Tóm tắt: Bài viết đề cập, phân tích quy định và thực tiễn thực hiện Luật Lý lịch tư pháp trong việc đáp ứng yêu cầu của cá nhân và hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã với quy định của một số các văn bản pháp luật có liên quan quy định về vấn đề này; đồng thời, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị, góp phần tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Abstract: The article mentions and analyzes provisions and practice of the implementation of the Law on Judicial Records in meeting individual requirements and assisting personnel management, business registration, establishment and management, enterprises and cooperatives with provisions of a number of relevant legal documents on this issue; at the same time, making a number of proposals and recommendations, contributing to the continued implementation of administrative procedure reform, ensuring the right to request the issuance of judicial record cards of individuals, agencies and organizations.
1. Mục đích quản lý lý lịch tư pháp
Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, lý lịch tư pháp (LLTP) là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản[1]. Mục đích quản lý LLTP là nhằm: (i) Đáp ứng yêu cầu cần chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản; (ii) Ghi nhận việc xóa án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hóa nhập cộng đồng; (iii) Hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Cũng theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, việc đáp ứng theo các mục đích quản lý LLTP như đã nêu trên được thực hiện thông qua yêu cầu cấp Phiếu LLTP của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Phiếu LLTP là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP[2] cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản[3]. Phiếu LLTP bao gồm[4]: Phiếu LLTP số 1 và Phiếu LLTP số 2. Phiếu LLTP số 1 cấp cho cá nhân (công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam), cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (cơ quan, tổ chức) để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã[5]. Phiếu LLTP số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về LLTP của mình[6].
Cũng theo quy định của Luật, nội dung ghi trong Phiếu LLTP số 1 và Phiếu LLTP số 2 có sự khác nhau. Phiếu LLTP số 1 chỉ ghi những án tích chưa được xóa (những án tích đã được xóa không ghi vào Phiếu LLTP số 1). Phiếu LLTP số 1 cũng không ghi thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức không có yêu cầu. Khác với Phiếu LLTP số 1, Phiếu LLTP số 2 ghi đầy đủ các thông tin của cá nhân, bao gồm các thông tin về án tích (đối với người đã bị kết án thì ghi đầy đủ án tích đã được xóa, thời điểm được xóa án tích, án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Tòa án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí, tình trạng thi hành án) và thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã[7].
Như vậy, theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 thì cá nhân có quyền yêu cầu cấp cả hai loại Phiếu LLTP. Tuy nhiên, Phiếu LLTP số 2 chỉ cấp theo yêu cầu của cá nhân nhằm mục đích “để người đó biết được nội dung về LLTP của mình”[8] nên cá nhân không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu LLTP số 2. Trong khi đó, cá nhân khi có yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 1 có thể ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu LLTP. Đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chỉ có quyền yêu cầu cấp một loại Phiếu LLTP, đó là Phiếu LLTP số 1 để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
2. Quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về phiếu lý lịch tư pháp
Góp phần hỗ trợ, phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, hiện nay, có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau quy định về Phiếu LLTP để đáp ứng các mục đích nêu trên, có thể kể đến một số lĩnh vực sau đây:
- Trong việc tuyển dụng, tiếp nhận công chức vào cơ quan nhà nước hay được bổ nhiệm để hành nghề trong một số lĩnh vực, pháp luật quy định trong hồ sơ của người trúng tuyển công chức phải có Phiếu LLTP do Sở Tư pháp nơi thường trú cấp[9] hay trong hồ sơ của người được đề nghị tiếp nhận không qua thi tuyển (tiếp nhận đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức) phải có Phiếu LLTP do Sở Tư pháp nơi thường trú cấp[10].
- Trong lĩnh vực công chứng, một trong những trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên là “Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về tội phạm do vô ý mà chưa được xóa án tích hoặc về tội phạm do cố ý”[11]. Do đó, một trong những giấy tờ cần phải có trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên, bổ nhiệm lại công chứng viên là Phiếu LLTP[12].
- Trong quy định về hồ sơ đề nghị chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự của tổ chức tín dụng, pháp luật quy định phải có Phiếu LLTP của nhân sự dự kiến bầu, bổ nhiệm[13].
- Trong hồ sơ đề nghị chấp thuận dự kiến bổ nhiệm Tổng Giám đốc (Giám đốc) của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, pháp luật quy định phải có Phiếu LLTP của nhân sự dự kiến bổ nhiệm[14].
- Trong cấp chứng chỉ hành nghề đối với một số ngành nghề (như luật sư), một trong những giấy tờ cần phải có khi nộp hồ sơ yêu cầu cấp chứng chỉ hành nghề luật sư[15], cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư trong đó có trường hợp chứng chỉ hành nghề luật sư bị mất, bị rách, bị cháy hoặc vì lý do khác không cố ý[16]… trong hồ sơ phải có Phiếu LLTP.
Trong quy định về cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, pháp luật quy định cụ thể, trong hồ sơ đề nghị cấp lần đầu chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam phải có Phiếu LLTP[17]. Trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh lần đầu đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, phải có LLTP (áp dụng đối với trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động)[18]. Trong hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề trong trường hợp bị thu hồi theo quy định tại các điểm c, d, đ, e và g khoản 1 Điều 29 Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng phải có Phiếu LLTP/LLTP[19].
- Trong thủ tục cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của nhà xuất bản nước ngoài, của tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài, pháp luật quy định phải có “…Phiếu LLTP và sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ chứng minh được phép thường trú tại Việt Nam của người đứng đầu văn phòng đại diện do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp”[20]. Trong quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, thì trong tài liệu chứng minh năng lực của bộ máy quản trị, kiểm soát, điều hành dự kiến phải có Phiếu LLTP số 2 theo quy định của pháp luật trước đây[21], nay được sửa lại thành: Đối với người có quốc tịch Việt Nam thì Phiếu LLTP do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp, trong đó phải có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích (bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa) và thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã; đối với người không có quốc tịch Việt Nam thì Phiếu LLTP hoặc văn bản có giá trị tương đương (có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích, bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa; thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã) phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp theo quy định[22].
- Trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần, đối với hồ sơ của cổ đông góp vốn thành lập, đối với cá nhân là cổ đông sáng lập phải có Phiếu LLTP số 2 theo quy định của pháp luật trước đây[23] thì nay được sửa đổi, bổ sung thành Phiếu LLTP do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp, trong đó phải có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích (bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa) và thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã[24]. Trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần, hồ sơ của cổ đông góp vốn thành lập đối với tổ chức là cổ đông sáng lập phải có Phiếu LLTP số 2 theo quy định của pháp luật của người đại diện theo pháp luật, người được cử đại diện phần vốn góp của tổ chức tại tổ chức tín dụng phi ngân hàng trước đây[25] thì nay được sửa đổi, bổ sung lại thành Phiếu LLTP của người đại diện theo pháp luật, người được cử đại diện phần vốn góp của tổ chức tại tổ chức tín dụng phi ngân hàng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 14 Thông tư này[26].
3. Bất cập, hạn chế và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về mục đích quản lý lý lịch tư pháp trong việc đáp ứng yêu cầu của cá nhân và hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã
Quá trình thực hiện quy định của pháp luật về mục đích quản lý LLTP trong việc đáp ứng yêu cầu của cá nhân và hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã thời gian qua còn một số bất cập, hạn chế sau đây:
Thứ nhất, Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định: Cá nhân có quyền yêu cầu cấp cả hai loại Phiếu LLTP, bao gồm Phiếu LLTP số 1 và Phiếu LLTP số 2. Trong đó, Phiếu LLTP số 2 chỉ cấp theo yêu cầu của cá nhân nhằm mục đích “để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình”[27]. Tuy nhiên, do Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 chưa có các quy định bảo đảm để việc cấp Phiếu LLTP chỉ nhằm đến mục đích như Luật đề ra nên trên thực tế, yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 của cá nhân ngày càng gia tăng nhưng không nhằm mục đích là để người đó biết được nội dung về LLTP của mình mà xuất phát từ yêu cầu, đề nghị của các cơ quan, tổ chức có liên quan khi cá nhân thực hiện một số thủ tục tại các cơ quan, tổ chức này. Đa số trường hợp yêu cầu cấp Phiếu để định cư, du học, kết hôn, xuất khẩu lao động... theo yêu cầu của cơ quan đại diện ngoại giao một số nước như: Hoa Kỳ, Úc, Canada, Newzeland, Nhật Bản, Trung Quốc (Đài Loan). Một số trường hợp để bổ túc hồ sơ xin việc làm theo yêu cầu của cơ quan, doanh nghiệp trong nước như ngân hàng, hàng không, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một số trường hợp để bổ túc hồ sơ xin giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Theo báo cáo của các Sở Tư pháp và phản ánh của người dân, khi Phiếu LLTP số 2 được cấp và sử dụng công khai có thể dẫn đến hệ lụy cho cá nhân khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế cơ hội tìm kiếm việc làm, cơ hội được nhập cảnh, du học, định cư ở nước ngoài đối với người đã từng bị kết án (mặc dù người đó đã được xóa án tích) làm hạn chế ý nghĩa nhân đạo của chế định xóa án tích, xâm phạm bí mật đời tư của công dân[28].
Thứ hai, hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước chỉ quy định chung chung là Phiếu LLTP mà không quy định cụ thể là Phiếu LLTP số 1 hay Phiếu LLTP số 2. Một số văn bản quy phạm pháp luật chỉ quy định là Phiếu LLTP (không nêu cụ thể là Phiếu LLTP số 2) nhưng nội dung yêu cầu trong Phiếu LLTP lại thể hiện chính là Phiếu LLTP số 2 như quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-NHNN ngày 21/8/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư có liên quan đến việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có Thông tư số 03/2018/TT-NHNN ngày 23/02/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô. Mặc dù, Phiếu LLTP số 2 chỉ được cấp theo yêu cầu của cá nhân nhằm mục đích “để người đó biết được nội dung về LLTP của mình”[29] nhưng do chưa có cơ sở pháp lý để từ chối yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 khi cá nhân yêu cầu và sử dụng Phiếu LLTP số 2 không đúng mục đích nên tình trạng cá nhân cung cấp Phiếu LLTP số 2 của mình theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức khác ngày càng nhiều. Năm 2018, tình trạng lạm dụng quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 đối với công dân tiếp tục tăng nhanh (cấp 166.473 Phiếu, tăng hơn 37% so với năm 2017)[30]. Năm 2019, tình trạng lạm dụng yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 đối với công dân vẫn tăng nhanh (cấp 209.123 Phiếu, tăng 25,6% so với năm 2018)[31].
Thứ ba, việc cấp Phiếu LLTP hiện nay của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia - Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp) chủ yếu xuất phát từ yêu cầu của cá nhân. Năm 2019[32], tổng số Phiếu LLTP số 1 đã cấp là 466.508 Phiếu LLTP, trong đó có 466.483/466.508 Phiếu LLTP cấp cho cá nhân với 447.450 Phiếu LLTP cấp cho công dân Việt Nam và 19.033 Phiếu LLTP cấp cho người nước ngoài. Tổng số Phiếu LLTP số 2 đã cấp là 174.269 Phiếu LLTP, trong đó có 174.249/174.269 Phiếu LLTP cấp cho cá nhân với 172.460 Phiếu LLTP cấp cho công dân Việt Nam và 1.789 Phiếu LLTP cấp cho người nước ngoài.
Đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, mặc dù Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định có quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 1 để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã nhưng trên thực tế hầu như các cơ quan, tổ chức không thực hiện yêu cầu này. Năm 2019[33], tổng số Phiếu LLTP số 1 đã cấp cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là 25/466.508 Phiếu LLTP. Trong khi đó, nhiều trường hợp là để hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã (việc cung cấp Phiếu LLTP cho các cơ quan, tổ chức này được thực hiện thông qua cá nhân) như trong quy định về thủ tục tuyển dụng công chức, tiếp nhận đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức quy định người trúng tuyển (mà không phải là cơ quan tuyển dụng) yêu cầu đề nghị cấp Phiếu LLTP.
Thứ tư, một trong những mục đích quản lý LLTP là nhằm đáp ứng yêu cầu cần chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản và hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, pháp luật quy định phải có Phiếu LLTP trở nên không cần thiết, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, chưa bảo đảm tinh thần cải cách thủ tục hành chính như: Quy định khi đề nghị cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư trong trường hợp bị mất, bị rách, bị cháy hoặc vì lý do không cố ý phải có Phiếu LLTP; quy định đối với người Việt Nam xin cấp lần đầu chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đang làm việc trong các cơ sở y tế tại thời điểm xin cấp chứng chỉ hành nghề vẫn phải có Phiếu LLTP; trong thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước quy định trường hợp cha dượng/mẹ kế nhận con riêng của vợ/chồng làm con nuôi phải có Phiếu LLTP trong thành phần hồ sơ của người nhận con nuôi…
4. Đề xuất, kiến nghị
Để mục đích quản lý LLTP trong việc đáp ứng yêu cầu của cá nhân và hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã được thực hiện ngày càng hiệu quả trong thực tiễn thi hành, tác giả có một số kiến nghị, đề xuất như sau:
Thứ nhất, nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 theo hướng bỏ quy định về Phiếu LLTP số 2. Theo đó, cá nhân có yêu cầu cấp Phiếu LLTP chỉ được cấp một loại Phiếu LLTP (nội dung của Phiếu LLTP như Phiếu LLTP số 1 hiện nay), bảo đảm thực hiện có hiệu quả mục đích quản lý LLTP, đó là ghi nhận việc xóa án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, nghiên cứu, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong việc yêu cầu cấp Phiếu LLTP của cá nhân có liên quan để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước theo hướng:
(i) Quy định cụ thể, thống nhất về Phiếu LLTP, chỉ yêu cầu duy nhất 01 loại Phiếu LLTP, khắc phục tình trạng quy định chung chung hoặc quy định khác nhau như hiện nay.
(ii) Chuyển chủ thể yêu cầu cấp Phiếu LLTP từ cá nhân sang cho cơ quan, tổ chức như trong quy định về thủ tục thi tuyển công chức, thủ tục xét tuyển công chức, về Phiếu lý lịch tư pháp trong thành phần hồ sơ quy định theo hướng người trúng tuyển không phải nộp Phiếu LLTP mà chuyển chủ thể đề nghị Sở Tư pháp cấp Phiếu LLTP sang cơ quan tuyển dụng. Trong thủ tục tiếp nhận đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức, về thành phần Phiếu LLTP trong hồ sơ, quy định theo hướng người trúng tuyển không phải nộp Phiếu LLTP mà chuyển chủ thể đề nghị Sở Tư pháp cấp Phiếu LLTP sang cơ quan tuyển dụng[34].
(iii) Rà soát, bỏ yêu cầu về Phiếu LLTP đối với một số trường hợp cụ thể, bảo đảm tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân như bỏ yêu cầu phải nộp Phiếu LLTP trong thành phần hồ sơ của người nhận con nuôi trong trường hợp cha dượng/me kế nhận con riêng của vợ/chồng làm con nuôi. Trong Đơn xin nhận con nuôi chỉ cần bổ sung nội dung cam đoan của người xin nhận con nuôi không thuộc các trường hợp bị cấm nhận con nuôi theo quy định của Luật Nuôi con nuôi[35]. Trong quy định cấp lần đầu chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người Việt Nam: Bỏ Phiếu LLTP đối với người xin cấp chứng chỉ hành nghề đang làm việc trong các cơ sở y tế tại thời điểm xin cấp chứng chỉ hành nghề[36]. Bỏ quy định về Phiếu LLTP trong hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư trong trường hợp bị mất, bị rách, bị cháy hoặc vì lý do khác không cố ý[37].
Thứ ba, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, bảo đảm kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của các văn bản và tính khả thi trong thực tiễn thi hành. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm kịp thời phát hiện các hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật, qua đó, có các giải pháp xử lý hoặc đề xuất, kiến nghị phù hợp, góp phần thực hiện có hiệu quả mục đích quản lý LLTP.
Bộ Tư pháp
[1]. Khoản 1 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009.
[2]. Theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật lý lịch tư pháp năm 2009 thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP bao gồm Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp.
[3]. Khoản 4 Điều 2 Luật lý lịch tư pháp năm 2009.
[4]. Khoản 1 Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009.
[5]. Điểm a khoản 1 Điều 41 và khoản 1, khoản 3 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009.
[6]. Điểm b khoản 1 Điều 41 và khoản 2 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009.
[7]. Điều 43 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009.
[8]. Điểm b khoản 1 Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009.
[9]. Điểm b khoản 2 Điều 9 Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 03/2015/TT-BNV ngày 10/3/2015).
[10]. Điểm c khoản 3 Điều 10 Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
[11]. Khoản 1 Điều 13 Luật Công chứng năm 2014.
[12]. Điểm b khoản 2 Điều 12, điểm b khoản 4 Điều 16 Luật Công chứng năm 2014.
[13]. Khoản 5 Điều 1 Thông tư số 13/2019/TT-NHNN ngày 21/8/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư có liên quan đến việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
[14]. Khoản 6 Điều 1 Thông tư số 13/2019/TT-NHNN ngày 21/8/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư có liên quan đến việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
[15]. Điểm b khoản 1 Điều 17 Luật Luật sư năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012).
[16]. Điển b khoản 1 Điều 4 Thông tư số 17/2011/TT-BTP ngày 14/10/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số quy định của Luật luật sư, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư, Nghị định hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Luật sư về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư.
[17]. Khoản 5 Điều 5 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
[18]. Khoản 7 Điều 6 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
[19]. Điểm c khoản 2 Điều 8 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
[20]. Điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản.
[21]. Điểm a khoản 4 Điều 14 Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
[22]. Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 01/2019/TT-NHNN ngày 01/02/2019 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
[23]. Điểm b (ii) khoản 3 Điều 15 Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
[24]. Khoản 4 Điều 1 Thông tư số 01/2019/TT-NHNN ngày 01/02/2019 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
[25]. Điểm d (ii) khoản 3 Điều 15 Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
[26]. Khoản 5 Điều 1 Thông tư số 01/2019/TT-NHNN ngày 01/02/2019 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
[27]. Điểm b khoản 1 Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009.
[28]. Báo cáo số 173/BC-BTP ngày 20/6/2017 của Bộ Tư pháp Tổng kết 06 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp, tr.16.
[29]. Điểm b khoản 1 Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009.
[30]. Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2019 (Tài liệu Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019, Hà Nội, ngày 08/01/2019), tr. 17.
[31]. Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2020, tr. 13.
[32]. Biểu mẫu số 12 - Tổng hợp số liệu thống kê về số Phiếu lý lịch tư pháp đã cấp, nguồn: https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Lists/ChiDaoDieuHanh/Attachments/2760/2.1.1.%20So%20lieu%20tong%20ket%202019%20-Ban%20de%20in.pdf, truy cập ngày 23/12/2019.
[33]. Biểu mẫu số 12, tlđd.
[34]. Khoản 2 Mục A Phần VII của Phương án đơn giản hóa kèm theo Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến lý lịch tư pháp và yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực.
[35]. Khoản 2 Mục A Phần X của Phương án đơn giản hóa kèm theo Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến lý lịch tư pháp và yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực.
[36]. Khoản 7 Mục A Phần XIV của Phương án đơn giản hóa kèm theo Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến lý lịch tư pháp và yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực.
[37]. Khoản 1 Mục A Phần X của Phương án đơn giản hóa kèm theo Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến lý lịch tư pháp và yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực.