Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích những ưu điểm, hạn chế của quan niệm luật là “sống” (tức là nó sẽ vận động, sẽ được giải thích theo sự phát triển của xã hội) hay luật là “chết” (tức là nó chỉ được áp dụng giống như những gì mà cơ quan có thẩm quyền đã ban hành ra nó, tại thời điểm nó ra đời) đối với hoạt động xây dựng và giải thích pháp luật.
Abstract: In this paper, the author focuses on analyzing the advantages and limitations of the concept of law as "living" (i.e., it will mobilize, it will be explained according to the development of society) or the law is "dead" (that is, it is only applied the same as what the competent authority issued it, at the time it was promulgated) to the making and interpretation of laws.
Hệ thống pháp luật Việt Nam được xây dựng dựa trên nền tảng luật thành văn, do đó, việc áp dụng pháp luật sẽ có ưu điểm là rõ ràng, thống nhất và hạn chế được sự tùy tiện. Tuy nhiên, pháp luật khi dùng để điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh tại thời điểm nó được ban hành thì quy định này trở nên “bất động”, trong khi đó, các quan hệ xã hội thì luôn “vận động”, vì vậy, lấy “cái tĩnh” để điều chỉnh “cái động” sẽ dẫn đến trường hợp một số quan hệ xã hội mới phát sinh mà pháp luật không điều chỉnh kịp hoặc khi soạn thảo, do kỹ thuật và năng lực các nhà làm luật đã không dự liệu được hết các tình huống đã phát sinh hoặc có khả năng phát sinh từ thực tiễn, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội mới[1]. Từ vấn đề này, nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh việc nên quan niệm luật là “sống” tức là nó sẽ vận động, sẽ được giải thích và áp dụng theo sự phát triển của xã hội hay luật là “chết”, tức quy định đó chỉ được áp dụng giống như những gì mà cơ quan có thẩm quyền đã ban hành ra nó, tại thời điểm nó ra đời.
1. Quan điểm về sự ổn định của pháp luật ảnh hưởng đến tư duy và phương pháp lập pháp
Có nhiều ý kiến khác nhau đối với quan niệm về sự “tồn tại” của pháp luật đối với đời sống xã hội và quan niệm về sự tồn tại này ảnh hưởng lớn đến tư duy và phương thức làm việc của cơ quan lập pháp. Theo đó, nếu quan niệm luật là “chết”, tức nó phải được hiểu và vận dụng theo đúng “ý đồ của nhà làm luật” tại thời điểm quy định đó được ban hành, các chủ thể áp dụng pháp luật không được phép suy diễn hay giải thích vượt quá sự giới hạn đó, hay nói cách khác là không được phép diễn đạt khác đi so với nghĩa gốc ban đầu và như vậy, pháp luật phải được quy định một cách chi tiết. Đại diện cho quan điểm này là những người theo trường phái tầm nguyên – orginalist[2] hay trường phái câu chữ - textualism[3], dựa vào chính ngữ nghĩa của quy định đang dẫn chiếu hay còn được gọi là giải thích nguyên văn, áp dụng đúng nguyên văn. Ngược lại, một số chuyên gia pháp lý lại cho rằng, mục đích của pháp luật là để điều chỉnh các quan hệ xã hội, duy trì trật tự và cân bằng xã hội để tạo nền tảng cho xã hội phát triển bền vững. Do đó, pháp luật phải “sống”, phải vận động cùng với sự vận động của xã hội và để làm được như vậy thì pháp luật phải được xây dựng một cách khái quát hóa, đưa ra các nguyên tắc chung và trao quyền giải thích các quy định đó cho cơ quan áp dụng pháp luật, để các cơ quan này giải thích các quy định pháp luật trong quá trình áp dụng nhằm thực thi ý chí (purpose or intent) của nhà làm luật là bảo vệ hay điều chỉnh một quan hệ xã hội, trật tự xã hội nào đó, đại diện cho quan điểm này là những người theo trường phái mục đích – purposivism[4].
Vậy, hoạt động lập pháp nên thực hiện theo phương thức khái quát hay chi tiết? Việc xây dựng các quy định pháp luật theo hướng khái quát hóa nguyên tắc chung hay quy định cụ thể đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Cụ thể:
(i) Nếu các quy định pháp luật được xây dựng dựa trên tư duy và phương pháp xem pháp luật phải là “sống” để tương thích với sự vận động, phát triển của các quan hệ xã hội, thì cơ quan soạn thảo sẽ tập trung khái quát hóa các vấn đề cụ thể để đưa ra những nguyên tắc chung điều chỉnh quan hệ pháp luật. Với cách làm này, “tuổi đời” của quy định pháp luật sẽ lâu hơn so với phương pháp quy định chi tiết, vì khi quy định chi tiết sẽ khó dự liệu được hết các tình huống phát sinh và sự thay đổi về quan niệm, ý thức xã hội… Tuy nhiên, với cách xây dựng pháp luật theo hướng khái quát hóa sẽ đòi hỏi khá cao về cả trình độ chuyên môn và kỹ thuật của cơ quan soạn thảo, ban hành pháp luật, đồng thời, nếu thiếu các quy định bổ trợ khác[5] thì có thể dẫn đến tình trạng áp dụng tùy tiện. Ngoài ra, pháp luật được ban hành không chỉ để các cơ quan nhà nước, Tòa án, luật sư hay các chuyên gia pháp lý áp dụng, nghiên cứu, mà đối tượng hướng đến của nó là đại chúng, tức là hướng đến làm sao mọi người đều có thể hiểu được, phải đảm bảo “dễ tiếp cận, dễ thực hiện của văn bản quy phạm pháp luật”[6]. Vì vậy, đi đôi với việc soạn thảo luật theo hướng khái quát hóa thì trình độ dân trí nói chung, kiến thức pháp luật của đông đảo nhân dân nói riêng phải được nâng cao.
(ii) Trong trường hợp xem pháp luật là “chết”, tức là các quy định pháp luật chỉ có thể được áp dụng theo đúng nội dung, đúng tinh thần và đúng với hoàn cảnh, tình huống ra đời quy định đó thì khi soạn thảo, các quy định pháp luật cần phải chi tiết hóa và “ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu”[7]. Như vậy, đối với tư duy luật là “chết” thì đòi hỏi hoạt động lập pháp phải xây dựng những quy định chi tiết và điều này sẽ có những thuận lợi nhất định trong quá trình áp dụng vào thực tiễn, như rõ ràng và hạn chế được sự tùy tiện trong quá trình áp dụng. Tuy nhiên, như trên đã phân tích, các quy định pháp luật quá chi tiết thì “tuổi thọ” sẽ không cao và đặc biệt là sẽ không dự liệu và điều chỉnh được hết các quan hệ xã hội đã hoặc sẽ phát sinh mà các nhà làm luật chưa biết hoặc chưa dự liệu được. Chẳng hạn như, Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ quy định Tội mua bán phụ nữ (Điều 119) và Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120), trong khi đó, một số vụ việc được phát hiện cho thấy không chỉ có phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới cũng đã và đang trở thành nạn nhân của loại tội phạm này. Trong trường hợp này, thật khó thuyết phục nếu một Hội đồng xét xử nào đó vận dụng Điều 119 nêu trên để từ đó suy luận rằng hành vi buôn bán nam giới từ đủ 16 tuổi trở lên là nguy hiểm và có thể áp dụng các khung hình phạt như đối với hành vi buôn bán phụ nữ[8].
Hiện nay, hoạt động lập pháp và lập quy ở Việt Nam nghiêng về hướng ban hành những quy định chi tiết, mặc dù vậy, trong một số trường hợp đã xuất hiện xu hướng khái quát hóa hay phương pháp loại suy. Chẳng hạn như, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã chuyển từ quy định tội mua bán phụ nữ, trẻ em nêu trên thành “Tội mua bán người” (Điều 150); Luật Doanh nghiệp từ quy định người dân chỉ được phép kinh doanh những ngành nghề có đăng ký sang tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm[9]…
2. Ảnh hưởng của quan điểm luật “sống” hay “chết” đến hoạt động giải thích pháp luật
Quan niệm về sự “tồn tại” của pháp luật có tác động không nhỏ đến giai đoạn thực thi các quy định pháp luật. Nếu quan niệm luật hay pháp luật là “chết”, thì khi cơ quan áp dụng pháp luật, mà cụ thể là Tòa án, chỉ được phép áp dụng và giải thích - hướng dẫn đúng với ý định ban đầu, vào thời điểm ban hành, của người làm luật mà không được phép “suy diễn” hoặc mở rộng phạm vi áp dụng. Ngược lại, nếu cho rằng quy định pháp luật phải vận động cùng với sự vận động, phát triển của các quan hệ xã hội, để điều chỉnh, cân bằng các lợi ích chính đáng của Nhà nước, xã hội, tổ chức, cá nhân, thì cơ quan áp dụng pháp luật được phép giải thích các quy định hiện hành để xác định “ý đồ, mục đích” của nhà làm luật khi ban hành quy định đang xem xét nhằm áp dụng vào giải quyết vấn đề cụ thể đang đặt ra.
“Giải thích pháp luật” - statutory interpretation - là thuật ngữ dùng để chỉ một quá trình xác định ý nghĩa đúng của một văn bản luật/pháp luật. Đây là một quy trình được thực hiện bởi chủ yếu là cơ quan tư pháp, trên nền tảng một số nguyên tắc nhất định, nhằm xác định ý nghĩa của một quy định pháp luật và áp dụng vào giải quyết một vụ việc cụ thể, trong trường hợp quy định đó chưa rõ nghĩa[10].
Theo quan điểm của Thẩm phán Terence John Higgins (Úc): “Giải thích luật là đi tìm ý định của Nghị viện trên cơ sở xem xét ngôn từ được sử dụng”[11].
Giải thích pháp luật là một hoạt động quan trọng trong khoa học pháp lý, hoạt động này giữ vai trò quan trọng trong việc ban hành, áp dụng và nghiên cứu các quy định pháp luật, hoạt động giải thích pháp luật sẽ cần thiết trong một số trường hợp sau[12]: (i) Khi ban hành văn bản, cơ quan ban hành nói chung, cơ quan lập pháp nói riêng chỉ đưa ra nguyên tắc điều chỉnh và trao quyền giải thích cũng như cách thức áp dụng nguyên tắc, quy định đó vào giải quyết từng vụ việc cụ thể; (ii) Cơ quan lập pháp đã ban hành quy định nhưng sau đó xét thấy không còn phù hợp với điều kiện hiện tại, nên chính cơ quan này hoặc ban hành văn bản mới để thay thế, sửa đổi hoặc giải thích quy định đó theo hướng phù hợp với điều kiện hiện tại; (iii) Các cơ quan áp dụng pháp luật trong quá trình thực thi công vụ của mình hoặc phát hiện một hay một số quy định nào đó chưa được rõ nghĩa từ đó dẫn đến việc lúng túng khi áp dụng giải quyết các vụ việc cụ thể và đòi hỏi khách quan là cần sự giải thích những điểm chưa rõ đó hoặc trong quá trình áp dụng pháp luật xuất hiện những vụ việc, tình tiết mới mà dựa vào câu chữ của các quy định pháp luật hiện tại không thể giải quyết vấn đề đang đặt ra…
Mặc dù không được xây dựng “chuyên nghiệp” như nhiều nước khác về hoạt động giải thích pháp luật, nhưng pháp luật Việt Nam vẫn chính thức ghi nhận hoạt động này. Theo đó, chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh, còn các cơ quan khác như Tòa án, Chính phủ, bộ… chỉ được hướng dẫn, quy định chi tiết… văn bản cấp trên. Tuy nhiên, hoạt động “giải thích pháp luật” hiện nay ở Việt Nam đang tồn tại một số điểm bất cập sau:
Một là, do thiếu quy định một cách chính thức về hoạt động giải thích pháp luật, nên có một số lỗ hổng pháp lý chưa điều chỉnh kịp các tình huống phát sinh trên thực tiễn
Về nguyên tắc, hoạt động của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đều phải tuân thủ các quy định pháp luật. Nguyên tắc này được quy định tại khoản 1 Điều 8 Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật…”[13]. Như vậy, nếu có những vấn đề mới phát sinh mà các văn bản quy phạm pháp luật chưa điều chỉnh kịp thì giải quyết như thế nào? Có được quyền giải thích hay áp dụng tương tự pháp luật không? Mặc dù quy định hiện nay là Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng và việc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự quy định[14], nhưng đến thời điểm hiện tại, tác giả chưa ghi nhận được vụ việc dân sự nào được Tòa án giải quyết theo tình huống nêu trên.
Hai là, về thẩm quyền giải thích pháp luật theo quy định hiện hành
Khoản 3 Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: “Giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh là việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm rõ tinh thần, nội dung của điều, khoản, điểm trong Hiến pháp, luật, pháp lệnh để có nhận thức, thực hiện, áp dụng đúng, thống nhất pháp luật”. Vậy có thể hiểu, ở Việt Nam chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật và pháp lệnh khi các quy phạm pháp luật chứa đựng trong các văn bản này có những nội dung chưa rõ nghĩa. Một vấn đề đặt ra là, nếu có những quy định trong Hiến pháp, luật, pháp lệnh chưa rõ nghĩa, khó xác định nội hàm, phạm vi điều chỉnh và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa có văn bản giải thích thì việc áp dụng quy định đó sẽ được thực hiện như thế nào? Hậu quả pháp lý sẽ xử lý như thế nào nếu cơ quan áp dụng pháp luật hiểu và áp dụng để giải quyết vào một vụ việc cụ thể, nhưng cách làm đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc gây tác động xấu đến xã hội và sau đó có văn bản giải thích quy định trên khác với cách áp dụng của cơ quan thực thi pháp luật trước đây?
Ba là, hiệu lực pháp lý trong việc “giải thích - hướng dẫn” của những cơ quan nhà nước khác chưa được xác định rõ
Trong trường hợp quy định trong các văn bản khác (không phải là Hiến pháp, luật, pháp lệnh) như nghị định, thông tư, quyết định… là các văn bản quy phạm pháp luật nhưng chứa đựng các quy định không rõ ràng và các cơ quan ban hành những văn bản trên chưa có văn bản giải thích thì việc hiểu và áp dụng sẽ được thực hiện như thế nào, quyền và lợi ích của công dân được bảo đảm ra sao là những vấn đề chưa được làm rõ.
Điều 21 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: “Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành nghị quyết để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử”[15]. “Hướng dẫn việc áp dụng” có được xem là một hoạt động giải thích pháp luật không? Bởi vì Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ duy nhất dùng cụm từ “giải thích” cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan khác chỉ có thể dùng từ “quy định chi tiết”, “hướng dẫn chi tiết”, “hướng dẫn áp dụng”, hay “chi tiết điều, khoản, điểm được giao”[16]… Ngoài ra, hoạt động “hướng dẫn” có thể được hiểu là giải thích - làm rõ ý nghĩa, một quy định nào đó trong luật, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không hay chỉ là cách hiểu của riêng cơ quan ban hành văn bản đó, mặc dù các văn bản như nghị định, thông tư… đều là văn bản quy phạm pháp luật? Bên cạnh đó, nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là văn bản thể hiện cách nhìn nhận vấn đề của Ngành Tòa án, vậy nếu Ngành Kiểm sát hay Công an… có cách hiểu khác (mặc dù trong quá trình soạn thảo văn bản đó đã lấy ý kiến các cơ quan này nhưng vẫn chưa đạt được sự thống nhất về cách hiểu) thì giải quyết như thế nào… là những vấn đề chưa được quy định rõ trong các văn bản pháp luật hiện nay.
Như vậy, để nâng cao chất lượng và “tuổi thọ” của các quy định pháp luật thì yêu cầu khách quan là cơ quan ban hành pháp luật phải nhận thức được rằng các quan hệ xã hội là vận động, phát triển không ngừng và khả năng lập pháp, lập quy là có hạn, vì vậy, quan điểm pháp luật phải vận động cùng với sự vận động của xã hội là cần thiết và phải điều chỉnh dần phương thức xây dựng pháp luật theo hướng khái quát hóa, nhưng vẫn đảm bảo sử dụng thuật ngữ rõ nghĩa, chuẩn mực.
Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề giải thích pháp luật nên điều chỉnh theo hướng[17]: Thứ nhất, Hiến pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên quy định rõ thẩm quyền của Tòa án nhân dân, đặc biệt là của Tòa án nhân dân tối cao trong việc “giải thích - hướng dẫn” cách hiểu và áp dụng thống nhất các quy phạm pháp luật còn chưa rõ nghĩa; thứ hai, trên cơ sở nghiên cứu và áp dụng có chọn lọc các nguyên tắc giải thích pháp luật phổ biến trên thế giới, các cơ quan hữu quan cần bổ sung quy định về trình tự, thủ tục giải thích, các nguyên tắc giải thích luật, pháp luật mà Tòa án cũng như các cơ quan được trao quyền khác phải tuân thủ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hình sự, hành chính… Chẳng hạn như có thể tham khảo quan điểm của Stephen Gerald Breyer (Giáo sư luật học và là Thẩm phán Tòa án tối cao Liên bang Hoa Kỳ) về sáu bước để xác định, giải thích ý nghĩa của một quy định nào đó vào giải quyết một vụ việc cụ thể, các bước được áp dụng lần lượt theo trình tự sau[18]: (i) Xem xét câu chữ, ngôn ngữ của chính văn bản đang được áp dụng - language; (ii) Xem xét cấu trúc của toàn văn bản - structure; (iii) Xem xét lịch sử xây dựng và ban hành quy định đó - history; (iv) Xem xét tiền lệ pháp (gồm cả án lệ) - precedent; (v) Xem xét mục đích ban hành quy định đó là gì - purpose; (vi) Xem xét kết quả giải quyết sẽ tác động như thế nào đến chủ thể đang bị áp dụng pháp luật, đến xã hội, đến Nhà nước nói chung - consequences.
Ngoài ra, theo Luật sư Valerie C. Brannon thì các thẩm phán có thể thực hiện năm bước sau để xác định/giải thích ý nghĩa một quy định[19]: (i) Xem xét nghĩa thông thường của quy định (looking to the ordinary meaning); (ii) Giải thích một hoặc một số quy định cụ thể trên cơ sở xem xét tổng thể cả văn bản chứa đựng quy định chi tiết đó (interpret specific provisions by looking to the broader statutory context); (iii) Xem xét lại những tiêu chí cơ bản để xác định cách mà Tòa thường đọc các quy định (turn to the canons of construction, which are presumptions about how courts ordinarily read statutes); (iv) Nhìn lại lịch sử (bối cảnh) của quy định đó (look to the legislative history of a provision); (v) Xem xét liệu quy định đó sẽ được thực thi như thế nào (how a statute has been - or will be - implemented).
Nguyễn Thị Hàng Diễm My
Khoa Luật, Đại học Cần Thơ
[1]. Trần Vang Phủ, Một số nguyên tắc giải thích pháp luật trên thế giới và những gợi mở cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 06(382)/2019, tr. 58 - 59.
[2]. Đại diện nổi tiếng trên thế giới của trường phái này là John Manning [xem thêm: (i) Manning, John F., Textualism and the Equity of the Statute (January 2001). 101 Colum. L. Rev. 1 (2001). Available at SSRN: https://ssrn.com/abstract=2849561 or http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.2849561, truy cập ngày 21/11/2019); (ii) Frank B. Cross, The theory and practice of statutory interpretation, Stanford Unversity Press, 2009, p.24-25; và (iii) Annenberg Public Policy Center, Justices Scalia and Breyer Talk About Interpreting the Constitution, https://www.annenbergpublicpolicycenter.org/justices-scalia-and-breyer-discuss-interpreting-the-constitution/, truy cập ngày 14/01/2019 (Thẩm phán Tòa án tối cao liên bang Hoa Kỳ Antonin Scalia: Luật là “chết” - originalist)].
[3]. Valerie C. Brannon, Statutory Interpretation: Theories, Tools, and Trends, The U.S Congressional Research Service, https://fas.org/sgp/crs/misc/R45153.pdf, truy cập ngày 19/12/2019.
[4]. Hai đại diện tiêu biểu của trường phái này là Henry Hart và Albert Sacks (Valerie C. Brannon, Statutory Interpretation: Theories, Tools, and Trends, The U.S Congressional Research Service, https://fas.org/sgp/crs/misc/R45153.pdf, truy cập ngày 19/12/2019, tr. 11) và hiện nay là Thẩm phán Tòa tối cao Liên bang Hoa Kỳ Stephen G. Breyer (với quan điểm luật là “sống” - living Constitution, xem: National Public Radio, Justices Get Candid About The Constitution, https://www.npr.org/2011/10/09/141188564/a-matter-of-interpretation-justices-open-up, truy cập ngày 14/12/2019).
[5]. Các quy định bổ trợ trong trường hợp này là quy định về thẩm quyền giải thích, về nguyên tắc lựa chọn quy phạm và nguyên tắc giải thích pháp luật mà cơ quan áp dụng pháp luật phải tuân thủ.
[6]. Khoản 4 Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
[7]. Khoản 1 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
[8]. Trần Vang Phủ, Khó khăn trong giải thích pháp luật tại Việt Nam và kinh nghiệm theo hệ thống luật Anh - Mỹ, tài liệu Hội thảo Giải thích pháp luật của Tòa án Việt Nam hiện nay do Khoa Luật - Đại học Cần Thơ tổ chức, Cần Thơ, ngày 01/6/2018, tr. 127.
[9]. Dương Anh Sơn, Trần Thanh Hương, Bình luận về quyền tự do kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 2/2016, tr. 25 - 32.
[10]. Oxford, Dictionary of Law, Oxford University Press, 2013, p. 294.
[11]. Australia Government, Amalgamated society of Engineers v Adelaide Steamship Co Ltd (1920) 28 CLR 129, https://www.ato.gov.au/law/view/document?DocID=JUD/28CLR129/00004, truy cập ngày 07/3/2018.
[12]. Trần Vang Phủ, Một số nguyên tắc giải thích pháp luật trên thế giới và những gợi mở cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 6(382), kỳ 2 - tháng 3/2019, tr. 59.
[13]. Trước đây, nguyên tắc này được quy định tại Điều 12 Hiến pháp năm 1980 và Điều 8 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001).
[14]. Khoản 2 Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[15]. Quy định này là tương tự với quy định tại Trung Quốc. Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao Trung Hoa là cơ quan có thẩm quyền giải thích các quy định pháp luật để hướng dẫn cho các Tòa cấp dưới. Xem: Library of Congress (China), Introduction to China Legal System, https://www.loc.gov/law/help/legal-research-guide/china.php, truy cập ngày 16/3/2018.
[16]. Điều 24 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định về Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
[17]. Trần Vang Phủ, Vấn đề lựa chọn và áp dụng pháp luật tại Việt Nam bất cập và kiến nghị, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5/2018, tr. 17, 24.
[18]. Stephen G. Breyer, Judicial review: A Practicing Judge’s Perspective, It is constitution we are expounding - American Constitution Society for Law and Policy, 2009, pp.189 - 195.
[19]. Valerie C. Brannon, Statutory Interpretation: Theories, Tools, and Trends, The U.S Congressional Research Service, https://fas.org/sgp/crs/misc/R45153.pdf, tr. 18-44, truy cập ngày 19/4/2019.