Abstract: The factors to be considered when dividing the common property of husband and wife are specified in Clause 2, Article 59 of the Law on Marriage and Family of 2014, basically, ensuring the interests of the parties, showing humanity of the law. However, the application of these provisions in practice still encounters inadequacies and problems, which need more specific and clearer guidance.
Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn đã có những bước tiến đáng kể so với trước đây. Việc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn được quy định cụ thể hơn, trong đó, xác định các yếu tố được xét đến khi phân chia tài sản chung của vợ chồng. Mặc dù vậy, việc áp dụng những quy định này trên thực tế vẫn còn khó khăn, vướng mắc nhất định, do đó, cần có quy định hướng dẫn cụ thể hơn.
Theo khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Thông tư liên tịch số 01), về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, tuy nhiên, có xét đến các yếu tố sau nhằm xác định sự chênh lệch về tài sản mà vợ, chồng được chia (nếu có): Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng.
Về cơ bản, những yếu tố xét đến khi phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn theo khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình và khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01 đã bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng của vợ, chồng khi phân chia tài sản, tuy nhiên, quy định này còn mang tính chung chung, khái quát, đặc biệt là việc xác định công sức đóng góp của vợ, chồng và xác định lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng, gây khó khăn cho thẩm phán khi đưa ra quyết định. Bên cạnh đó, yếu tố “bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập” được giải thích tại Thông tư liên tịch số 01 chưa thực sự phù hợp với tinh thần của khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
1. Về xác định công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung
Điều 7 Thông tư liên tịch số 01 giải thích: “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn”. Nếu như việc đóng góp bằng tài sản riêng, thu nhập còn có khả năng xác định được thì việc xác định đóng góp vào công việc gia đình và công sức lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung gần như không thể thực hiện được trên thực tế, bởi đây là yếu tố trừu tượng, khó định lượng.
Đối với khái niệm “công việc gia đình”, đây là một khái niệm mở, nên khó có thể đưa ra những trường hợp cụ thể, do đó, khó có thể áp dụng trên thực tế. Hơn nữa, nhiều công việc có thể được xem là công việc gia đình và không thể đưa ra mức độ quan trọng của từng công việc nên dẫn đến một thực tế là không thể xác định được bên nào có đóng góp nhiều hơn vào công việc gia đình. Chưa kể đến trường hợp, dù không trực tiếp làm những công việc gia đình nhưng vợ, chồng thuê người để làm, thì có được coi là có đóng góp vào việc gia đình hay không? Chính vì pháp luật đưa ra yếu tố phân chia tài sản quá mở và khó xác định nên trong các bản án, “hiếm” có Tòa án nào lại nêu căn cứ này để phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.
Có quan điểm cho rằng, việc xác định công sức đóng góp nêu trên mới chỉ mang tính chất định tính chứ không có một định lượng rõ ràng dẫn đến cách hiểu, cách áp dụng không thống nhất[1].
Theo quan điểm của tác giả, tuy còn những vướng mắc nhất định khi áp dụng trên thực tế, việc quy định công việc gia đình là một trong các yếu tố được xét đến khi phân chia tài sản chung của vợ chồng đã bảo đảm được quyền lợi của người phụ nữ, thể hiện được tính nhân văn của pháp luật, cho thấy sự tiến bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, để quy định này được áp dụng một cách hiệu quả trên thực tế, pháp luật cần quy định rõ yếu tố xác định bên nào có đóng góp vào công việc gia đình nhiều hơn, cụ thể như sau:
Một là, cần đưa ra phạm vi cụ thể cho “công việc gia đình”. Bộ luật Lao động năm 2020 khi quy định về lao động giúp việc trong gia đình có đề cập đến các công việc gia đình bao gồm: Công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại. Vì vậy, cần nghiên cứu, đưa ra phạm vi của “công việc gia đình” phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2020.
Hai là, khi xét đến yếu tố “công việc gia đình” khi phân chia tài sản cần căn cứ vào thời gian đóng góp vào công việc gia đình. Đây là yếu tố có thể xác định được trên thực tế.
Ba là, cần quy định việc đóng góp vào công việc gia đình có thể được vợ, chồng thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp. Đóng góp trực tiếp được hiểu là sử dụng trực tiếp công sức của vợ, chồng đóng góp vào công việc gia đình; đóng góp gián tiếp được hiểu là sử dụng tài sản riêng, công sức của mình để tìm kiếm sự hỗ trợ đối với công việc gia đình (ví dụ như sử dụng tài sản riêng để thuê giúp việc gia đình hoặc dành thời gian để tìm kiếm giúp việc gia đình…). Quy định này sẽ bảo đảm được sự công bằng trong việc xác định công sức đóng góp vào công việc gia đình.
Tương tự như việc xác định đóng góp của vợ, chồng vào công việc gia đình, việc xác định công sức trong việc duy trì, phát triển khối tài sản chung của vợ, chồng cũng gặp những vướng mắc nhất định.
Công sức trong việc tạo lập tài sản chung thường là một quá trình ngắn hạn. Vì vậy, để xem xét ai là người có công nhiều hơn trong việc tạo lập tài sản không gặp quá nhiều trở ngại. Ví dụ: Đối với việc tạo lập tài sản chung là nhà ở, có thể tính đến công sức trong việc tìm kiếm nhà, tham gia giao dịch mua bán nhà (loại nhà ở đã có sẵn) hoặc công sức xây nhà, tìm kiếm nhân công xây dựng, trông coi, đôn đốc việc thi công… (loại nhà xây dựng mới); đối với việc tạo lập quyền sử dụng đất có thể kể đến việc khai khẩn, bồi đắp, tìm kiếm, tham gia giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất… Tuy nhiên, khác việc tạo lập tài sản, việc duy trì, phát triển khối tài sản chung là một quá trình lâu dài. Dù rằng nếu không có sự bảo quản, giữ gìn thì tài sản có thể sẽ không còn hoặc bị giảm giá trị, do có sự quản lý nên tài sản vẫn còn và giữ được giá trị (một phần hoặc toàn bộ) hoặc làm tăng giá trị của tài sản (giá trị tài sản có thể được tăng theo tự nhiên, do trượt giá hoặc do người quản lý có công cải tạo làm giá trị tài sản tăng giá trị) và việc pháp luật quy định đây là căn cứ để phân chia tài sản chung là có cơ sở nhưng việc xác định cụ thể và quy đổi công sức này để làm căn cứ giải quyết tranh chấp về tài sản vẫn gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như, trong trường hợp tài sản là căn nhà, có nhiều công việc được xem như là bảo quản, giữ gìn ngôi nhà như sửa chữa, sơn tường, quét dọn… khó có cặp vợ chồng nào lưu lại bằng chứng để chứng minh mình đã thực hiện những công việc này và thông thường thì cả vợ và chồng đều đóng góp công sức vào việc duy trì và phát triển tài sản.
Một nội dung nữa cần phải đề cập tới khi xác định công sức đóng góp là quy định “người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm”. Tác giả cho rằng, việc chăm sóc con, gia đình chỉ có thể đạt đến một mức giá trị nhất định và không thể lúc nào cũng đặt ngang bằng với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Hơn nữa, dù vợ, chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình nhưng không phải người còn lại không làm gì để chăm sóc con, gia đình, vì trên thực tế, ngoài thời gian đi làm thì đa phần vợ, chồng đều về nhà để chăm sóc con, lo một số công việc gia đình nhất định. Ngoài ra, có trường hợp những người đi làm phải làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, có trường hợp phải mất cực kỳ nhiều thời gian, công sức để kiếm được thu nhập tốt đóng góp vào khối tài sản chung. Bên cạnh đó, khái niệm “ở nhà chăm sóc con, gia đình” là một khái niệm trừu tượng, khó xác định.
Vì vậy, việc quy đổi ngang bằng công sức của người ở nhà và người đi làm là quy định không phù hợp với thực tế, đồng thời, pháp luật về hôn nhân và gia đình đã quy định nguyên tắc chung là chia đôi tài sản nên việc quy định công sức đóng góp của người đi làm ngang bằng với người ở nhà là không cần thiết. Theo đó, pháp luật nên quy định cụ thể để các thẩm phán có thể linh hoạt hơn trong việc quyết định dựa trên một số căn cứ như: Tính chất, thu nhập từ công việc; thời gian dành cho con, gia đình của vợ, chồng.
2. Về xác định lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ hoặc chồng
Một vấn đề khác cũng cần được xem xét khi phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, đó là việc quy định “lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”. Quy định này là một trong những căn cứ để xác định tỷ lệ tài sản phân chia. Nhưng trên thực tế rất khó để áp dụng, bởi lẽ:
- Gần như rất khó có thể xác định cụ thể vợ hay chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản vì thực tế trong mối quan hệ vợ chồng có rất nhiều quyền và nghĩa vụ đối với nhau, đặc biệt những quyền, nghĩa vụ về nhân thân[2] như “thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình”[3]. Khi hôn nhân đổ vỡ, lẽ dĩ nhiên là trước đó đã xảy ra những mâu thuẫn giữa hai vợ chồng và việc thương yêu, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc nhau… thường không xảy ra. Lúc này, riêng việc xác định ai không quan tâm, chăm sóc ai nhiều hơn đã vô cùng nan giải, bởi đây là những yếu tố trừu tượng, định tính, chưa kể đến việc đặt yếu tố này lên “bàn cân” với những quyền và nghĩa vụ khác.
- Về vi phạm quyền, nghĩa vụ về tài sản, khoản 3 Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường. Theo đó, có thể thấy, lỗi trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng sẽ dẫn đến vấn đề bồi thường dân sự. Như vậy, cùng một hành vi lỗi vừa phải chịu trách nhiệm pháp lý về dân sự lại vừa phải chịu thiệt thòi khi chia tài sản. Về bản chất, việc bồi thường đã được xem lại bù đắp cho phần lỗi mà vợ hoặc chồng gây ra đối với bên còn lại nên có quan điểm cho rằng quy định như vậy là chưa hoàn toàn hợp tình, hợp lý.
Thông tư liên tịch số 01 đưa ra ví dụ để giải thích cụ thể khái niệm “lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” như sau: Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên. Ví dụ nêu trên chỉ nhắc đến các yếu tố hiện hữu và dễ xác định. Nhưng nếu đặt trường hợp người vợ cũng có lỗi dẫn đến hành vi bạo lực gia đình, phá tán tài sản của người chồng hoặc những lỗi khác nhưng khó xác định hơn dẫn đến tình trạng hôn nhân trầm trọng như xúc phạm danh dự, nhân phẩm, không tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của chồng thì sẽ giải quyết như thế nào? Trên thực tế, những lỗi này khó để xác định và khó thu thập chứng cứ.
Nhìn chung, quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình về xác định yếu tố lỗi trong phân chia tài sản của vợ, chồng còn chung chung, chưa nêu rõ được các tiêu chí nhận diện lỗi, lỗi nào là lỗi có thể được xem xét để khấu trừ một phần tài sản khi chia và cách thức để khấu trừ trong khối tài sản chung như thế nào? Do đó, trong quá trình giải quyết các vụ án, Tòa án các cấp khi áp dụng pháp luật vào giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn còn gặp nhiều lúng túng khi phân chia và nhiều trường hợp còn chưa mạnh dạn để áp dụng[4].
Chính bởi sự bất cập trong quy định “lỗi” là một trong những căn cứ được xem xét để phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn, có quan điểm cho rằng, nên bãi bỏ quy định tại điểm d khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về “lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng được quy định”. Đồng thời, bãi bỏ điểm d khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01 và ví dụ hướng dẫn điểm khoản này, cụ thể bãi bỏ hướng dẫn: “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn và bãi bỏ ví dụ: Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên[5].
Theo quan điểm của tác giả, mặc dù có những hạn chế, vướng mắc nhất định, tuy nhiên, không nhất thiết phải bỏ quy định này, vì trên thực tế, lỗi của các bên thường là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ly hôn nên cần phải xem xét đến yếu tố này khi phân chia tài sản để bảo đảm quyền lợi cho bên bị ảnh hưởng nhiều hơn. Đối với quan điểm cho rằng, người có lỗi đã phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật hôn nhân và gia đình và các luật liên quan khác nên không cần thiết xét đến yếu tố lỗi khi phân chia tài sản, tác giả cho rằng, trường hợp lỗi ở đây cần phải được hiểu có tác động rộng hơn, không chỉ đến cá nhân bị chịu tác động mà còn ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân, kéo theo đó là các hệ lụy xã hội khác như sự phát triển của con cái, gia đình hai bên. Vì vậy, việc quy định lỗi là một trong các yếu tố xét đến khi phân chia tài sản là hợp lý và cần thiết.
Tại Hoa Kỳ, đa phần các tiểu bang đều chọn cách chia tài sản theo tỷ lệ thay vì chia đôi tuyệt đối (chỉ có 09 tiểu bang quy định cách chia bình đẳng 50/50). Thẩm phán được linh hoạt xét đến các yếu tố để phân chia tài sản chung của vợ chồng và yếu tố lỗi là một trong những yếu tố được xem xét, ảnh hưởng đến tỷ lệ phân chia tài sản (kể cả ở những bang cho phép ly hôn không cần chứng minh lỗi).
Từ những phân tích, luận giải nêu trên, tác giả cho rằng, pháp luật chỉ nên xem xét đến những lỗi vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng trực tiếp dẫn đến ly hôn từ đó làm căn cứ phân chia tài sản. Trong các quyết định về việc giải quyết ly hôn của Tòa án đều có phần nguyên nhân dẫn đến ly hôn và chỉ nêu những nguyên nhân chính như hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy... vì thường lỗi vi phạm này mới có thể dẫn đến tình trạng hôn nhân trầm trọng, không thể cứu vãn. Chính vì lẽ đó, nếu pháp luật quy định chỉ xét đến những lỗi vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng trực tiếp dẫn đến ly hôn làm căn cứ để phân chia tài sản thì sẽ hợp lý và có thể áp dụng được trên thực tế. Để vừa bảo đảm sự công bằng cho các bên, vừa bớt gặp khó khăn trong việc xác định lỗi của vợ, chồng để phân chia tài sản, tác giả đề xuất sửa đổi điểm khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau: “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng trực tiếp dẫn đến ly hôn”, đồng thời, sửa đổi điểm d khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch 01 như sau: “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng trực tiếp dẫn đến ly hôn là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ly hôn”.
3. Về yếu tố bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập
Theo tinh thần tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, các yếu tố được đưa ra nhằm xác định phần chênh lệch giá trị tài sản của vợ, chồng nhận được, tuy nhiên, theo điểm c khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01 giải thích điểm c khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thì quy định chỉ đặt ra nhằm bảo đảm việc vợ, chồng sẽ nhận tài sản như thế nào để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, bên còn lại phải trả phần chênh lệch giá trị tài sản, chứ không đặt ra vấn đề chia cho bên nào giá trị tài sản nhiều hơn. Do đó, theo tác giả, việc đặt yếu tố này vào quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là chưa phù hợp. Cần cân nhắc tách điểm c khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thành một khoản riêng tại Điều 59 quy định về một trong các nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn, đồng thời, tách điểm c khoản 4 Điều 7 tại Thông tư liên tịch số 01 thành một khoản riêng tại Điều 7.
Ngoài yếu tố được xét đến khi phân chia tài sản chung của vợ chồng được quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cần xem xét bổ sung yếu tố về quyền nuôi con để tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn, cụ thể, người nào nuôi con sau khi ly hôn sẽ được hưởng phần tài sản nhiều hơn.
Quy định về tỷ lệ phân chia tài sản có xét đến các yếu tố liên quan đến con chung được pháp luật tại nhiều quốc gia ghi nhận, tuy nhiên, tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, yếu tố này chưa được thể hiện rõ nét mà chỉ được thể hiện qua nguyên tắc chung tại khoản 5 Điều 59 “bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, người vợ hoặc chồng nào nuôi con sẽ được hưởng phần tài sản nhiều hơn; tại Malaysia, khi Tòa án phân chia tài sản chung của vợ chồng sẽ xét đến nhu cầu của con chưa thành niên để xác định tỷ lệ hợp lý[6]; tại Úc, các khoản hỗ trợ cho con chung trong tương lai được tính đến khi xác định tỷ lệ phân chia tài sản chung của vợ chồng[7].
Đây là quy định mang tính nhân văn, phù hợp với thực tiễn và bảo đảm nguyên tắc tại khoản 5 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Khi ly hôn, lợi ích của con là vấn đề cần phải được xem xét kĩ càng, đặc biệt là con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình vì ly hôn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của con sau này, không chỉ về yếu tố tinh thần mà còn về yếu tố vật chất. Mặc dù, pháp luật đã có quy định về việc cấp dưỡng sau khi ly hôn nhưng thực tế, việc một mình trực tiếp chăm sóc con vẫn tốn nhiều công sức hơn so với việc cấp dưỡng, nên theo tác giả, cần bổ sung yếu tố “người được quyền nuôi con” vào khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Nhìn chung, quy định về các yếu tố được xét đến khi phân chia tài sản chung của vợ chồng tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Thông tư liên tịch số 01 đã tương đối chi tiết hơn so với các quy định trước đây, giúp các thẩm phán dễ dàng hơn trong việc áp dụng pháp luật, bảo đảm được sự công bằng cho các bên khi tiến hành phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, các quy định hiện hành vẫn cần phải tiếp tục được nghiên cứu, xem xét sửa đổi bảo đảm phù hợp hơn với thực tiễn xét xử. Qua đó, góp phần hoàn thiện khung pháp lý về hôn nhân, gia đình nói chung và các quy định về phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn nói riêng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác triển khai, thực thi pháp luật về hôn nhân và gia đình trên thực tế.
Bộ Khoa học và Công nghệ
[1]. Lê Hồng Hiển, Xác định, phân chia tài sản khi ly hôn: Một số bất cập và kiến nghị,
https://lsvn.vn/xac-dinh-phan-chia-tai-san-khi-ly-hon-mot-so-bat-cap-va-kien-nghi.html, truy cập ngày 17/01/2022.
[2]. Từ Điều 17 đến Điều 23 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[3]. Khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[4]. Trương Thị Đông, Nguyễn Thị Hải An, Trao đổi về yếu tố lỗi trong phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, http://toaandaklak.gov.vn/trao-doi-nghiep-vu/trao-doi-ve-yeu-to-loi-trong-phan-chia-tai-san-chung-cua-vo-chong-khi-ly-hon-4936.html, truy cập ngày 17/01/2022.
[5]. Trương Thanh Hòa, Yếu tố lỗi ảnh hưởng đến tỉ lệ tài sản được chia khi vợ chồng ly hôn, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xay-dung-phat-luat/yeu-to-loi-anh-huong-den-ti-le-tai-san-duoc-chia-khi-vo-chong-ly-hon, truy cập ngày 17/01/2022
[6]. Khoản 2 Điều 58 Luật Gia đình Hồi giáo Malaysia.
[7]. Khoản 4 Điều 79 Luật Gia đình năm 1975 của Úc.