Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 đã đi vào cuộc sống hơn một thập kỷ nay, góp phần củng cố nhận thức của toàn xã hội về ý thức, thái độ, tinh thần đấu tranh phòng, chống bạo lực gia đình, làm thay đổi hành vi ứng xử giữa các thành viên trong gia đình theo chiều hướng tích cực hơn. Ngày càng có nhiều gia đình là hạt nhân văn hóa, tri thức, lao động, sản xuất giỏi..., không ngừng tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội. Tuy nhiên, với sự vận động và phát triển của xã hội, sự ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường, tác động của thiên tai, dịch bệnh..., khoảng cách giàu, nghèo trong xã hội ngày càng lớn, áp lực cuộc sống không ngừng tăng lên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, tình cảm của các thành viên trong gia đình. Các vi phạm pháp luật trong xã hội ngày càng phức tạp, tinh vi gây khó khăn cho lực lượng chức năng phát hiện và xử lý, trong đó, có vi phạm về bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn, thậm chí, có những quy định chưa bảo đảm tính khả thi là nguyên nhân của công tác phòng, chống bạo lực gia đình có nơi, có lúc không hiệu quả.
Bạo lực gia đình diễn ra, gây nguy hại về tính mạng, sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần. Trong khi đó, nhiều trường hợp nạn nhân tự chịu đựng, không dám tố cáo, không biết tìm hướng giải quyết, do việc tiếp cận tố cáo giải quyết vấn đề liên quan đến chính gia đình mình còn nhiều bất cập, nếu bị xử lý vi phạm thì người gây bạo lực là người thân của nạn nhân phải chịu các chế tài xử lý, song, khi đã chấp hành xong chế tài thì liệu vấn nạn bạo lực của nạn nhân có được giải quyết triệt để hay thậm chí còn nguy hiểm hơn khi nạn nhân vẫn sống cùng với người có hành vi bạo lực...
Theo nguyên lý quản lý nhà nước thì yếu tố cần và đủ cho việc giải quyết một vấn đề xã hội nào đó đòi hỏi ở sự hoàn thiện, khả thi cả về mặt thể chế và các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực cần thiết để bảo đảm tổ chức thực hiện thể chế đó. Tuy nhiên, theo pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành và thực tiễn thi hành pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình thì cả hai điều kiện cần và đủ cho việc giải quyết vấn đề bạo lực gia đình đều chưa tương xứng với yêu cầu của tình hình hiện nay, cụ thể như:
Thứ nhất, về thể chế, một số quy định của pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình không còn phù hợp, không bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thi hành:
- Tại Điều 17 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định về góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia, đây là quy định khó thực hiện, bởi đối tượng có hành vi vi phạm thường không hợp tác, không tham gia các cuộc họp cộng đồng để tiếp thu phê bình. Bên cạnh đó, thiếu cơ chế để buộc các thành viên trong cộng đồng tham gia phiên họp góp ý, phê bình đối tượng vi phạm vì người dân có tâm lý ngại va chạm nên nếu từ chối tham gia phiên họp thì sẽ không thực hiện được việc góp ý, phê bình trong cộng đồng.
- Khoản 1 Điều 17 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định: “Góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên có hành vi bạo lực gia đình đã được tổ hòa giải ở cơ sở hoà giải mà tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình”. Quy định này không còn phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), bởi hành vi bạo lực gia đình nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải bị xử phạt vi phạm hành chính kịp thời để bảo đảm tính răn đe của pháp luật, tuy nhiên, trường hợp này lại quy định hòa giải, góp ý là không phù hợp; vi phạm điều cấm tại khoản 7 Điều 8 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 và khoản 4 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).
- Khoản 1 Điều 43 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định: “Người thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình đã được góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày áp dụng biện pháp này vẫn có hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn”. Tuy nhiên, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì mỗi hành vi bạo lực gia đình đều phải bị xử phạt, song, theo quy định này thì người có nhiều hành vi (thường xuyên) lại không đề cập đến bị xử phạt là chưa phù hợp về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính cũng như điều kiện áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
- Khoản 1 Điều 22 về giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc: “Khi nhận được quyết định cấm tiếp xúc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc của Tòa án có thẩm quyền thì người đứng đầu cộng đồng dân cư phối hợp với tổ chức có liên quan ở cơ sở để phân công người giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc”. Quy định này cũng khó khả thi, bởi người đứng đầu cộng đồng dân cư chưa đủ quyền lực để bảo đảm người được phân công chấp hành thực hiện giám sát đối với người vi phạm và pháp luật cũng chưa có quy định chế độ, quyền lợi liên quan đến người thực hiện việc giám sát, cơ chế bảo vệ người giám sát… Đối với trường hợp này, việc thực hiện giám sát cần được quy định cụ thể trách nhiệm thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên cơ sở các điều kiện, thiết bị, phương tiện cần thiết để bảo đảm thực hiện giám sát quyết định mang tính quyền lực nhà nước.
- Thiếu quy định về quy trình cung cấp, tiếp cận, đánh giá, xử lý thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với đặc thù của loại vi phạm liên quan đến bí mật đời tư. Hiện nay, đã có các thùng tố giác tội phạm, tố giác vi phạm pháp luật, hoặc đường dây nóng... Tuy nhiên, với vi phạm về bạo lực gia đình, liên quan đến bí mật đời tư thì việc tố giác, tiếp nhận, xử lý thông tin cần tuân thủ quy định bảo đảm bí mật cho người bị hại và bảo đảm kịp thời, thuận tiện nhất cho người tố giác.
Thứ hai, về các điều kiện bảo đảm thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bên cạnh các biện pháp thực hiện chính sách an sinh xã hội được thực hiện, thì một số các biện pháp đặc thù khác gắn liền với thực hiện pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình còn chưa được triển khai đồng bộ trên thực tiễn như:
- Thiếu các cơ sở tư vấn, điều trị tâm lý là một trong những vấn đề khó khăn trong việc tiếp cận, giải tỏa tâm lý cho cả người gây bạo lực và nạn nhân bị bạo lực. Do đó, cần có cơ sở tư vấn phù hợp, kể cả trực tuyến để đáp ứng kịp thời nhu cầu tư vấn, khám, điều trị tâm lý cho người dân.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, tuy nhiên, phần lớn các trường hiện nay không có nhân lực có chuyên môn về tâm lý để bảo đảm điều kiện thực hiện quyền tiếp cận tư vấn tâm lý của học sinh. Vì vậy, nếu gia đình và nhà trường đều không giúp được các em trong vấn đề giảm áp lực tâm lý khi bị bạo lực thì nạn nhân rất dễ gặp nguy hiểm về sức khỏe, thậm chí là tính mạng...
Có thể thấy, hiện nay, một số quy định về phòng, chống bạo lực gia đình còn thiếu tính khả thi. Việc thiếu cơ chế, điều kiện để thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình là những nguyên nhân làm cho lực lượng chức năng khó khăn trong tiếp cận sớm thông tin về bạo lực gia đình cũng như cách thức, biện pháp xử lý kịp thời các vấn đề về bạo lực gia đình. Vì vậy, để việc phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu quả, thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần quyết liệt vào cuộc, trong đó cần sớm hoàn thiện cả về thể chế pháp luật và các điều kiện đảm bảo thực hiện, cụ thể:
Một là, về hoàn thiện thể chế: Bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các quy định không còn phù hợp, khả thi thì cần quy định theo hướng bảo đảm cơ chế tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình, kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm trước khi diễn biến của hành vi vi phạm trở nên nguy hiểm hơn, trong đó: (i) Quy định quy trình tiếp nhận thông tin bạo lực gia đình theo hướng bảo đảm giữ bí mật, thuận tiện cho người cung cấp thông tin; kịp thời, trách nhiệm của cơ quan công quyền trong xử lý thông tin theo quy trình chặt chẽ, cụ thể từ tiếp nhận, đánh giá, xử lý thông tin. (ii) Quy định trách nhiệm của cơ quan xử lý thông tin về bạo lực gia đình gửi kết quả xử lý cho Tòa án có thẩm quyền, làm cơ sở quyết định việc thay đổi quyền nuôi con hoặc quyền giám hộ đối với nạn nhân bị bạo lực gia đình. Tránh trường hợp việc đề nghị thay đổi quyền nuôi con gặp khó khăn, chậm trễ, do Tòa án thiếu thông tin liên quan.
Hai là, về các điều kiện bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình: (i) Thành lập đường dây nóng ở các cấp cơ sở để tiếp nhận thông tin phòng, chống bạo lực gia đình kịp thời, bảo đảm bí mật đời tư. (ii) Thành lập các cơ sở tư vấn, khám, điều trị tâm lý cho người dân, có chính sách miễn phí đối với dịch vụ này, do nhiều người còn ngại thực hiện các biện pháp tâm lý hoặc khó khăn về tài chính khi tiếp cận, bảo đảm việc tiếp cận dịch vụ tư vấn tâm lý học đường của học sinh các cấp. (iii) Tiếp tục tăng cường, đổi mới phổ biến, giáo dục, tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình rộng rãi; đặc biệt, nên giáo dục thường xuyên trong môi trường học đường, cho những người yếu thế trong xã hội, giúp họ nhận diện và đối phó khi gặp phải. Hiện nay, các trường học đã đưa nội dung giáo dục phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình giáo dục kỹ năng sống, tuy nhiên, cần xây dựng thành chương trình giáo dục chuyên sâu cho các em về quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe của con người và giới thiệu những cơ sở tin cậy để các em tố giác về các hành vi vi phạm bạo lực đối với bản thân. (iv) Tiếp tục nâng cao năng lực chuyên sâu cho đội ngũ thực thi công vụ trong phát hiện, xử lý vi phạm ngay tại cơ sở đối với các hành vi bạo lực gia đình. (v) Tăng cường phối hợp của các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc trong giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình.
Sở Tư pháp Thanh Hoá