“Giá trị là cái đáng quý, cái cần thiết, có ích lợi, có ý nghĩa, thỏa mãn những nhu cầu vật chất, tinh thần của con người, của giai cấp, nhóm, xã hội nói chung”[1]. Khi báo chí tham gia định hướng giá trị, làm công việc “giáo dục giá trị cho giới trẻ”, có nghĩa là báo chí đang tác động đến đối tượng của mình trong việc hình thành, thay đổi hệ giá trị của họ. Báo chí là một trong những con đường giáo dục giá trị rất sinh động và có diện bao phủ rộng đến các nhóm công chúng. Với khả năng cung cấp những thông điệp chung và phát tán nhanh (trong thời đại công nghệ số, tính định kỳ và khoảng cách thời gian từ khi thông điệp phát ra đến khi toàn bộ công chúng tiếp nhận có thể bằng 0), báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng là phương thức tác động hoàn toàn khác so với các con đường giáo dục truyền thống trong môi trường sự phạm với mối quan hệ thầy - trò, hay sự tác động của giáo dục gia đình.
Các phương tiện thông tin đại chúng càng hiện đại, phong phú thì sự tác động giáo dục giá trị đến giới trẻ càng cao, bởi lẽ, báo chí tác động đến con người nói chung và giới trẻ nói riêng hàng ngày, hàng giờ, mọi nơi, dần hình thành tất cả các giá trị trong hệ giá trị. Phương thức đặc thù trong giáo dục giá trị cho giới trẻ của báo chí là thông qua việc thông tin và phân tích, bình luận về sự kiện, vấn đề liên quan trực tiếp đến nhu cầu và thị hiếu của thanh thiếu niên, đồng cảm và tăng cường hoặc làm dịu những cảm xúc của người trẻ, hòa cùng và tiếp thêm khát vọng..., thông qua dư luận xã hội, để dần từng bước đưa từng giá trị vào trong ý thức lịch sử - văn hóa của họ, trong thế giới quan, lý tưởng, niềm tin... Việc chịu ảnh hưởng của truyền thông đại chúng trong giáo dục giá trị được tiến hành dần dần, rất tự nhiên.
Báo chí Việt Nam trong những năm qua đã khẳng định năng lực giáo dục giá trị cho giới trẻ. Các nhóm giá trị như: Giá trị cốt lõi (hòa bình, tự do, việc làm, gia đình, sức khỏe, an ninh, tự trọng, công lý, sống có mục đích, niềm tin, tính tự lập, giá trị nghề nghiệp, học vấn...), giá trị cơ bản (sáng tạo, tình bạn, tình yêu...), các giá trị có ý nghĩa (cuộc sống đầy đủ vật chất, các giá trị nghệ thuật, cái đẹp)... đều được chuyển tải qua thông điệp báo chí. Để đạt được kết quả giáo dục giá trị như đã nêu trên, các tờ báo đã tổ chức các chuyên trang, chuyên mục cung cấp kiến thức, trong đó có những câu chuyện về tình bạn, tình yêu, tình thương... thông qua đó phân tích, bình luận để giúp cho giới trẻ tự rút ra cho mình ý nghĩa của câu chuyện, của sự kiện, tự tìm ra những giá trị và mức độ ưu tiên của các giá trị đó. Báo chí Việt Nam, đặc biệt là các tờ báo dành cho tuổi vị thành niên và thanh niên như Mực Tím, Hoa học trò, Thanh Niên, Tiền Phong… đã đạt được hiệu quả rõ rệt với ba nhóm nội dung về giáo dục giá trị sau đây:
Nhóm một là, giáo dục đạo đức, lối sống và nhân cách cho giới trẻ. Giáo dục vị thành niên biết yêu thương con người, gia đình, Tổ quốc, nhân loại, sống có trách nhiệm xã hội, giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tình hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc. Giáo dục giới trẻ sống có lý tưởng, có hoài bão, có niềm tin vào bản thân.
Nhóm hai là, giáo dục giá trị của hòa bình, tự do, trật tự, an ninh tốt. Giáo dục giá trị của xã hội phồn vinh, thịnh vượng, văn minh, gia đình hạnh phúc, môi trường lành mạnh, trong sạch. Giáo dục sức khỏe, học vấn, sự năng động, sáng tạo, tự lập. Giáo dục lòng nhân ái, tình nghĩa, thủy chung, vị tha, độ lượng.
Nhóm ba là, giáo dục giới trẻ trọng sự hiếu học, thông minh, đoàn kết, cần kiệm, kiên trì, cởi mở, lạc quan. Giáo dục giới trẻ coi trọng các giá trị truyền thống, văn hóa dân tộc. Giáo dục giới trẻ coi trọng chữ tín, tôn trọng lẫn nhau, chấp nhận cạnh tranh trong môi trường toàn cầu, nhạy cảm với cái mới, sẵn sàng đương đầu với khó khăn thách thức của hội nhập quốc tế, kỷ luật trong học tập và lao động, sự hợp tác tích cực, sự lạc quan.
Để nâng cao hiệu quả trong giáo dục giá trị cho giới trẻ hiện nay, Báo chí Việt Nam nên sử dụng tổng hợp một số phương pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, giáo dục giá trị cho giới trẻ bằng việc lựa chọn sự kiện để đưa tin, chân dung người tốt, việc tốt, cách đánh giá hành vi, cử chỉ, lời nói, việc làm... của các nhân vật, hoặc qua phân tích các sự kiện, vấn đề. Giáo dục giá trị bằng công cụ truyền thông đại chúng có cách thức, con đường hoàn toàn khác so với giáo dục trong gia đình hay nhà trường, không quá nặng về tính mô phạm. Ví dụ: Trong giải bóng đá U-23 châu Á, Báo chí Việt Nam đã rất thành công trong giáo dục giá trị cho giới trẻ bằng việc đưa tin về “kỳ tích” của Đội tuyển U-23 Việt Nam. Các báo đưa tin chi tiết về ý chí, nghị lực, sự quả cảm phi thường, tinh thần đoàn kết tập thể của toàn đội. Báo chí Việt Nam đã chứng minh sau khi Giải vô địch bóng đá U-23 châu Á kết thúc, “hiệu ứng” U-23 Việt Nam hiện đang được dư luận quan tâm hơn cả các ngôi sao nổi tiếng vốn là thần tượng của giới trẻ Việt Nam. Hơn hẳn những lời giáo huấn hoặc những thông điệp to lớn, câu chuyện trên báo chí về “hiện tượng” U-23 Việt Nam với những ngày luyện tập vất vả, hình ảnh xả thân, quả cảm, cùng với những lời phân tích, bình luận của các nhà báo, lời mô tả, nhận xét của các huấn luyện viên... đã có tác dụng rất tốt trong việc tác động tới giới trẻ.
Thứ hai, giáo dục giá trị thông qua việc thẩm định, đánh giá và định hướng dư luận trong việc định ra chuẩn mực giá trị. Những quan điểm sai lầm, những hành vi lệch chuẩn được báo chí đưa ra phân tích, mổ xẻ, tạo tương tác cũng đã tác động nhiều chiều đến công chúng. Khi sử dụng phương pháp tiếp cận giá trị, các nhà báo, nhà truyền thông cần hiểu rõ cơ chế tác động của truyền thông đại chúng đến công chúng, sử dụng kỹ thuật thiết kế thông điệp báo chí, học cách sử dụng linh hoạt các thể loại, các dạng bài báo chí để thực hiện mục tiêu giáo dục giá trị cho giới trẻ. Khi nêu và phân tích một sự kiện, vấn đề, cần phải kiểm tra khả năng tạo hiệu ứng giá trị với giới trẻ. Báo chí giáo dục giá trị bởi chính thông tin xác thực, khách quan, được lựa chọn dựa trên nguyên lý gắn với mục tiêu giáo dục giá trị. Đó không thể là những lời nói sáo rỗng, những khẩu hiệu chung chung, càng không thể là những phán xét chủ quan, kiểu “người trên” dành cho giới trẻ.
Thứ ba, giáo dục giá trị gắn với kỹ thuật quản lý hình ảnh và phân tích nhân vật trong truyền thông giáo dục. Chẳng hạn, trong bối cảnh hiện nay, khi giáo dục giá trị cần tập trung hơn vào việc lên án tính hình thức, tính thực dụng trong lối sống, thì việc đưa tin với tỷ lệ vượt trội các nhân vật trong giới “showbiz”, đặc biệt là nhân vật nhiều tai tiếng là một sai lầm cơ bản trong giáo dục giá trị trên phương tiện truyền thông đại chúng nói chung và với việc ứng dụng phương pháp báo chí truyền thông tiếp cận giá trị nói riêng. Phân tích nội dung 278 tác phẩm báo chí về các nhân vật nổi tiếng trên hai tờ báo là Báo Tiền phong và Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh năm 2017 cho thấy: 84,9% các nhân vật nổi tiếng được đăng báo là các ca sĩ, diễn viên, đạo diễn, người mẫu, hoa hậu, nhạc sĩ... Những nhân vật nổi tiếng là những người đem lại lợi ích cho cộng đồng chiếm 5%, số còn lại là nhà bác học, nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học, vận động viên... Phân tích nội dung tác phẩm báo chí cũng cho kết quả 21,9% số bài viết về tai tiếng của các nhân vật[2]. Do chưa ý thức được vai trò của việc quản lý hình ảnh nhân vật, hai tờ báo trên đã tạo khuôn mẫu hình tượng cho giới trẻ là giới biểu diễn, đặc biệt là ca sĩ, diễn viên điện ảnh và người mẫu. Khuôn mẫu hình tượng của các nhà khoa học tài năng, những người có trái tim nhân hậu, sẵn sàng sống và cống hiến cho cộng đồng, cho nhân loại với những hành vi ý nghĩa hằng ngày ít được đề cập.
Để giáo dục giá trị trên báo chí cho giới trẻ, bản thân mỗi nhà báo, nhà truyền thông trước hết phải là một nhà giáo dục. Mỗi nhà báo có đủ kiến thức, kỹ năng, trách nhiệm xã hội và tuân thủ, tôn trọng các chuẩn mực đạo đức xã hội và đạo đức nghề nghiệp. Đi đôi với việc nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội của mỗi tờ báo, hiệu quả đọc báo còn phụ thuộc vào vai trò của nhà trường, gia đình trong giúp đỡ con em mình tìm đọc những tờ báo có nguồn thông tin bổ ích và phù hợp lứa tuổi. Có như vậy, báo chí Việt Nam mới thực hiện tốt chức năng giáo dục, khai sáng của báo chí nói chung và với thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng.
Đại úy, Trường Sĩ quan Chính trị
[1]. Giáo dục học hiện đại, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2011, tr.124.
[2]. Tác động của nhóm đề tài tình bạn, tình yêu trên báo in đối với sự phát triển nhân cách của tuổi vị thành niên, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội, 2017, tr.29-30.