Với địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, vùng dân tộc thiểu số là nơi giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh. Đây cũng là nơi ghi dấu nhiều mốc son chói lọi trong trang sử hào hùng của cách mạng Việt Nam với sự kề vai, sát cánh của đồng bào các dân tộc. Chúng ta có thể nhắc tới Pắc Bó - Cao Bằng, nơi đầu tiên được đón Lãnh tụ Hồ Chí Minh sau quá trình tìm đường cứu nước và về sau trở thành trái tim của cách mạng. Cao Bằng cũng là nơi chứng kiến sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Trong số 34 chiến sỹ đầu tiên của đội quân cách mạng, có tới 29 người là người đồng bào dân tộc thiểu số[1].
Những cơ sở và căn cứ địa cách mạng ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số có ý nghĩa rất lớn đối với sự thành công của Cách mạng tháng Tám cũng như trong suốt 02 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc sau này. Trước khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, hàng loạt căn cứ cách mạng ở Thanh Hóa, Quảng Ninh, Tây Bắc, Việt Bắc... đã được hình thành. Song quan trọng và rộng lớn nhất là căn cứ địa Việt Bắc - quê hương của nhiều dân tộc thiểu số: Tày, Nùng, Dao, Mông, Sán Dìu, Lô Lô... Nơi đây vừa là cái nôi của lực lượng vũ trang cách mạng, vừa là thủ đô của cách mạng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đã có hàng vạn con em đồng bào dân tộc thiểu số hăng hái lên đường nhập ngũ, cùng với quân và dân cả nước anh dũng chiến đấu, làm nên những thắng lợi vẻ vang từ cách mạng tháng Tám năm 1945, sau này là kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, rồi đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước.
Trong những chiến công đó đã xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng là người dân tộc thiểu số như anh hùng La Văn Cầu, anh hùng Đinh Núp, anh hùng Pi Năng Tắc, anh hùng Hồ Vai, anh hùng N’Trang Lơng, anh hùng Sơn Ton… Họ là những tấm gương tiêu biểu cho phẩm chất, ý chí, tấm lòng của cộng đồng người dân tộc thiểu số với cách mạng, cùng nhân dân cả nước đứng lên giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Ngày nay, đồng bào các dân tộc thiểu số đã và đang không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, đồng hành cùng cả nước trong công cuộc đổi mới. Trong đó, vai trò của mỗi tổ chức đảng, mỗi đảng viên ở những địa bàn này rất quan trọng, trở thành ngọn cờ đầu, tạo nên những chuyển biến căn bản cho mảnh đất và con người nơi đây. Không phải ai khác, họ chính là người đang từng ngày từng giờ đưa Đảng gần với dân hơn.
Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở các cơ sở, các thôn, bản là cộng đồng dân tộc thiểu số thì vai trò của đảng viên càng hết sức quan trọng. Họ là những tấm gương để bà con nhân dân nhìn vào. Những đồng chí đảng viên phải thể hiện là những người trung thành với lợi ích cách mạng, với lợi ích của Đảng, với lý tưởng cách mạng, đó cũng là nguồn để nhân dân tin theo Đảng. Người đảng viên phải luôn luôn đi đầu trong mọi công việc để cho nhân dân tin, nhân dân phải yêu mình. Người đảng viên phải gương mẫu, mang kiến thức khoa học mới, chủ trương mới mang về cho gia đình và bà con, để phát triển kinh tế xã hội.
Kể về những tấm gương tiêu biểu phải nhắc tới đảng viên người Hà Nhì, Pờ Dần Xinh tại ngã ba biên giới Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Chuyện về đảng viên người Hà Nhì, Pờ Dần Xinh vẫn được người dân nơi đây nhắc tới như một ân nhân lớn. Lời nói và việc làm của ông gần gũi, giản dị như cái cây, ngọn núi nơi đây, nhưng đầy ý chí, nỗ lực tiên phong của một người đảng viên. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi ấy, nhà nào ở Sín Thầu cũng trồng thuốc phiện. Cả xã có tới hơn trăm người nghiện, lại toàn là trai tráng, lao động chính trong gia đình. “Nàng tiên nâu” đã ru người Hà Nhì ngủ trong làn sương mờ ảo, rồi đưa họ chìm đắm vào những cơn mê vô tận… Cứ thế, bà con bỏ bê công việc, nương rẫy. Nghèo đói bủa vây khắp bản làng. Giữa lúc khốn khó nhất, Pờ Dần Xinh là một trong những đảng viên tiên phong ở Sín Thầu đứng lên tuyên truyền, vận động, giúp người dân thức tỉnh, từ bỏ thuốc phiện. Biết cai nghiện là điều không hề dễ dàng, ông đã đứng ra phối hợp với biên phòng, Công an bàn phương án tổ chức cai nghiện cho người dân trong xã. Ông chia người nghiện trong toàn xã thành hai nhóm. Đối với người dưới 35 tuổi bị nghiện thì đưa đi lao động tập trung, tách họ ra khỏi môi trường có thuốc phiện. Đối với người già yếu thì vẫn cho ở bản nhưng cử người theo dõi, uống thuốc để cai… Sau bao nỗ lực, Sín Thầu hôm nay đã sạch bóng không còn cây thuốc phiện, cả bản không còn người nghiện. Đối với hàng trăm gia đình ở Sín Thầu, ông Xinh đã hồi sinh cuộc đời của họ. Pờ Dần Xinh mầy mò đọc sách báo tìm hiểu, rồi mạnh dạn làm mô hình kinh tế trang trại. Không chỉ chăn nuôi trâu bò, lợn thịt, gia cầm, ông Xinh còn đào ao thả cá - điều chưa từng có trong nếp nghĩ của người Hà Nhì trước đây: Muốn ăn cá thì cứ ra sông, ra suối mà bắt, sao phải cất công đào ao nuôi để làm gì?
Khai phá cái mới đã khó nhưng khai phá để thay đổi những tư duy đã trở thành cố hữu lại càng khó hơn. Nhưng Pờ Dần Xinh bảo: Khó mấy cũng phải làm bởi đảng viên phải là người đi trước. Vượt qua bao vất vả, thành công rồi cũng đến. Trang trại 10 ha với 4 ao cá đã mang lại thu nhập cho gia đình người đảng viên này mỗi năm trên 200 triệu. Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình trong bản, trong xã rủ nhau đến xem, học hỏi và làm theo. Cứ thế, người Hà Nhì nơi đây đã từng bước thoát khỏi đói nghèo, không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại. Một trang đời mới đã được mở ra đầy hứa hẹn.
Từ vùng đất Mường Nhé của Tây Bắc cho đến Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, hay nhiều địa phương miền núi khác, hôm nay, đời sống kinh tế xã hội của đồng bào các dân tộc đang đổi thay mạnh mẽ. Trong bức tranh tươi sáng ấy trước hết, là chủ trương quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, và tiếp đến là vai trò trực tiếp, đầy tâm huyết của những đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng, đang hàng ngày, hàng giờ trở thành cầu nối đưa những chủ trương, chính sách của Đảng đi vào cuộc sống. Qua sự gương mẫu của những người đảng viên, bà con đồng bào dân tộc thiểu số hoan nghênh, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Ở Tây Nguyên những năm trước đây, khi các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” tiến tới “bạo loạn lật đổ”, một số người vì nhẹ dạ cả tin, đã bị dụ dỗ, lôi kéo. Biết bao cuộc đời đã bị cuốn vào dòng xoáy ảo mộng, bao đứa trẻ không được đến trường… Không chấp nhận người con, người cháu, người anh em của mình bị lợi dụng, đi ngược lại với lời dạy của Bác Hồ, già làng Ksor H’Blâm cùng với chi bộ đã phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng tổ chức nhiều buổi họp làng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về những âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu. Già làng H’BLâm là nhân chứng sống, là điển hình trong công tác tuyên truyền phòng, chống các thế lực thù địch. Không chỉ gặp gỡ ở những buổi họp làng, già Ksor H’Blâm còn dành thời gian đến từng nhà, gặp từng người trò chuyện, chia sẻ. Những câu chuyện không phải xa xôi, mà chỉ giản đơn là những chuyện vui, buồn trong cuộc sống hàng ngày, chỉ ra gương những người đi trước, ví dụ như đi thì trên đường thì vượt biên là chết chóc, đói, qua bên kia Campuchia thì khổ sai, đi làm thuê làm gì, không có ăn, hay là đi qua Mỹ mình có biết cái gì đâu, nước Mỹ thì người ta thì làm bằng công nghiệp, bằng là kỹ thuật khoa học, mình không biết chữ thì đi làm gì không có cái gì mà là đi sung sướng đâu... Mưa dầm thấm lâu, dần dần những lời lẽ chân tình đầy thiện ý, cùng tấm lòng kiên định theo Đảng, theo Bác Hồ của người đảng viên đã cảm hóa, soi đường, chỉ lối để người dân không bị sa vào bẫy của kẻ xấu.
Với tư tưởng lập trường vững vàng, kiên định, những người đảng viên của buôn làng hôm nay không chỉ là những cây đại thụ vững vàng nơi biên giới mà còn trở thành những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, giúp bà con yên tâm bám đất, bám làng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.
Mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa dân với Đảng, Đảng với dân đã và đang ngày càng được thắt chặt. Không chỉ thể hiện bằng tình cảm, bằng việc làm hàng ngày, mà ở nhiều nơi, tinh thần sẻ chia, đồng hành, giúp đỡ người dân đã được cấp ủy địa phương nâng lên trở thành trách nhiệm, thành chủ trương cụ thể. Nghị quyết về đảng viên chăm lo phát triển giúp đỡ hộ nghèo của Đảng bộ huyện Thạnh Trì, tỉnh Sóc Trăng, được ban hành từ năm 2016 là một trong những minh chứng rõ nét. Trong thời gian qua thì huyện ủy cũng đã ban hành nghị quyết chuyên đề về đảng viên chăm lo phát triển giúp đỡ hộ nghèo. Hàng năm cũng đã xây dựng các văn bản chỉ đạo cho từng đảng viên có đăng ký giúp đỡ 01 hộ nghèo thoát nghèo trong năm và chỉ đạo cho các Đảng ủy xã, thị trấn có chỉ tiêu phấn đấu thoát nghèo trong năm, xác định được mục tiêu một phần việc cụ thể để chăm lo, phát triển kinh tế ở vùng đồng bào. Chủ trương và tinh thần ấy đã được quán triệt xuống từng chi bộ như ấp Xóm Tro 2, với chỉ tiêu giao về rất cụ thể. Năm 2019, với chỉ tiêu giao giúp đỡ 12 hộ nghèo, chi bộ ấp Xóm Tro 2 đã bàn bạc, thống nhất, phân công trách nhiệm mỗi đồng chí đảng viên giúp đỡ 01 hộ nghèo trong ấp. Giúp đỡ ở đây không chỉ đơn thuần là thăm hỏi, an ủi, động viên, hay hỗ trợ về vật chất, tinh thần, mà mỗi đảng viên còn phải đảm nhận nhiệm vụ đồng hành, hướng dẫn, giúp hộ nghèo đó phát triển mô hình kinh tế, để bà con biết cách làm ăn, đảm bảo thoát nghèo bền vững. Nhờ thế, những gia đình hộ nghèo sau khi được chi bộ cử đảng viên tận tình giúp đỡ, đã biết phát triển mô hình trồng màu, bước đầu mang lại kết quả khả quan. Nhiều mô hình, cách làm ăn cụ thể, cứ thế được các đảng viên đưa xuống, giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nghèo phát triển. Từ chỗ hầu hết là hộ nghèo thì giờ ấp Xóm Tro 2 chỉ còn khoảng 10% hộ nghèo. Năm 2019, chi bộ ấp Xóm Tro 2 đã hoàn thành 100% chỉ tiêu giúp 12 hộ nghèo thoát nghèo.
Mỗi người dân tộc thiểu số và miền núi hôm nay tự tin, vững bước trên con đường lập thân, lập nghiệp đưa cuộc sống hàng ngày của mình tốt đẹp hơn… Thực tế đã chứng minh, để khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số có những bước chuyển mình mạnh mẽ, có sự đóng góp to lớn và đồng hành của các đảng viên, các tổ chức Đảng ở cơ sở. Đó là những ngọn cờ không ngừng phấn đấu, rèn luyện, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tinh thần đoàn kết, sẻ chia, giữ vững lập trường kiên định... Trong quá trình ấy việc giữ vững các nguyên tắc của Đảng, đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm của đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng vô cùng quan trọng. Đây vừa là phương thức để giữ trọn niềm tin của dân với Đảng, vừa giữ vững bản chất tốt đẹp, vai trò lịch sử của Đảng trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước hiện nay.
Ảnh: Internet