Những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam đã chuyển dịch sang phát triển theo hướng du lịch bền vững, bắt kịp với xu thế chung của thế giới. Các doanh nghiệp lữ hành hướng đến các “tour du lịch xanh”, “du lịch bền vững”, từ đó vươn tới mục tiêu “du lịch Net Zero” ngày càng nhiều. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, ngành du lịch Việt Nam khẳng định sẽ tập trung vào các yếu tố góp phần bảo đảm tính bền vững cho môi trường. Xây dựng hình ảnh Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới sẽ là điểm đến thân thiện với môi trường thu hút đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.
1. Doanh nghiệp lữ hành trong việc phát triển ngành du lịch bền vững
1.1. Vai trò của doanh nghiệp lữ hành
Khái niệm du lịch bền vững xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1996, do Hội đồng Du lịch và Lữ hành quốc tế (World Tourism and Travel Council - WTTC) đưa ra như sau: “Du lịch bền vững là việc đáp ứng các nhu cầu hiện tại của du khách và vùng du lịch mà vẫn bảo đảm những khả năng đáp ứng nhu cầu cho các thế hệ du lịch tương lai”[1].
Khoản 14 Điều 3 Luật Du lịch năm 2017 định nghĩa: “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”. Phát triển du lịch bền vững gồm 03 nội dung cơ bản: (i) duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế du lịch cao hợp lý, ổn định, liên tục; (ii) thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa; (iii) bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên môi trường sinh thái, phát triển các tài nguyên có khả năng tái sinh.
Theo khái niệm của Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ do Cục Hợp tác kinh tế Liên bang Thụy Sĩ hỗ trợ cho Việt Nam, doanh nghiệp lữ hành là một doanh nghiệp cung cấp các chương trình du lịch, được kết hợp từ các dịch vụ của những nhà cung cấp riêng biệt để tạo thành các chương trình du lịch trọn gói (hoặc từng phần), được bán trực tiếp cho khách du lịch hoặc thông qua đại lý lữ hành. Doanh nghiệp lữ hành chịu trách nhiệm chính trong việc cung cấp và thực hiện các dịch vụ (từ các nhà cung cấp) được xác định trong một chương trình du lịch trọn gói nhất định. Họ cũng có thể là nhà cung cấp dịch vụ trực tiếp nếu doanh nghiệp lữ hành kinh doanh cả dịch vụ vận chuyển và lưu trú hoặc các dịch vụ khác liên quan đến du lịch[2].
Doanh nghiệp lữ hành đóng vai trò trung tâm trong ngành du lịch. Với tư cách là trung gian giữa khách du lịch và các nhà cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp lữ hành có thể tác động đến sự lựa chọn của khách hàng. Với vị trí trung tâm, doanh nghiệp lữ hành có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mục tiêu phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, hướng tới ngành du lịch Net Zero trong tương lai. Thực tế cho thấy, phát triển bền vững đã trở thành xu hướng tất yếu trong tất cả các ngành, các lĩnh vực và du lịch cũng không phải là ngoại lệ. Du lịch tăng trưởng nhanh mang đến giá trị to lớn về kinh tế, việc làm, song cũng làm gia tăng các tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội, từ việc tiêu thụ tài nguyên, ô nhiễm, phát sinh chất thải… đến việc các hoạt động du lịch có thể làm gián đoạn, phá hủy văn hóa địa phương. Do đó, với vai trò, vị trí trung tâm trong ngành du lịch, các doanh nghiệp lữ hành ảnh hưởng rất lớn đến phát triển bền vững của ngành.
Ảnh minh họa
1.2. Đặc điểm của doanh nghiệp lữ hành bền vững
Doanh nghiệp lữ hành bền vững có 05 đặc điểm sau[3]: (i) có mô hình quản lý với mục tiêu là cung cấp giá trị lâu dài cho các bên liên quan mà không ảnh hưởng đến con người, hành tinh hoặc nền kinh tế; (ii) chú trọng thực hiện các hành động làm giảm tác động đến môi trường và lượng khí thải carbon; (iii) trong quá trình hoạt động kinh doanh luôn tìm kiếm sự ủng hộ của các bên liên quan như nhà cung cấp, nhân viên và cộng đồng địa phương; (iv) thực hiện trách nhiệm xã hội ở cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp; (v) thực hành các phương thức kinh doanh bền vững để thúc đẩy lợi nhuận dài hạn thông qua các hoạt động tuân thủ pháp luật và quản trị tốt công ty.
2. Một số thuận lợi, khó khăn khi doanh nghiệp lữ hành phát triển theo hướng du lịch bền vững
2.1. Những thuận lợi
Một là, Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện tự nhiên, văn hóa thuận lợi để phát triển du lịch bền vững, như du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Về du lịch văn hóa, Việt Nam là quốc gia được đánh giá rất có tiềm năng, lợi thế trong xây dựng, phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch văn hóa với hơn 40 nghìn di tích, trong đó có 08 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 3.614 di tích quốc gia, 10 nghìn di tích cấp tỉnh; khoảng 70 nghìn di sản văn hóa phi vật thể, với 483 di sản được đưa vào di sản văn hóa phi vật thể quốc gia[4], 16 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi nhận[5]. Trên cơ sở tiềm năng sẵn có, các doanh nghiệp lữ hành đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch văn hóa khá đặc sắc như: du lịch kết nối di sản, du lịch di sản miền Trung, du lịch tham dự festival Huế, Đà Nẵng, festival biển Nha Trang, lễ hội biển Hạ Long, lễ hội hoa ban Điện Biên, hoa tam giác mạch Hà Giang, festival hoa Đà Lạt, lễ hội trái cây các tỉnh, thành phố trên cả nước… Các chương trình nghệ thuật đặc sắc như: Ký ức Hội An, tinh hoa Bắc Bộ... Du lịch Việt Nam liên tục được đánh giá cao ở nhiều cuộc bầu chọn và giải thưởng quốc tế. Các năm 2018, 2019, 2020, Việt Nam liên tiếp nhận danh hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến di sản hàng đầu châu Á, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á, Điểm đến di sản hàng dầu thế giới (các năm 2019, 2020)... Năm 2022 và 2023, Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) tiếp tục bình chọn Việt Nam là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”.
Như vậy, Việt Nam với thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, quần thể danh thắng Tràng An, di tích thành nhà Hồ ở Thanh Hóa, đô thị cổ Hội An, thánh điện Mỹ Sơn, quần thể di tích Cố đô Huế… Như vậy, mảnh đất hình chữ S vô cùng xinh đẹp, với hệ thống di sản trù phú, bản sắc văn hóa dân tộc đa dạng, lịch sử văn hóa lâu đời đã là minh chứng cho một Việt Nam có đầy đủ tiềm lực để phát triển các sản phẩm du lịch di sản. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp lữ hành khai thác các sản phẩm du lịch di sản hoàn toàn bền vững, hướng tới phát triển doanh nghiệp lữ hành bền vững.
Về du lịch cộng đồng, bên cạnh các di sản văn hóa, Việt Nam còn thuận lợi trong việc phát triển các dịch vụ du lịch cộng đồng như du lịch trải nghiệm các hoạt động văn hóa và trải nghiệm cuộc sống của người dân tại địa phương, du lịch làng nghề (Việt Nam có tới trên 5.400 làng nghề, trong đó miền Bắc chiếm khoảng 1.500 làng nghề[6]), du lịch nghỉ dưỡng tại công đồng… Với các sản phẩm du lịch này, doanh nghiệp có thể khai thác các thế mạnh, điểm hấp dẫn ở từng địa phương như tài nguyên văn hóa, lối sống, phong tục, tập quán của 54 dân tộc với đa dạng sắc màu. Những năm gần đây, mô hình du lịch cộng đồng cũng được chính quyền các địa phương khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp lữ hành. Vì vậy, nhiều địa phương như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bến Tre, Lâm Đồng, Kon Tum, Đắk Lắk… đã xuất hiện nhiều làng văn hóa du lịch cộng đồng. Nhiều điểm đến du lịch cộng đồng đã đạt những tiêu chuẩn nhất định và các giải thưởng như: Hợp tác xã dịch vụ du lịch cộng đồng Quản Bạ (Hà Giang); Điểm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (Lai Châu); Cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành (Quảng Nam); Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên)… Với thế mạnh này, các doanh nghiệp lữ hành hoàn toàn có thể kết hợp với các làng văn hóa để phát triển chuỗi sản phẩm, dịch vụ về du lịch cộng đồng.
Về du lịch sinh thái, du lịch sinh thái là mô hình du lịch dựa trên khai thác các giá trị từ điều kiện thiên nhiên vốn có của từng địa phương. Việt Nam có lợi thế là hệ sinh thái động vật, thực vật đa dạng, độc đáo; bờ biển kéo dài hơn 3.200 km cùng nhiều đảo lớn, nhỏ… với nhiều bãi tắm thiên nhiên nổi tiếng. Du lịch sinh thái ở Việt Nam được tập trung phát triển theo các vùng, miền. Miền núi và ven biển Đông Bắc có hệ sinh thái núi đá vôi, hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái san hô… tiêu biểu như: Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Sơn, Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên (Lạng Sơn); Vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn); Hồ Núi cốc (Thái Nguyên); hệ sinh thái san hô ở khu vực Hạ Long, Cát Bà… Miền núi Tây Bắc có hệ sinh thái núi cao có nhiều loại sinh vật ôn đới với Vườn Quốc gia Hoàng Liên, thích hợp với loại hình du lịch tham quan, nghiên cứu các hệ sinh thái núi cao, du lịch mạo hiểm, leo núi… Vùng đồng bằng Sông Hồng có các vườn quốc gia như: Cúc Phương, Ba vì, Tam Đảo… phát triển du lịch nghiên cứu hệ sinh thái, du lịch cắm trại. Vùng Bắc Trung Bộ có tính đa dạng sinh học cao với nhiều vườn quốc gia (Bến En, Pù Mát, Vũ Quang, Phong Nha - Kẻ Bàng, Bạch Mã) là những khu rừng nguyên sinh rộng lớn có nhiều lợi thế phát triển du lịch mạo hiểm, leo núi, lặn biển… Vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lại có hệ sinh thái điển hình là rừng khộp, hệ sinh thái đất ngập nước, san hô, cát. Đây là vùng có tính đa dạng cao, là nơi duy nhất ở Việt Nam có nhiều loài chim, thú, bò sát, cá, thực vật thuộc dạng quý hiếm cần phải bảo tồn. Vùng Đông Nam Bộ có các vườn quốc gia như Cát Tiên, Côn Đảo, Cần Giờ… với tính đa dạng sinh học cao. Vùng đồng bằng Sông Cửu Long có 02 hệ sinh thái điển hình (đất ngập nước và rừng ngập mặn) rất thích hợp với việc phát triển loại hình du lịch sông nước, miệt vườn - đây là các loại hình du lịch thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế[7]. Với hệ sinh thái trải dài theo các vùng, miền của đất nước chắc chắn là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp lữ hành khai thác, tạo ra các sản phẩm du lịch xanh, bền vững.
Ảnh minh họa
Hai là, Đảng và Nhà nước ta những năm gần đây đặc biệt quan tâm đến phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, du lịch Net Zero.
Nhận thức rõ được tiềm năng và vai trò của du lịch xanh, ngay từ năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó khẳng định: phát triển du lịch bền vững, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 147/QĐ-TTg, theo đó, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo sau: (i) phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh; (ii) chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, trong lĩnh vực du lịch, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì 02 nhóm nhiệm vụ là: “hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững” và “ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo gắn với việc phát triển kinh tế biển xanh, du lịch thể thao mạo hiểm bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh…), phát triển sản phẩm du lịch xanh”.
Ngày 18/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Nghị quyết đã đề ra 07 nhiệm vụ bao gồm: (i) đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; (ii) tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; (iii) tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; (iv) phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; (v) hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; (vi) nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; (vii) đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
Từ quan điểm chỉ đạo, chiến lược, chính sách của Đảng và Nhà nước ta có thể thấy, việc phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững được đặt ra như một nội dung chiến lược quan trọng của du lịch Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy du lịch xanh, du lịch bền vững đã trở thành tiền đề cho định hướng phát triển du lịch Net Zero tại Việt Nam. Với những chính sách như vậy, các doanh nghiệp lữ hành bền vững phát triển du lịch xanh cũng sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
Ảnh minh họa
Ba là, các cơ quan quản lý, địa phương những năm gần đây đã có chuyển biến tích cực về nhận thức, bước đầu có sự hỗ trợ nhất định đối với hành trình xanh hóa du lịch của các doanh nghiệp lữ hành.
Nhiều địa phương đã cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp lữ hành và có những hành động mạnh mẽ về quản lý và bảo vệ môi trường du lịch như: Hội An, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bến Tre, Côn Đảo, Cô Tô… Tiêu biểu, huyện đảo Cô Tô phấn đấu đến năm 2025, 100% các cơ quan, đơn vị, hộ dân, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn không phát sinh rác thải nhựa. Huyện đã áp dụng thí điểm thực hiện bắt buộc tất cả du khách không mang túi nilon, đồ nhựa dùng một lần ra đảo và kêu gọi mọi người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp du lịch trên đảo nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần và thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường, phân loại rác tại nguồn, tham gia thu gom xử lý rác thải đại dương, xây dựng các mô hình “Phố không rác thải nhựa”, “Khu dân cư mẫu về phân loại rác tại nguồn”…
Bốn là, thói quen du lịch của du khách đã chuyển dịch từ du lịch truyền thống sang du lịch bền vững.
Vừa qua, nền tảng Booking.com công bố Báo cáo Du lịch bền vững năm 2024. Báo cáo này dựa trên dữ liệu từ hơn 31.000 du khách đến từ 34 quốc gia và vùng lãnh thổ, phản ánh quan điểm, sự ưu tiên và tác động của du lịch bền vững đối với quyết định của người tiêu dùng. Theo nghiên cứu này, có tới 96% du khách Việt Nam khẳng định du lịch bền vững đóng một vai trò quan trọng trong sự lựa chọn của họ[8]. Qua khảo sát khách hàng, ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty du lịch Image Travel&Events cho biết, trong năm 2023, doanh nghiệp chỉ dùng “du lịch xanh” như là một yếu tố nằm trong sản phẩm chung để kích thích nhu cầu khách hàng, tuy nhiên, sang năm 2024, qua trao đổi với đối tác, công ty nhận thấy sự quan tâm của khách hàng đến sản phẩm du lịch xanh có xu hướng gia tăng, từ đó, công ty đã bổ sung nhiều yếu tố thiên nhiên, du lịch có trách nhiệm vào các sản phẩm của mình[9]. Nhằm đa dạng hóa trải nghiệm xanh, nhiều công ty du lịch đã xây dựng một số chương trình gần gũi với thiên nhiên hơn để du khách có thể trải nghiệm các hoạt động như cắm trại, đi bộ, đi xe đạp, khám phá thiên nhiên, đời sống dân làng… thay cho các hình thức du lịch truyền thống khác.
2.2. Một số khó khăn, vướng mắc
Cùng với sự tăng trưởng nhanh của ngành du lịch, số lượng các doanh nghiệp lữ hành ngày càng tăng, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), năm 2023, cả nước có 4.069 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, tăng thêm 1.402 doanh nghiệp so với năm 2019 (trong đó có 1.276 doanh nghiệp cổ phần, 38 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 2.749 công ty trách nhiệm hữu hạn và 06 doanh nghiệp tư nhân)[10]. Mặc dù số lượng các doanh nghiệp lữ hành, du lịch tăng nhanh trong những năm qua, song để các doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững còn gặp một số khó khăn như[11]: (i) sản phẩm du lịch còn thiếu sự đa dạng, chưa phát huy được các giá trị tài nguyên văn hóa, thiên nhiên đặc sắc, thiếu sản phẩm du lịch mang thương hiệu của quốc gia, bản sắc của từng vùng, từng địa phương; (ii) các dịch vụ lưu trú, thương mại, vận tải chưa có sự liên kết tạo nên hệ sinh thái du lịch bền vững; (iii) nguồn nhân lực chất lượng cao còn khan hiếm và phần lớn chưa có đầy đủ tư duy, kỹ năng áp dụng và phát triển yếu tố bền vững vào phát triển du lịch… Về phía chính sách và hoạt động quản lý nhà nước còn một số tồn tại như: (i) chính sách về thu hút đầu tư, phát triển du lịch bảo đảm tính bền vững và liên kết đa ngành chưa có những đột phá; (ii) chính sách xúc tiến du lịch chưa được kịp thời điều chỉnh trước những yêu cầu về du lịch bền vững trên thế giới và khu vực; (iii) chưa có chính sách kết nối các doanh nghiệp lữ hành bền vững với nhau (các doanh nghiệp lữ hành còn hoạt động độc lập tự tìm kiếm và xây dựng các sản phẩm du lịch xanh). Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về phát triển du lịch theo hướng bền vững còn hạn chế. Ý thức tôn trọng và bảo vệ cảnh quan môi trường khi tham gia du lịch chưa được nâng cao cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp lữ hành phát triển theo hướng bề vững.
3. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành đạt được mục tiêu “du lịch Net Zero” trong thời gian tới
Mặc dù “du lịch xanh”, “du lịch bền vững” những năm gần đây đã xuất hiện và có xu hướng phát triển ở Việt Nam. Các loại hình du lịch này cũng hướng tới bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường của hệ sinh thái, ít phát thải khí thải độc hại ra môi trường nhất có thể, tuy nhiên, do đặc tính của “du lịch Net Zero” nên loại hình này yêu cầu cao hơn, đó là 100% các hoạt động đều phải hoàn toàn thân thiện với môi trường, tức là có lượng phát thải khí nhà kính bằng 0. Vì vậy, để đạt được mục tiêu này trong thời gian tới, trước hết Việt Nam cần xây dựng được các doanh nghiệp lữ hành bền vững dựa trên một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Đảng và Nhà nước cần có cơ chế, chính sách như: (i) ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành đầu tư phát triển du lịch xanh gắn với bảo tồn thiên nhiên và văn hóa; (ii) đưa ra hạn mức và thủ tục vay vốn đầu tư xanh hợp lý; (iii) hỗ trợ quảng bá và nêu gương các doanh nghiệp lữ hành làm tốt để lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp; (iv) ưu tiên cắt bỏ các thủ tục hành chính khi làm việc với doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư xanh, đồng hành cùng cộng đồng dân cư địa phương để phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững; (v) khuyến khích doanh nghiệp lữ hành sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, thực hiện sản xuất sạch hơn bằng cách tiết kiệm năng lượng và sử dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, hạn chế chất thải từ hoạt động du lịch ra môi trường; (vi) tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp lữ hành và các tổ chức phi Chính phủ có thể hợp tác trong việc phát triển du lịch xanh. Hợp tác này có thể dưới góc độ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, xây dựng các dự án, chương trình chung và tạo ra các cơ chế tài chính để hỗ trợ các dự án du lịch xanh của doanh nghiệp.
Thứ hai, cần phải xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá doanh nghiệp lữ hành bền vững (Bộ tiêu chí). Việc xây dựng Bộ tiêu chí này là rất cần thiết đối với phát triển doanh nghiệp lữ hành bền vững nói riêng và phát triển bền vững du lịch Việt Nam nói chung. Hiện nay, trên thế giới có khá nhiều bộ tiêu chí giúp đánh giá tính bền vững của cá doanh nghiệp lữ hành, tiêu biểu như Bộ tiêu chí của Hội đồng Du lịch Bền vững Toàn cầu (GSTC). Hầu hết các bộ tiêu chí đều tập trung đánh giá mức độ thân thiện, trách nhiệm của doanh nghiệp lữ hành đối với môi trường, văn hóa xã hội và cộng đồng dân cư[12].
Thứ ba, các doanh nghiệp lữ hành cần chủ động cơ cấu lại doanh nghiệp từ việc định vị thị trường, định vị danh sách khách hàng đến các hoạt động xúc tiến, quảng bá, maketing cho tới việc xây dựng các tour/sản phẩm du lịch phù hợp với mục tiêu xây dựng dựng doanh nghiệp phát triển bền vững. Cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch phù hợp với từng địa phương ở nước ta; tập trung vào các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch hội nghị, hội thảo… Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ các tư vấn viên, hướng dẫn viên du lịch, các nhân lực trực tiếp phục vụ khách du lịch bảo đảm tiêu chí ngoài nghiệp vụ chuyên môn cần có kiến thức về du lịch xanh và biết cách định hướng hành vi du lịch của khách hàng theo hướng phát triển du lịch bền vững.
Thứ tư, thiết lập Hệ sinh thái du lịch xanh, kết nối các doanh nghiệp lữ hành, các tổ chức, cá nhân kinh doanh các dịch vụ khác liên quan đến du lịch có cùng mục tiêu phát triển du lịch bền vững với nhau để tạo ra một Hệ sinh thái du lịch xanh. Hệ sinh thái này có thể cung cấp thông tin, mạng lưới về cơ sở lưu trú xanh, dịch vụ vận tải xanh, cộng đồng xanh… để liên kết với nhau thúc đẩy ngành du lịch xanh phát triển.
Thứ năm, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền (ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng các hình thức tuyên truyền, đặc biệt sử dụng sức mạnh của các mạng xã hội, kênh truyền thông), nâng cao ý thức của khách du lịch và người dân về “lối sống xanh”, chủ động lựa chọn các tuor du lịch xanh, du lịch bền vững. Trong quá trình tham gia các tour du lịch nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, du lịch có trách nhiệm, giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa địa phương./.
Quỳnh Vũ
[1] Thân Trọng Ngọc Trâm, Chính sách về phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, https://tapchicongthuong.vn/chinh-sach-ve-phat-trien-du-lich-ben-vung-tai-viet-nam-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te-123551.htm, truy cập ngày 20/12/2024.
[2] Đoàn Thị Thắm, Lợi ích của việc phát triển doanh nghiệp lữ hành bền vững, http://vanhoanghethuat.vn/loi-ich-cua-viec-phat-trien-doanh-nghiep-lu-hanh-ben-vung.htm, truy cập ngày 20/12/2024.
[3] Đoàn Thị Thắm, tlđd.
[4] Nguyễn Thanh, Phát huy vai trò của di sản và văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, https://hanoimoi.vn/phat-huy-vai-tro-cua-di-san-va-van-hoa-gan-voi-phat-trien-du-lich-ben-vung-438193.html, truy cập ngày 20/12/2024.
[5] Danh sách 16 di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/danh-sach-16-di-san-van-hoa-cua-viet-nam-duoc-unesco-ghi-danh-vao-danh-sach-di-san-van-hoa-phi-vat-the-dai-dien-cua-nhan-loai-119241205142353346.htm, truy cập ngày 20/12/2024.
[6] Kim Sơn, Bảo tồn làng nghề truyền thống Việt Nam, https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/bao-ton-lang-nghe-truyen-thong-viet-nam-1412308.ldo#:~:text=Theo%20th%E1%BB%91ng%20k%C3%AA%20c%E1%BB%A7a%20Hi%E1%BB%87p,%C4%90%E1%BB%8Bnh%2C%20Th%C3%A1i%20B%C3%ACnh, truy cập ngày 20/12/2024.
[7] TS. Nguyễn Trùng Khánh, Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững trong bối cảnh mới, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/828175/phat-trien-du-lich-gan-voi-bao-ton%2C-phat-huy-cac-gia-tri-van-hoa%2C-bao-ve-moi-truong%2C-thuc-day-su-phat-trien-ben-vung-trong-boi-canh-moi.aspx, truy cập ngày 20/12/2024.
[8] Mộc Lam, Du khách Việt Nam chuộng du lịch bền vững, https://nhipcaudautu.vn/phat-trien-ben-vung/du-khach-viet-nam-chuong-du-lich-ben-vung-3358397/, truy cập ngày 20/12/2024.
[9] Soài Hương, Ông Nguyễn Ngọc Toản, CEO Công ty Image Travel&Event: Ai cũng có thể làm du lịch có trách nhiệm, chỉ cần bắt đầu, https://baodautu.vn/ong-nguyen-ngoc-toan-ceo-cong-ty-image-travel--event-ai-cung-co-the-lam-du-lich-co-trach-nhiem-chi-can-bat-dau-d182478.html, truy cập ngày 20/12/2024.
[10] Đoàn Thảo Nguyên, Du lịch phục hồi, số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, https://kinhtedothi.vn/du-lich-phuc-hoi-so-luong-doanh-nghiep-tang-nhanh.html#:~:text=T%C3%ADnh%20%C4%91%E1%BA%BFn%20h%E1%BA%BFt%20n%C4%83m%202023,6%20doanh%20nghi%E1%BB%87p%20t%C6%B0%20nh%C3%A2n, truy cập ngày 20/12/2024.
[11] Thân Trọng Ngọc Trâm, tlđd.
[12] Đoàn Thị Thắm, Xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá doanh nghiệp lữ hành bền vững ở Việt Nam, http://vanhoanghethuat.vn/xay-dung-bo-tieu-chi-danh-gia-doanh-nghiep-lu-hanh-ben-vung-o-viet-nam.htm, truy cập ngày 20/12/2024.