày 20/12/2001); Công ước về quyền của người khuyết tật 2006 (CRPD), Việt Nam ký ngày 22/11/2007 và phê chuẩn ngày 05/2/2015; Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (CAT) Việt Nam ký ngày 07/11/2013 và phê chuẩn ngày 05/2/2015.
[2]Điều 40 (1) Công ước quyền trẻ em.
[3] Điều 40(3)(b) Công ước quyền trẻ em.
[4] Điều 37(a) Công ước quyền trẻ em.
[5]Ủy ban nhân quyền, Bình luận chung số 32, CCPR/C/GC/32 23 tháng 8/2007, đoạn 15.
[6]Gồm: Các quy tắc chuẩn mực tối thiểu của Liên Hợp Quốc về quản lý tư pháp người chưa thành niên (Qui tắc Bắc Kinh), các hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về phòng ngừa tội phạm người chưa thành niên (Hướng dẫn Riyadh), các quy tắc của Liên Hợp Quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước đoạt tự do (Qui tắc Havana), các hướng dẫn hành động vì trẻ em trong hệ thống tư pháp hình sự; Hướng dẫn về cách tiếp cận của Liên Hợp Quốc về tư pháp cho trẻ em và Bình luận chung số 10 (2007) của Ủy ban của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em về các quyền của trẻ em trong tư pháp cho người chưa thành niên. Ngoài ra, còn có các hướng dẫn chung, nhưng cũng được áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật: Bình luận chung số 32 Công ước các quyền dân sự, chính trị; Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hợp Quốc về những biện pháp không giam giữ - Quy tắc Tôkyô (1990); Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân; các nguyên tắc cơ bản của Liên Hợp Quốc về áp dụng các chương trình tư pháp phục hồi trong các vấn đề hình sự.
[7] Trang thông tin về tình hình thực hiện các công ước của Việt Nam https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/15/TreatyBodyExternal/countries.aspx?CountryCode=VNM&Lang=EN
[9] Điều 89 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
[10]Kết luận quan sát Ủy ban quyền trẻ em số CRC/C/VNM/CO/3-4 về việc xem xét Báo cáo đệ trình bởi các quốc tia thành viên theo quy định tại Điều 44 Công ước quyền trẻ em.
[11] Đoạn 38 Kết luận quan sát của Ủy ban quyền con người đối với Báo cáo lần thứ 3 của Việt Nam.