Ý nghĩa lịch sử cuộc Tổng tuyển cử này vẫn còn vẹn nguyên giá trị đến tận bây giờ. Bởi lẽ, đây là cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín để bầu ra Quốc hội nhằm chính thức hóa về mặt pháp lý Nhà nước và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kể từ đó đến nay là nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Quốc hội vẫn luôn phát huy được vai trò, vị trí là cơ quan quyền lực cao nhất và đại biểu Quốc hội là những người đại diện xứng đáng nhất cho quyền lợi và tiếng nói của cử tri và nhân dân. Quốc hội Việt Nam không ngừng lớn mạnh và có nhiều đổi mới, sáng tạo hành động vì lợi ích nhân dân, đất nước và dân tộc.
Từ thực tiễn hoạt động của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là phát huy được tính chủ động sáng tạo trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động sao cho phù hợp trong điều kiện đa số đại biểu Quốc hội là kiêm nhiệm nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ có chất lượng và hiệu quả, đáp ứng kịp thời các yêu cầu, mục tiêu đã đề ra; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và sự phối hợp với các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội; gắn bó mật thiết với cử tri, liên hệ thường xuyên với cử tri nhằm nắm bắt được thực tiễn, nguyện vọng, ý chí của người dân, qua đó, góp phần thể chế hoá bằng các văn bản pháp luật gắn với thực tiễn cuộc sống.
Trải qua 14 khóa, hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng đi vào thực chất với chất lượng ngày càng được nâng lên, giải quyết nhiều vấn đề trong đời sống xã hội, với nhiều đạo luật lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Đến nay, Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp (vào các năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013), nhiều bộ luật lớn, hàng trăm luật, pháp lệnh, nghị quyết..., qua đó, đã hình thành lên một hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, thống nhất, minh bạch, thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng; bảo đảm sự vận hành thông suốt của bộ máy nhà nước; tạo hành lang pháp lý vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV vừa qua, phương thức hoạt động của Quốc hội đã đánh dấu những bước tiến vượt bậc trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội. Nhất là trong những phiên họp cuối nhiệm kỳ, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hoạt động của Quốc hội đã có những thay đổi mà dường như chưa có tiền lệ, đó là nhiều phiên họp trực tuyến được tiến hành, góp phần duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả của các phiên Quốc hội, phù hợp với tình hình giãn cách xã hội để phòng chống dịch, tiết kiệm chi phí hành chính, nhưng vẫn bảo đảm hoạt động chất vấn, trao đổi, chỉ đạo kịp thời những vấn đề quan trọng, cấp bách của đất nước.
Có thể nói, suốt 75 năm qua, Quốc hội đã tập hợp và phát huy trí tuệ, tâm huyết của hàng nghìn đại biểu Quốc hội Việt Nam trong việc tham gia xây dựng, ban hành pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thực hiện có trách nhiệm và hiệu quả việc giám sát toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Hoạt động của Quốc hội đã khẳng định vai trò lịch sử to lớn và quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Ảnh: Internet