Abstract: This article is aimed at analyzing the role, meaning of social network; the ability (effect) of social network in the social management and which impact the social network management may have in Vietnam at present? What should be done to improve this?
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”[1], đồng thời, “công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”[2]. Như vậy, tiếp cận thông tin và sử dụng thông tin để quản lý xã hội của công dân Việt Nam là một quyền hiến định theo Hiến pháp hiện hành. Khả năng giới hạn một quyền hiến định cần phải tuân theo các thủ tục chặt chẽ mà không phải sự tùy tiện trong quyết định hay hành vi của cơ quan công quyền[3]. Đó chính là nền tảng thiết yếu để vận hành một xã hội dân chủ và pháp quyền tại Việt Nam[4].
1. Đo lường hiệu quả của mạng xã hội trong quản lý xã hội
Công nghệ thông tin khai sinh ra nền “dân chủ điện tử”. Dân chủ điện tử dựa trên công nghệ thông tin thúc đẩy bởi thị trường, được nhiều người cho là hoàn toàn trung lập khi áp dụng, vì nó được sử dụng bởi các công dân khi liên lạc, truyền thông, cũng như bởi các chính quyền để tăng cường giám sát hay kiểm soát công dân[5]. Tuy vậy, công nghệ thông tin nghiêng hơn về phía trao quyền cho công dân, theo những cách sau: (i) Cho phép thông tin các loại về chính quyền được tiếp cận trực tiếp bởi công dân ở gần như mọi thời điểm trong một không gian linh hoạt; (ii) Nó gia tăng đáng kể tốc độ truyền thông, trong khi giảm chi phí, hỗ trợ liên lạc và công tác tổ chức giữa các công dân; (iii) Là phương tiện tương tác trung gian, hỗ trợ các hình thức thảo luận và tranh luận mới vượt qua rào cản về khoảng cách địa lý; (iv) Nó hầu như nằm ngoài phạm vi kiểm soát của chính quyền, cho dù có cố gắng kiểm soát việc sử dụng và phát triển, nó khiến cho biên giới quốc gia và sự kiểm duyệt hầu như không còn liên quan gì.
Những thuận lợi của mạng internet nêu trên có thể làm lợi cho các nhóm, tổ chức tội phạm, lạm dụng tình dục trẻ em, xâm phạm quyền riêng tư, nhưng đó là cái giá thỏa đáng phải trả cho tiềm năng dân chủ từ công nghệ. Từ quan điểm dân chủ, điều quan trọng hơn là mọi lợi thế đều phụ thuộc vào khả năng tiếp cận nó và khả năng này phân bổ không đồng đều giữa các công dân tại các vùng miền, có mức sống khác nhau. Khả năng trao quyền của công nghệ càng lớn, sự tước đoạt quyền của những người không thể tiếp cận hay sử dụng nó càng cao. Một số ví dụ về sự khác biệt giữa các khu vực trên thế giới trong khả năng tiếp cận công nghệ thông tin theo tỷ lệ dân số: Năm 2016 có 47,1% dân số thế giới đã được tiếp cận internet, tăng từ mức 43% của năm 2015. Trong năm 2015, tỷ lệ tăng trưởng truy cập mạng của của các nước đang phát triển là 35,3% so với 82,2% của các nước đang phát triển. 4,2 tỷ người chưa được tiếp cận mạng internet đa phần là ở các nước kém phát triển, điều kiện kinh tế khó khăn. Theo Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) thì hiện nay, 03 nước đứng đầu về lượng người truy cập mạng internet là: Hàn Quốc, Pháp và Ireland. Và 03 nước đang có tỷ lệ người truy cập mạng ít nhất là: Senegan, Pakistan và Zambia. Việt Nam là một trong số các nước có lượng người truy cập internet đứng đầu thế giới. Cụ thể, theo thống kê thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có khoảng hơn 30 triệu người dùng mạng chiếm 34,1% dân số Việt Nam và bằng 1,4% dân số thế giới[6].
Kể từ năm 2004, khi mà internet băng thông rộng được triển khai mạnh và mạng xã hội trên internet phát triển bùng nổ, thì các hoạt động truyền thông xã hội ở Việt Nam cũng trở nên rất sôi động. Đến nay, có thể nhận diện các khu vực hoạt động chính của truyền thông xã hội ở Việt Nam mà nhiều cá nhân đang tham gia thường xuyên, cụ thể như[7]: (i) Các cuộc thảo luận trên các diễn đàn trực tuyến, trên chức năng phản hồi (comment) của các bản tin điện tử (tin trên báo điện tử, tin trên các website, status hoặc entry mạng xã hội); (ii) Các hoạt động đưa tin và xuất bản của cá nhân trên internet, chẳng hạn như đăng bài trên website cá nhân, viết blog entry, đăng tải video clip lên YouTube, viết status và note Facebook, đăng tải hình ảnh trên internet (Facebook, Instagram…); (iii) Các hoạt động kết nối và phát tán thông tin trên môi trường mạng điện tử, chẳng hạn như tag các mục nội dung cho bạn bè trên mạng, chia sẻ các mục nội dung, chia sẻ tài liệu trên dịch vụ đám mây… Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông[8], đến hết năm 2014, Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển internet nhanh trên thế giới với hơn 32 triệu người sử dụng internet, tương đương tỷ lệ 35% số dân. Cùng với đó, thông tin điện tử trên mạng internet, bao gồm báo chí điện tử và truyền thông xã hội cũng có sự phát triển rất nhanh chóng. Tính đến cuối năm 2014, nước ta có hơn 300 mạng xã hội đã đăng ký hoạt động. Bên cạnh đó, một số lượng rất lớn các blog cá nhân cũng góp phần đáng kể phát triển truyền thông xã hội. Kết quả nghiên cứu của một công ty chuyên về điều tra xã hội học trong lĩnh vực internet cho thấy, hơn 95% số người truy cập internet để đọc thông tin, chủ yếu thông qua các website tổng hợp và các mạng xã hội. Theo đó, nhu cầu tìm kiếm và sử dụng thông tin là nhu cầu chủ đạo của người dùng internet. Hơn nữa, những số liệu thống kê không chính thức cũng cho thấy các website truyền thông xã hội chiếm đến 80% số lượng người sử dụng thường xuyên trong số 10 website lớn nhất ở Việt Nam.
Mạng xã hội Facebook mới đây đã đưa ra một số thống kê về thói quen và hành vi sử dụng Facebook của người Việt Nam. Theo đó, có 20 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook mỗi ngày và trung bình mỗi người dành ra tới 2,5 giờ cho mạng xã hội lớn nhất hành tinh này. Thống kê cũng cho thấy tại Việt Nam, mỗi tháng có tới 30 triệu người dùng Facebook, trong đó có 27 triệu người có sử dụng các thiết bị di động để truy cập mạng xã hội này. Nếu tính trên phạm vi hàng ngày, số người truy cập Facebook nói chung và số người truy cập Facebook qua di động nói riêng lần lượt là 20 triệu và 17 triệu người.
Qua những con số trên có thể thấy, truyền thông xã hội đang cạnh tranh với các phương tiện truyền thông đại chúng khác về số lượng người xem và quảng cáo. Tuy nhiên, kết quả các khảo sát cho thấy, số người xem truyền hình, đọc báo, tạp chí, báo mạng, nghe đài, băng, đĩa lớn hơn số người viết, xem truyền thông xã hội. Cụ thể: (i) Số người trẻ tuổi viết, xem truyền thông xã hội tăng nhanh, tập trung chủ yếu ở các khu đô thị lớn; số người lớn tuổi cũng có xu hướng sử dụng mạng xã hội để giao tiếp; (ii) Truyền thông xã hội là kênh thông tin mà báo chí tham khảo như một nguồn tin, doanh nghiệp hướng tới để quảng bá sản phẩm; (iii) Các nhóm lợi ích, nhóm công chúng cũng tận dụng truyền thông xã hội cho mục tiêu của mình; (iv) Xu hướng phát triển đan xen giữa tích cực và tiêu cực nhưng trên bình diện chung thì cái tích cực đang được phát huy, cái tiêu cực đang bị kìm chế; (v) Truyền thông xã hội ở Việt Nam tiếp tục thu hút đông đảo người dùng và số lượng người xem. Tuy nhiên, khoảng cách lượt người xem các trang truyền thông xã hội của Việt Nam ngày càng xa so với mạng xã hội Facebook.
2. Quản lý mạng xã hội phải phù hợp xu hướng phát triển
Tại phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 17/11/2017, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã khẳng định: “Chúng ta không thể cấm mạng xã hội hoạt động, vấn đề là làm thế nào để tăng cường mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của mạng xã hội”[9]. Có tới 70 chất vấn đã được gửi tới ông Bộ trưởng Bộ này và điều mà dư luận quan tâm là mạng xã hội với không ít những hệ lụy cũng như cách phản ứng trong quản lý của Việt Nam xưa nay.
Mạng xã hội giờ đây không ít những tác hại, thông tin sai - đúng, giả - thật lẫn lộn. Và thực tế đã xảy ra những hậu quả khôn lường, theo số liệu mà Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đưa ra: Từ năm 2014 đến nay, có 05 - 06 người tự tử vì bị bôi xấu trên mạng xã hội. Chưa kể những hệ lụy mang tính tác động tới tâm tư, tình cảm, cái nhìn rất khó lượng hóa. Tuy nhiên, những “năng lượng đen”, những thông tin bịa đặt, những xấu xí của mạng xã hội chỉ là một phần nhỏ trong những ưu việt và tiện ích mà mạng xã hội mang lại. Với 70% người Việt Nam dùng internet, 53 triệu tài khoản Facebook, nếu biết cách khai thác, đó chính xác là một lợi thế, một nguồn lực rất lớn[10]. Nhìn khách quan, nếu những thông tin xấu lan tỏa thì những thông tin, chính sách, thông điệp cũng có thể đến với người dân. Như vậy, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta chọn gì, mà không phải đi ngược lại sự tiến bộ, không thể cực đoan đi đến sự cấm đoán trước khi nỗ lực đấu tranh cho cái tốt tồn tại.
Cũng tại phiên chất vấn trên, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông ví von: Mạng xã hội như con đường và “đừng coi việc sử dụng là xấu, điều quan trọng nằm ở ý thức của người sử dụng”. Theo ông Bộ trưởng, với việc kiên quyết xử lý những thông tin thiếu chính xác, sai sự thật trên cơ sở tăng cường thông tin chính xác, thông tin tốt trên báo chí, không để báo chí bị dẫn dắt bởi mạng xã hội, cũng là một cách thức hiệu quả để đẩy lùi các thông tin xấu, sai sự thật trên mạng. Đây được xem là một cách tiếp cận chính xác, thể hiện sự tin tưởng và tôn trọng quyền được tiếp cận thông tin của người dân. Bởi chính người dùng sẽ là những người quyết định làm gì với những tin xấu, tin độc hại. Quản lý trong một xã hội hiện đại không thể nằm ngoài những điều phổ quát như vậy.
Hiển nhiên, trên quan điểm của một quyền không tuyệt đối, quyền tiếp cận thông tin hay tự do ngôn luận cần được ra quản lý trên cơ sở các giới hạn chính đáng đã được hiến định[11]. Từ thực tiễn phát triển của truyền thông xã hội và những tác động của nó đối với báo chí chính thống, nhận thấy cần phải có giải pháp nhằm phát huy những ưu điểm và hạn chế những mặt tiêu cực của mạng truyền thông xã hội, cụ thể như sau:
Một là, Nhà nước cần kịp thời bổ sung, hoàn thiện các văn bản cần thiết phù hợp với thực tiễn để bảo đảm môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch, công khai và bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân khi tham gia truyền thông xã hội. Các cá nhân, tổ chức cần phải có trách nhiệm pháp lý với các thông tin đưa lên mạng xã hội hay trang thông tin điện tử. Cần làm tốt công tác xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực thông tin, truyền thông.
Hai là, tăng cường tính bảo mật và đấu tranh với tội phạm tin học. Cảnh báo với các cá nhân, tổ chức những nguyên tắc bảo mật tối thiểu khi tham gia các diễn đàn, mạng xã hội. Với các đơn vị xây dựng các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, các sản phẩm trên internet, thì ngay từ khi xây dựng, sản phẩm đã phải thực hiện các biện pháp công nghệ về bảo mật thông tin hệ thống cũng như thông tin của sản phẩm và thông tin người sử dụng sản phẩm. Các đơn vị chuyên trách về an ninh mạng cần kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khi phát hiện dấu hiệu xuất hiện những “lỗ hổng” của việc bảo mật và cả khi bị tội phạm tin học tấn công. Các thành viên trên mạng xã hội cũng kịp thời cảnh báo cho nhau khi phát hiện những đường link độc hại hoặc có nguy cơ bị cướp tài khoản cá nhân. Mỗi cơ quan cần xây dựng những bộ quy tắc, quy định về những thông tin nội bộ, những thông tin bảo mật của đơn vị mình; xử lý nghiêm những hành vi phát tán thông tin nội bộ không được phép của các thành viên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đơn vị mình; quy định về tư cách cá nhân khi phát ngôn trên các mạng xã hội… Tuy nhiên, việc xây dựng quy chế nội bộ còn phải căn cứ trên các quy định pháp luật, tránh việc lạm quyền, xâm phạm quyền công dân của cán bộ, nhân viên.
Ba là, kiểm chứng và phản biện kịp thời với thông tin sai. Cần xây dựng kế hoạch đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền sai trái, phản động trên các mạng xã hội, theo đó, mặt công tác này phải được triển khai thường xuyên, có trọng tâm. Nếu như ngày xưa có những tin đồn qua trò chuyện với tốc độ lan truyền chậm, thì bây giờ, qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội tốc độ lan truyền tăng lên gấp bội. Đối với những thông tin sai trái gây ảnh hưởng lớn trong xã hội, thì ngoài việc cộng đồng đấu tranh cho chân lý, cần có sự ra tay của các cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn những luồng thông tin này kể cả về mặt công nghệ và hành pháp.
Bốn là, tăng cường tuyên truyền tới cộng đồng về những lợi - hại của mạng xã hội. Bản thân các trang thông tin điện tử hay mạng xã hội chỉ là công cụ cho người dùng sử dụng. Cần khuyến cáo tới cộng đồng những nguyên tắc khi tham gia truyền thông xã hội, trước hết là vì quyền lợi của chính người dùng, sau đó là sự tôn trọng không gian sống của người khác. Khi tiếp nhận các thông tin cần có những phán đoán và kiểm chứng trước khi nghĩ đến việc lan tỏa thông tin. Điều này là thiết yếu trong xã hội thông tin như hiện nay.
Năm là, tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan và của cả hệ thống chính trị. Cần xử lý nghiêm những hành vi mạo danh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cá nhân, đơn vị; xử lý hình sự những hành vi mạo danh để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, những đơn vị cung cấp dịch vụ cũng cần thường xuyên có những cảnh báo gửi đến khách hàng, tránh để bị kẻ xấu lợi dụng mạo danh, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi khách hàng của mình.
Sáu là, khuyến khích các mạng xã hội tích cực và những thành viên tốt. Trên thế giới ảo cũng như cuộc sống thực luôn có những cái xấu và cái tốt xuất hiện đen xen nhau. Nếu như những cái tốt đủ lớn thì sẽ thu hẹp dần những cái xấu. Đấu tranh với cái xấu quyết liệt bao nhiêu thì việc khuyến khích, động viên những cái tốt càng phải tăng cường bấy nhiêu. Nếu có nhiều trang tốt thu hút người dùng thì cũng là một cách hạn chế người dùng đến với những trang có mục đích xấu.
Học viện Hành chính Quốc gia
ThS. Nguyễn Minh Thắng
Đại học Kỹ thuật, Hậu cần Công an nhân dân
[1]. Điều 25 Hiến pháp năm 2013.
[2]. Điều 28 Hiến pháp năm 2013.
[3]. Điều 14 Hiến pháp năm 2013.
[4]. Khoản 1 Điều 2; Điều 3 Hiến pháp năm 2013.
[5]. Tham khảo:David Beetham - Kevin Boyle (2009), Giới thiệu về dân chủ: 80 câu hỏi - đáp (câu hỏi số 50), UNESCO.
[6]. Theo báo cáo của Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) công bố các năm 2015, 2016.
[7]. Tham khảo: ĐMQ (2016), Thực trạng và giải pháp quản lý truyền thông xã hội tại Việt Nam hiện nay, nguồn: http://ictvietnam.vn/danh-gia-va-trao-doi/thuc-trang-va-giai-phap-quan-ly-truyen-thong-xa-hoi-tai-viet-nam-hien-nay.htm (Ngày đăng: 01/09/2016; truy cập lần cuối: 14/11/2017).
[8]. Tham khảo: ĐMQ (2016), Thực trạng và giải pháp quản lý truyền thông xã hội tại Việt Nam hiện nay, tlđd.
[9]. Tham khảo: LĐO (2017), Mạng xã hội và ý thức người sử dụng, nguồn: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/mang-xa-hoi-va-y-thuc-nguoi-su-dung-576775.ldo (Ngày đăng: 18/11/2017; truy cập lần cuối: 19/11/2017).
[10]. Tham khảo: LĐO (2017), Mạng xã hội và ý thức người sử dụng, tlđd.
[11]. Xem Điều 14 Hiến pháp năm 2013.