Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung Phiên họp
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 05 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin-cho”…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Dự án Luật đã nhận được sự đánh giá cao của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ nước ngoài, nhất là việc đã tháo gỡ căn bản các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đầu tư công năm 2019; các quy định về phân cấp, phân quyền, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để dễ kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư công để thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng trong tình hình mới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bàyTờ trình về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi)
Dự thảo Luật gồm 07 Chương, 109 Điều (sửa đổi 44 điều, trong đó có 16 điều chỉ sửa đổi, bổ sung từ ngữ nhằm quy định rõ, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai, không làm thay đổi nội hàm chính sách so với Luật Đầu tư công năm 2019; bổ sung 15 điều; bãi bỏ 07 điều), với các nội dung chủ yếu để cụ thể hóa 05 nhóm chính sách lớn như: Nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; Nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; Nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; Nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài); Nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đánh giá toàn diện những tồn tại, hạn chế
Thay mặt cơ quan thẩm tra, trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Chính phủ trình dự thảo Luật sửa đổi với nhiều nội dung quan trọng, bao gồm 05 nhóm vấn đề lớn, nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; đơn giản hóa trình tự, thủ tục và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc sửa đổi luật cần xem xét về tổng thể, đánh giá toàn diện những tồn tại, hạn chế để khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện đầu tư công, nhằm phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, vì vậy, nhất trí về phạm vi sửa đổi luật. Tuy nhiên, số lượng các điều/khoản luật thay đổi nhiều, phạm vi sửa đổi lớn; nhiều nội dung thể chế hóa các cơ chế, chính sách đặc thù mới được thí điểm, triển khai thực hiện trong thời gian ngắn; đòi hỏi phải đánh giá kỹ về tác động chính sách và nghiên cứu, rà soát thận trọng để bảo đảm việc ban hành luật phù hợp với yêu cầu của thực tế.
Về việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc cho phép tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án thành phần độc lập trong tổng thể dự án đối với tất cả các nhóm dự án. Tuy nhiên, đề nghị quy định chặt chẽ tại các điều, khoản để đảm bảo công tác đền bù, tái định cư gắn với đầu tư hoàn thành dự án, không để hoang phí và tổng thời gian bố trí vốn thực hiện 02 dự án thành phần độc lập để hoàn thành các chương trình, dự án không được vượt quá quy định về thời gian thực hiện dự án.
Các Đại biểu Quốc hội tham dự Phiên họp
Về bố trí vốn ngân sách địa phương, để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ, quy định trên nhằm tăng nguồn lực từ ngân sách địa phương để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi tại các địa phương. Để bảo đảm cơ sở áp dụng trong xây dựng chính sách tín dụng ưu đãi của địa phương nhằm bảo toàn vốn, tránh thất thoát, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, tiêu chí, nguyên tắc bố trí vốn, về bảo toàn vốn ủy thác cho vay, thu hồi nợ, cơ chế cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý cho cơ quan được ủy thác.
Về phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc quyết định điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giữa các Bộ, ngành, địa phương được phân cấp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội như quy định của Luật hiện hành là phù hợp với chức năng của cơ quan dân cử.
Về phân cấp thẩm quyền quyết định việc phân bổ dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn Ngân sách Trung ương, dự thảo Luật quy định theo hướng: Trên cơ sở đánh giá giữa kỳ về tình hình triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Quốc hội cho ý kiến việc sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương. Căn cứ quyết định tổng thể của Quốc hội, giao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc phân bổ cho các nhiệm vụ, dự án khi bảo đảm nguồn vốn, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Quy định này bảo đảm thẩm quyền Quốc hội xem xét, quyết định đối với nguồn lực dự phòng chung, đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt khi giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phương án phân bổ cụ thể khi có nguồn lực bảo đảm. Vì vậy, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhất trí với dự thảo Luật./.
Bích Lan - Nghĩa Đức
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam