1. Bất cập của pháp luật về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp
Luật Đầu tư năm 2014 được xem là luật nền tảng quy định về ưu đãi đầu tư nói chung và ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, giữa Luật Đầu tư năm 2014, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014), Luật Đất đai năm 2013 và một số luật khác có liên quan đến ưu đãi đầu tư nông nghiệp vẫn còn nhiều điểm chưa tương đồng và cách hiểu chưa thống nhất. Những chồng chéo này là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp cho đến nay còn hạn chế. Một số hạn chế và vướng mắc cơ bản của quy định pháp luật về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp cụ thể như sau:
Một là, vướng mắc trong việc xác định ngành, nghề nào là ngành, nghề thuộc đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư
Theo Luật Đầu tư năm 2014 và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (Nghị định số 118/2015/NĐ-CP) ban hành kèm theo Phụ lục I, II quy định danh mục các ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư, chỉ những dự án đầu tư thuộc danh mục được quy định tại Phụ lục I của Nghị định này mới thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp. Tuy nhiên, qua một số quy định của pháp luật có liên quan đến ưu đãi đầu tư nông nghiệp cho thấy sự chưa thống nhất trong quy định về việc xác định ngành, nghề nào là ngành, nghề nông nghiệp thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư. Cụ thể, theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thì sản xuất máy móc, công cụ, thiết bị, phụ tùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, máy chế biến thực phẩm, thiết bị tưới tiêu thuộc nhóm “khoa học công nghệ, điện tử, cơ khí, sản xuất vật liệu, công nghệ thông tin”. Nhưng khoản 17 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 210/2013/NĐ-CP) xác định đây là ngành, nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp ưu đãi đầu tư. Qua đó thấy rằng, có sự chưa thống nhất trong quy định về việc xác định ngành, nghề nông nghiệp thuộc đối tượng được ưu đãi đầu tư, nguyên nhân là do Nghị định số 210/2013/NĐ-CP được xây dựng trên nền tảng của Luật Đầu tư năm 2005. Điểm bất hợp lý nữa là, cho đến nay, Nghị định số 210/2013/NĐ-CP vẫn được xem là một trong số những văn bản chủ đạo quy định về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có nhiều quy định về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Quy định này gây lúng túng cho nhà đầu tư khi tự xác định dự án đầu tư của mình có thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư nông nghiệp không và gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền khi áp dụng quy định trên thực tiễn.
Hai là, vướng mắc trong quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp
Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thời gian qua còn tồn tại những hạn chế làm phát sinh vướng mắc trong thực tiễn áp dụng, đó là:
- Sự chưa thống nhất của quy định pháp luật về việc xác định phạm vi áp dụng ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp: Theo quy định tại Điều 15 và điểm e khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư năm 2014, dự án đầu tư thuộc danh mục ngành, nghề nông nghiệp tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP được áp dụng hình thức ưu đãi đầu tư về thuế TNDN. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều dự án đầu tư nông nghiệp đã không được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định trên. Nguyên nhân dẫn đến bất cập này là do việc xác định phạm vi đối tượng ưu đãi đầu tư nông nghiệp giữa Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành chưa thống nhất. Cụ thể, khi đối chiếu quy định tại điểm đ khoản 2, khoản 3 Điều 15 của Văn bản hợp nhất số 12/VBHN-BTC ngày 26/5/2015 của Bộ Tài chính với quy định của Luật Đầu tư năm 2014, nhận thấy nhiều ngành, nghề nông nghiệp thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư với hình thức ưu đãi thuế TNDN nhưng căn cứ vào Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì không được ưu đãi. Mặc dù, việc áp dụng từng hình thức ưu đãi cụ thể đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp được thực hiện theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhưng với cách quy định của hai văn bản trên đã tạo ra sự chưa thống nhất trong quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhà đầu tư và gây khó khăn cho chính cơ quan có thẩm quyền khi áp dụng quy định này.
- Vướng mắc trong quy định về điều kiện áp dụng ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư mở rộng. Theo khoản 6 Điều 18 Văn bản hợp nhất số 26/VBHN-BTC ngày 14/9/2015 của Bộ Tài chính chỉ những dự án đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ sản xuất thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn ưu đãi thuế TNDN theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng một trong ba tiêu chí theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 18 của Văn bản hợp nhất số 26/VBHN-BTC ngày 14/9/2015 của Bộ Tài chính mới thuộc diện hưởng ưu đãi là dự án đầu tư mở rộng. Như vậy, với cách xác định “dự án đầu tư mở rộng” theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp làm phát sinh hai vấn đề là: (i) Phạm vi xác định dự án nào là dự án đầu tư mở rộng bị thu hẹp so với Luật Đầu tư năm 2014; (ii) Cách hiểu về khái niệm dự án đầu tư mở rộng giữa quy định của Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là chưa thống nhất. Mặt khác, tiêu chí xác định “lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN” và “địa bàn được ưu đãi thuế TNDN” của dự án đầu tư mở rộng theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp còn chưa cụ thể, rõ ràng.
Ba là, thời hạn miễn thuế đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; thời hạn miễn tiền thuê đất đối dự án đầu tư nông nghiệp có sử dụng diện tích đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, đất trồng cây xanh và đất phục vụ phúc lợi công cộng chưa được xác định cụ thể, rõ ràng
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động. Đối với dự án nông nghiệp ưu đãi hay khuyến khích đầu tư được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước từ 11 năm đến 15 năm đầu. Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn được miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở cho công nhân, đất trồng cây xanh và đất phục vụ phúc lợi công cộng. Như vậy, thời hạn miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định trên phụ thuộc vào mức độ mà dự án được Nhà nước khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định này đã phát sinh vướng mắc. Bởi lẽ, thời hạn miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, diện tích đất xây dựng nhà ở cho công nhân, đất trồng cây xanh và đất phục vụ phúc lợi công cộng tại khoản 1 và khoản 5 Điều 6 Nghị định số 210/2013/NĐ-CP chưa được xác định rõ ràng, cụ thể.
Bốn là, bất cập trong quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp
Theo Điều 56 Luật Đất đai năm 2013, hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất không còn áp dụng đối với các chủ thể sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc, kể từ ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2014), nhà đầu tư nông nghiệp chỉ có thể có quyền sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư chủ yếu thông qua hình thức được Nhà nước cho thuê đất. Khi đó, hình thức ưu đãi về miễn tiền sử dụng đất đối với nhà đầu tư nông nghiệp chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư đã được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trước ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực. Như vậy, hình thức miễn, giảm tiền sử dụng đất dành cho nhà đầu tư nông nghiệp theo quy định tại Điều 5 của Nghị định số 210/2013/NĐ-CP đã không còn phù hợp với quy định của Luật Đất đai và quy định này không thể áp dụng được trên thực tế. Việc loại bỏ trường hợp sử dụng đất thông qua hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện hoạt động sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp có thể nhằm vào những mục tiêu hoạch định kinh tế - xã hội khác nhau của Nhà nước. Tuy nhiên, với quy định thu hẹp phạm vi áp dụng như trên có thể sẽ ảnh hưởng đến chính sách thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là khi Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.
Năm là, quy định về ưu đãi tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp theo quy định của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP còn chưa rõ ràng, cụ thể
Theo Điều 8, Điều 10 và Điều 11 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 55/2015/NĐ-CP), việc xác định mức cho vay, lãi suất cho vay cho đến thời hạn vay đều dựa vào sự thỏa thuận giữa khách hàng và tổ chức tín dụng (trừ trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 10, Điều 14, Điều 15 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP). Mặc dù quy định này đúng với định hướng phát triển kinh tế của Nhà nước, phù hợp với nhu cầu thực tế đặt ra, nhưng trên thực tế quy định phương thức về lãi suất thỏa thuận vẫn còn gặp một số khó khăn. Mặt khác, theo đánh giá của nhiều ngân hàng, đầu tư nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhiều rủi ro, lợi nhuận cho vay thấp nên bên khách hàng càng rơi vào thế bị động trong các thỏa thuận với bên cấp tín dụng. Do vậy, với quy định như trên thì bên cấp tín dụng hoàn toàn được quyền chủ động đưa ra mức cho vay, với lãi suất cho vay, thời hạn vay và chỉ cần những điều khoản này phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Khi đó, về phía khách hàng ở thế bị động nên chỉ được lựa chọn đồng ý hoặc không đồng ý với những điều khoản mà bên cấp tín dụng đưa ra.
Sáu là, bất cập trong quy định của pháp luật về ưu đãi trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành cho phép doanh nghiệp được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN). Tuy nhiên, nếu áp dụng quy định này cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thì mức trích 10% lợi nhuận trước thuế rất “khiêm tốn” khi mà đa số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ (97%) hoặc so với tiêu chuẩn doanh nghiệp của quốc tế thì Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ. Trong khi vốn cần để đầu tư phát triển KH&CN trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao là khá lớn. Như vậy, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lợi nhuận thu về khiêm tốn thì quy định cho phép trích tối đa không quá 10% lợi nhuận trước thuế để phục vụ hoạt động đầu tư cho KH&CN là không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Do vậy, với mức trích lập theo quy định hiện hành vẫn chưa hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp. Mặt khác, thời hạn sử dụng nguồn quỹ trong 05 năm theo quy định hiện hành là chưa hợp lý, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Bảy là, bất cập của quy định pháp luật về thủ tục áp dụng, điều chỉnh ưu đãi đầu tư
Hiện nay, theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư có sự phân biệt giữa dự án đầu tư phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) và dự án không phải thực hiện thủ tục cấp GCNĐKĐT. Theo đó, những dự án cấp GCNĐKĐT là dự án đầu tư nước ngoài hoặc dự án đầu tư của tổ chức kinh tế mà trong đó tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài chiếm ưu thế (khoản 1 Điều 36 Luật Đầu tư năm 2014). Các dự án không thuộc trường hợp cấp GCNĐKĐT là dự án đầu tư trong nước; dự án của tổ chức kinh tế tại khoản 2 Điều 23 Luật Đầu tư năm 2014; dự án đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế. Khi đó, những dự án đầu tư không thuộc diện cấp GCNĐKĐT, nhà đầu tư phải tự xác định các hình thức mà dự án đầu tư của mình được ưu đãi và làm thủ tục hưởng ưu đãi. Đối với dự án cấp GCNĐKĐT, Nhà nước sẽ thực hiện việc xác nhận căn cứ, điều kiện áp dụng ưu đãi và ghi vào GCNĐKĐT. Như vậy, theo quy định trên, các nhà đầu tư có dự án không thuộc nhóm cấp GCNĐKĐT phải thực hiện thêm khâu “tự xác định các ưu đãi” khi tiến hành các thủ tục thực hiện đầu tư, còn đối với nhà đầu tư có dự án cấp GCNĐKĐT thì không. Việc nhà đầu tư tự xác định các ưu đãi thường gặp khó khăn. Bởi lẽ, mỗi hình thức ưu đãi đầu tư được điều chỉnh bởi một lĩnh vực pháp luật riêng với nhiều điều kiện và thủ tục khác nhau, nhiều quy định chưa rõ ràng, chưa thống nhất. Như vậy, với quy định phân loại thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư như hiện nay, phản ánh sự phân biệt, sự đối xử chưa bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Vì so với dự án của nhà đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn góp chiếm ưu thế thì những dự án đầu tư trong nước phải mất nhiều thời gian hơn trong thủ tục để xác nhận thuộc đối tượng và đủ điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư. Điều này là chưa phù hợp, chưa thống nhất với chính sách đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam (Điều 5 Luật Đầu tư năm 2014).
Mặt khác, khoản 4 Điều 17 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định các trường hợp ưu đãi đầu tư được điều chỉnh và hướng xử lý để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư khi những ưu đãi này bị thay đổi. Tuy nhiên, trình tự và thủ tục thực hiện các trường hợp ưu đãi đầu tư được điều chỉnh theo quy định trên chưa được hướng dẫn cụ thể. Pháp luật cũng chưa quy định rõ thủ tục điều chỉnh ưu đãi đầu tư tại khoản 4 Điều 17 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP có bắt buộc thực hiện hay không.
2. Hướng hoàn thiện pháp luật về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp
Một là, pháp luật cần sớm quy định thống nhất danh mục ngành, nghề nào là ngành, nghề nông nghiệp được ưu đãi đầu tư. Đối với quy định này, nên xây dựng theo hướng căn cứ xác định danh mục ngành, nghề nông nghiệp được ưu đãi đầu tư thực hiện theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP. Vì Luật Đầu tư hiện hành được xem là văn bản quy phạm pháp luật nền tảng quy định về ưu đãi đầu tư.
Hai là, các quy định về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cần quy định về phạm vi áp dụng hình thức ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư nông nghiệp theo hướng thống nhất với quy định của Luật Đầu tư. Mặt khác, điều kiện áp dụng ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư mở rộng theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành cần sửa đổi theo cách hiểu và xác định của Luật Đầu tư.
Ba là, đối với quy định ưu đãi về thời hạn miễn thuế đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; thời hạn miễn tiền thuê đất đối dự án đầu tư nông nghiệp có sử dụng diện tích đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, đất trồng cây xanh và đất phục vụ phúc lợi công cộng cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Bốn là, việc áp dụng miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với dự án đầu tư nông nghiệp theo quy định của Nghị định số 210/2013/NĐ-CP không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn và chưa thống nhất với quy định của Luật Đất đai năm 2013. Điều này đặt ra yêu cầu cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP phù hợp với quy định của Luật Đất Đai năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Vì cho đến nay, Nghị định số 210/2013/NĐ-CP vẫn được xem là cơ sở pháp lý quan trọng và chủ yếu quy định về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất đối với dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Năm là, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP cần sửa đổi, bổ sung thêm theo hướng tiếp tục cho phép xác định mức cho vay dựa vào sự thỏa thuận giữa khách hàng và tổ chức tín dụng nhưng sự thỏa thuận này được giới hạn với tỷ lệ phần trăm mức vốn tối đa mà nhà đầu tư được vay. Đối với thời hạn cho vay, nên quy định thời hạn tối đa cho vay phù hợp với tính chất của từng dự án sao cho đảm bảo được quyền lợi của cả bên cấp tín dụng và bên khách hàng. Riêng về mức lãi suất cho vay, pháp luật có thể quy định theo một trong hai hướng sau: (i) Quy định tỷ lệ % lãi suất trên năm tối đa được áp dụng đối với khoản cho vay hoặc (ii) Quy định khoản tỷ lệ % lãi suất cho vay thấp hơn cho vay thông thường cùng kỳ hạn của ngân hàng đối với cùng khoản vay. Điều này, giúp nhà đầu tư nông nghiệp có nhiều cơ hội chủ động tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi nông nghiêp theo quy định của pháp luật.
Sáu là, đối với quy định về trích lập Quỹ phát triển KH&CN, nếu có thể pháp luật nên tăng tỷ lệ trích lợi nhuận trước thuế để lập Quỹ phát triển KH&CN đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng không vượt quá một tỷ lệ nhất định để sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của các doanh nghiệp Việt Nam. Có thể quy định theo hướng cho phép doanh nghiệp được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để lập Quỹ phát triển KH&CN đầu tư cho hoạt động KH&CN, riêng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể trích lập một tỷ lệ khác sao cho phù hợp với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp nhưng không được vượt quá 18% lợi nhuận trước thuế. Về thời hạn sử dụng nguồn Quỹ, nên chăng pháp luật cần quy định kéo dài thời hạn sử dụng nguồn Quỹ so với 05 năm như hiện nay và nên phân hóa theo nhóm về sự phức tạp và mức hiện đại của KH&CN được doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển. Cơ quan có thẩm quyền cũng cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể căn cứ để xác định như thế nào là sử dụng nguồn Quỹ không đúng mục đích nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Bảy là, đối với quy định về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, cần áp dụng thống nhất một thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư giữa các nhà đầu tư. Điều này góp phần, tạo nên sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý nhà nước về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, vừa đảm bảo nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam. Nên chăng, cần có quy định hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện các trường hợp ưu đãi đầu tư được điều chỉnh tại khoản 4 Điều 17 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP và quy định khi nhà đầu tư có dự án thuộc các trường hợp điều chỉnh ưu đãi đầu tư thì phải thực hiện thủ tục điều chỉnh theo quy định pháp luật. Khi đó, có thể hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện các trường hợp ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 40 Luật Đầu tư năm 2014 và khoản 2 Điều 33 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.
Đại học Đồng Tháp
[1]. Lê Thanh Tâm, Pháp luật về hợp đồng trong kinh doanh - thực tiễn và hướng hoàn thiện, Luận văn thạc sỹ Luật Kinh tế, Đại học Cần Thơ, 2015.
[2]. Nguyễn Thị Dương Nga, Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính, tháng 8/2017.
[3]. Phạm Thị Thanh Bình, Phát triển nông nghiệp Việt Nam: Thành tựu và hạn chế, Tạp chí Cộng sản, 2017.
[4]. Trương Bá Tuấn, Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam: Những vấn đề đặt ra và định hướng cải cách, Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam, số 01, tháng 2/2017.