Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách lớn về xây dựng, hoàn thiện thể chế, trọng tâm là hệ thống pháp luật, luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật, trong đó có rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo việc triển khai thực hiện hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật với phạm vi khác nhau, nhất là rà soát các văn bản liên quan trực tiếp tới sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Có thể nói, kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản đã giúp hệ thống pháp luật được công khai, minh bạch; việc tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp được thuận tiện, dễ dàng; việc sử dụng, áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước được nhanh chóng, chính xác.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hồ Quang Huy - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhấn mạnh, trước yêu cầu xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển theo định hướng của Đảng, khối lượng văn bản quy phạm pháp luật cần phải kiểm tra, rà soát hàng năm trên cả nước là rất lớn, thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau, đã và đang là công việc nặng nề, phức tạp đối với công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Để các công tác này ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng tình hình thực tiễn và yêu cầu đặt ra, có vai trò, sự hỗ trợ rất cần thiết và quan trọng của các cộng tác viên và các cơ quan báo chí.
Thời gian qua, đội ngũ cộng tác viên là chuyên gia am hiểu về pháp luật, giàu kinh nghiệm thực tiễn, trình độ kiến thức chuyên ngành ở các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội đã tích cực tham gia hỗ trợ Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra, rà soát của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp để kiểm tra, rà soát kịp thời, đầy đủ văn bản và nghiên cứu, đánh giá về tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp, khả thi của văn bản. Các cơ quan báo chí với chức năng, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền đã cung cấp nhiều thông tin phản ánh, kiến nghị quý giá về văn bản quy phạm pháp luật và phản ánh khá đa dạng, phong phú về các nội dung, vấn đề, sự kiện liên quan đến công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, góp phần giúp hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm nguyên tắc “kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch”; giúp dư luận xã hội hiểu biết đầy đủ, đúng đắn về các trường hợp văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, không phù hợp với thực tiễn; nâng cao hiểu biết của người dân, xã hội về công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; phát huy sự tham gia, giám sát của các tầng lớp nhân dân đối với việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi chính sách, thể chế pháp luật của Nhà nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ hơn vai trò, tầm quan trọng của cộng tác viên và cơ quan báo chí đối với các công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản của Bộ, Ngành Tư pháp; phân tích, đánh giá kết quả đạt được, các vướng mắc, khó khăn, hạn chế và nguyên nhân; trên cơ sở đó đề xuất giải một số pháp để nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả của cộng tác viên và hoạt động truyền thông của cơ quan báo chí đối với các công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới, cụ thể:
Một là, đối với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức pháp chế các bộ, ngành, Sở Tư pháp các địa phương cần chú trọng, tăng cường năng lực theo dõi, kiểm soát thông tin báo chí, dư luận xã hội và phản hồi thông tin.
Hai là, tiếp tục xây dựng, kiện toàn, đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản, coi đây là giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm tra văn bản. Tập hợp được đội ngũ nhà báo có trình độ, chuyên môn, am hiểu pháp luật và tâm huyết với công tác xây dựng pháp luật trong đó có công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cần được phát huy hơn nữa trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận. Ngoài ra, cần có cơ chế động viên, khuyến khích các cơ quan báo chí cung cấp những thông tin hữu ích giúp cho Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và các cơ quan kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật khác phát hiện sớm, phản ứng nhanh, nhận diện, xử lý một cách kịp thời, hiệu quả những vấn đề liên quan đến quy định không phù hợp của văn bản quy phạm pháp luật.
Ba là, thường xuyên, tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ cho cộng tác viên kiểm tra văn bản và các nhà báo hoạt động trong lĩnh vực xây dựng pháp luật; tổ chức trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, thông tin giữa cơ quan, công chức chuyên trách xây dựng pháp luật, trong đó có lực lượng kiểm tra văn bản với cộng tác viên kiểm tra văn bản và các phóng viên, biên tập viên.
Bốn là, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; cần nâng mức chi cho cộng tác viên kiểm tra văn bản so với quy định hiện hành giúp đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản có động lực gắn bó hơn, trách nhiệm hơn và làm tốt hơn nhiệm vụ được giao./.