1. Đặt vấn đề
Về nguyên tắc, khi hợp đồng được ký kết thì các bên sẽ thiện chí và nỗ lực để thực hiện hợp đồng. Nhưng trong thực tế, có nhiều trường hợp hợp đồng kinh doanh, thương mại không được thực hiện đúng với thỏa thuận, thậm chí còn có thể gây thiệt hại cho các chủ thể hợp đồng. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào chủ thể không thực hiện đúng hợp đồng cũng có lỗi và trong những trường hợp đó họ được miễn trách nhiệm pháp lý. Quy định này góp phần tích cực trong bảo vệ quyền lợi của các chủ thể trong quan hệ hợp đồng kinh doanh, thương mại với những sự việc xảy ra không phụ thuộc vào ý chí của các bên. Mặc dù vậy, quá trình áp dụng những quy định loại trừ trách nhiệm cho chủ thể không thực hiện đúng hợp đồng cho thấy một số bất cập. Do đó, việc nghiên cứu, trao đổi và đề xuất giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật về miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng kinh doanh, thương mại là thực sự cần thiết trong thực tế.
2. Khái quát về miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng kinh doanh, thương mại
Từ khái niệm hợp đồng nói chung được quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015, có thể hiểu: Hợp đồng kinh doanh, thương mại là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên về kinh doanh, thương mại. Tức là, trong quá trình thực hiện các hoạt động kinh doanh, thương mại, cá nhân, tổ chức có giao kết các hợp đồng (mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, chuyển giao công nghệ...) với nhau nhằm hướng tới những lợi ích nhất định. Tất nhiên, khi giao kết hợp đồng, hầu hết các bên đều mong muốn sẽ thực hiện đúng hợp đồng và được hưởng lợi nhuận, đạt được mục đích ban đầu của các bên trước khi ký kết. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hợp đồng không phải lúc nào cũng thuận lợi, có nhiều trường hợp hợp đồng không được thực hiện như những gì đã thỏa thuận. Nguyên nhân của tình trạng đó rất đa dạng (bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan), trong đó có những nguyên nhân hoàn toàn không do lỗi của chủ thể không thực hiện đúng hợp đồng. Do đó, pháp luật đã loại trừ trách nhiệm cho những chủ thể không thực hiện đúng hợp đồng mà họ không có lỗi. Tức là, có những chủ thể mặc dù không thực hiện đúng hợp đồng nhưng không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Thông thường, để xác định một chủ thể có được miễn trách nhiệm do không thực hiện đúng hợp đồng hay không thì cần xem xét các yếu tố như: (i) Hợp đồng giữa hai bên là hợp pháp; (ii) Bên không thực hiện đúng hợp đồng chứng minh được mình không có lỗi.
Thực chất, việc xem xét hợp đồng hợp pháp không quá khó khăn, do đó, để chứng minh một chủ thể không thực hiện đúng hợp đồng vẫn được miễn trách nhiệm pháp lý thì cần tập trung chứng minh lỗi của chủ thể đó. Theo quan điểm thông thường, lỗi là khái niệm dùng để chỉ những sai sót của sự vật, hiện tượng hoặc trong cách hành xử[1]. Trong khoa học pháp lý, lỗi là trạng thái tâm lý phản ánh thái độ tiêu cực của một người đối với hành vi trái pháp luật của họ và đối với hậu quả của hành vi đó. Một người bị coi là có lỗi khi thực hiện một hành vi trái pháp luật nếu đó là kết quả của sự tự lựa chọn, quyết định và thực hiện của chính chủ thể trong khi có đủ điều kiện để lựa chọn, quyết định và thực hiện một xử sự khác phù hợp với các quy định của pháp luật[2]. Tức là, nếu chủ thể hợp đồng vẫn có khả năng lựa chọn xử sự khác ngoài xử sự không thực hiện đúng hợp đồng mà không lựa chọn thì bị coi là có lỗi và ngược lại, nếu không có khả năng lựa chọn xử sự nào khác thì được coi là không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình.
3. Đánh giá quy định pháp luật về miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng kinh doanh, thương mại
3.1. Về tên gọi
Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 xác định, phạm vi miễn trách nhiệm là các “hành vi vi phạm” hợp đồng kinh doanh, thương mại. Đồng thời, tại khoản 12 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Vi phạm hợp đồng là một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc không thực hiện đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của luật này”. Theo khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”. Có lẽ quan điểm và cách tiếp cận về vi phạm hợp đồng của Luật Thương mại năm 2005 có sự khác biệt với quan điểm và cách tiếp cận những vấn đề lý luận về vi phạm pháp luật nói chung. Theo Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật của Trường Đại học Luật Hà Nội, một hiện tượng xã hội bị coi là vi phạm pháp luật khi có đủ bốn dấu hiệu: (i) Là hành vi xác định của con người; (ii) Tính trái pháp luật của hành vi, xâm hại đến quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ; (iii) Tính có lỗi; (iv) Chủ thể thực hiện hành vi phải có năng lực trách nhiệm pháp lý[3]. Như vậy, khi một chủ thể có hành vi không thực hiện đúng hợp đồng kinh doanh, thương mại mà bị coi là vi phạm pháp luật tức là hành vi của chủ thể đó có đủ bốn dấu hiệu nói trên (trong đó có dấu hiệu lỗi). Trong khi đó, có nhiều trường hợp được liệt kê ở Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 là những trường hợp chủ thể đó không có lỗi. Cụ thể, đó là những trường hợp sau: Xảy ra sự kiện bất khả kháng; hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng (tức là, chỉ có trường hợp đầu tiên “xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận” là bên không thực hiện đúng hợp đồng có thể có lỗi hoặc không có lỗi còn ba trường hợp sau chủ thể không thực hiện đúng hợp đồng luôn không có lỗi). Do đó, tác giả cho rằng, việc đặt tên cho Điều 294 trong Luật Thương mại năm 2005 chưa thực sự phù hợp với bản chất các quy định tại điều luật này.
3.2. Về các trường hợp được miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng
- Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận: Khi giao kết hợp đồng các bên có quyền tự do thỏa thuận những điều khoản trong đó có các trường hợp được miễn trách nhiệm. Các trường hợp miễn trách nhiệm do các bên thỏa thuận có thể được pháp luật quy định hoặc không. Mặc dù là trường hợp nào thì sự thỏa thuận về miễn trách nhiệm không được trái pháp luật. Do đó, Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 chưa xác định cụ thể yêu cầu thỏa thuận miễn trách nhiệm không được trái pháp luật của các bên là một điểm thiếu sót.
- Xảy ra sự kiện bất khả kháng: Trường hợp này không cần thiết phải có thỏa thuận của các bên, khi xảy ra sự kiện bất khả kháng dẫn đến hành vi không thực hiện đúng hợp đồng thì chủ thể đó vẫn được miễn trách nhiệm. Tuy nhiên, để có thể hiểu rõ thế nào là sự kiện bất khả kháng thì phải dẫn chiếu đến quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Tác giả cho rằng, cách lý giải về sự kiện bất khả kháng chưa thực sự đầy đủ cho nên khi áp dụng trên thực tế sẽ khó khăn. Điều này cũng đồng quan điểm với ý kiến cho rằng, việc chứng minh có tồn tại sự kiện bất khả kháng thuộc về nghĩa vụ của bên vi phạm hợp đồng, nhưng việc bên đó được hay không được miễn trừ lại phụ thuộc vào bên bị vi phạm hoặc cơ quan chức năng có chấp nhận nó là sự kiện bất khả kháng hay không[4].
- Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia: Tương tự như nhận xét về tên gọi của Điều 294 Luật Thương mại năm 2005, tác giả cho rằng, việc quy định “hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia” là chưa phù hợp bởi nếu chủ thể vi phạm hợp đồng thì có nghĩa là chủ thể đã có lỗi. Nếu nguyên nhân của việc không thực hiện đúng hợp đồng là hoàn toàn do lỗi của bên còn lại thì không thể coi hành vi không thực hiện đúng hợp đồng là vi phạm hợp đồng (vi phạm pháp luật). Nội hàm của điều khoản này là để chỉ việc không thực hiện đúng hợp đồng của một bên có nguyên nhân hoàn toàn từ lỗi của bên còn lại. Ví dụ: Bên A đã hẹn giao hàng cho bên B vào 10 giờ một ngày cụ thể tại trụ sở chính của bên B nhưng do bên B không phân công nhiệm vụ người trực để nhận hàng nên bên A không thể giao hàng đúng thời hạn. Trên thực tế, chủ thể không thực hiện đúng hợp đồng cần phải chứng minh lỗi của bên kia trong trường hợp này phải là nguyên nhân trực tiếp và là tiền đề của việc không thực hiện nghĩa vụ.
- Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng: Quyết định của cơ quan nhà nước phải làm phát sinh các điều kiện mới tác động trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng của các bên. Chính vì vậy, một bên chủ thể không thể thực hiện đúng như những gì đã thỏa thuận. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đồng nhất quan điểm cho rằng, về bản chất, trường hợp này cũng là trường hợp miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng. Nhưng khác với trường hợp miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng, trường hợp này không phải xem xét tới tính khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được của quyết định của cơ quan nhà nước[5].
Thông thường, các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều vì mục đích liên quan đến an ninh quốc gia, lợi ích công cộng nên trong một số trường hợp, các cá nhân, tổ chức phải hy sinh tư lợi để cùng Nhà nước thực hiện các nghĩa vụ vì lợi ích chung. Ví dụ: Công ty A ký hợp đồng mua 10 tấn gạo của Công ty B và hai bên hẹn 08 giờ ngày 22/5/2023, Công ty B sẽ chuyển gạo đến trụ sở của Công ty A. Tuy nhiên, đến ngày 22/5/2023, vì thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về trưng mua gạo nhằm cứu trợ cho nhân dân vùng bị lũ lụt nên Công ty B không có gạo để giao cho Công ty A. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, Luật Thương mại năm 2005 chưa tính đến trường hợp sau khi Công ty B thực hiện nghĩa vụ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì vẫn còn đủ số gạo để giao cho Công ty A nhưng Công ty B không giao gạo cho Công ty A thì có bị coi là vi phạm hợp đồng không. Để vừa bảo vệ lợi ích công cộng, vừa bảo vệ quyền lợi của các bên trong quan hệ hợp đồng kinh doanh, thương mại thì cần thiết phải quy định chi tiết về nội dung này.
3.3. Nghĩa vụ thông báo và xác nhận trường hợp miễn trách nhiệm
Chủ thể không thực hiện đúng hợp đồng thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm phải có nghĩa vụ thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra. Như vậy, Luật Thương mại năm 2005 không xác định chính xác thời điểm mà bên không thực hiện đúng hợp đồng phải thông báo về trường hợp được miễn trách nhiệm. Với việc sử dụng cụm từ “thông báo ngay” thì có thể hiểu đó là thời điểm xảy ra sự kiện miễn trách nhiệm. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp vì lý do trở ngại khách quan mà chủ thể không thực hiện đúng hợp đồng không thể thông báo ngay. Ví dụ: Công ty A chuyển hàng hóa cho Công ty B như đã thỏa thuận trong hợp đồng nhưng do gặp mưa to bất ngờ nên xe hàng không thể di chuyển và giao hàng đúng thời hạn. Trong trường hợp này vì thời tiết xấu nên sóng điện thoại không tốt, tài xế vận chuyển hàng không thể gọi điện thông báo tình trạng đó.
Ngoài ra, pháp luật cũng quy định bên không thực hiện đúng hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh với bên bị vi phạm về trường hợp miễn trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, nếu hành vi không thực hiện đúng hợp đồng hoàn toàn do lỗi của bên kia thì khi chứng minh nếu bên kia không hợp tác sẽ gây khó khăn cho quá trình chứng minh. Trong khi đó, khi ở trường hợp này, quyền lợi của các bên trong quan hệ hợp đồng kinh doanh, thương mại có tính đối lập. Nếu bên không thực hiện đúng hợp đồng chứng minh được hành vi không thực hiện đúng hợp đồng của mình là hoàn toàn do lỗi của bên kia thì bên còn lại trong hợp đồng không được yêu cầu bồi thường thiệt hại.
4. Hoàn thiện quy định pháp luật về loại trừ trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng
Thứ nhất, sửa đổi tên gọi của Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 cho phù hợp với nội hàm các quy định.
Theo đó, Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 sẽ có tên gọi là “Miễn trách nhiệm do không thực hiện đúng hợp đồng”. Bởi vì, như đã phân tích trong bài, nếu là vi phạm hợp đồng thì tức là chủ thể đã có lỗi và phải chịu trách nhiệm pháp lý. Để không phải chịu trách nhiệm pháp lý thì chủ thể phải thuộc trường hợp không có lỗi. Do đó, các hành vi mà chủ thể thực hiện chỉ là hành vi không thực hiện đúng hợp đồng (tức là không thực hiện đúng những gì đã thỏa thuận về đối tượng, giá cả, thời gian thực hiện, phương thức thực hiện...) mà không phải là hành vi vi phạm hợp đồng. Việc sửa đổi tên gọi của Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 như vậy bảo đảm tên gọi và bản chất các quy định có sự thống nhất với nhau.
Thứ hai, hoàn thiện quy định về các trường hợp được miễn trách nhiệm do không thực hiện đúng hợp đồng.
Bổ sung yêu cầu về tính hợp pháp của thỏa thuận miễn trách nhiệm. Theo đó, việc thỏa thuận trường hợp nào không thực hiện đúng hợp đồng mà được miễn trách nhiệm là sự tự do của các bên nhưng phải bảo đảm thỏa thuận đó không được trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật.
Giải thích rõ hơn về sự kiện bất khả kháng nhằm tạo thuận lợi, thống nhất cho quá trình áp dụng pháp luật của các chủ thể. Theo đó, sự kiện bất khả kháng có thể là các hiện tượng thiên nhiên như hỏa hoạn, bão, động đất, lũ lụt, sóng thần… hoặc các hiện tượng kinh tế - xã hội như chiến tranh, bạo loạn, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách của Nhà nước… Nhưng để khẳng định là sự kiện bất khả kháng thì cần phải bảo đảm các yêu cầu sau: (i) Có tính chất bất thường mà các bên không thể lường trước; (ii) Là nguyên nhân dẫn đến việc không thực hiện đúng hợp đồng; (iii) Xảy ra khi các bên đã giao kết hợp đồng; (iv) Bên không thực hiện đúng hợp đồng đã nỗ lực khắc phục nhưng không được.
Sử dụng từ ngữ phù hợp hơn cho trường hợp miễn trách nhiệm khi hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia. Theo đó, nên sử dụng cụm từ “hành vi không thực hiện đúng hợp đồng của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia” thay vì cách sử dụng cụm từ “hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia” như điểm c khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 quy định.
Đối với trường hợp được miễn trách nhiệm do bên không thực hiện đúng hợp đồng vì phải thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng thì cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể về quyết định nào của cơ quan nhà nước sẽ trở thành căn cứ cho việc miễn trách nhiệm. Việc hướng dẫn cụ thể không chỉ giúp các chủ thể trong quan hệ hợp đồng hiểu rõ và thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ mà còn nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi ban hành các quyết định.
Ngoài ra, pháp luật cần quy định rõ trường hợp chủ thể hợp đồng sau khi thực hiện nghĩa vụ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà vẫn còn khả năng thực hiện nghĩa vụ hợp đồng nhưng không thực hiện thì đó là trường hợp vi phạm hợp đồng.
Thứ ba, hoàn thiện các quy định về thực hiện nghĩa vụ thông báo và xác nhận trường hợp miễn trách nhiệm.
Pháp luật về thương mại cần quy định rõ thời gian mà bên không thực hiện đúng hợp đồng phải thực hiện nghĩa vụ thông báo cho bên còn lại. Theo đó, thời gian hợp lý nhất là khi xảy ra trường hợp được miễn trách nhiệm thì bên không thực hiện đúng hợp đồng phải thông báo luôn cho bên còn lại. Nếu vì lý do khách quan mà không thể thông báo vào thời điểm đó thì phải thông báo ở thời điểm chấm dứt cản trở khách quan. Quy định như vậy vừa giúp nâng cao trách nhiệm của các chủ thể, vừa tạo điều kiện để các chủ thể thực hiện nghĩa vụ thông báo thuận lợi hơn.
Pháp luật đưa ra yêu cầu bắt buộc bên còn lại trong hợp đồng phải hợp tác, cung cấp thông tin, dữ liệu để bên không thực hiện đúng hợp đồng chứng minh họ thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm. Nếu bên không thực hiện đúng hợp đồng chứng minh được bên còn lại cố ý không cung cấp thông tin, dữ liệu thì không phải chịu trách nhiệm do không thực hiện đúng hợp đồng.
Quy định của pháp luật về miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng kinh doanh, thương mại giúp các chủ thể hiểu rõ giới hạn trách nhiệm và là tiền đề để họ thực hiện nghiêm chỉnh trách nhiệm đó nhằm bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên trong quan hệ hợp đồng kinh doanh, thương mại. Do vậy, Luật Thương mại năm 2005 cần đổi tên của Điều 294 cho phù hợp với bản chất của các quy định. Ngoài ra, pháp luật cần bổ sung yêu cầu về tính hợp pháp của thỏa thuận miễn trách nhiệm, quy định rõ hơn về sự kiện bất khả kháng, quy định cụ thể về trách nhiệm thông báo và chứng minh của chủ thể không thực hiện đúng hợp đồng và trách nhiệm hợp tác của bên còn lại trong quan hệ hợp đồng kinh doanh, thương mại.
Nguyễn Thị Thủy
Học viện Chính trị khu vực II
[1]. Viện Ngôn ngữ học (2004), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, tr. 581 - 582.
[2]. Trường Đại học Luật Hà Nội (2016), Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, tr. 423 - 424.
[3]. Trường Đại học Luật Hà Nội (2016), tlđd, tr. 421.
[4]. Đặng Hồng Dương (2021), “Các trường hợp miễn trách nhiệm với hành vi vi phạm hợp đồng trong thương mại”, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, https://lsvn.vn/cac-truong-hop-mien-trach-nhiem-voi-hanh-vi-vi-pham-hop-dong-trong-thuong-mai1631637231.html.
[5]. ThS. Nguyễn Văn Hùng, “Miễn trách nhiệm đối với vi phạm hợp đồng do phải thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 17 (465), tháng 9/2022.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 399), tháng 2/2024)