Toàn cảnh cuộc họp
Tham dự cuộc họp còn có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Thường trực Uỷ ban Pháp luật và một số các cơ quan của Quốc hội cùng đại diện một số bộ, ngành liên quan.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngay sau phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) của Quốc hội, Thường trực Uỷ ban Pháp luật đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật. Qua quá trình nghiên cứu, về cơ bản, các cơ quan đã thống nhất với các nội dung trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề lớn liên quan tới cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng, phát triển Thủ đô còn ý kiến khác nhau. Do đó, để chuẩn bị cho phiên họp của Uỷ Thường vụ Quốc hội diễn ra trong tuần làm việc giữa 02 đợt của Kỳ họp nhằm tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, Thường trực Uỷ ban Pháp luật tổ chức cuộc họp để xin ý kiến các bộ, ngành đối với những vấn đề trên.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã cho ý kiến về việc quản lý, sử dụng đất tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê (các Điều 17, 18, 21, 32); về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Điều 24) và việc thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Điều 40). Theo đó, dự thảo Luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội quy định cho phép xây dựng tuyến đê mới, xây dựng công trình mới để khai thác hiệu quả quỹ đất tại các bãi sông, bãi nổi thuộc các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội; Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại khu vực này theo trình tự, thủ tục do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định (chuyển thẩm quyền phê duyệt từ Thủ tướng Chính phủ cho thành phố Hà Nội).
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung quy định trong dự thảo Luật. Có ý kiến cho rằng, việc cho phép thành phố Hà Nội được xây dựng các công trình trong khu vực không gian thoát lũ, tại bãi sông, bãi nổi nhưng phải tuân thủ theo pháp luật về đê điều thì khó có thể xử lý được những vướng mắc, bất cập mà Thành phố đang gặp phải hiện nay. Vì vậy, đề nghị chỉnh lý theo hướng mở rộng phạm vi xây dựng các công trình mà không phụ thuộc vào các quy định của pháp luật về đê điều.
Mặt khác, Chính phủ đề nghị bỏ quy định tại khoản 2 Điều 17, đồng thời đề nghị bổ sung quy định Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng công trình tại bãi sông, bãi nổi tại khoản 7 Điều 18. Các ý kiến Thường trực Uỷ ban Pháp luật đề nghị cần giữ quy định như trong dự thảo Luật để có cơ sở xem xét, điều chỉnh hướng tuyến đê bảo đảm phù hợp hơn với thực tiễn thủy văn và dòng chảy thoát lũ, quy định một số nguyên tắc cần bảo đảm trong việc quản lý, sử dụng khu vực bãi sông, bãi nổi mà không dẫn chiếu toàn bộ pháp luật về đê điều.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Phương Thuỷ
Về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các đại biểu đề xuất chỉnh lý theo hướng quy định rõ: Đối với khu vực chức năng cần đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, Nhà nước cho nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng thuê đất đối với diện tích đất xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và đất sử dụng vào mục đích công cộng theo quy hoạch phân khu xây dựng đã được phê duyệt; đối với dự án thực hiện các loại hình hoạt động công nghệ cao có sử dụng đất thì Nhà nước cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất. Ban Quản lý khu công nghệ cao giúp Uỷ ban nhân dân Thành phố thực hiện các nội dung quản lý về đất đai theo phân cấp, ủy quyền của Thành phố.
Liên quan đến ý kiến mở rộng đối tượng được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết trên địa bàn Thành phố Hà Nội, các đại biểu cho rằng, việc mở rộng cho tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập của các cơ quan trung ương) được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến việc xác định trình tự, thủ tục, cơ chế thực hiện, trách nhiệm trong việc quản lý tài sản công. Do đó, đề nghị chưa mở rộng đối tượng được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết mà việc thực hiện nội dung này tại các đơn vị sự nghiệp công lập còn lại sẽ chờ khi Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định để có cơ chế áp dụng thống nhất.
Đối với quy định cho phép thành phố Hà Nội thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) trong một số lĩnh vực và nhà đầu tư được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất, một số ý kiến nhấn mạnh, để bảo đảm thận trọng, có cân nhắc, tính toán kỹ các yếu tố, đề nghị trong dự thảo Luật Thủ đô chỉ nên quy định về loại hợp đồng BT thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước mà không quy định hình thức thanh toán bằng quỹ đất. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nên giữ nguyên quy định như dự thảo Luật nhưng cần xem xét để bảo đảm tính chặt chẽ của quy định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và Thành phố Hà Nội để tiếp thu, chỉnh lý các điều khoản, hoàn thiện dự thảo Luật và gửi lấy ý kiến Chính phủ. Trong đó, rà soát kỹ lưỡng Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, của Trung ương và các cơ quan có thẩm quyền; lưu ý về kỹ thuật lập pháp, từ ngữ để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm thể hiện được 9 chính sách lớn đã đề ra khi xây dựng Luật./.
Minh Thành
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam