Abstract: The article studies the correlation between the Ede customary law and the current land law, thereby proposing some measures to promote the role of the Ede customary law in the practice of land law implementation.
1. Luật tục Ê-đê trong mối tương quan với pháp luật về đất đai hiện nay
Trong 236 điều của Luật tục Ê-đê, chỉ có 08 điều nằm ở Chương XI đề cập đến đất đai và người chủ đất. Nếu so sánh với số lượng các quy định về hôn nhân (48 điều) thì có một sự khác biệt rất lớn. Nghiên cứu Luật tục của đồng bào Ê-đê cho thấy, vấn đề đất đai được đề cập ở những nội dung cơ bản sau đây:
1.1. Vấn đề sở hữu đất đai
Đồng bào Ê-đê coi đất đai là tài sản chung của cộng đồng buôn làng. Đó là sự kết nối thiêng liêng giữa các thế hệ từ ông, bà tổ tiên trước đây truyền lại cho các thế hệ sinh sống trong buôn làng: “Đất đai, sông suối, cây rừng (là) cái nong, cái nia, cái lưng của ông (bà)”[1]. “Đất này là của bà xưa ông cũ để lại, điều đó người ta đã truyền miệng lại cho nhau (đời này qua đời khác)”[2]. Quan niệm này chưa phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và Luật Đất đai năm 2013.
Hiến pháp năm 2013 và Luật Đất đai năm 2013 khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Bên cạnh đó, với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, Nhà nước là chủ thể đại diện của quyền sở hữu toàn dân về đất đai.
Quyền sở hữu đại diện của Nhà nước mang tính chất duy nhất và tuyệt đối. Tính duy nhất thể hiện, pháp luật không cho phép tồn tại bất cứ hình thức sở hữu nào khác ngoài hình thức sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là người đại diện. Tính tuyệt đối thể hiện, toàn bộ vốn đất đai trong phạm vi cả nước dù đã được giao hay chưa được giao cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sử dụng đều thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Hơn nữa, dù đất đai do bất cứ ai sử dụng và sử dụng vào bất kỳ mục đích gì thì cũng đều phải tuân theo các quy định của Nhà nước[3].
Vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên người dân chỉ có thể chiếm hữu, sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép nhận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất. Chính vì vậy, cộng đồng buôn làng chỉ có quyền chiếm hữu, sử dụng đất hợp pháp khi được Nhà nước giao đất; cá nhân, hộ gia đình chỉ có quyền chiếm hữu, sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép nhận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất. Điều này hoàn toàn “xa lạ” với quan niệm của đồng bào Ê-đê về sở hữu đất đai. Đặc biệt là, trong bối cảnh vùng Tây Nguyên, người dân tộc thiểu số ở đây vẫn tự phát lấy đất rừng làm rẫy mà không cần quan tâm đất đai đó đang thuộc sở hữu toàn dân. Khi người dân đặt chân tới, lao động và hưởng lợi từ một mảnh đất thì điều đó có nghĩa là họ đã sở hữu mảnh đất đó. Nhiều khu vực tưởng như “vô chủ” trong quan niệm của người dân, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng tự nhiên thuộc diện bảo tồn, trên giấy tờ lại thuộc diện quản lý của Nhà nước[4].
Bên cạnh đó, người Ê-đê cũng quan niệm đất rẫy thuộc quyền sở hữu của người khai phá đầu tiên. Nếu họ chết, đất đó được truyền cho con cháu. Cộng đồng buôn làng khẳng định quyền sở hữu của họ. Những người thừa kế không có quyền bán đất đó cho người khác mà chỉ có thể để thừa kế lại cho con cháu, coi đất rẫy là tài sản của gia tộc được lưu truyền từ đời này sang đời khác[5].
Như vậy, rõ ràng khoảng cách trong quan niệm của đồng bào Ê-đê về sở hữu đất đai với chế độ sở hữu toàn dân được Hiến pháp quy định là khá lớn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp đất đai trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
1.2. Giải quyết tranh chấp đất đai
Luật tục Ê-đê không quy định phương thức riêng mà tranh chấp đất đai được giải quyết giống như các loại tranh chấp khác. Người giải quyết tranh chấp là người có uy tín, tài đức, khả năng ăn nói thuyết phục, am hiểu Luật tục, thường là những người già trong buôn hoặc trong dòng họ, được mọi người kính nể. Xã hội Ê-đê cổ truyền tôn trọng những lệ tục và trong mỗi buôn đều có Pô Phát Kđi (người xử kiện) đứng ra trông coi công việc này[6].
Cơ chế phân xử các tranh chấp được chia thành nhiều cấp độ:
Thứ nhất, nếu tranh chấp nhỏ giữa những người trong cùng một gia đình hay một dòng họ thì người phân xử thường là những người có uy tín, hiểu biết, được kính nể trong dòng họ đứng ra giải quyết bằng phương thức hòa giải. “Mỗi dòng họ (Djuê) Ê-đê bao gồm 03 thành phần: (i) Dăm dei, gồm những người cùng dòng họ với Ana go và được Ana go gọi là bác trai, cậu, em trai, cháu trai; (ii) Ana go gồm bà nội (dòng nữ), bác gái, mẹ, em gái, cháu gái, chắt gái... đây là giới nữ cùng dòng họ với Dăm dei; (iii) Ung rông, gồm chồng của bà nội, bác gái, mẹ, dì... Khi ông bà, cha mẹ qua đời, nếu giữa Ana go và Ung rông xảy ra tranh chấp của cải, tài sản thì Dăm dei đứng ra giải quyết trong nội bộ dòng họ. Nếu Dăm dei không giải quyết được thì mới nhờ tới thầy xử kiện (Pô Phát Kđi) xét xử theo Luật tục”[7].
Thứ hai, nếu tranh chấp giữa hai người trong cộng đồng không cùng một gia đình, dòng họ thì Dăm dei sẽ đứng ra hòa giải, nếu không hòa giải được thì sẽ nhờ Pô Phát Kđi xét xử. “Trường hợp Ana go hoặc Ung rông có xích mích, mâu thuẫn với hàng xóm, Dăm dei đứng ra dàn xếp, hòa giải. Nếu xảy ra xung đột, hai bên không tự giải quyết được, phải nhờ tới thầy xử kiện phân xử”[8].
Như vậy, đa phần các tranh chấp trong cộng đồng buôn làng được giải quyết theo phương thức hòa giải (ví dụ: Xích mích trong gia đình, mất trộm lợn, gà, tranh chấp đất đai...)[9]. Trường hợp không thể hòa giải được thì sẽ nhờ Pô Phát Kđi giải quyết theo Luật tục với các thủ tục chặt chẽ và mang tính nghi lễ cao hơn. Diễn biến của phiên xử được thực hiện qua các bước mô tả như sau:
Bước 1: Pô Phát Kđi điểm xem những người cần phải có mặt đã đầy đủ chưa, nếu thiếu ai thì cho người đi gọi.
Bước 2: Người xử kiện yêu cầu hai bên đương sự tháo vòng tay cho mình cầm. Khi đã thực hiện như vậy tức là hai đương sự đã thừa nhận và chấp thuận cho người xử kiện quyền chất vấn, chỉ ra phải trái, quyết định ai đúng, ai sai và xử phạt theo Luật tục.
Bước 3: Người xử kiện dùng lời nói vần để khai mạc buổi hòa giải.
Bước 4: Pô Phát Kđi yêu cầu người khởi kiện tường thuật lại sự việc mà người đó nhờ “Tòa án phong tục” phân xử. Trường hợp tranh cãi nhau khó ngã ngũ, người xử kiện mời nhân chứng hóa giải tình hình. Tiếp đến ông ta hỏi họ hàng hai bên đương sự có ý kiến gì không? Nếu không có ai có ý kiến gì thì Pô Phát Kđi tham khảo ý kiến của Dăm dei hai dòng họ lần cuối để đưa ra quyết định cuối cùng là ai đúng, ai sai. Pô Phát Kđi dùng lời thơ Luật tục để kết thúc phần “nghị án”.
Bước 5: Nếu người thắng kiện yêu cầu phạt người thua kiện nặng quá (không theo quy định của Luật tục thì người xử kiện động viên người đó giảm bớt để thể hiện tình làng nghĩa xóm. Ngược lại, nếu thấy người thắng kiện chỉ đòi phạt nhẹ hơn nhiều quy định của Luật tục thì người xử kiện yêu cầu đương sự mời họ hàng ra ngồi ở một góc riêng để bàn bạc thống nhất. Thông thường, họ hàng đều tôn trọng, đồng tình với ý kiến của người thân khi thắng kiện. Mỗi khi sự việc đã có sự thống nhất của mọi người trong buổi phân xử thì người xử kiện mới tuyên bố mức phạt. Sau khi đã thống nhất mức phạt đền một cách công khai, dân chủ như trên, người xử kiện đề nghị hai bên đương sự đưa tay ra đeo vòng đồng và chạm vòng đồng vào nhau. Hành động này được coi như là lời cam kết thực hiện theo sự phán xét của người xử kiện[10].
Theo quy định của pháp luật hiện hành, giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện thông qua một số hình thức cơ bản sau đây: (i) Giải quyết tranh chấp đất đai bằng hình thức hòa giải (hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở; hòa giải tranh chấp đất đai do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp thực hiện[11]); (ii) Giải quyết tranh chấp đất đai bằng con đường hành chính; (iii) Giải quyết tranh chấp đất đai bằng con đường tố tụng (Tòa án nhân dân giải quyết).
Như vậy, giữa Luật tục Ê-đê và Luật Đất đai năm 2013 có điểm tương đồng là đều đề cao tinh thần thương lượng, hòa giải giữa các bên tranh chấp đất đai; người tiến hành thủ tục hòa giải thường là những người có kinh nghiệm, sự hiểu biết và có uy tín trong cộng đồng. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai, các bên tranh chấp và người phân xử đều tôn trọng chứng cứ.
2. Một số giải pháp nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị của Luật tục Ê-đê trong quá trình thi hành pháp luật đất đai
Thứ nhất, hình thức sở hữu đất đai của cộng đồng đã xuất hiện hàng trăm năm nay ở Tây Nguyên. Với hình thức này, mọi thành viên đều có trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ đất đai. Do vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng hợp lý đất đai, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện việc giao đất cho cộng đồng buôn làng sử dụng bên cạnh việc giao đất cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức sử dụng. Mặt khác, việc giao quyền sử dụng đất cho buôn, làng quản lý cũng khắc phục tâm lý mất đất của người dân. Kinh nghiệm của một số địa phương hiện nay, thực hiện việc giao đất giao rừng phải thừa kế nhân tố cơ bản của sở hữu truyền thống là kết hợp chặt chẽ quyền quản lý của cộng đồng buôn với quyền sử dụng, chiếm hữu của mỗi hộ gia đình trong cộng đồng ấy[12].
Thứ hai, trong việc xây dựng cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, cần chú trọng giải pháp tăng cường nhận thức về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của rừng đối với cuộc sống của đồng bào Ê-đê để góp phần làm giảm các xung đột. Trước hết, cần đổi mới tư duy, nhận thức về vai trò toàn diện của rừng đối với đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Việc mất đất, thiếu đất sản xuất, đất ở không chỉ làm cho cuộc sống của người dân bản địa khó khăn hơn mà còn có nguy cơ sẽ làm tan vỡ truyền thống văn hóa làng ở Tây Nguyên. Điều này rất dễ dẫn tới vấn đề dân tộc, nhất là khi có bàn tay can thiệp của các thế lực dưới chiêu bài bảo vệ người dân tộc, bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Vì vậy, cần có chính sách cương quyết bảo vệ và phát triển rừng[13].
Thứ ba, Luật tục đề cao vai trò của người có uy tín, am hiểu Luật tục trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong đó có tranh chấp liên quan đến lĩnh vực đất đai. Vì vậy, để phát huy hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp đất đai của đồng bào Ê-đê, cần chú trọng bồi dưỡng, trang bị kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải tranh chấp cho người có uy tín trong cộng đồng cũng như xây dựng chế độ, chính sách phù hợp để động viên, khuyến khích họ thêm phấn khởi, có trách nhiệm với công việc chung.
Thứ tư, tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai cho đồng bào Ê-đê: Thay đổi quan niệm đất đai là của tổ tiên để lại và sự kế thừa của con cháu là điều tự nhiên, đẩy lùi tình trạng du canh, du cư, xóa bỏ tình trạng đốt rừng làm rẫy…
Thứ năm, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn để thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực tế tại tỉnh Đắk Lắk cho thấy, đồng bào Ê-đê hiểu rõ sở hữu cộng đồng về đất rừng truyền thống nhưng lại ít hiểu biết về Luật Đất đai và sở hữu đất rừng toàn dân. Do vậy, cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức có chất lượng để tăng cường công tác tiếp công dân, đối thoại, hòa giải để nắm rõ bản chất vụ việc và có biện pháp giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở, hạn chế khiếu nại đông người, vượt cấp khi có tranh chấp đất đai xảy ra.
Thứ sáu, rà soát lại diện tích đất của các nông, lâm trường sử dụng không hiệu quả, giao về cho địa phương quản lý, bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào Ê-đê nhằm giảm bớt tình trạng phá rừng, đốt nương làm rẫy cũng như nâng cao đời sống kinh tế của người dân.
Thứ bảy, tiếp tục có chính sách phát triển kinh tế, xã hội cho đồng bào Ê-đê để người dân thoát nghèo, nâng cao đời sống kinh tế, giảm du canh, tăng thâm canh, từ đó giảm áp lực đến tài nguyên đất đai và tài nguyên rừng. “Phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc kết hợp nông - lâm nghiệp trong hoạt động sản xuất nhằm sử dụng đất đai và bảo vệ đất một cách có hiệu quả. Chẳng hạn, giúp đỡ người dân nơi đây xác định từng loại đất trong vùng nên trồng loại cây gì và có những biện pháp canh tác nào hợp lý; đồng thời áp dụng những biện pháp bảo vệ đất, chống xói mòn; bảo vệ rừng và tái sinh rừng; hạn chế tối đa việc canh tác cây hàng năm ở những khu vực nguy hiểm về xói mòn; tăng tỷ lệ che phủ của rừng; yêu cầu thâm canh trong sử dụng đất để tăng năng suất cây trồng và bảo đảm bền vững cho sản xuất...”[14]. Thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ đất và sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số để các chương trình này thực sự trở thành cơ hội thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Để bảo đảm thực hiện các chương trình này hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh cần ban hành văn bản hướng dẫn quy trình rà soát và đăng ký hỗ trợ thống nhất, đồng bộ áp dụng cho tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh nhằm tránh tình trạng phải rà soát đối tượng thụ hưởng nhiều lần gây ảnh hưởng đến tiến bộ thực hiện các chương trình hỗ trợ. Xây dựng chính sách ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ tám, cần sửa đổi một số vấn đề còn bất cập, chồng chéo, chưa thống nhất liên quan đến vấn đề giao đất, giao rừng được quy định trong Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Bộ luật Dân sự… theo hướng: Công nhận cộng đồng dân cư là chủ rừng có quyền lợi và nghĩa vụ như các chủ rừng khác; công nhận diện tích rừng thiêng, rừng tâm linh, rừng đầu nguồn nước… gắn với phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hóa của các dân tộc là đất tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc giống như đất đền chùa, nhà thờ, miếu mạo[15]…
ThS. Nguyễn Thị Thảo
Phân hiệu Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk
(Ảnh: Internet)
[1]. Xem: Ngô Đức Thịnh, Chu Thái Sơn, Nguyễn Hữu Thấu, Điều 231 Luật tục Ê-đê (tập quán pháp), Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2012, tr. 410.
[2]. Xem: Ngô Đức Thịnh, Chu Thái Sơn, Nguyễn Hữu Thấu, Điều 231 Luật tục Ê-đê (tập quán pháp), Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2012, tr. 414.
[3]. Trần Quang Huy (Chủ biên), Giáo trình Luật Đất đai, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2019, tr. 72, 73.
[4]. Tô Văn Hòa, Đậu Công Hiệp, “Các yếu tố tác động đến giải quyết tranh chấp đất đai bảo đảm phát triển bền vững vùng Tây Nguyên”, Tạp chí Luật học, số 08/2019, tr. 39.
[5]. Tô Văn Hòa, Đậu Công Hiệp, “Các yếu tố tác động đến giải quyết tranh chấp đất đai bảo đảm phát triển bền vững vùng Tây Nguyên”, Tạp chí Luật học, tr. 40.
[6]. Luật tục Ê-đê, xem: Ngô Đức Thịnh, Chu Thái Sơn, Nguyễn Hữu Thấu, tlđd, tr. 25.
[7]. Đỗ Hồng Kỳ, Ứng xử văn hóa trong xã hội Ê-đê, Gia-rai, Thông tin pháp luật dân sự, https://phapluatdansu.edu.vn/2010/08/24/15/29/%E1%BB%A9ng-x%E1%BB%AD-van-ha-trong-x-h%E1%BB%99i-d-gia-rai/, truy cập 18/02/2022.
[8]. Đỗ Hồng Kỳ, Ứng xử văn hóa trong xã hội Ê-đê, Gia-rai, tlđd, truy cập 18/2/2022.
[9]. Huỳnh Thủy, Quan tòa dân gian, Báo điện tử Tiền Phong, https://tienphong.vn/quan-toa-dan-gian-post905692.tpo, truy cập ngày 09/5/2021.
[10]. Tô Văn Hòa, “Những giá trị của Luật tục về đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai vùng Tây Nguyên”, tlđd, tr. 38, 39.
[11]. Nguyễn Quang Tuyến, “Đặc thù của tranh chấp đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai từ góc nhìn đa chiều”, Kỷ yếu Hội thảo đánh giá thực trạng tranh chấp đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện nay, tr. 16.
[12]. Ngô Đức Thịnh, Luật tục trong đời sống các tộc người ở Việt Nam, tr. 315, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2014.
[13]. Vũ Văn Phúc (chủ biên) (2014), Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai gắn với xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh Tây Nguyên, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 133.
[14]. Vũ Văn Phúc (chủ biên) (2014), Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai gắn với xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh Tây Nguyên, tlđd, tr. 133.
[15]. Bích Lan, Chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số cần được kết hợp với nhiều giải pháp đồng bộ khác, https://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=60664, truy cập ngày 07/3/2023.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 377), tháng 3/2023)