Tóm tắt: Bài viết về quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư, công chứng, giám định tư pháp, nêu rõ thực trạng và đưa ra những kiến nghị đổi mới để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với những công tác này trong thời gian tới.
Abstract: The paper is concerned with the state management of activities of lawyers, notaries and judicial expertise, the real situation and puts forward proposals for improving the state management effect of this work in the next time.
1. Quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư, công chứng, giám định tư pháp
Quản lý nhà nước trong các lĩnh vực luật sư, công chứng và giám định tư pháp hiện nay đang áp dụng các mô hình quản lý khác nhau theo quy định của các luật chuyên ngành như: Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012); Luật Công chứng năm 2014; Luật Giám định tư pháp năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể:
1.1. Trong lĩnh vực quản lý luật sư
Hiện nay, quản lý luật sư đang áp dụng mô hình kết hợp quản lý nhà nước với chế độ tự quản ở hai cấp, theo đó:
- Ở trung ương, Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư; có Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư trong phạm vi cả nước, đại diện cho luật sư, các Đoàn luật sư.
- Ở địa phương, có Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương; có Đoàn luật sư là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức và hoạt động theo Luật Luật sư và Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Ở mô hình quản lý này, Liên đoàn Luật sư Việt Nam (tổ chức xã hội - nghề nghiệp) đã được Nhà nước ủy quyền tham gia quản lý nhà nước và quản lý hoạt động nghề nghiệp của luật sư và có trách nhiệm phối hợp, báo cáo Bộ Tư pháp về tổ chức, hoạt động của luật sư trong phạm vi toàn quốc và tổ chức, hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Cũng tương tự như vậy, ở địa phương là cơ chế phối hợp giữa Sở Tư pháp và Đoàn luật sư cấp tỉnh.
Theo số liệu thống kê và thực tế phát triển luật sư của các địa phương thì tính đến nay[1] Bộ Tư pháp đã cấp trên 15.600 chứng chỉ hành nghề luật sư; có gần 12.600 người được cấp chứng chỉ gia nhập Đoàn luật sư để hành nghề luật sư và có khoảng 5.000 người tập sự hành nghề luật sư hoạt động trong khoảng 4.000 tổ chức hành nghề luật sư; tính trung bình mỗi năm phát triển được khoảng 800 - 1.000 luật sư[2].
Từ năm 2009 đến đầu năm 2018, luật sư đã tham gia hơn 100.000 vụ án hình sự, khoảng 150.000 vụ việc về dân sự và hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại, hành chính và lao động; hơn 14.000 vụ việc đại diện ngoài tố tụng, khoảng 70.000 vụ việc trợ giúp pháp lý miễn phí và khoảng 105.000 vụ việc về dịch vụ pháp lý khác; tham gia gần 450.000 vụ việc tư vấn pháp luật[3].
Về hoạt động của luật sư nước ngoài tại Việt Nam, tính đến tháng 6/2018, có 112 công ty, chi nhánh công ty luật nước ngoài, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài được cấp phép hành nghề tại Việt Nam. Số luật sư nước ngoài đang đăng ký hành nghề tại Việt Nam khoảng 250 luật sư.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành công, tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý nhà nước về tổ chức và hành nghề luật sư trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập sau đây:
Một là, việc triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 chưa được một số Bộ, ngành, Liên đoàn Luật sư Việt Nam quan tâm thích đáng. Một số hoạt động, nhiệm vụ được đề ra trong Chiến lược chưa có kết quả cụ thể... Hầu hết các địa phương chưa xây dựng được những chính sách trong việc tạo điều kiện cho luật sư tham gia vào các dự án, công việc của cơ quan, doanh nghiệp nhà nước cũng như hỗ trợ phát triển nghề luật sư tại địa phương theo kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược đã đề ra.
Hai là, số lượng luật sư ở nhiều tỉnh, thành phố phát triển chưa đạt được mục tiêu mà Chiến lược phát triển nghề luật sư đã đề ra. Nguồn phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế, quốc tế của các tỉnh, thành phố gặp nhiều khó khăn do trình độ ngoại ngữ còn hạn chế, tính chuyên nghiệp chưa cao. Số lượng luật sư thông thạo ngoại ngữ, am hiểu pháp luật quốc tế, đủ khả năng tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng, giải quyết các tranh chấp quốc tế, luật sư chuyên sâu trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại còn ít.
Ba là, các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam đa số có quy mô nhỏ, chủ yếu hoạt động dưới hình thức văn phòng luật sư, chỉ có từ 01 - 02 luật sư, ít có tính liên kết trong hành nghề, doanh thu còn thấp, thậm chí có nhiều tổ chức hành nghề luật sư báo cáo không có doanh thu trong suốt thời gian dài. Về cơ bản, chưa xây dựng được các tổ chức hành nghề luật sư có quy mô lớn, chuyên sâu trong một lĩnh vực hành nghề nhất định.
Bốn là, hoạt động quản lý, điều hành của một số Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư còn kém hiệu quả. Một số Ban chủ nhiệm chưa thực sự đoàn kết nên chưa tạo được sức mạnh tập thể trong quản lý, điều hành, đồng thời, cũng chưa quy tụ được luật sư của Đoàn. Hơn thế, những quy chế quản lý nội bộ cần thiết cho việc quản lý, điều hành Đoàn luật sư như Quy chế làm việc của Ban chủ nhiệm, Quy chế giám sát việc tập sự, Quy chế phối hợp hoạt động giữa Đoàn luật sư với Sở Tư pháp trong hoạt động quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư... chưa được quan tâm xây dựng hoặc đã được ban hành nhưng nội dung còn sơ sài, chưa phát huy tác dụng trong thực tế.
Năm là, công tác quản lý nhà nước tại một số địa phương mới tập trung vào quản lý hành chính mà chưa xây dựng được những chính sách mang tính đột phá trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển nghề luật sư tại địa phương. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý còn có những hạn chế nhất định. Công tác kiểm tra, thanh tra về tổ chức, hoạt động luật sư chưa được thường xuyên; công tác phối hợp quản lý nhà nước với Đoàn luật sư một số địa phương chưa được đồng bộ, kịp thời, hiệu quả.
1.2. Trong lĩnh vực quản lý công chứng
Về lĩnh vực quản lý công chứng, áp dụng mô hình hai cấp quản lý, cụ thể:
- Ở trung ương, để giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về công chứng là Cục Bổ trợ Tư pháp. Cục có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về công chứng và thực hiện các nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực công chứng.
- Ở địa phương, để giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công chứng là Sở Tư pháp. Tổ chức hành nghề công chứng hiện có hai loại hình, đó là: Phòng công chứng được xác định là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập và Văn phòng công chứng được xác định là công ty hợp danh do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập.
Hoạt động công chứng đã được phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, tạo tiền đề quan trọng cho việc đưa hoạt động công chứng phát triển theo xu hướng hội nhập với khu vực và thế giới. Mặt khác, việc phát triển các Văn phòng công chứng trong thời gian qua (thực hiện chủ trương xã hội hóa) tại một số địa phương đã góp phần phục vụ kịp thời nhu cầu công chứng của nhân dân, giảm bớt gánh nặng cho biên chế và ngân sách nhà nước, tăng nguồn thu ngân sách của các địa phương, giải quyết công việc cho nhiều người lao động, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần nâng cao nghiệp vụ, chất lượng phục vụ người dân của các công chứng viên. Đồng thời, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân trong việc thực hiện các yêu cầu công chứng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, công tác quản lý tổ chức và hoạt động công chứng vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: (i) Các quy định về quản lý nhà nước còn có những sơ hở, lỏng lẻo, thiếu những chế tài mạnh để xử lý các hành vi vi phạm của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, người yêu cầu công chứng, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước phần nào còn bị hạn chế. (ii) Công tác kiểm tra, thanh tra về tình hình tổ chức, hoạt động công chứng của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương còn chưa chặt chẽ, thường xuyên nên dẫn đến việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, phát hiện, chấn chỉnh những hành vi vi phạm pháp luật, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng đôi khi còn chưa hiệu quả. (iii) Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công chứng (cơ sở dữ liệu thông tin ngăn chặn, thông tin về hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản đã công chứng, cơ sở dữ liệu thông tin chung về bất động sản) tại nhiều địa phương chưa được quan tâm triển khai thực hiện. Công tác tin học hóa hoạt động công chứng còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành, giải quyết các công việc liên quan đến hoạt động công chứng. (iv) Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về công chứng với tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên còn hạn chế do chưa phân định rõ giữa công tác quản lý nhà nước với trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên.
1.3. Trong lĩnh vực quản lý giám định tư pháp
Về quản lý giám định tư pháp, áp dụng mô hình hai cấp quản lý, song trùng trực thuộc, theo đó:
- Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giám định tư pháp mà trọng tâm là ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp và hướng dẫn thi hành các văn bản đó; chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển chung về giám định tư pháp; phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển theo từng lĩnh vực giám định tư pháp; đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giám định tư pháp của bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh...
- Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, cơ quan ngang bộ khác thực hiện quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở lĩnh vực do mình quản lý; phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc thống nhất quản lý nhà nước về giám định tư pháp.
- Ở địa phương, UBND cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về giám định tư pháp ở địa phương.
Hiện nay, hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập, hoạt động giám định chuyên trách được thành lập trong 03 lĩnh vực: Pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự. Cụ thể: (i) Trong lĩnh vực pháp y, có Viện Pháp y quốc gia, Viện pháp y Quân đội, Trung tâm Giám định pháp y trực thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an và 62 trung tâm pháp y cấp tỉnh; (ii) Trong lĩnh vực pháp y tâm thần, có Viện Pháp y tâm thần trung ương Hà Nội, Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa và 05 Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực đặt tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Phú Thọ; (iii) Trong lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự, có Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an; 63 phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh và Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành công, tuy nhiên theo báo cáo tổng kết năm 2018 của Bộ Tư pháp, công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Cụ thể: (i) Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giám định tư pháp trong toàn quốc, Sở Tư pháp là đầu mối giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về giám định tư pháp ở địa phương nhưng theo mô hình hiện nay thì về cơ bản chỉ làm đầu mối, kết nối thông tin mà không quản lý nhân lực, vật lực và chuyên môn giám định nên hạn chế quyền năng về quản lý nhà nước, cũng như không có đủ công cụ để thực hiện đầy đủ vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. (ii) Nhiều bộ, ngành và địa phương chưa thật sự quan tâm và thực hiện hết trách nhiệm của mình trong công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp trong phạm vi lĩnh vực mình phụ trách; việc phối hợp giữa các bộ, ngành quản lý về giám định tư pháp với các cơ quan tiến hành tố tụng cũng còn chừng mực. Do đó, việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu thông tin, căn cứ thực tế cho việc chăm lo tổ chức, hoạt động giám định tư pháp và giải quyết các vướng mắc, khó khăn phát sinh.
2. Một số kiến nghị đổi mới mô hình quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư, công chứng, giám định tư pháp
Để tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước đối với luật sư, công chứng viên, giám định viên tư pháp, theo tác giả trong thời gian tới, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến các nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục coi hệ thống bổ trợ tư pháp là một thiết chế xã hội - nghề nghiệp đặc biệt mà thông qua đó người dân có khả năng tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Từ đó xác định đúng định hướng, mô hình phát triển của các nghề và người làm nghề luật sư, công chứng, giám định tư pháp trong nền kinh tế thị trường.
Thứ hai, nâng cao tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, độc lập chịu trách nhiệm của đội ngũ chức danh bổ trợ tư pháp (luật sư, công chứng viên, giám định viên). Khi khẳng định luật sư, công chứng, giám định đều là các nghề thì người hành nghề phải chuyên nghiệp và phải có chế độ tự chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ mà họ cung cấp cho khách hàng (trong đó có các cơ quan nhà nước, mà trước tiên là các cơ quan tố tụng). Việc đào tạo nguồn và đào tạo nghề cho các chức danh bổ trợ tư pháp cũng sẽ phải chuẩn hóa lại theo hướng này.
Thứ ba, đổi mới nội dung và phương thức quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động bổ trợ tư pháp theo hướng kết hợp chặt chẽ quản lý nhà nước với tự quản của các hiệp hội nghề nghiệp theo hướng “mức độ tự quản đến đâu phụ thuộc vào năng lực tự quản của tổ chức và bối cảnh, điều kiện cụ thể của quản trị quốc gia”.
Để thực hiện các định hướng trên, tác giả có một số kiến nghị cụ thể:
- Đối với tổ chức và hoạt động luật sư: (i) Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về luật sư và các văn bản pháp luật có liên quan theo hướng đề cao tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức; quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được miễn đào tạo nghề luật sư, miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư; quy định cụ thể hơn quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của luật sư nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hành nghề. (ii) Phân định rõ thẩm quyền quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về luật sư và tổ chức hành nghề luật sư với hoạt động tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư; quy định rõ về thẩm quyền và tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của luật sư, qua đó thực hiện vai trò quản lý nhà nước một cách thực chất, hiệu quả. (iii) Xây dựng chương trình đào tạo chung cho các nghề bổ trợ tư pháp; tổ chức kỳ kiểm tra cấp quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy phép hành nghề bổ trợ tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý của xã hội, luật sư không chỉ hiểu biết rộng các quy định của pháp luật mà còn cả kỹ năng hành nghề trong các lĩnh vực. (iv) Quy định rõ trách nhiệm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc giám sát các luật sư thành viên trong việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư; thực hiện đúng, đầy đủ các nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật Luật sư…
- Đối với tổ chức và hoạt động công chứng: (i) Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng, theo đó, có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển cụ thể nhất là đối với các tổ chức hành nghề công chứng ở các vùng sâu, vùng xa; quy định rõ các loại hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản bắt buộc phải công chứng nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập khu vực và quốc tế về công chứng; đề cao giá trị pháp lý của văn bản công chứng, xác định văn bản công chứng có giá trị thi hành để giảm tải công việc cho Tòa án và tiết kiệm chi phí cho người dân, xã hội. (ii) Nâng cao chất lượng công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, hoạt động hành nghề công chứng để công chứng thật sự trở thành công cụ hỗ trợ và bảo đảm tin cậy cho người dân, doanh nghiệp trong việc giao kết các hợp đồng, giao dịch. Tạo cơ sở pháp lý và các điều kiện bảo đảm khác (các cơ sở dữ liệu thống nhất, liên thông) để hoạt động công chứng thực sự là dịch vụ an toàn cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong điều kiện các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại rất đa dạng, phong phú và phức tạp. (iii) Thực hiện phân cấp quản lý, theo đó, cơ quan nhà nước ở trung ương tập trung thực hiện vai trò quản lý ở tầm vĩ mô, chính sách lớn, đồng thời có các quy định phân cấp hợp lý cho địa phương để bảo đảm sự điều hành thống nhất trong toàn quốc. Phát huy mạnh mẽ vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp công chứng viên trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công chứng viên và quản lý hoạt động công chứng, giám sát việc tuân theo đạo đức nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho công chứng viên.
- Đối với tổ chức và hoạt động giám định tư pháp: (i) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giám định tư pháp, trong đó tập trung vào việc tăng cường công tác quản lý ở Bộ Tư pháp và các bộ, ngành; đồng thời quy định rõ về phân cấp quản lý cũng như trong tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định ở cấp trung ương và cấp tỉnh để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trong tiếp nhận và thực hiện giám định ở nhiều địa phương và bộ, ngành chủ quản. (ii) Để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giám định tư pháp thì cần xác định rõ trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành quản lý ở từng lĩnh vực giám định và các cơ quan này chịu trách nhiệm trước Chính phủ về bảo đảm (nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác phù hợp với đặc thù lĩnh vực chuyên môn của mình) đáp ứng tốt yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng; khắc phục tình trạng chồng chéo, cắt khúc, thiếu hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác giám định tư pháp. (iii) Mở rộng phạm vi giám định tư pháp để tạo điều kiện cho các đương sự trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần thực thi có hiệu quả chủ trương mở rộng dân chủ, tăng cường tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. (iv) Mở rộng phạm vi xã hội hóa giám định tư pháp theo hướng cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp ở một số lĩnh vực, chuyên ngành giám định thực sự có nhu cầu lớn, thường xuyên như giám định dấu vết tài liệu... để đáp ứng nhu cầu bức thiết của các đương sự trong các vụ án dân sự, hành chính và một số cơ quan nhà nước như thanh tra, kiểm toán, ngân hàng... nhằm phát huy mạnh mẽ các nguồn lực xã hội cho giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định tư pháp của hoạt động tố tụng trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp, giảm gánh nặng cho đầu tư của Nhà nước.
Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
[1]. Tính đến hết 30/6/2017.
[2]. Tờ trình Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 09/8/2017 của Chính phủ.
[3]. Báo cáo số 07/BC-LĐLSVN ngày 23/4/2015 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổng kết công tác nhiệm kỳ I (2009 - 2014) và phương hướng công tác nhiệm kỳ II (2014 - 2019); Báo cáo số 13/BC-LĐLSVN ngày 03/7/2018 về tổ chức, hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.