Abstract: Socialisation of public services in the judicial field is one of the strategic tasks set forth in Resolution No. 49-NQ/TW on the Judicial Reform Strategy to the year 2020. In addition to the process of law improvement in general, the laws on socialization of public services in the judicial field have been gradually improved, establishing a legal ground for the transition and attractment of social resources in providing public services in the judicial field. Based on results achieved during the recent time, it is essential to further improve the laws on socialization of public services in the judicial field in order to establish a stable and feasible legal ground, improving the quality of public services, supporting the people in better access and enjoyment of public services as well as making progressive contributions to fulfillment of the determined judicial reform tasks.
1. Thực trạng pháp luật về xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp ở Việt Nam
Pháp luật về xã hội hóa dịch vụ công (XHHDVC) trong lĩnh vực tư pháp bao gồm tổng thể các quy định điều chỉnh quá trình chuyển giao, thu hút sự tham gia của các nguồn lực xã hội cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp. Quá trình hoàn thiện pháp luật về XHHDVC đã đạt được những kết quả hết sức cơ bản như sau:
Thứ nhất, pháp luật đã thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các định hướng về đẩy mạnh XHHDVC nói chung và XHHDVC trong lĩnh vực tư pháp nói riêng, nhất là đối với hoạt động bổ trợ tư pháp, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện xã hội hóa theo Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng như các chương trình tổng thể cải cách nền hành chính nhà nước[1]. Cho đến nay, pháp luật đã có những quy định về thực hiện xã hội hóa đối với hầu hết các lĩnh vực hoạt động tư pháp theo các nội dung, phạm vi, mức độ khác nhau. Lĩnh vực luật sư đã thực hiện xã hội hóa hoàn toàn, chuyển giao toàn bộ việc cung ứng dịch vụ cho các cơ quan, tổ chức trong xã hội đảm nhận. Xu thế giảm tối đa sự tham gia của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ công cũng đang được thực hiện đối với các lĩnh vực công chứng, bán đấu giá tài sản. Những lĩnh vực có nhiều khó khăn, gắn liền với thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước như giám định tư pháp, thi hành án dân sự (thông qua thực hiện chế định thừa phát lại) cũng đang bắt đầu được thực hiện phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng loại công việc và điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể.
Thứ hai, pháp luật quy định về hình thức XHHDVC trong lĩnh vực tư pháp khá phong phú, linh hoạt, trong đó hình thức chuyển giao hoàn toàn thông qua thành lập các tổ chức hành nghề chuyên nghiệp đang là xu hướng chiếm ưu thế. Điều này thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của Nhà nước đối với xã hội hóa các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, hướng đến bình đẳng trong quan hệ giữa người dân với các cơ quan, tổ chức cung ứng dịch vụ công. Việc chuyên nghiệp hóa hành nghề cung ứng dịch vụ công để thực hiện mục tiêu phát triển rộng mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, xóa bỏ việc kiêm nhiệm giữa chức năng quản lý nhà nước với thực hiện dịch vụ công, nâng cao chất lượng dịch vụ công, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận cũng như đáp ứng ngày càng tốt hơn với nhu cầu của người dân. Hình thức giao kết hợp đồng giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ công cũng được thực hiện trong các trường hợp, đối với những lĩnh vực không thành lập tổ chức hành nghề chuyên nghiệp. Đồng thời, để bảo đảm quyền tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật cũng duy trì các tổ chức cung ứng dịch vụ công của Nhà nước nhưng thông qua cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, lộ trình tính chi phí và giá của dịch vụ công của các tổ chức này để thu hút sự tham gia, đóng góp nguồn lực của xã hội cho các tổ chức cung ứng dịch vụ công của Nhà nước nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí của ngân sách nhà nước.
Thứ ba, pháp luật đã có những quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp đối với người thực hiện các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, trong đó bao gồm những tiêu chuẩn đặc thù về đạo đức nghề nghiệp và trình độ, kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ. Các tiêu chuẩn hành nghề của các chức danh khác nhau có sự thống nhất tương đối về chuyên môn, nghiệp vụ gắn với kinh nghiệm, thời gian làm việc trong lĩnh vực đó. Pháp luật cũng quy định về việc thành lập và đăng ký hoạt động đối với các tổ chức hành nghề theo hướng hoạt động chuyên nghiệp, qua đó bảo đảm chất lượng các dịch vụ công được cung cấp. Các quy định này phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước và hướng đến bảo đảm chất lượng của các dịch vụ được cung cấp cho người dân cho dù được cung cấp bởi các tổ chức thực hiện dịch vụ ngoài công lập.
Thứ tư, quy định quản lý nhà nước về XHHDVC trong lĩnh vực tư pháp đã từng bước được hoàn thiện, bao gồm các nội dung định hướng, chính sách quản lý vĩ mô đến việc bảo đảm tuân thủ và thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ trên thực tế. Phân cấp quản lý và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước được quy định cụ thể, phù hợp với yêu cầu và thực tiễn hoạt động của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp. Pháp luật ngày càng trao nhiều quyền hạn, trách nhiệm cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp đại diện cho các cá nhân, tổ chức hành nghề trong lĩnh vực đó, đặc biệt là ở khía cạnh về đại diện và giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. Mô hình quản lý nhà nước kết hợp với tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp phù hợp với tính chất, đặc điểm hành nghề, cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế thì pháp luật về XHHDVC trong lĩnh vực tư pháp cũng còn những hạn chế nhất định, cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện. Cụ thể:
- Pháp luật vẫn thiếu hoặc bao gồm các quy định chưa thực sự bảo đảm sự thống nhất trong thực hiện chủ trương XHHDVC. Điều 5 Luật Giám định tư pháp năm 2012 quy định về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp xác định Nhà nước đầu tư, phát triển hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập có nhu cầu giám định lớn, thường xuyên để đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng. Pháp luật cũng mới tập trung quy định về xã hội hóa theo hình thức chuyển giao việc cung cấp dịch vụ công cho các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Đối với trường hợp thực hiện xã hội hóa thông qua việc thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân (bằng công việc cụ thể hoặc đóng góp vật chất) thì pháp luật lại chưa có quy định đầy đủ. Trừ hoạt động trợ giúp pháp lý có quy định về hợp đồng cộng tác giữa cộng tác viên (công tác viên, luật sư, tư vấn viên pháp luật) với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thì việc tham gia trong các lĩnh vực khác đều không có quy định về hình thức pháp lý cho sự tham gia như luật sư trong các vụ án chỉ định hay giám định viên tư pháp theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Cùng với đó, các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các tổ chức hành nghề, cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp cũng thường chỉ được viện dẫn đến các quy định ưu đãi chung về thuế, tài chính, đất đai mà thiếu các quy định đặc thù cho việc thực hiện xã hội hóa các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp. Tương tự như vậy, các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực tư pháp theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP áp dụng theo cơ chế đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế. Việc áp dụng các cơ chế, chính sách xã hội hóa chung nói trên chưa phù hợp với đặc thù XHHDVC trong lĩnh vực tư pháp khi các tổ chức này không đơn thuần hướng đến lợi nhuận mà còn có nhiệm vụ trong thực hiện và bảo vệ pháp luật, bảo đảm các nguyên tắc độc lập, khách quan trong xét xử.
- Pháp luật về XHHDVC trong lĩnh vực tư pháp còn thiếu các quy định nhằm hạn chế xu hướng thương mại hóa và khuyến khích tính chất phi lợi nhuận, vì cộng đồng của các tổ chức cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp. Các quy định hiện có mới chỉ tập trung vào quản lý chặt chẽ về điều kiện, tiêu chuẩn để bảo đảm chất lượng dịch vụ được cung cấp hay gắn với quy hoạch mạng lưới để bảo đảm sự phân bổ hợp lý các tổ chức hành nghề với mục đích hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh của các tổ chức này. Pháp luật cũng mới chỉ ghi nhận các chính sách ưu đãi trong trường hợp hoạt động ở những điều kiện, địa bàn khó khăn. Thực tế các chính sách như bố trí trụ sở, hỗ trợ trang thiết bị làm việc cho các văn phòng công chứng ở các vùng có điều kiện khó khăn, ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật thuế... còn cần thiết phải có thêm hướng dẫn thực hiện của các cơ quan có liên quan. Trong khi đó, pháp luật về XHHDVC trong lĩnh vực tư pháp lại không có các quy định khuyến khích việc thành lập và hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ công ngoài công lập không vì mục tiêu lợi nhuận. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy cần thiết phải phát huy được vai trò của các tổ chức phi lợi nhuận, vì lợi ích cộng đồng trong chuyển giao việc cung ứng dịch vụ công.
- Mặc dù đã có quy định toàn diện về các nội dung quản lý nhà nước, tuy nhiên, các quy định này mới chỉ là các quy định mang tính chất quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà thiếu các quy định cụ thể để xác định cách thức thực hiện các nhiệm vụ đó. Theo phân cấp quản lý, bên cạnh các chiến lược, chính sách phát triển hành nghề chung thì các địa phương có thể ban hành các chính sách, biện pháp phát triển hành nghề, cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực tại địa phương. Tuy nhiên, pháp luật lại không có quy định cụ thể về các nội dung được ban hành nên dẫn đến việc các địa phương còn e ngại trong thực hiện hoặc nếu ban hành thì cũng không mở rộng hơn được so với các chính sách chung của Trung ương đã ban hành. Nhiều lĩnh vực mặc dù đã được xã hội hóa nhưng chưa ban hành được các tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động. Công tác thanh tra chưa gắn với đặc thù của từng lĩnh vực mà vẫn áp dụng chung theo quy định của Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Pháp luật chuyên ngành cũng không có quy định về cách thức, quy trình, thời gian kiểm tra và phân định giữa kiểm tra với thanh tra. Hiện nay chỉ có Nghị định số 99/2006/NĐ-CP ngày 15/9/2006 của Chính phủ về công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch với mục đích bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của chính sách, chiến lược, quy hoạch. Các nội dung, cách thức, kiểm tra không gắn với việc chấp hành, tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức hành nghề. Cơ chế thông tin, báo cáo, thống kê tập trung chủ yếu ở trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà chưa có sự phối hợp, liên hệ đánh giá với các tổ chức hành nghề nên trong một số trường hợp khó bảo đảm được tính khách quan khi đưa ra các quyết định, chính sách quản lý cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Sự tham gia của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia vào quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ công là một trong những đặc trưng trong XHHDVC. Hiện nay, pháp luật đang được hoàn thiện theo hướng tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi cũng như quản lý và giám sát hành nghề và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của luật sư. Tuy nhiên, do xu hướng phân định rạch ròi về thẩm quyền, trách nhiệm nên lại thiếu các quy định về phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội nghề nghiệp để bảo đảm quản lý toàn diện được việc hành nghề của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp. Bên cạnh đó, pháp luật cũng đang thiếu các cơ chế để hỗ trợ hiệu quả hơn cho hoạt động của các tổ chức xã hội nghề nghiệp nên hiệu quả hoạt động tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp cũng là những thách thức rất lớn trong điều kiện các tổ chức này phải tự tổ chức hoạt động và tự bảo đảm kinh phí hoạt động.
2. Định hướng hoàn thiện pháp luật về xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp
Yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại; bảo vệ pháp luật, công lý, quyền con người, quyền công dân... XHHDVC trong lĩnh vực tư pháp là một định hướng lớn của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện cải cách tư pháp. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục khẳng định chủ trương xã hội hóa các hoạt động tư pháp để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam. Xã hội hóa được thực hiện với các hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của luật sư, bổ trợ tư pháp nhằm mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại; bảo vệ pháp luật, công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân[2]. Yêu cầu đặt ra là pháp luật phải bảo đảm tính ổn định, khả thi, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp và bảo đảm người dân ngày càng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ công cũng như góp phần đắc lực phục vụ cho quá trình cải cách tư pháp, bảo vệ pháp luật. Xuất phát từ những hạn chế của các quy định pháp luật về xã hội hóa dịch vụ công nêu trên, quá trình hoàn thiện pháp luật về XHHDVC trong lĩnh vực tư pháp cần lưu ý thực hiện theo các định hướng sau:
Một là, pháp luật cần thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về thực hiện XHHDVC trong lĩnh vực tư pháp trong điều kiện cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân
Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII khẳng định quan điểm giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất, huy động mọi nguồn lực cho phát triển; đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công theo hướng nâng cao chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ công, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như phục vụ nhu cầu của người dân. Hoàn thiện pháp luật về XHHDVC để thực hiện tốt hơn chức năng của Nhà nước, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; phân định rõ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ chính trị, công ích. Nhà nước tham gia vào việc cung ứng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà khu vực kinh tế tư nhân chưa làm hoặc không muốn làm.
Trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, hoàn thiện pháp luật về XHHDVC trong lĩnh vực tư pháp phải phù hợp với yêu cầu hoàn thiện pháp luật nói chung, đặc biệt là yêu cầu bảo đảm gắn kết với tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Pháp luật vừa là công cụ để nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước; quản lý nhà nước bằng pháp luật đồng thời coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội. Hoàn thiện pháp luật về XHHDVC trong lĩnh vực tư pháp để tiếp tục xã hội hóa một số hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp có đủ điều kiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động luật sư, bổ trợ tư pháp[3], hướng đến mục tiêu “xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bổ trợ tư pháp (luật sư, công chứng, giám định, cảnh sát tư pháp...) theo hướng ngày càng đầy đủ, thuận lợi các nhu cầu đa dạng về hỗ trợ pháp lý của nhân dân, doanh nghiệp; thực hiện xã hội hóa mạnh mẽ các hoạt động bổ trợ tư pháp; kết hợp quản lý nhà nước với tự quản của các tổ chức xã hội nghề nghiệp”[4].
Hai là, pháp luật phải tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ công hợp lý trên cơ sở huy động hiệu quả các nguồn lực trong xã hội và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và thực hiện trách nhiệm của Nhà nước trước xã hội
XHHDVC nói chung và XHHDVC trong lĩnh vực tư pháp nói riêng trong lĩnh vực tư pháp là cách thức tổ chức lại việc cung ứng dịch vụ công, xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ công hợp lý trên cơ sở phân định giữa quản lý và thị trường, giữa vai trò, trách nhiệm của Nhà nước và khả năng tham gia của xã hội trong cung ứng dịch vụ công. Thực tế cho thấy, quá trình XHHDVC trong lĩnh vực tư pháp đã phân công lại việc thực hiện và cung cấp các dịch vụ công. Nhà nước xác định đúng các công việc Nhà nước cần thực hiện và những công việc có thể do xã hội thực hiện đã được được chuyển giao cho xã hội thực hiện.
Hoàn thiện pháp luật về XHHDVC trong lĩnh vực tư pháp phải tạo ra không gian pháp lý cho việc xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ công hợp lý. Sự tham gia của các tổ chức, cá nhân làm giảm sức ép về cung cấp dịch vụ công lên các cơ quan nhà nước và qua đó giúp cho Nhà nước có thể tập trung nguồn lực cho việc thực hiện các công việc thuộc chức năng của Nhà nước, tập trung nguồn lực để mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ tại những địa phương mà khu vực phi nhà nước chưa thu hút được sự tham gia của các tổ chức, cá nhân. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường với đặc trưng là sự tham gia của tất cả các tổ chức, cá nhân vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và khi đã được chuyển giao cho các chủ thể trong xã hội thực hiện thì cung cấp dịch vụ công cũng được coi là một hình thức đầu tư tìm kiếm lợi nhuận. Mặt khác, quá trình xã hội hóa cũng là quá trình làm cho các hoạt động dịch vụ công được vận hành theo cơ chế thị trường. Theo đó vai trò quản lý của Nhà nước là để bảo đảm việc cung cấp dịch vụ công theo đúng bản chất, chức năng xã hội của nó. Do đó, pháp luật cần cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc khuyến khích, huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào việc cung cấp dịch vụ công. Pháp luật cần quy định cụ thể, rõ ràng về điều kiện của các chủ thể trong xã hội tham gia vào việc cung cấp dịch vụ công gắn với các tiêu chí về chất lượng dịch vụ được cung cấp. Pháp luật cũng cần tạo cơ chế đa dạng cho sự tham gia của các chủ thể trong xã hội theo nhiều hình thức khác nhau, trong đó, khuyến khích việc cung cấp dịch vụ công vì mục đích xã hội, phi lợi nhuận với các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi thuận lợi hơn cho các hình thức này. Pháp luật bảo đảm về quyền và nghĩa vụ cho các chủ thể khi tham gia vào việc cung ứng dịch vụ công, thể hiện cam kết của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi của các chủ thể khi đã đầu tư cho việc cung cấp dịch vụ công, tham gia cùng với Nhà nước thực hiện các công việc của xã hội.
Ba là, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về XHHDVC và quy định về các lĩnh vực hoạt động tư pháp theo yêu cầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam
Pháp luật về XHHDVC trong lĩnh vực tư pháp là một bộ phận của hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung. Hoàn thiện pháp luật về XHHDVC trong lĩnh vực tư pháp bảo đảm không chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, hướng đến mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch theo Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, hoàn thiện pháp luật về XHHDVC trong lĩnh vực tư pháp cũng đồng thời phải bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, đặc biệt là các cam kết có liên quan đến việc mở cửa và các chính sách thuế quan đối với việc cung cấp các dịch vụ pháp lý.
Hoàn thiện pháp luật về XHHDVC trong lĩnh vực tư pháp thống nhất, đồng bộ với pháp luật về XHHDVC nói chung, bảo đảm cho việc xã hội hóa và thực hiện các hoạt động dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp đều được điều chỉnh bằng pháp luật. Pháp luật cần có các hình thức, nội dung huy động sự tham gia của xã hội vào việc cung ứng dịch vụ công, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Hoàn thiện pháp luật về XHHDVC trong lĩnh vực tư pháp nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong các quy định về trách nhiệm của Nhà nước trước xã hội trong cung cấp dịch vụ. Trách nhiệm này không chỉ được thể hiện ở khía cạnh Nhà nước tham gia vào việc cung cấp dịch vụ công đầy đủ cho người dân mà còn ở khía cạnh xác định thống nhất trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước có liên quan phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý để bảo đảm chất lượng các dịch vụ công được cung cấp đến người dân dù dịch vụ đó được cung cấp bởi chủ thể là các cơ quan nhà nước hay các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Hoàn thiện pháp luật về XHHDVC trong lĩnh vực tư pháp phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy định pháp luật về các lĩnh vực hoạt động tư pháp, thống nhất với các nguyên tắc trong thực hiện quyền tư pháp. Pháp luật phải tạo cơ sở pháp lý cho sự tham gia của các chủ thể phi Nhà nước trong việc cung ứng các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp. Khi đã đáp ứng các điều kiện và tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ này thì các chủ thể phi nhà nước cũng sẽ có các quyền, nghĩa vụ tương ứng và không phân biệt giữa các chủ thể là Nhà nước hay phi nhà nước. Các chủ thể cùng có trách nhiệm trong việc thực hiện thống nhất các quy trình, thủ tục, bảo đảm chất lượng các dịch vụ cung cấp cho xã hội, đồng thời tuân thủ nguyên tắc độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình và cùng thực hiện các nghĩa vụ trong việc bảo vệ pháp luật, bảo đảm công bằng, công lý trong xã hội.
Bốn là, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, lợi ích của cơ quan, tổ chức cung ứng dịch vụ công và lợi ích của người thụ hưởng dịch vụ công
Dịch vụ công nói chung hướng tới lợi ích của đa số dân chúng và góp phần vào việc giải quyết các vấn đề xã hội. Dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp còn có nhiệm vụ góp phần bảo vệ pháp luật, công bằng và công lý trong xã hội. Việc hài hòa giữa lợi ích chung và lợi ích của từng cá nhân, tổ chức có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là khi có các chủ thể khác nhau tham gia vào việc cung cấp dịch vụ công với các mục tiêu khác nhau. Do đó, hoàn thiện pháp luật về XHHDVC trong lĩnh vực tư pháp phải bảo đảm hài hòa được lợi ích của Nhà nước, người thực hiện dịch vụ công và người dân với vai trò là đối tượng thụ hưởng dịch vụ công trong quản lý, cung cấp và sử dung dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp.
Về phía Nhà nước, việc tổ chức và thực hiện cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp là một phần trách nhiệm của Nhà nước trước xã hội, vừa phục vụ nhu cầu của người dân, vừa phục vụ các mục tiêu quản lý xã hội của Nhà nước. Nhiều chủ thể tham gia cung cấp dịch vụ công sẽ tạo ra sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Tuy vậy, dù Nhà nước không trực tiếp cung cấp dịch vụ nhưng Nhà nước vẫn là chủ thể chịu trách nhiệm trước xã hội về việc cung cấp dịch vụ đó. Vì trách nhiệm này mà khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thường bị chi phối bởi các mục tiêu quản lý mà cơ quan đó có trách nhiệm hoàn thành. Ví dụ như, nếu quá chú trọng đến việc kiểm soát trực tiếp việc cung cấp dịch vụ công thì sẽ hạn chế tính tích cực và làm nản lòng các chủ thể phi nhà nước muốn tham gia cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, không tạo thuận lợi cho việc cung cấp dịch vụ công cũng như thụ hưởng của người dân.
Về phía các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ công, các chủ thể này thường mong muốn đạt được những lợi ích nhất định, trong đó có những lợi ích vật chất và phi vật chất. Những chủ thể tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ công chuyên nghiệp càng đứng trước yêu cầu của việc duy trì và phát triển tổ chức, tối đa hóa lợi nhuận để có thể duy trì hoạt động kinh doanh, đầu tư. Tuy vậy, bản chất của dịch vụ công là các dịch vụ thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, vì lợi ích chung của xã hội. Dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp càng phải đáp ứng yêu cầu phục vụ mục tiêu bảo vệ pháp luật, công bằng, lẽ phải trong xã hội. Việc hình thành và vận hành các tổ chức cung cấp dịch vụ công chuyên nghiệp cũng cần hướng tới mục tiêu này vì đây cũng là lý do cho việc tồn tại và duy trì các dịch vụ công trong xã hội.
Về phía người dân là các tổ chức, cá nhân có nhu cầu và sử dụng dịch vụ công. Trong bối cảnh xã hội hóa, có nhiều chủ thể tham gia vào việc cung ứng dịch vụ công thì tổ chức, cá nhân là đối tượng thụ hưởng sẽ có điều kiện để lựa chọn các tổ chức cung cấp dịch vụ công trên cơ sở nhu cầu và khả năng của mình. Nhưng người thụ hưởng dịch vụ công cũng có thể bị hạn chế lợi ích và nhu cầu của mình nếu như những yêu cầu đó ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước hoặc không phù hợp với lợi ích của số đông trong xã hội. Với dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật phải bảo đảm sự tham gia cung cấp hay thụ hưởng dịch vụ công không chỉ thỏa mãn nhu cầu của cá nhân mà còn phải hướng tới chức năng của dịch vụ công trong thực hiện và bảo vệ pháp luật.
Năm là, bảo đảm bình đẳng, công bằng giữa các cá nhân, tổ chức trong việc yêu cầu và tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp
Quá trình XHHDVC trong lĩnh vực tư pháp làm cho việc cung cấp dịch vụ công phải vận hành theo cơ chế thị trường và tất yếu tạo ra sự khác biệt khi tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ công của từng nhóm cá nhân, tổ chức trong xã hội. Vì vậy, hoàn thiện pháp luật về XHHDVC trong lĩnh vực tư pháp phải gắn liền với nguyên tắc bình đẳng của mọi cá nhân, tổ chức trong thụ hưởng dịch vụ công. Điều này được thể hiện trên phương diện sau:
- Các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp là dịch vụ cần thiết cho việc thực hiện cũng như bảo vệ quyền của người dân trước pháp luật, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác xét xử, bảo vệ pháp luật của Nhà nước. Do đó, pháp luật trước hết phải bảo đảm việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp đầy đủ cho người dân. Về nguyên tắc, việc bảo đảm cung cấp dịch vụ công cho xã hội là trách nhiệm của Nhà nước. Ngay cả khi thực hiện xã hội hóa, giao cho các chủ thể, cá nhân phi nhà nước thực hiện thì Nhà nước vẫn là chủ thể chịu trách nhiệm cho việc cung cấp dịch vụ công một cách đầy đủ, liên tục.
- Cùng với đó, pháp luật bảo đảm cho các dịch vụ công được cung cấp có chất lượng như nhau dù cho dịch vụ được cung cấp bởi chủ thể là các cơ quan, tổ chức của Nhà nước hay các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Sự thống nhất này được thể hiện ở các quy định về tiêu chuẩn và quy trình cung cấp dịch vụ công cũng như kiểm soát chất lượng và khuyến khích các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ công hoặc tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp.
- Trong lĩnh vực tư pháp, nguyên tắc bình đẳng còn được thể hiện ở các quy định bảo đảm bình đẳng cho các chủ thể đều có điều kiện tiếp cận và sử dụng dịch vụ công khi có nhu cầu. Pháp luật không có sự khác biệt hoặc phân biệt đối xử liên quan đến chi phí, đặc điểm riêng về thể chế, điều kiện sống để cản trở sự thụ hưởng dịch vụ công của người dân. Pháp luật còn cần thiết phải bao gồm các chính sách hỗ trợ, trợ giúp cho những người có điều kiện khó khăn, đối tượng yếu thế trong xã hội trong việc tiếp cận với dịch vụ công. Hay nói cách khác là cần có các biện pháp khuyến khích phát triển dịch vụ công ở những nơi, những khu vực có điều kiện khó khăn hoặc thậm chí Nhà nước vẫn sẽ phải trực tiếp thực hiện những dịch vụ công nhất định dù trong điều kiện đã xã hội hóa.
Bộ Tư pháp
[1]. Bộ Tư pháp, Báo cáo số 20/BC-BTP ngày 20/01/2016 về tổng kết công tác tư pháp năm 2015, nhiệm kỳ 2011 - 2015; định hướng nhiệm kỳ 2016 - 2020 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2016.
[2]. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tr. 178-179.
[3]. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
[4]. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2010.
Các tin khác
Bàn về trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại Hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người trong bối cảnh hội nhập quốc tế Một số vấn đề về quản lý và sử dụng đất ở Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào hiện nay Đưa Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” vào cuộc sống theo lời Bác Hồ Một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong Dự thảo Luật Hợp tác xã Những vấn đề cần chứng minh trong tố tụng hành chính Công tác phòng, chống tình trạng người Việt Nam sang Căm-Pu-Chia đánh bạc thực trạng và giải pháp