1. Khái niệm nghề công tác xã hội
Trên thế giới, nghề công tác xã hội đã chính thức được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19 tại các quốc gia châu Âu và Hoa Kỳ thông qua phong trào phát triển phúc lợi xã hội khi các tổ chức từ thiện bắt đầu cung cấp dịch vụ gia đình, nhà định cư, hỗ trợ trẻ mồ côi, quả phụ, người nhập cư và các lao động trẻ trong bối cảnh điều kiện sinh sống và làm việc khắc nghiệt. Cho đến nay, công tác xã hội (CTXH) đã được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận như một ngành nghề mang tính chuyên môn với chức năng cơ bản là ngăn ngừa và khắc phục những vấn đề xã hội, tập trung vào những mối quan tâm và nhu cầu của con người, đồng thời giúp họ vượt qua khó khăn và phát huy tối đa khả năng của bản thân. CTXH tập trung vào ba nhóm đối tượng chính, bao gồm CTXH với cá nhân, với nhóm và với cộng đồng. Theo Liên đoàn Nhân viên Công tác xã hội Quốc tế (IFSW), CTXH là nghề nghiệp dựa trên thực hành nhằm khuyến khích những thay đổi và phát triển xã hội, gắn kết xã hội, trao quyền và giải phóng con người. Các nguyên tắc về công bằng xã hội, quyền con người, trách nhiệm tập thể và tôn trọng sự đa dạng là trung tâm của nghề CTXH. Được củng cố bởi các lý thuyết về công tác xã hội, khoa học xã hội, nhân văn và kiến thức địa phương, CTXH thực hành với con người và các thể chế để giải quyết những thách thức cuộc sống và nâng cao sức khỏe của cộng đồng[2].
Tại Việt Nam, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg, ngày 23/3/2010 về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 (gọi tắt là Đề án 32). Theo Đề án 32, CTXH góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa con người và con người, hạn chế phát sinh các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, hướng tới một xã hội lành mạnh, công bằng, hạnh phúc cho người dân và xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.
2. Các quy định về nghề công tác xã hội tại Ôxtrâylia
Mặc dù nghề CTXH đã bắt đầu phát triển tại Ôxtrâylia từ cuối thập niên 20 của thế kỷ trước, nhưng tới năm 1946, Hiệp hội Nhân viên Công tác xã hội Ôxtrâylia (AASW) mới được thành lập. Tổ chức này hiện nay là hiệp hội quốc gia, đại diện cho tất cả nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp tại Ôxtrâylia, có vai trò quan trọng trong các vấn đề hòa nhập xã hội, công bằng xã hội, quyền con người và những vấn đề tác động đến chất lượng cuộc sống của mọi người dân Ôxtrâylia[3]. Đây là cơ quan thiết lập các tiêu chuẩn đào tạo nghề công tác xã hội chuyên nghiệp, quy định các quy tắc đạo đức và tiêu chuẩn thực hành nghề CTXH và thực hiện đánh giá kỹ năng nghề của nhân viên CTXH tại nước này. Để đảm bảo sự phát triển bền vững của nghề CTXH, AASW ban hành các tài liệu hướng dẫn và điều chỉnh nghề CTXH. Trong đó, Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp và Bộ Tiêu chuẩn thực hành CTXH là hai tài liệu quan trọng nhất, định hướng giáo dục đào tạo nghề CTXH và hướng dẫn nhân viên CTXH duy trì trách nhiệm, tuân thủ các tiêu chuẩn thực hành và phát huy bản sắc chuyên nghiệp.
2.1. Bộ Quy tắc đạo đức nghề công tác xã hội của Ôxtrâylia
Bộ quy tắc đạo đức nghề CTXH bao gồm những nguyên tắc đạo đức mang tính bắt buộc thực hành đối với tất cả nhân viên Công tác xã hội, được thể hiện qua 05 phần nội dung chính[4]. Phần thứ nhất thống nhất cách hiểu về khái niệm công tác xã hội, cam kết và các mục tiêu công tác xã hội, thực hành công tác xã hội tại Ôxtrâylia và giới thiệu AASW. Phần thứ hai nêu rõ mục đích của Bộ quy tắc đạo đức và yêu cầu mọi thành viên Hiệp hội phải thực hiện các quy tắc. Phần thứ ba là nội dung quan trọng nhất đối với đào tạo và thực hành của mọi nhân viên CTXH tại Ôxtrâylia. Phần này khẳng định ba giá trị cốt lõi của nghề CTXH và tất cả nhân viên CTXH phải cam kết và thể hiện qua tác nghiệp hàng ngày với mọi đối tượng khách hàng. Đó là các giá trị: Tôn trọng con người (respect for person), công bằng xã hội (social justice) và tính liêm chính nghề nghiệp (professional integrity). Phần thứ tư bao gồm những hướng dẫn về thực hành, phân tích tình huống và yêu cầu nhân viên CTXH ra các quyết định phù hợp với các quy tắc đạo đức trong quá trình cung cấp dịch vụ CTXH. Phần thứ năm quy định chi tiết các nghĩa vụ mà nhân viên CTXH phải thực hiện để đảm bảo thực hành CTXH của họ tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề CTXH. Đó là nghĩa vụ đối với khách hàng của dịch vụ CTXH (ưu tiên lợi ích của khách hàng, tôn trọng quyền tự quyết của khách hàng, bảo mật thông tin khách hàng...), các nghĩa vụ đối với đồng nghiệp, những trách nhiệm tại nơi làm việc (cung cấp và quản lý dịch vụ CTXH), những trách nhiệm chung (tôn trọng bản chất và giá trị nhân văn, cam kết với công bằng xã hội và quyền con người, xung đột lợi ích...), các nghĩa vụ của nhân viên CTXH với nghề nghiệp và trong những trường hợp đặc biệt (nghiên cứu, giáo dục, đào tạo, giám sát, đánh giá và cũng cấp dịch vụ CTXH từ xa...).
2.2. Bộ Tiêu chuẩn thực hành nghề công tác xã hội của Ôxtrâylia
Bộ tiêu chuẩn quy định 08 tiêu chuẩn đối với việc cung cấp dịch vụ CTXH tại Ôxtrâylia, bao gồm: Các giá trị và đạo đức nghề nghiệp; thực hành nghề CTXH chuyên nghiệp; thực hành CTXH bao hàm và đáp ứng các yếu tố, giá trị văn hóa; kiến thức thực hành; áp dụng kiến thức vào thực hành; các kỹ năng giao tiếp; ghi chép và chia sẻ thông tin; giám sát và phát triển nghề nghiệp[5]. Các tiêu chí và chỉ số đánh giá việc thực hiện từng tiêu chuẩn cũng được quy định cụ thể như sau:
- Tiêu chuẩn về các giá trị và đạo đức nghề CTXH yêu cầu nhân viên CTXH phải cung cấp dịch vụ theo các nguyên tắc của Bộ Quy tắc đạo đức nghề CTXH (như đã nêu ở trên), xử lý các tình huống khó xử về đạo đức nghề nghiệp cũng như những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hành theo đúng quy trình ra quyết định tuân thủ các quy tắc đạo đức CTXH.
- Tiêu chuẩn về tính chuyên nghiệp yêu cầu dịch vụ do nhân viên CTXH cung cấp phải đảm bảo tính liêm chính, thể hiện sự chuyên nghiệp, trách nhiệm giải trình trong mọi hành động và quyết định nghề nghiệp của nhân viên CTXH.
- Tiêu chuẩn về các yếu tố và giá trị văn hóa yêu cầu nhân viên CTXH phải cung cấp dịch vụ mang tính bao hàm và thể hiện tôn trọng với sự đa dạng và những khác biệt về văn hóa.
- Tiêu chuẩn kiến thức thực hành yêu cầu nhân viên CTXH phải có kiến thức hệ thống về các ảnh hưởng đối với con người trong từng lĩnh vực thực hành, về hệ thống các khái niệm, lý thuyết thực hành và các phương pháp thực hành CTXH đã được đúc kết trên cơ sở các lý thuyết. Nhân viên CTXH cần hiểu về vai trò quan trọng của nghiên cứu CTXH và công tác đánh giá để tổng hợp kiến thức và trau dồi thêm các kiến thức thực hành mới.
- Tiêu chuẩn áp dụng kiến thức vào thực hành yêu cầu nhân viên CTXH phải biết sử dụng hàng loạt phương pháp và kỹ thuật thực hành CTXH phù hợp với từng lĩnh vực dịch vụ cụ thể. Nhân viên CTXH cũng cần phải tiến hành đánh giá và phân tích các nhu cầu để làm cơ sở cho việc cung cấp dịch vụ CTXH, phải phối hợp cộng tác với các cá nhân, đơn vị cung cấp dịch vụ có liên quan, áp dụng phương pháp suy nghĩ phản biện và thực hành phản ảnh trong quá trình cung cấp dịch vụ CTXH.
- Tiêu chuẩn giao tiếp chuyên nghiệp yêu cầu nhân viên CTXH phải có kỹ năng giao tiếp và trao đổi thông tin một cách hiệu quả với nhiều đối tượng khách hàng, với các nhân viên khác trong quá trình làm việc theo nhóm, phải có khả năng sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin để có thể trao đổi đầy đủ và phù hợp về mọi chi tiết cũng như tổng thể nội dung của dịch vụ CTXH.
- Tiêu chuẩn về ghi chép và chia sẻ thông tin yêu cầu nhân viên CTXH phải ghi chép, lưu giữ, quản lý và chia sẻ hồ sơ, thông tin liên quan tới khách hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ CTXH và các dịch vụ CTXH theo đúng các quy định pháp luật và tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề CTXH.
- Tiêu chuẩn giám sát và phát triển nghề nghiệp yêu cầu nhân viên CTXH phải chủ động tham gia vào quy trình bắt buộc về giám sát dịch vụ CTXH, thể hiện và thực hiện cam kết liên tục và lâu dài đối với việc phát triển nghề CTXH của bản thân cũng như đóng góp cho việc giáo dục, đào tạo, phát triển nghề CTXH của những cá nhân, đơn vị khác nói riêng và của Hiệp hội Nhân viên CTXH nói chung.
Các quyền và nghĩa vụ của nhân viên CTXH trong từng lĩnh vực dịch vụ được pháp luật Ôxtrâylia quy định cụ thể trong văn bản pháp luật liên quan tới lĩnh vực và vị trí tương ứng mà nhân viên CTXH đang đảm nhận. Chẳng hạn, nếu nhân viên CTXH làm việc trong hệ thống bảo vệ trẻ em thì có các quyền và phải thực hiện nhiệm vụ của cán bộ đảm bảo an toàn trẻ em theo quy định của Luật Bảo vệ trẻ em. Nhân viên CTXH làm việc trong các trung tâm cộng đồng hoặc các đơn vị chăm sóc sức khỏe tâm thần thì phải tuân thủ các quy trình đánh giá, thủ tục xác nhận tại Tòa án, cung cấp dịch vụ chăm sóc,... theo quy định của Luật Sức khỏe tâm thần. Nhân viên CTXH có vai trò là cán bộ quản lý trường hợp về bạo lực gia đình thì sẽ có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của các văn bản về luật hình sự, luật gia đình, luật bảo vệ trẻ em... Có thể thấy rằng, mặc dù ở Ôxtrâylia không tồn tại một văn bản pháp luật quy định chung về nghề CTXH nhưng tuyên bố của AASW về các giá trị cốt lõi mà ngành CTXH cam kết thực hiện có ý nghĩa là “kim chỉ nam” cho dịch vụ CTXH được cung cấp tại Ôxtrâylia.
3. Pháp luật về nghề công tác xã hội tại Việt Nam và một số kiến nghị
CTXH là nghề cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, giúp đỡ những người yếu thế, người có hoàn cảnh khác biệt, những người gặp khó khăn hoặc những người bị đẩy ra ngoài xã hội (người khuyết tật, người cao tuổi, nạn nhân của bạo hành gia đình...). Sứ mạng của ngành CTXH là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu những rào cản trong xã hội, sự bất công và bất bình đẳng. Theo khái niệm về CTXH được các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia ghi nhận và đang sử dụng, CTXH ở Việt Nam đã luôn hiện hữu và được nhiều phong trào, nhiều tổ chức thực hiện trong suốt các giai đoạn phát triển của đất nước. Từ khi nước ta thực hiện công cuộc đổi mới, các dịch vụ CTXH vẫn liên tục được cung cấp thông qua chức năng của nhiều ban, ngành thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (về bảo trợ xã hội, hỗ trợ người nghèo, người có HIV...) và hoạt động của các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, tổ hòa giải cơ sở. Tuy nhiên, nghề CTXH chuyên nghiệp ở Việt Nam mới bước đầu được hình thành trong những năm gần đây và đang dần được phát triển sâu và rộng trong nhiều ngành, trên nhiều địa phương cả nước. Trong nhiều năm, đội ngũ nhân viên cung cấp dịch vụ CTXH chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo kiến thức, phương pháp khoa học xã hội, kỹ năng nghề cần thiết về thực hành CTXH. Rõ ràng, ngoài tinh thần tương thân tương ái, tinh thần trách nhiệm và tự nguyện “lá lành đùm lá rách”, việc thực hiện hỗ trợ và giúp đỡ cho các cá nhân, các nhóm và các cộng đồng yếu thế (hoặc có hoàn cảnh khác biệt) cần phải dựa trên nền tảng pháp lý được nghiên cứu và có cơ sở lý luận khoa học.
Nhận thức tầm quan trọng và ý nghĩa của việc phát triển CTXH như một nghề chuyên nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại công văn số 1817/VPCP-VX ngày 06/4/2006 giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án “Phát triển nghề công tác xã hội”. Năm 2010 là năm đánh dấu cột mốc quan trọng về phát triển nghề CTXH tại Việt Nam. Ngày 25/3/2010, Thủ Tướng Chính phủ ký Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020. Theo quy định tại Mục II, Điều 1 của Quyết định này, Đề án phát triển nghề CTXH tập trung vào 04 hoạt động chủ yếu sau: (i) Xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về CTXH; (ii) Củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH; (iii) Xây dựng, hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo và dạy nghề CTXH; (iv) Tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghề CTXH. Triển khai các nhiệm vụ của Đề án 32, một số văn bản quan trọng đã được ban hành và bước đầu mang lại kết quả về ban hành mã số ngạch, chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức CTXH và ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH của các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH. Tuy nhiên, có 03 nội dung về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo Đề án 32 hiện chưa được hoàn thành, bao gồm: (i) Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy định vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH và thủ tục giải quyết việc cung cấp dịch vụ CTXH đối với cá nhân, gia đình, nhóm hoặc cộng đồng, tước quyền chăm sóc của các đối tượng trong trường hợp phụ nữ, trẻ em và đối tượng khác bị xâm hại, bị bạo hành gây hậu quả nghiêm trọng; (ii) Ban hành tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH; (iii) Ban hành tiêu chuẩn, quy trình cung cấp dịch vụ CTXH.
Hiện nay số người cần được cung cấp dịch vụ CTXH ở nước ta chiếm tỉ lệ 20% dân số, trong đó có khoảng 9,2 triệu người cao tuổi; 7,2 triệu người khuyết tật; 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; gần 5% hộ nghèo trên cả nước; 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm do thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa; 234 nghìn người nhiễm HIV được phát hiện; 204 nghìn người nghiện ma túy; khoảng 30 nghìn nạn nhân bạo lực, bạo hành trong gia đình. Ngoài ra, nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại và hiện lang thang kiếm sống trên đường phố cũng rất cần đến sự trợ giúp từ hoạt động của những người làm nghề CTXH. Có thể thấy rằng, các nhóm đối tượng của dịch vụ CTXH trải rộng trên nhiều lĩnh vực trợ giúp và bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp luật trong nhiều lĩnh vực chưa bao gồm các quy định hướng dẫn, điều chỉnh trình tự, thủ tục và quy chuẩn cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội, bỏ sót nhiều đối tượng dễ bị tổn thương trong cộng đồng, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu trợ giúp xã hội của một số nhóm đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khác biệt, như người tâm thần, trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, người cao tuổi cô đơn (đặc biệt là nhóm người cao tuổi dưới 80 tuổi không có lương hưu, bảo hiểm xã hội mà chưa được hưởng trợ cấp).
Trên cơ sở nghiên cứu các quy định quản lý hoạt động của nghề CTXH tại Ôxtrâylia, chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, về phương pháp tiếp cận CTXH, quan điểm coi CTXH là hoạt động nhân đạo trên cơ sở tình thương, tinh thần tự nguyện và phụ thuộc hoàn toàn vào các chính sách bảo trợ xã hội cần phải được thay đổi; cần thiết phải công nhận CTXH là một ngành khoa học và một nghề chuyên nghiệp nhằm bảo đảm thực hiện quyền của những nhười yếu thế thông qua việc cung cấp hiệu quả những trợ giúp xã hội cho các đối tượng dễ bị tổn thương và có hoàn cảnh khác biệt. Trên cơ sở kinh nghiệm phát triển CTXH tại Ôxtrâylia, khái niệm CTXH của IFSW nên chính thức được công nhận và ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật về CTXH tại Việt Nam để thống nhất cách hiểu về nghề CTXH và định hướng cho các chương trình giáo dục, đào tạo nghề CTXH cũng như chuẩn hóa việc cung cấp dịch vụ CTXH của nhiều ban, ngành, đơn vị, trung tâm bảo trợ xã hội và các tổ chức từ thiện ngoài công lập. Theo đó, CTXH xây dựng phương pháp chuyên nghiệp của mình dựa trên cơ sở của một tập hợp có hệ thống những kiến thức duy nghiệm thu thập từ nghiên cứu và đánh giá thực tiễn, bao gồm cả kiến thức trong từng bối cảnh và trường hợp cụ thể, và công nhận tính phức tạp trong mối tương tác giữa con người và môi trường. Khái niệm CTXH chuyên nghiệp xuất phát từ các lý thuyết về phát triển và hành vi con người cũng như lý thuyết về hệ thống xã hội, nhằm phân tích các tình huống phức tạp và hỗ trợ sự phát triển cá nhân, tổ chức, văn hóa và xã hội6.
Thứ hai, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy định vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH bao gồm một số Bộ luật, Luật như Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật lao động, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Người khuyết tật, Luật Người cao tuổi, Luật Thanh niên, Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Nội dung xây dựng pháp luật này có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý về nghề CTXH, bảo đảm sự thống nhất, sự tương quan với các chính sách về nghề nghiệp trợ giúp xã hội khác (chẳng hạn, trợ giúp pháp lý) và sẽ từng bước góp phần nâng cao chất lượng tổng thể dịch vụ CTXH và đảm bảo sự hài hòa giữa các chính sách an sinh xã hội.
Thứ ba, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quy định thủ tục và trình tự cung cấp dịch vụ CTXH của viên chức, nhân viên CTXH nhằm đáp ứng nhu cầu của cá nhân, gia đình, nhóm hoặc cộng đồng yếu thế, có hoàn cảnh khác biệt hoặc đang gặp phải những điều kiện khó khăn.
Thứ tư, quy tắc đạo đức nghề CTXH và tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ CTXH cần được ưu tiên nghiên cứu và quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Việc ban hành tiêu chuẩn đạo đức nhân viên CTXH và tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ CTXH có vai trò quan trọng đối với công tác đào tạo nghề CTXH, xây dựng dựng nguồn nhân lực CTXH, hướng dẫn thực hành CTXH và định hướng phát triển CTXH hiệu quả và bền vững. Các phân tích ở phần trên về nội dung, mục đích ban hành và quan hệ biện chứng của bộ Quy tắc đạo đức CTXH và bộ Tiêu chuẩn thực hành CTXH của Ôxtrâylia đã cho thấy vai trò của những quy định này trong thực tiễn cung cấp dịch vụ và phát triển nghề CTXH tại quốc gia này. Bên cạnh đó, ngành CTXH ở Việt Nam cũng như ở mọi quốc gia khác bao gồm các nhân viên CTXH làm việc trong hệ thống cơ quan, trung tâm trực thuộc Nhà nước về dịch vụ xã hội (ở nước ta là công chức, viên chức) và cả những nhân viên CTXH hoạt động độc lập hoặc làm việc trong các đơn vị, tổ chức phi chính phủ. Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tính bền vững và trách nhiệm giải trình trong mọi dịch vụ CTXH, thì tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp phải được thể hiện qua mọi thực hành CTXH của cán bộ, viên chức và nhân viên CTXH Việt Nam. Văn bản quy phạm pháp luật về những chuẩn mực đạo đức CTXH và tiêu chuẩn dịch vụ CTXH sẽ tạo cơ sở để nhân viên CTXH tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong hành nghề, sẽ là thước đo giúp nhân viên CTXH giữ gìn phẩm giá, uy tín cá nhân, không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng thực hành, góp phần nâng cao uy tín và sự phát triển của nghề CTXH tại Việt Nam. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành các quy định về đạo đức CTXH và tiêu chuẩn thực hành CTXH là nhiệm vụ cấp bách, cần phải được khẩn trương thực hiện để cung cấp nền tảng cơ bản cho công tác đào tạo nghề CTXH, định hướng dịch vụ CTXH chuyên nghiệp, phát triển và khẳng định CTXH là một nghề cao quý ở Việt Nam.
Trên cơ sở tham khảo bộ Quy tắc đạo đức CTXH và bộ Tiêu chuẩn thực hành CTXH của Ôxtrâylia, việc ban hành văn bản về quy tắc đạo đức nghề CTXH và tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ CTXH ở nước ta cần hướng tới các mục tiêu: (i) Liệt kê những giá trị và nguyên tắc đạo đức của nghề CTXH; (ii) Hướng dẫn và đưa ra những tiêu chuẩn trong việc cung cấp dịch vụ CTXH; (iii) Giúp nhân viên CTXH xác định các mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất nghề nghiệp; (iv) Cung cấp cho nhân viên CTXH những cơ sở nền tảng trong việc phân tích tình huống và ra các quyết định phù hợp với nguyên tắc đạo đức và tiêu chuẩn nghề nghiệp; (v) Giúp nhân viên CTHX xác định, hiểu rõ và thực hiện dịch vụ CTXH theo đúng các quy định pháp luật về quyền hạn và trách nhiệm của bản thân đối với khách hàng, đồng nghiệp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan; (vi) Cung cấp khung pháp lý cho thực hành cung cấp dịch vụ của nhân viên CTXH, đặc biệt trong các trường hợp có liên quan tới luật pháp và thương mại; (vii) Đảm bảo trách nhiệm của nhân viên CTXH trong việc cam kết và tuân thủ các giá trị đạo đức, có ý thức lên án, chống lại các giá trị phi đạo đức và đáp ứng các tiêu chuẩn dịch vụ CTXH.
Việc ban hành quy định về các quy tắc đạo đức nghề CTXH, các tiêu chuẩn và quy trình cung cấp dịch vụ CTXH sẽ giúp đội ngũ nhân viên CTXH chuẩn hóa các bước thực hành nghề nghiệp, hướng dẫn nhân viên CTXH đánh giá chi tiết, chính xác thông tin, nhu cầu của đối tượng dịch vụ CTXH, xây dựng và thực hiện kế hoạch trợ giúp có hiệu quả thiết thực, giúp những cá nhân và nhóm yếu thế trong xã hội gạt bỏ các rào cản, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng .
[1]. Cử nhân Luật, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội; Thạc sỹ Công tác xã hội, Trường Đại học Công nghệ Queensland, Ôxtrâylia.
[2]. Liên đoàn Nhân viên Công tác xã hội Quốc tế (International Federation of Social Workers, IFSW) (2014), “Khái niệm toàn cầu về công tác xã hội”
[3]. Hiệp hội Nhân viên Công tác xã hội Ôxtrâylia (Australian Association of Social Workers, AASW)
[4]. Hiệp hội Nhân viên Công tác xã hội Ôxtrâylia (AASW), Bộ Quy tắc đạo đức công tác xã hội (phiên bản hiện hành năm 2010)
[5]. Hiệp hội Nhân viên Công tác xã hội Ôxtrâylia (AASW), Bộ Tiêu chuẩn thực hành công tác xã hội (phiên bản hiện hành năm 2013)
[6]. Liên đoàn Nhân viên Công tác xã hội Quốc tế (International Federation of Social Workers, IFSW) (2000), “Định nghĩa Công tác xã hội”