Cùng dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Thường trực Ủy ban Pháp luật, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ.
Về phía thành phố Hà Nội có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân Trần Sĩ Thanh; Chủ tịch Hội đồng nhân dân Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, lãnh đạo các Sở, ngành và các chuyên gia.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì làm việc với các cơ quan
Tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với 115 lượt ý kiến phát biểu và 07 góp ý bằng văn bản của đại biểu Quốc hội về dự án Luật này. Đa số các ý kiến đều nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đề ra trong các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tạo động lực để Thủ đô phát triển xứng tầm với vị thế, nhiệm vụ.
Toàn cảnh buổi làm việc
Một số ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, đặc biệt, vượt trội hơn so với các địa phương khác và thể hiện được sự phân quyền mạnh mẽ, cũng là trao trách nhiệm lớn cho chính quyền Thủ đô trong xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô; các cơ chế, chính sách được quy định trong dự thảo Luật cần cụ thể, rõ ràng về phạm vi, nội dung phân quyền; lĩnh vực phân quyền phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi, thể hiện đặc trưng riêng của Thủ đô; đồng thời, có cơ chế kiểm soát quyền lực qua việc quy định cụ thể về quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan. Một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, làm rõ và nổi bật hơn các quy định mang tính đặc thù, vượt trội, đột phá về thể chế nhằm phát huy thế mạnh riêng có của Hà Nội là Thủ đô của cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô, đặc biệt là việc thực hiện nhiệm vụ là trung tâm chính trị - hành chính của quốc gia.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội tham dự buổi làm việc
Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra, đề xuất phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3/2024. Đồng thời, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng cử đại diện tham gia phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hà Nội trong suốt quá trình nghiên cứu, đề xuất phương án và tham dự cuộc các hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về một số nội dung của dự thảo Luật.
Thường trực Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và các đại biểu đã nghe trình bày các báo cáo về việc phối hợp đề xuất phương án tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Qua đó cho thấy đến nay đã có nhiều nội dung các cơ quan cơ bản thống nhất về việc tiếp thu, giải trình; một số vấn đề còn khác nhau cần tiếp tục nghiên cứu trao đổi và một số vấn đề cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy nêu rõ, để thuận lợi cho các cơ quan trong việc phối hợp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra, Thường trực Ủy ban Pháp luật có một số đề xuất, kiến nghị. Trong đó nhấn mạnh nguyên tắc nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan thẩm tra để chỉnh lý dự thảo Luật. Những nội dung không tiếp thu sẽ được giải trình đầy đủ, thuyết phục, có cơ sở; bảo đảm mọi ý kiến của các vị đại biểu đều được nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trình bày báo cáo
Việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về thuật ngữ, nội dung và cách thức thể hiện, kỹ thuật lập pháp không chỉ trong nội tại của dự thảo Luật mà trong cả hệ thống pháp luật. Vì vậy, phải rà soát thật kỹ toàn bộ dự thảo Luật, đặc biệt là những điều khoản có liên quan trực tiếp với nhau để có cách thể hiện thống nhất.
Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, nếu phát hiện những nội dung, vấn đề mới, chưa được đại biểu Quốc hội hoặc cơ quan thẩm tra nêu trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến nhưng thấy rằng cần được bổ sung vào dự thảo Luật để bảo đảm chất lượng, khả thi hơn thì các cơ quan xin phép được tiếp tục đề xuất, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Trong trường hợp này, cần chuẩn bị nội dung phân tích chính sách, đánh giá tác động để bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tăng tính thuyết phục đối với Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận tinh thần chủ động, trách nhiệm của các cơ quan khi đã tổ chức nhiều cuộc làm việc để nghiên cứu phương án tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật với cách làm thận trọng, kỹ lưỡng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh yêu cầu trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cần bám sát mục tiêu xây dựng Luật là đạo luật đặc thù, riêng có, đồng thời là đạo luật có tính tổng thế, đa lĩnh vực và nằm trong tổng thể của hệ thống pháp luật. Trong quá trình xây dựng Luật, các cơ quan đều thống nhất đây là đạo luật phân quyền, phân cấp, trao quyền mạnh mẽ cho Hà Nội…vừa tạo thuận lợi nhưng cũng lại giao nhiệm vụ trọng trách lớn hơn cho Hà Nội, giao quyền nhưng cũng ràng buộc trách nhiệm lớn hơn.
Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan trên cơ sở kế hoạch tổng thể đã đề ra, bám sát tiến độ, rà soát kỹ lưỡng từng điều khoản, tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến, trao đổi nghiên cứu để đi đến thống nhất phương án tiếp thu giải trình.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Lê Hồng Sơn trình bày báo cáo
Lãnh đạo thành phố Hà Nội tham dự buổi làm việc
Lãnh đạo các sở ngành, cơ quan chuyên môn của thành phố Hà Nội
Các đại biểu tham dự phiên họp.
Bảo Yến - Nghĩa Đức
(Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam)