1. Đặt vấn đề
Hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế và các doanh nghiệp chưa phân định rõ về hàng giả và hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố vì quy định pháp luật còn nhiều bất cập. Trong quá trình sản xuất, nhập khẩu hàng hóa là thực phẩm, doanh nghiệp đã được Nhà nước trao quyền công bố chất lượng và tự công bố chất lượng sản phẩm theo quy chuẩn Việt Nam về lĩnh vực an toàn thực phẩm. Đối với nhóm hàng hóa là thực phẩm mà Bộ Công Thương, Bộ Y tế quy định là doanh nghiệp công bố theo quy chuẩn chất lượng của Việt Nam thì sau khi doanh nghiệp xây dựng xong bản công bố phải gửi đến Cục An toàn thực phẩm chứng nhận đạt theo tiêu chuẩn chất lượng mà Nhà nước đã ban hành. Còn đối với nhóm sản phẩm mà doanh nghiệp tự công bố thì cũng dựa vào quy chuẩn để xây dựng và ban hành ra bảng tự công bố cho từng sản phẩm cụ thể của doanh nghiệp, được đăng hoặc niêm yết công khai. Trong quá trình lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp không thể tránh khỏi những vi phạm và bị cơ quan quản lý thị trường xử lý vi phạm đối với hàng hóa của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xử lý những hành vi vi phạm này trong thực tiễn vẫn còn nhiều điểm chưa chính xác.
Chính vì những lý do trên, tác giả đưa ra những kiến nghị để các nhà làm luật xây dựng các cơ chế về lĩnh vực hàng giả và hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố nhằm giải quyết những bất cập trong thực tiễn. Đồng thời, tạo khung pháp lý cho cơ quản quản lý thực hiện đúng thẩm quyền của mình trong việc xử lý hành vi vi phạm trên. Ngoài ra, đây cũng là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp hiểu đúng và đủ về hàng giả, hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố trong quá trình kinh doanh.
2. Quy định pháp luật đối với hàng giả, hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố
2.1. Quy định pháp luật về hàng giả
Có nhiều văn bản pháp lý đưa ra các quy định khác nhau có đề cập đến hàng giả như Điều 608 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định các chủ thể sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường; khoản 1 Điều 34 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định chủ thể kinh doanh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Theo các quy định này, hàng hóa không bảo đảm chất lượng có thể tùy vào tính chất, mức độ, vụ việc cụ thể để kết luận là hàng giả hay hàng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố. Do đó, khi xử lý vi phạm, nếu đủ dấu hiệu vi phạm thì chủ thể phải bồi thường thiệt hại, còn nếu đủ căn cứ để xử phạt theo quy định về hàng giả, hàng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xử phạt theo quy định.
Có thể hiểu, hàng giả gồm hai loại là giả về hình thức và giả về nội dung. Theo đó, hàng giả về hình thức được hiểu là việc hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ[1] hoặc tem, nhãn, bao bì hàng giả (khoản 8 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Nghị định số 98/2020/NĐ-CP). Bởi vì, doanh nghiệp có hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ vẫn phải sản xuất, kinh doanh hàng hóa theo tiêu chuẩn chất lượng được đăng ký theo quy định. Tuy nhiên, hàng hóa của doanh nghiệp giả mạo có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu, tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu, là trái với quy định pháp luật. Doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử lý tùy theo mức độ vi phạm. Hàng giả về nội dung tức là giả về chất lượng hàng hóa, như hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa[2]… Việc tiêu thụ hàng hóa bị làm giả sẽ dẫn đến hệ quả nhất định đối với người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp kinh doanh bị giả mạo hàng hóa. Đối với hàng giả về hình thức bên ngoài, người tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng về việc sử dụng nhãn hiệu sản phẩm của doanh nghiệp lớn nhưng chỉ bị ảnh hưởng đến nhãn hiệu là hình thức bên ngoài. Còn đối với hàng hóa vi phạm chất lượng bên trong, khi người tiêu dùng sử dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe, đặc biệt là hàng hóa thực phẩm. Trên cơ sở đó, hai hành vi vi phạm này đều bị kết luận là hàng giả theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP nhưng mức độ ảnh hưởng đến người tiêu dùng là khác nhau khi sử dụng hàng hóa. Ở đây là việc quy định hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký. Quy định về hàng giả cần phải có sự phân biệt với quy định về hàng kém chất lượng hay còn gọi là hàng không phù hợp với tiêu chuẩn tự công bố vì khi bị kết luận là hàng giả thì mức độ sai phạm nghiêm trọng hơn là hàng không phù hợp với tiêu chuẩn tự công bố. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện nay, cụ thể tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP và Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Nghị định số 119/2017/NĐ-CP) chưa thống nhất, gây nhầm lẫn trong khi áp dụng các quy định pháp luật vào thực tiễn.
2.2. Quy định về hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố
Khi doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, lưu thông hàng hóa phải bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật. Để xác định được chất lượng của hàng hóa phải đáp ứng các tiêu chuẩn như: (i) Tiêu chuẩn chất lượng của hàng hóa phải được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (ii) Pháp luật cho phép doanh nghiệp tự công bố chất lượng. Theo đó, tự công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa là việc kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi doanh nghiệp đưa hàng hóa ra thị trường, đây là quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện. Doanh nghiệp dựa trên quy định về tự công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa để xây dựng ra tiêu chuẩn chất lượng cơ sở theo Quy chuẩn Việt Nam số 11-1:2012/BYT ban hành kèm theo Thông tư số 20/2012/TT-BYT ngày 15/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 12 tháng tuổi.
Dựa trên tiêu chuẩn này, các doanh nghiệp sẽ xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, trong tiêu chuẩn này sẽ có những nội dung như thông tin về tổ chức, cá nhân công bố; thông tin, tên, thành phần, thời hạn sử dụng, quy cách đóng gói và chất liệu bao bì, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, mẫu nhãn, yêu cầu về an toàn thực phẩm. Những nội dung trong tiêu chuẩn cơ sở phải phù hợp với yêu cầu về an toàn thực phẩm quốc gia, doanh nghiệp phải xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm của mình đạt những thành phần các chất chính, chất phụ phù hợp. Ví dụ về sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi thì thành phần sữa non kèm theo những thông tin này doanh nghiệp phải xây dựng thông qua một kết luận kiểm nghiệm.
Tiếp theo, doanh nghiệp phải gửi mẫu sản phẩm đến trung tâm kiểm nghiệm có thẩm quyền để kiểm nghiệm. Hiện nay, Việt Nam có 55 viện, trung tâm[3] được phép tiến hành việc kiểm nghiệm chất lượng đối với thành phần trong hàng hóa. Sau khi có bảng kết luận kiểm nghiệm, doanh nghiệp xây dựng bảng tự công bố phù hợp với bảng kết luận kiểm nghiệm. Trong trường hợp bảng kết luận kiểm nghiệm và kết luận có một hoặc một số chất không đạt với tiêu chuẩn quốc gia quy định về chất lượng thì doanh nghiệp sản xuất phải điều chỉnh cho phù hợp. Khi có bảng kết luận kiểm nghiệm đạt yêu cầu đối với sản phẩm, doanh nghiệp dựa theo bảng kết luận này để xây dựng bảng tự công bố chất lượng.
Từ quy định này cho thấy, Nhà nước đồng thời giao quyền và trách nhiệm cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm. Chủ thể trên phải kiểm soát chất lượng đối với hàng hóa của doanh nghiệp mình và cơ quan quản lý thị trường sẽ hậu kiểm. Việc hàng hóa được kiểm nghiệm mẫu từ trung tâm, viện kiểm nghiệm chất lượng là theo định kỳ mà không phải bất cứ lô hàng nào cũng phải đi kiểm nghiệm. Do đó, xảy ra hai trường hợp, khi sản xuất các lô hàng sẽ có sự sai lệch về chất lượng hoặc khi lưu thông, mặc dù vẫn còn hạn sử dụng nhưng có những chất trong hàng hóa sẽ bay hơi tự nhiên dẫn đến khi cơ quan kiểm tra hàng hóa thì hàng hóa lưu thông này sẽ không còn chính xác với tiêu chuẩn công bố. Đây là lý do pháp luật phân định hai hành vi xử lý khác nhau giữa hàng giả và hàng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP và Nghị định số 119/2017/NĐ-CP.
Pháp luật quy định hai hành vi sai phạm này sẽ bị áp dụng các chế tài khác nhau nhưng xét về “câu chữ” thì giá trị sử dụng được xem xét với bản chất của hàng hóa hay là với mục đích của người sử dụng. Nếu là bản chất của hàng hóa phải đáp ứng hết công dụng của nó mới thỏa mãn quy định, còn nếu phù hợp với mục đích của người sử dụng thì có phần chưa phù hợp. Vì hiểu theo nghĩa “phù hợp với mục đích sử dụng của người sử dụng” thì trùng với “hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng”. Từ đó, hai hành vi này sẽ bị hiểu là giống nhau mà không phân định rõ ràng. Vì vậy, từ ngữ trong hai hành vi này cần phải sửa đổi hoặc nhập chung lại thành một. Cần phải giải thích “không phù hợp với giá trị sử dụng” mức độ như thế nào, không phù hợp hoàn toàn hay chỉ thiếu chỉ tiêu một chất thì được coi là không phù hợp với giá trị sử dụng (tức là 100% hay 70%, 50%, 30%, 1%) thì bị kết luận là không phù hợp với giá trị sử dụng. Còn “không có giá trị sử dụng” thì cần được phân định với “không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố”. Vậy nên, cần phải điều chỉnh “không phù hợp với giá trị sử dụng” trong Nghị định số 98/2020/NĐ-CP.
3. Thực tiễn áp dụng xử lý vi phạm về hàng giả và hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố
Vụ việc thứ nhất[4]: Ngày 29/7/2022, Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra mẫu đối với sản phẩm thực phẩm bổ sung dành cho người cao tuổi, tiểu đường và kết quả kiểm nghiệm là buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng với số lượng hàng giả. Xử phạt vi phạm trên theo điểm b khoản 4 Điều 4, điểm c khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP và điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. Những điều khoản này áp dụng mức phạt đối với hành vi tương ứng là xử lý theo quy định về hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vụ việc thứ hai[5]: Ngày 02/6/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã B ra quyết định xử phạt hành chính đối với hộ kinh doanh ABC với hành vi vi phạm là buôn bán hàng giả giá trị sử dụng, công dụng với thực phẩm bổ sung vi phạm khoản 1, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Sau đó, hộ kinh doanh này khiếu nại vì hành vi vi phạm này Ủy ban nhân dân nên áp dụng Điều 20 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hàng hóa vi phạm chất lượng khi lưu thông trên thị trường, tuy nhiên, Ủy ban nhân dân không chấp nhận khiếu nại này mà vẫn giữ nguyên căn cứ áp dụng hành vi vi phạm, mức độ xử phạt nhưng chưa bị xem là tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192, Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015) vì số tiền vẫn chưa đạt mức độ xử lý hình sự.
Vụ việc thứ ba[6]: Ngày 19/01/2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh V đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Thái Thị A với hành vi vi phạm buôn bán hàng giả giá trị sử dụng, công dụng đối với thực phẩm bột kem béo dinh dưỡng vi phạm khoản 1, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Vì số tiền thu lợi bất chính từ hành vi này chưa đến mức bị áp dụng theo khoản 1 Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015, tức là giá trị hàng hóa chưa đến 100.000.000 đồng và cũng không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 nên không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Qua các vụ việc thực tiễn trên, Ủy ban nhân dân vẫn giữ quan điểm là áp dụng xử phạt theo Điều 9 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, phía doanh nghiệp cho rằng nên áp dụng Nghị định số 119/2017/NĐ-CP mới chính xác. Như đã phân tích, chính vì hai nghị định này không giải thích thế nào là “không phù hợp với giá trị sử dụng, công dụng” và “không phù hợp với chất lượng đã công bố”, đồng thời, mức phạt giữa hai nghị định này là khác nhau, nếu áp dụng quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP là hàng giả mà mức phạt cao thì sẽ bị xử lý hình sự. Hơn nữa, khi cơ quan nhà nước lấy mẫu để kiểm nghiệm thì ấn định cơ quan kiểm nghiệm trong các trung tâm kiểm nghiệm. Vậy, nếu kết quả kiểm định giữa mẫu do cơ quan quản lý thị trường đem kiểm nghiệm với mẫu do doanh nghiệp đem kiểm nghiệm là khác nhau thì giải quyết như thế nào?
4. Một số ý kiến đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật và cơ chế áp dụng pháp luật
4.1. Sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật
Quy định về hàng giả mạo nhãn hiệu vẫn chưa thống nhất, theo đó, Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung các năm 2009, 2019, 2022 (Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005) xác định hàng giả mạo nhãn hiệu là nhãn hiệu có dấu hiệu tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu được bảo hộ, tuy nhiên, tại Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và điểm đ khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP đưa ra khái niệm hàng giả không đồng nhất với định nghĩa tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 bằng cách liệt kê những hành vi xâm phạm. Như vậy, quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 về nhãn hiệu có chứa dấu hiệu tương tự đến mức “khó phân biệt” với nhãn hiệu đang được bảo hộ nên sửa thành “không phân biệt được” để phù hợp và thống nhất khi áp dụng trên thực tế đối với các hành vi xâm phạm đối với hàng giả.
Quy định về hàng giả tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP chưa phù hợp với quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Nếu muốn áp dụng xử phạt hàng giả mạo về nhãn hiệu theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP thì phải quy định thống nhất với nội dung quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; nếu áp dụng xử lý hình sự theo Điều 192, Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả này là quy định khác. Do đó, nếu áp dụng Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP để xử lý hàng giả rồi chuyển qua hình sự do mức độ vi phạm nghiêm trọng thì chưa chính xác. Vì hàng giả theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP là giả mạo về nhãn hiệu, tức là có công ty làm hàng hóa nhưng xâm phạm nhãn hiệu của công ty đã bảo hộ, còn hàng giả theo Điều 192, Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 là sản xuất, buôn bán hàng giả, tức là ghi luôn tên của doanh nghiệp đã đăng ký trên thị trường.
Về hàng giả quy định tại điểm a khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP có hai vế, hàng giả do không có giá trị sử dụng và hàng giả không phù hợp với giá trị sử dụng. Ở vế thứ nhất, tác giả đồng ý giữ nguyên vì quy định này không gây nhầm lẫn, khó hiểu khi áp dụng. Còn việc không phù hợp với giá trị sử dụng cần phải giải thích cụ thể là khi hàng hóa này có giá trị sử dụng bảo đảm 70% giá trị sử dụng thì phù hợp. Do đó, tác giả đề xuất bỏ quy định trong vế thứ hai tại điểm a khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, vì những trường hợp này nên xử lý theo Nghị định số 119/2017/NĐ-CP. Nếu kiểm nghiệm mà thành phần chất chính không có và chất không đủ 70% thì chuyển xử lý theo điểm b khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP.
4.2. Nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật khi xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp và cơ quan nhà nước
Đối với các doanh nghiệp, cần thiết phải đưa ra bảng công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa cho từng sản phẩm của mình phải phù hợp với tiêu chuẩn công bố quốc gia. Ngoài ra, doanh nghiệp cần lưu ý yếu tố “bay hơi tự nhiên” trên bảng công bố để khuyến nghị là phù hợp theo quy định. Cần phải giám sát từ kết quả kiểm nghiệm cho đến quy trình sản xuất, đóng gói và lưu thông hàng hóa để tránh trường hợp hàng hóa sản xuất không phù hợp với kết quả đã công bố.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần phải xác định cho đúng tiêu chuẩn các chất trong sản phẩm và áp dụng quy định để xử lý phù hợp. Cụ thể, các chất chỉ bay hơi tự nhiên ở mức độ không đáng kể thì xử lý theo Nghị định số 119/2017/NĐ-CP; hành vi không phù hợp với giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa thì nên xử lý theo Nghị định số 119/2017/NĐ-CP. Cơ quan quản lý nhà nước không nên áp dụng Nghị định số 98/2020/NĐ-CP làm tăng nặng mức độ vi phạm, vì áp dụng như vậy là chưa chính xác. Điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp trong nước sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Như vậy, quy định về hàng giả, hàng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố đã không còn phù hợp với thực tiễn xử lý như đã phân tích. Tác giả kiến nghị cần phải điều chỉnh đối với cơ chế quản lý về lĩnh vực hàng hóa trên. Từ đó, tránh trường hợp cơ quan quản lý nhà nước áp dụng xử lý các hành vi vi phạm tùy tiện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp “làm ăn chân chính” phát triển, giảm thiểu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
TS. Lê Thị Tuyết Hà
Trưởng Bộ môn Luật Thương mại, Khoa Luật,
Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh
[1]. Xem Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung các năm 2009, 2019, 2022 (Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005).
[2]. Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP.
[3]. Thái Bình, Bộ Y tế công bố 55 cơ sở được chỉ định kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm, https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-cong-bo-55-co-so-duoc-chi-dinh-kiem-nghiem-ve-an-toan-thuc-pham-169211103205437921.htm#:~:text=SK%C4%90S%20%20Trong%20danh%20s%C3%A1ch%2055%20c%C6%A1%20s%E1%BB%9F,Trang%2C%20m%E1%BB%99t%20s%E1%BB%91%20CDC%20c%C3%A1c%20t%E1%BB%89nh%2C%20th%C3%A0nh%20ph%E1%BB%91, truy cập ngày 10/11/2023.
[4]. Biên bản xử phạt hành chính số 56040056/BB-VPHC về buôn bán hàng giả ngày 13/10/2023 của Đội Quản lý thị trường số 4 thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau đối với Công ty TNHH XYZ (đã sửa tên công ty).
[5]. Quyết định xử phạt số 1777/QĐ-XPHC của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã B về việc xử phạt vi phạm hành chính về buôn bán hàng giả ngày 02/6/2023 đối với hộ kinh doanh ABC (tên chủ sở hữu hộ kinh doanh, hộ kinh doanh đã được sửa tên).
[6]. Quyết định số 154/QĐ-XPVPHC về buôn bán hàng giả ngày 19/01/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh V đối với bà Thái Thị A (tên người bị xử phạt đã thay đổi).
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 398), tháng 2/2024)