Là sản phẩm tinh thần được đúc kết qua quá trình lâu đời của cộng đồng người khá đông đảo, luật tục Êđê và luật tục M’nông được coi là điển hình tương đối của các tộc người ở Tây Nguyên. Do đặc điểm của quá trình hình thành và phát triển (điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội...), cũng như các luật tục khác, luật tục Êđê và M’nông bên cạnh những ưu điểm, tiến bộ, cũng tồn tại những hạn chế, nhất là những quy định mang tính “hủ tục” lạc hậu, do đó đã và đang có những tác động không nhỏ, cả tích cực lẫn tiêu cực đến việc thực hiện các quy định của pháp luật và quản lý xã hội trong mỗi cộng đồng dân cư. Vấn đề đặt ra là cần “gạn đục, khơi trong”, phát huy được vai trò với những nét ưu việt, tiến bộ của luật tục, hạn chế và đi đến loại bỏ những hủ tục lạc hậu..., hỗ trợ thực hiện tốt các quy định của pháp luật, góp phần ổn định an ninh nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội trong vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, giải quyết một cách bền vững những vấn đề tiềm ẩn có thể bộc phát thành những tình huống phức tạp ở vùng đất này.
Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại” (khoản 1 Điều 60) và “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình (khoản 3 Điều 5). Những nội dung có tính hiến định này vừa gợi mở, vừa đặt ra yêu cầu cấp thiết về nghiên cứu bản sắc, phong tục, tập quán, truyền thống, văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, trong đó có luật tục của các dân tộc Tây Nguyên. Thực tiễn cho thấy, vấn đề nghiên cứu luật tục ở nước ta nói chung và luật tục Êđê, M’nông nói riêng vừa có ý nghĩa bảo tồn văn hóa dân gian, vừa có ý nghĩa về xã hội học, về quản lý cộng đồng dân cư, quản lý xã hội ở cấp cơ sở... Ở cộng đồng người Êđê và người M’nông, bên cạnh pháp luật, việc sử dụng luật tục để điều chỉnh các mối quan hệ trong đời sống xã hội hàng ngày còn tương đối phổ biến. Luật tục đã, đang và sẽ tiếp tục có sự tác động quan trọng trong đời sống xã hội của cộng đồng người Êđê, M’nông.
1. Những yếu tố tích cực của luật tục Êđê, M’nông
Phạm vi điều chỉnh của luật tục tương đối rộng và bao quát, bao gồm hầu hết các quan hệ xã hội trong cộng đồng và có sự tương đồng với phạm vi điều chỉnh của pháp luật, vì vậy, nó là điều kiện quan trọng để hỗ trợ pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống cộng đồng thông qua việc kết hợp luật tục với pháp luật xây dựng thành quy chế tự quản (hương ước, quy ước) ở các buôn làng. Qua khảo sát các bản quy ước của các buôn làng đồng bào Êđê, M’nông tại tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Đắk Nông cho thấy, chúng đều được xây dựng dựa trên các phong tục, tập quán, luật tục và quy định của pháp luật, nội dung đề cập đến các vấn đề thiết thực trong đời sống hàng ngày tại cộng đồng dân cư, như: Xây dựng gia đình, buôn làng văn hóa; việc cưới, hỏi, tang lễ, lối sống người già, người trẻ; an ninh - trật tự; bảo vệ tài sản cộng đồng; giáo dục con cháu và người dân trong buôn; cách tổ chức thực hiện, khen thưởng, xử phạt...
Trong luật tục, tính cộng đồng được thể hiện rất rõ nét. Luật tục điều chỉnh mọi hành vi trong cộng đồng với mục đích là bảo vệ, gắn kết cộng đồng và không chống lại lợi ích cộng đồng... Nét độc đáo, tiến bộ của luật tục thể hiện ở chỗ nó không phải là những quy định cưỡng chế bắt buộc, mà là những quy định tạo sự tự nguyện, tự giác cao. Mọi thành viên trong cộng đồng đều tự nguyện thực hiện các quy ước của luật tục. Thói quen tự nguyện, tự giác thực hiện luật tục đó, nếu được kết hợp, phát huy tốt thì sẽ có tác dụng lớn trong việc giáo dục ý thức tự giác thực hiện pháp luật trong đồng bào.
Các hành vi vi phạm luật tục được xử lý rất nhanh chóng, thông qua việc áp dụng luật tục của những người có trách nhiệm như già làng cùng sức ép dư luận cộng đồng. Việc phân xử có hiệu lực ngay và rất ít trường hợp không thi hành. Việc xử lý cũng được chấp thuận từ phía các bên và thông thường không xảy ra tái phạm. Đây là yếu tố rất có giá trị khi nghiên cứu đưa vào quy chế tự quản của cộng đồng, giúp ban tự quản buôn làng kết hợp giải quyết có hiệu quả những vi phạm nhỏ, những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh từ ngay tại buôn làng, hạn chế tối đa việc kiện tụng, khiếu nại đến cơ quan nhà nước.
Luật tục thể hiện và chứa đựng nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp và giá trị đạo đức truyền thống của cộng đồng, của dân tộc, xuất phát từ những ước muốn và nguyện vọng chung của các thành viên được đề lên thành những nguyên tắc ứng xử chung. Luật tục thể hiện trách nhiệm đạo đức xã hội bằng những tiêu chí và trường hợp ứng xử cụ thể, góp phần giữ gìn bản sắc truyền thống văn hóa của tộc người đã hình thành từ lâu đời. Khi được kết hợp với pháp luật, luật tục góp phần tích cực trong việc giáo dục nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt đẹp của mỗi cá nhân trong cộng đồng, bảo đảm ổn định trật tự, đề cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc duy trì cuộc sống tương thân tương ái của buôn làng. Điều đó cũng lý giải vì sao trong cộng đồng người dân tộc Êđê cũng như M’nông trước đây hầu như không có tình trạng trộm cắp xảy ra (nếu có thì do người nơi khác đến gây ra), tài sản, hoa lợi thậm chí sau khi thu hoạch đồng bào không mang về nhà, để luôn ngoài rẫy mà không lo bị mất cắp. Trong thực tế, cuộc sống tại các buôn làng người Êđê, M’nông rất yên bình, đồng bào rất coi trọng nghĩa tình, nếu có mâu thuẫn, xích mích thì đề cao việc hòa giải, và một khi đã được hòa giải (theo luật tục phải cúng thần linh), thì tuyệt đối không được khơi lại và không còn hiềm khích với nhau nữa... Với đặc điểm ưu việt này, nếu được kết hợp một cách hài hòa với công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay, thì chắc chắn rằng hoạt động của các tổ hòa giải tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc Êđê, M’nông sẽ đạt được hiệu quả cao.
Một yếu tố khác hết sức quan trọng, góp phần tạo nên những tác động tích cực của luật tục trong thực hiện pháp luật của đồng bào dân tộc Êđê, M’nông, đó là vai trò của các già làng (người được suy tôn theo luật tục - khác với trưởng buôn do dân bầu theo quy định của pháp luật). Đối với cộng đồng, già làng có vai trò thủ lĩnh. Sự kính trọng, tôn sùng của dân làng đối với già làng từ kết quả mang tính thuyết phục. Trong nhiều trường hợp, nếu có sự đồng ý của già làng thì việc tổ chức, quản lý của chính quyền cơ sở đạt kết quả cao. Trong công tác dân vận, vai trò của già làng hết sức quan trọng, là đầu mối trực tiếp liên hệ giữa chính quyền đối với bà con; cầu nối đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào, làm cho người dân hiểu và làm theo. Ở các buôn làng Êđê, M’nông hiện nay, vai trò của già làng thể hiện rõ nét nhất trong việc động viên bà con cùng tham gia xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Già làng phối hợp với trưởng thôn, buôn vận động nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, đặc biệt là hòa giải mâu thuẫn, tập hợp đoàn kết, thực hiện các phong trào do chính quyền, các đoàn thể... phát động như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống, góp phần cải thiện môi trường văn hóa, giáo dục, làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, cộng đồng và từng gia đình. Nhờ đó, việc tang, cưới xin, lễ hội dần dần theo nếp sống mới, trở thành chỉ tiêu thi đua của mỗi buôn làng, góp phần đẩy lùi tệ nạn mê tín dị đoan, các tập tục lạc hậu, xây dựng và thực hiện những tập quán dùng nước sạch, khi ốm đau đến khám, chữa bệnh tại các trạm y tế xã, bệnh viện...
2. Những mặt hạn chế của luật tục Êđê, M’nông
Bên cạnh những yếu tố tích cực, trong luật tục Êđê, M’nông cũng có quy định lạc hậu với xã hội hiện nay, mâu thuẫn với pháp luật, hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và sự phát triển của cộng đồng..., đó là những yếu tố tác động tiêu cực nhất định trong đời sống xã hội của cộng đồng, cụ thể:
Thứ nhất, trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình
Luật tục không quy định cụ thể về độ tuổi kết hôn, thường khi thấy con cái đã phát triển đầy đủ về thể chất (khoảng 15 - 16 tuổi), cha mẹ có thể cho con lấy vợ hoặc lấy chồng... Vì vậy, tình trạng tảo hôn trong cộng đồng Êđê, M’nông vẫn còn phổ biến. Người Êđê, M’nông cũng thực hiện chế độ ngoại hôn. Tuy nhiên, họ không theo quan niệm về trực hệ huyết thống và trong phạm vi ba đời (như quy định của Luật Hôn nhân và gia đình), mà thực hiện theo quan niệm về dòng họ. Theo đó, người trong cùng một dòng họ, dù xa hay gần, cách nhau hàng bao nhiêu đời cũng không được kết hôn với nhau. Nếu vi phạm thì bị coi là loạn luân và bị phạt vạ nặng. Để thực hiện nguyên tắc ngoại hôn, các dòng họ đều có gia phả xác định gốc tích và các thế hệ của dòng họ mình. Với quan niệm về chế độ ngoại hôn như vậy, có nhiều vấn đề không phù hợp với quan điểm khoa học và pháp luật, như: Luật tục quy định những người cùng một dòng họ thì không được kết hôn với nhau, cho nên trường hợp hai người không cùng trực hệ huyết thống, nhưng cùng họ với nhau thì không được kết hôn với nhau, điều này trái với quy định pháp luật về quyền được kết hôn của cá nhân. Mặt khác, theo chế độ mẫu hệ, con trai, con gái sinh ra đều theo họ mẹ, mà luật tục thì cho phép những người khác họ được kết hôn với nhau... Như vậy, các con của chú, bác ruột có thể kết hôn với nhau - trường hợp này là vi phạm điều kiện về trực hệ huyết thống trong phạm vi ba đời theo Luật Hôn nhân và gia đình và dẫn đến tình trạng hôn nhân cận huyết. Trong thực tế, có nhiều trường hợp luật tục không cho là loạn luân, nhưng theo khoa học và pháp luật thì đó lại là loạn luân hoặc ngược lại, nhiều trường hợp luật tục cho là loạn luân, nhưng theo khoa học và pháp luật thì không loạn luân.
Hiện nay, tục nối dây (nối nòi) trong hôn nhân vẫn chưa bị xóa hẳn trong đời sống xã hội người Êđê và M’nông. Thực ra, tập tục này cũng phổ biến ở hầu hết các dân tộc theo chế độ mẫu hệ vùng Tây Nguyên. Theo tục nối dây, khi người vợ qua đời, người chồng muốn tái hôn buộc phải lấy một người con gái trong gia đình vợ, có thể là em gái vợ còn rất nhỏ tuổi hay thậm chí là người chị vợ già hơn mình rất nhiều, miễn là người đó chưa có chồng. Những người đó gọi là người nối dây. Nếu không còn người để nối dây, hoặc không chấp nhận việc nối dây, thì người chồng phải về lại nhà mẹ đẻ với hai bàn tay trắng (không được mang theo tài sản và không được nuôi con cái). Ngược lại, nếu người chồng mất mà gia đình chồng không muốn mất của cũng phải đưa người (anh trai hay em trai chưa có vợ của người chồng) sang nhà người vợ của người đã mất để thực hiện tục nối dây. Như vậy, với tục nối dây, nếu vẫn có sự tự nguyện của cả hai bên nam và nữ, thì không phát sinh vấn đề vi phạm pháp luật, ở khía cạnh khác, nó khiến của cải luôn tập trung trong một gia đình, dòng họ, con cái luôn được quan tâm, không có vấn đề mẹ ghẻ con chồng, vì vẫn trong gia đình, dòng họ... Ngược lại, nếu không có sự tự nguyện của một trong hai bên, thì rõ ràng hoặc vi phạm nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ do pháp luật quy định hoặc xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người chồng trong việc nuôi con cái, phân chia tài sản chung, thừa kế tài sản của vợ.
Thứ hai, trong quan hệ giao lưu dân sự
Qua khảo sát thực tế cho thấy, đồng bào Êđê, M’nông khi tham gia các quan hệ mua bán, vay mượn, trao đổi tài sản với nhau trong cộng đồng..., chủ yếu thực hiện qua hình thức giao kết bằng miệng. Đối với các trường hợp tài sản có giá trị lớn thì khi giao kết, mỗi bên nhờ một hoặc hai người là họ hàng thân thích “làm chứng” và khi có tranh chấp hay kiện tụng thì họ cũng là người làm chứng trước sự phân xử của già làng. Điểm cần lưu ý là luật tục quy định người làm chứng, đồng thời cũng là người “bảo lãnh” cho người tham gia giao kết, nên khi người giao kết không thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết thì người làm chứng phải có trách nhiệm thực hiện thay (như bồi thường thiệt hại, trả nợ cho bên kia). Do vậy, khi có tranh chấp xảy ra thì thường rất khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc giải quyết dứt điểm vụ việc; hoặc khi đã được cơ quan chức năng giải quyết, nhưng không đồng ý với việc giải quyết đó, nên các bên lại đưa ra giải quyết theo luật tục... Điều đó ít nhiều làm giảm, thậm chí làm vô hiệu quyết định giải quyết của cơ quan chức năng.
Theo luật tục, thông thường việc bồi thường thiệt hại là tương ứng với giá trị bị thiệt hại. Tuy nhiên, khi phân xử, người xử kiện xem xét đến tính chất và mức độ lỗi của người gây thiệt hại mà có thể giảm bớt hoặc tăng thêm mức độ bồi thường, thậm chí phải bồi thường hơn gấp nhiều lần mức thiệt hại, nhiều khi còn phạt vạ bên có lỗi, bắt họ phải giết gà, heo, trâu... cúng thần linh và đãi làng. Luật tục còn quy định trách nhiệm bồi thường không những chỉ do chính bản thân người gây ra thiệt hại chịu mà còn thuộc về cả gia đình họ phải chịu, và nếu họ cùng gia đình không trả hết thì con cháu của họ sau này tiếp tục phải trả cho đến hết... Những yếu tố này cũng tạo tiền đề cho việc thực hiện không nghiêm túc các quyết định giải quyết theo pháp luật.
Theo luật tục, trong gia đình, người chồng không có quyền có tài sản nên không có quyền để thừa kế và cũng không có quyền hưởng thừa kế, và mọi của cải trong gia đình chỉ được thừa kế theo dòng họ nữ. Do vậy, khi người chồng chết thì không phát sinh việc thừa kế (mọi tài sản vẫn thuộc về vợ và con cái), mà khi vợ chết thì quan hệ thừa kế mới phát sinh. Tuy nhiên, việc thừa kế chỉ thực hiện theo dòng họ nữ (vợ) nên khi vợ chết thì mọi của cải và con cái đều thuộc phía vợ (dì, bà ngoại) quản lý, còn người chồng thì phải trở về sinh sống với mẹ đẻ mình mà không được mang theo con cái hoặc tài sản... (nếu không tiếp tục “nối dây”). Việc quản lý và phân chia di sản được thực hiện như sau: Nếu nhà có nhiều anh chị em còn sống chung với nhau, thì toàn bộ tài sản đó do người con gái lớn nhất quản lý và khi trong chị em gái có người lấy chồng ra ở riêng thì mới phân chia cho họ một phần; các anh em trai đều không được chia phần trong tài sản đó. Nếu không có con gái thì các con trai về ở với bà ngoại hoặc các dì và toàn bộ tài sản do mẹ để lại đều thuộc về bà ngoại hoặc các dì... Như vậy, theo luật tục thì việc thừa kế di sản là không bình đẳng giữa con trai với con gái, giữa chồng với vợ và giữa gia đình chồng với gia đình vợ... Điều này là không phù hợp với quy định của pháp luật, làm tổn hại quyền và lợi ích hợp pháp của những người có liên quan.
Thứ ba, trong tự quản, duy trì trật tự cộng đồng
Luật tục có những quy định còn mang nặng tính chất “tự trị’’ trong phạm vi hẹp, chủ yếu chỉ ở buôn làng, dễ tạo nên tư tưởng đề cao “lệ làng”, xem nhẹ “phép nước”. Mặt khác, luật tục cũng mang nặng yếu tố tộc người, đã tồn tại lâu đời, đã ăn sâu trong tiềm thức và trở thành nếp sống truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, do vậy tâm lý cố kết tộc người trong cộng đồng còn nặng nề, là điểm yếu mà kẻ xấu có thể lợi dụng để chống phá chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước, thậm chí xúi giục những người nhẹ dạ cả tin làm những việc trái với pháp luật. Những quy định của luật tục thường kèm theo những biện pháp xử lý, chế tài kết hợp giữa phê phán, lên án về mặt dư luận và áp dụng những cách thức xử lý nghiêm khắc; thường kết hợp giữa hình thức xử phạt trực tiếp đối với cá nhân và liên đới chịu trách nhiệm của gia đình, họ hàng trái với nguyên tắc cá nhân hoá trách nhiệm pháp lý của pháp luật. Bên cạnh đó, các hình thức phạt của luật tục thường nặng về kinh tế, gây lãng phí (cúng tạ thần linh, cả buôn làng ăn uống phạt vạ). Các thủ tục xem xét, xử lý đối với người có hành vi vi phạm đôi khi còn rất hà khắc, dựa vào yếu tố thần linh, nên trong không ít trường hợp đã xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác, quyền tự do cá nhân trong nhiều trường hợp không được tôn trọng.
Có thể nói, luật tục đã, đang và sẽ tiếp tục có một vai trò không nhỏ, tác động sâu sắc đến các mặt của đời sống xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung, đồng bào dân tộc Êđê, M’nông nói riêng. Chính vì vậy, việc tiếp tục đánh giá, nhìn nhận đúng vị trí, vai trò, sự tác động, những yếu tố tích cực, cùng những hủ tục, những mặt hạn chế của luật tục ở Tây Nguyên là điều cần thiết, để từ đó duy trì và phát huy những điểm tiến bộ, văn minh và loại bỏ những quy định lỗi thời, lạc hậu, góp phần thực hiện công cuộc xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới hiện nay. Do đó, các cấp, các ngành, địa phương cần quan tâm nghiên cứu, đánh giá đúng vị trí, vai trò và mối quan hệ của pháp luật và luật tục, phát triển luật tục theo định hướng phù hợp với pháp luật; tổ chức tốt việc kết hợp thực hiện pháp luật và các quy định tiến bộ của luật tục. Bên cạnh đó, cần chủ động giải quyết tốt những vấn đề nhằm nâng cao đời sống văn hóa - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, tiếp tục vận động đồng bào tích cực tham gia xây dựng và thực hiện hương ước (quy ước) buôn làng; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải và tiếp tục thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Bùi Hồng Quý
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk lăk
Tài liệu tham khảo:
[1]. Bế Viết Đẵng (chủ biên) - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đình Lợi (1982), Đại cương về các dân tộc Êđê - M’nông ở Đắk Lắk, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
[2]. Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp (1997), Mối quan hệ giữa luật tục, hương ước và pháp luật hiện hành, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Đắk Lắk.
[3]. Ngô Đức Thịnh, Chu Thái Sơn và Nguyễn Hữu Thấu (2012), Luật tục Êđê - tập quán pháp, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
[4]. Ngô Đức Thịnh, Trần Tấn Vinh và Điểu Kâu (1998), Luật tục M’nông - tập quán pháp, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[5]. Phan Đăng Nhật (2007), Luật tục với đời sống, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.