Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định cho biết, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đầy đủ gồm 15 trang và dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý đã được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội; đồng thời, Chính phủ cũng đã có Văn bản số 327 ngày 19/6 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quôc hội với nội dung: Chính phủ hoàn toàn nhất trí với Báo cáo tiếp thu, giải trình và dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét thông qua.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua gồm 08 chương, 65 điều, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội biểu quyết một lần thông qua toàn bộ dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi)
Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Tiếp đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết bằng hình thức bấm nút điện tử để thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi). Kết quả biểu quyết cho thấy, với 93,84% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Theo đó, Luật Lưu trữ (sửa đổi) gồm 08 chương 65 điều, bổ sung 11 điều, bỏ 12 điều, tách, nhập 09 điều thành 07 điều mới so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội. Việc ban hành Luật Lưu trữ (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay.
Luật Lưu trữ (sửa đổi) quy định về quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; nghiệp vụ lưu trữ; tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; lưu trữ tư; hoạt động dịch vụ lưu trữ và quản lý nhà nước về lưu trữ.
Việc lưu trữ tài liệu thuộc Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam, tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt phải tuân thủ quy định của Luật này, trừ trường hợp tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia hoặc công nhận, ghi danh hình thức khác theo quy định của Luật Di sản văn hóa và luật khác có liên quan thì ngoài việc thực hiện theo quy định của Luật này, còn phải thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa và luật khác có liên quan. Việc mang tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia ra nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trường hợp luật khác có quy định khác về thời hạn lưu trữ và trách nhiệm quản lý tài liệu lưu trữ tại lưu trữ hiện hành thì thực hiện theo quy định của luật đó….
Về chính sách của Nhà nước về lưu trữ, Luật Lưu trữ (sửa đổi) quy định: Xây dựng nền lưu trữ Việt Nam hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, hiện đại hóa nền hành chính, phục vụ Nhân dân. Bảo đảm các điều kiện cần thiết cho lưu trữ. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư công và nguồn lực khác để hiện đại hóa lưu trữ, bảo đảm an toàn, toàn vẹn và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực lưu trữ chuyên nghiệp, phục vụ; đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực lưu trữ; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thực hiện hoạt động lưu trữ.
Ngoài ra, xây dựng xã hội lưu trữ, khuyến khích tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư. Xã hội hóa lưu trữ; tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân trong nước đầu tư, kinh doanh dịch vụ lưu trữ. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tài trợ, tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế toàn diện về lưu trữ.
Luật Lưu trữ (sửa đổi) quy định rõ 05 hành vi bị nghiêm cấm gồm: (1)Chuyển giao, cung cấp, hủy trái phép hoặc cố ý làm hư hỏng, mua bán, chiếm đoạt, làm mất tài liệu lưu trữ do cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước quản lý; (2)Làm giả, làm sai lệch nội dung, làm mất tính toàn vẹn của tài liệu lưu trữ và dữ liệu chủ của tài liệu lưu trữ; truy cập, sao chép, chia sẻ trái phép tài liệu lưu trữ, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; (3)Hủy trái phép tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt; (4)Sử dụng tài liệu lưu trữ hoặc lợi dụng hoạt động dịch vụ lưu trữ để xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng; cản trở quyền tiếp cận, sử dụng hợp pháp tài liệu lưu trữ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; (5)Mang tài liệu lưu trữ ra nước ngoài, ra ngoài lưu trữ hiện hành, lưu trữ lịch sử trái quy định của pháp luật.
Tại Luật Lưu trữ (sửa đổi) cũng quy định cụ thể về: Quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; Nghiệp vụ lưu trữ; tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; lưu trữ tư; … Đặc biệt, tại Luật Lưu trữ (sửa đổi) lần này đã quy định ngày 03 tháng 01 hằng năm là Ngày Lưu trữ Việt Nam.
Lê Anh - Nghĩa Đức
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam