
Ngày 9/4/2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Tờ trình số 20/TTr-BTP đề nghị Chính phủ xây dựng Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thay thế Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012) về giao dịch bảo đảm. Tại Tờ trình này, Bộ Tư pháp xác định mục tiêu, chính sách của việc xây dựng Nghị định là để kịp thời hướng dẫn áp dụng cơ chế pháp lý thi hành quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 (sau đây gọi là BLDS), luật khác liên quan về bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm; khắc phục kịp thời những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quy định của Nghị định số 163/2006/NĐ-Chính phủ về giao dịch bảo đảm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tạo điều kiện thuận lợi, giảm thiểu rủi ro pháp lý, chi phí cho các bên tham gia quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, chủ thể khác có liên quan.
Vì vậy, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết “Quan điểm tiếp cận xây dựng Nghị định của Chính phủ về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” của tác giả Nguyễn Hồng Hải được đăng tải trong số chuyên đề 200 trang về “Xây dựng Nghị định của Chính phủ về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” năm 2020. Trên cơ sở Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định của Bộ Tư pháp và trên cơ sở bảo đảm hiệu quả của công tác xây dựng pháp luật, bài viết này đề cập đến một số tiếp cận chung cần được thực hiện trong xây dựng Nghị định.