1. Thực trạng pháp luật về văn hóa, gia đình ở Việt Nam hiện nay
Lĩnh vực văn hóa, gia đình ở nước ta hiện nay đang có 05 luật, 01 pháp lệnh, 42 nghị định, 14 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và khoảng trên 100 thông tư, thông tư liên tịch điều chỉnh trực tiếp. Hệ thống này hiện đang điều chỉnh 10 nhiệm vụ quản lý về văn hóa, gia đình mà Chính phủ quy định tại Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo kết quả rà soát, đánh giá cho thấy, hệ thống văn bản pháp luật về văn hóa, gia đình hiện nay có nhiều ưu điểm, nhưng cũng tồn tại một số bất cập đòi hỏi phải được hoàn thiện trong thời gian tới.
1.1. Về ưu điểm và kết quả đạt được
Thứ nhất, hệ thống văn bản pháp luật về văn hóa, gia đình đã từng bước được hoàn thiện, bước đầu phát huy vai trò là nền tảng của sự phát triển, đã tác động sâu rộng đến đời sống của nhân dân, tích cực thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, gia đình, ghi nhận và cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ của nhân dân về văn hóa, gia đình; đồng thời cũng tạo điều kiện cho nhân dân - những chủ thể của văn hóa tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa
Quan điểm văn hóa, văn nghệ là sự nghiệp của toàn xã hội, huy động tiềm năng, nguồn lực của mọi lực lượng xã hội cùng tham gia phát triển sự nghiệp văn hóa đã dẫn đến những chuyển biến tích cực trong thực tiễn. Các công đoạn khác nhau của văn hóa trước đây chỉ thuộc trách nhiệm của Nhà nước (từ khâu sáng tạo, sản xuất đến phân phối) nay trở thành hoạt động thu hút được sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau trong xã hội, như cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài, nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận của Việt Nam và quốc tế. Sự tham gia của nhiều chủ thể văn hóa đã thúc đẩy sự đa dạng trong loại hình, ý tưởng, xu hướng và phong cách của các biểu đạt văn hóa, đem đến cho công chúng những món ăn tinh thần phong phú hơn.
Thứ hai, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình góp phần thúc đẩy các nguồn lực xã hội tham gia tích cực hơn vào lĩnh vực văn hóa, gia đình, đảm bảo để văn hóa phát triển phong phú, đa dạng hơn theo đúng các nguyên tắc, chuẩn mực pháp luật quy định
Pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình đã đóng vai trò là phương tiện để thực hiện chủ trương của Đảng về xã hội hóa hoạt động văn hóa, thu hút đầu tư cho văn hóa, gia đình, từng bước triển khai chủ trương phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa. Vì vậy, hệ thống cơ sở vật chất về văn hóa từng bước được củng cố, phát triển; đời sống văn hóa từng bước được nâng cao; số lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước; các tác phẩm do Nhà nước đặt hàng và tài trợ về đề tài chiến tranh cách mạng, phản ánh quá khứ hào hùng của dân tộc đạt chất lượng nghề nghiệp cao, thành công về nghệ thuật và có tính nhân văn, đạt giải tại các kỳ liên hoan, hội thi, hội diễn trong nước và quốc tế.
Trên cơ sở các quy định pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chủ động, trách nhiệm hơn trong việc chung tay xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo đảm yêu cầu hội nhập và mở rộng giao lưu với các nước trên thế giới thông qua các hoạt động trao đổi, xuất nhập khẩu các sản phẩm văn hóa... đáp ứng ngày càng cao nhu cầu đời sống tinh thần của công chúng trong và ngoài nước. Các quy định pháp luật trong lĩnh vực văn hóa cũng tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển quy mô, số lượng tác phẩm được xây dựng, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu; cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhà hát, nhà triển lãm đã từng bước được đầu tư, số lượng rạp chiếu phim đạt tiêu chuẩn quốc tế ngày càng tăng, hoạt động điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, di sản văn hóa... trong thời kỳ này đã bắt đầu hình thành các yếu tố để trở thành một bộ phận trong nền công nghiệp văn hóa. Khán giả được thưởng thức các tác phẩm điện ảnh mới đồng thời với các nước khác trên thế giới. Người đẹp, người mẫu Việt Nam được tham gia biểu diễn tại các cuộc thi, thị trường biểu diễn lớn của quốc tế. Ngày càng nhiều di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO công nhận, vinh danh là di sản tiêu biểu của thế giới. Vấn đề thực thi bản quyền tương đối tốt, tạo uy tín cho các đối tác nước ngoài trong việc duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác về văn hóa... Hoạt động hợp tác quốc tế trong các hoạt động chuyên ngành đã góp phần thúc đẩy mở rộng giao lưu văn hóa với các nước, tạo được cầu nối, truyền bá văn hóa, lối sống cùng bản sắc Việt Nam và để bạn bè thế giới hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam.
Thứ ba, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình tương đối phù hợp với hệ thống pháp luật nói chung, công khai, minh bạch, có nhiều tiến bộ hơn trong vấn đề phân cấp và kiểm soát thủ tục hành chính
Trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống văn bản trong lĩnh vực văn hóa, gia đình đảm bảo nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật lập pháp. Các văn bản luật, nghị định, thông tư đều cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật. Quá trình xây dựng văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức nhiều hội thảo, xin ý kiến chuyên gia..., vì vậy, nhiều quy định chuyên sâu trong nghệ thuật vẫn được đưa vào văn bản pháp quy, giúp cho tính khả thi cao. Với tổng số 207 thủ tục hành chính, đã phân cấp về địa phương 121 thủ tục đơn giản, dễ tiếp cận, dễ thực hiện và ít thủ tục, tạo điều kiện cho người dân khi tham gia thực hiện quy định của pháp luật về văn hóa, gia đình.
Thứ tư, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình từng bước phù hợp, tương thích với pháp luật quốc tế
Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực và sớm tham gia các công ước, điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực văn hóa, gia đình và kịp thời thể chế hóa các nguyên tắc, chuẩn mực về các hoạt động liên quan đến ngành trong pháp luật quốc gia, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp luật cho việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
1.2. Về những tồn tại, hạn chế
Một là, hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình có số lượng lớn, cồng kềnh, nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý và tính quy phạm chưa cao, thiếu những quy tắc xử sự cụ thể để các chủ thể phải thực hiện, nhiều văn bản chứa đựng những quy định mang tính tuyên ngôn hơn là quy phạm pháp luật
Hệ thống văn bản pháp luật về văn hóa, gia đình có khoảng 160 văn bản quy phạm pháp luật, gồm nhiều loại khác nhau từ luật, pháp lệnh đến thông tư (chưa tính văn bản quy phạm pháp luật do chính quyền địa phương ban hành), với số lượng văn bản lớn như vậy thì việc tồn tại sự mâu thuẫn, chồng chéo là khó tránh khỏi, tính minh bạch giảm khiến cho pháp luật trở lên phức tạp, khó áp dụng. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình còn thể hiện sự thiếu đồng bộ, theo đó có lĩnh vực có luật điều chỉnh, có lĩnh vực là nghị định, thậm chí, nhiều nội dung quản lý nhà nước chỉ được điều chỉnh bởi một thông tư. Đặc biệt, trong lĩnh vực văn hóa, còn rất nhiều lĩnh vực chuyên môn chưa có luật hoặc pháp lệnh điều chỉnh (nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, xây dựng môi trường văn hóa, thiết chế văn hóa, tuyên truyền cổ động chính trị, quyền và nghĩa vụ của văn nghệ sỹ...), thậm chí, chưa có văn bản điều chỉnh (lĩnh vực văn học, quản lý hoạt động trò chơi...), điều này ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý nhà nước về từng lĩnh vực vì mỗi lĩnh vực cần hệ thống chính sách để phát triển, những chính sách này theo Hiến pháp năm 2013 chỉ có thể được xác định một cách đầy đủ, rõ ràng, áp dụng bắt buộc khi được thể chế trong văn bản luật, ngoài ra, mỗi lĩnh vực có mối liên hệ chặt chẽ với một số ngành, lĩnh vực khác như đầu tư kinh doanh, di sản, bản quyền, lao động, giáo dục đào tạo... các ngành, lĩnh vực này đều đã có luật điều chỉnh nên khi xử lý những vấn đề liên ngành thì lĩnh vực chưa có luật khó bảo vệ được nhiệm vụ đặc thù để đáp ứng yêu cầu quản lý chuyên môn.
Hai là, hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình chưa thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Hiến pháp năm 2013 về phát triển văn hóa, gia đình và mục tiêu xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước
Nghị quyết số 33-NQ/TW và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định phương hướng, mục tiêu phát triển văn hóa, gia đình và xây dựng con người mới với nhiều nội dung có tính định hướng mới, theo đó, phương hướng, mục tiêu chung là xây dựng nền văn hóa và còn người Việt Nam phát triển toàn diện hướng đến chân - thiện -mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Với các mục tiêu định hướng nêu trên, có thể thấy rằng, hệ thống pháp luật hiện hành về văn hóa, gia đình còn nhiều hạn chế, cụ thể:
(i) Chưa thực sự tạo được nền tảng, hành lang pháp lý căn bản để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chất lượng. Hiệu quả hoạt động văn hóa còn chưa tương xứng với yêu cầu, điều này làm giảm đáng kể hiệu quả quản lý nhà nước của ngành, làm phát sinh nhiều bất cập trong các hoạt động thực tiễn.
(ii) Chưa triển khai đầy đủ nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Đây là nhiệm vụ khó khăn đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới trong việc xây dựng pháp luật và chính sách văn hóa, trong đó quan điểm về vai trò thực sự của văn hóa trong phát triển cũng như quyền văn hóa phải được đặt ra như một nền tảng thực sự.
(iii) Hệ thống pháp luật hiện hành về văn hóa, gia đình chưa cải thiện tốt môi trường kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh; chính sách ưu đãi, khuyến khích sáng tạo, khởi nghiệp còn chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và phân cấp quản lý hành chính cho chính quyền địa phương chưa hiệu quả.
2. Một số định hướng hoàn thiện pháp luật về văn hóa, gia đình ở Việt Nam
Với tình hình thực tiễn nêu trên, để có lộ trình cụ thể nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình trong thời gian tới, cần dựa trên một số định hướng cơ bản sau đây:
Thứ nhất, cần xây dựng Luật, pháp lệnh để điều chỉnh những lĩnh vực quan trọng nhằm cụ thể hóa các nội dung của Hiến pháp năm 2013 về văn hóa và quyền con người, quyền công dân về văn hóa, đặc biệt những lĩnh vực hiện đang được điều chỉnh bằng nghị định như: Nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, hoạt động văn hóa công cộng và kinh doanh dịch vụ văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa, quyền và nghĩa vụ của văn nghệ sỹ… Xây dựng nghị định để điều chỉnh những lĩnh vực hiện chưa có văn bản điều chỉnh hoặc đã có nhưng là điều chỉnh ở một hoặc nhiều thông tư của Bộ trưởng nên chưa có tính hệ thống cao, toàn diện, xác định quyền và nghĩa vụ chỉ ở trong phạm vi ngành, lĩnh vực, chưa điều chỉnh được những vấn đề có tính chất liên ngành như quản lý danh hiệu văn hóa, thiết chế văn hóa, quản lý hoạt động văn học, suy tôn danh nhân, quản lý di sản thế giới tại Việt Nam… Sửa đổi các quy định pháp luật ở một số lĩnh vực cho phù hợp với thực tiễn như di sản văn hóa, điện ảnh, quyền tác giả, đặt tên đường phố, quản lý hoạt động của tổ chức văn hóa nước ngoài tại Việt Nam…
Thứ hai, xây dựng, ban hành chính sách kinh tế - vǎn hóa nhằm gắn vǎn hóa với các hoạt động kinh tế, khai thác tiềm nǎng kinh tế, tài chính hỗ trợ cho phát triển vǎn hóa, đồng thời bảo đảm yêu cầu chính trị, tư tưởng của hoạt động vǎn hóa, giữ gìn bản sắc vǎn hóa dân tộc. Thực hiện cơ chế mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ (hoạt động thể thao, dịch vụ vǎn hóa...), tạo nguồn thu hỗ trợ cho hoạt động sự nghiệp của các đơn vị vǎn hóa, nghệ thuật. Cải tiến chế độ tài trợ, đặt hàng đối với điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật. Quy định cụ thể chế độ cho các doanh nghiệp đặc thù của ngành vǎn hóa (hãng phim, rạp chiếu bóng, hiệu sách, khu vui chơi giải trí, nhà xuất bản, trung tâm triển lãm, tu bổ di tích...) được hưởng mức thuế ưu đãi trong hoạt động kinh doanh (thuế đất, thuế vốn khấu hao cơ bản...). Cho phép các thành phần kinh tế, kể cả tư nhân trong nước và nước ngoài, thực hiện một số hình thức liên doanh, liên kết với một số cơ sở hoạt động vǎn hóa theo quy định của pháp luật nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ và tham gia tổ chức một số hoạt động vǎn hóa có nội dung lành mạnh, bổ ích.
Thứ ba, xây dựng, ban hành chính sách vǎn hóa trong kinh tế bảo đảm cho vǎn hóa thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế, đồng thời thúc đẩy các hoạt động kinh tế tạo điều kiện nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển vǎn hóa. Việc xây dựng các mục tiêu, giải pháp kinh tế phải gắn với các mục tiêu, giải pháp vǎn hóa, chǎm lo con người, nêu cao đạo đức trong sản xuất kinh doanh. Xây dựng vǎn minh thương mại, đạo đức nghề nghiệp, vǎn hóa kinh doanh, chú ý tính thẩm mỹ, bản sắc dân tộc và tính hiện đại của kiến trúc trong xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp... Trong quy hoạch xây dựng các công trình lớn phải tính đến một số thiết chế vǎn hóa cần thiết nhất như thư viện, nhà thông tin, khu giải trí, bảo đảm cảnh quan môi trường cho các di tích lịch sử, vǎn hóa và danh lam thắng cảnh. Thực hiện chính sách miễn, giảm phần chịu thuế cho các khoản đầu tư, đóng góp của các doanh nghiệp vào sự nghiệp vǎn hóa. Hoàn thiện chính sách xã hội hóa hoạt động vǎn hóa nhằm động viên sức người, sức của của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội để xây dựng và phát triển vǎn hóa được tiến hành đồng thời với việc nâng cao vai trò và trách nhiệm của Nhà nước. Các cơ quan chủ quản về vǎn hóa của Nhà nước phải làm tốt chức nǎng quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ đối với các hoạt động xã hội về vǎn hóa.
Thứ tư, xây dựng chính sách khuyến khích sáng tạo trong các hoạt động vǎn hóa đòi hỏi tǎng nguồn đầu tư thích đáng cho khu vực sáng tạo vǎn hóa, vǎn học, nghệ thuật. Chú trọng đầu tư hỗ trợ cho những tác giả có uy tín cao, những tài nǎng trẻ, đầu tư cho lực lượng chuyên nghiệp và cả cho phong trào quần chúng. Có chính sách chǎm sóc đặc biệt đối với các vǎn nghệ sĩ cao tuổi tiêu biểu, các mầm non nghệ thuật xuất sắc. Sửa đổi chế độ nhuận bút phù hợp với tình hình mới; có chính sách khuyến khích đối với lao động nghệ thuật và báo chí. Thành lập Quỹ vǎn hóa quốc gia và Quỹ sáng tác của các Hội vǎn học, nghệ thuật, tạo thêm nguồn hỗ trợ tài chính cho xây dựng các tác phẩm. Có chính sách khuyến khích các vǎn nghệ sĩ gắn bó với cơ sở, với thực tiễn lao động sản xuất.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch