Có thể nói, thi hành án dân sự là một lĩnh vực rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành luật nội dung khác nhau, nên để thực hiện tốt công tác này, thì ngoài việc nắm vững các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, còn phải nắm vững các quy định của pháp luật khác có liên quan, trong đó có các quy định về thủ tục bắt giữ tàu bay, thả tàu bay đang bị bắt giữ để thi hành án dân sự. Các nội dung mới cơ bản về thủ tục bắt giữ tàu bay, thả tàu bay đang bị bắt giữ để thi hành án được quy định tại Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay, bao gồm:
1. Thủ tục bắt giữ tàu bay để thi hành án
Một là, về quyền yêu cầu bắt giữ tàu bay để thi hành án: Bắt giữ tàu bay để thi hành án theo quy định tại Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay là thực hiện việc kê biên đối với tàu bay quy định tại khoản 4 Điều 96 của Luật Thi hành án dân sự. Tàu bay đã bị kê biên không được phép di chuyển khỏi cảng hàng không, sân bay.
Người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có cảng hàng không, sân bay mà tàu bay bị yêu cầu bắt giữ hạ cánh quyết định bắt giữ tàu bay để thi hành án. Người yêu cầu bắt giữ tàu bay để thi hành án phải làm đơn yêu cầu kèm theo bản sao bản án, quyết định của Tòa án hoặc bản sao quyết định của Trọng tài. Đơn yêu cầu bắt giữ tàu bay để thi hành án phải có các nội dung: Ngày, tháng, năm làm đơn yêu cầu; tên cơ quan thi hành án dân sự nhận đơn yêu cầu; tên Tòa án nhận đơn yêu cầu; tên, địa chỉ và quốc tịch của người yêu cầu bắt giữ tàu bay; cảng hàng không, sân bay nơi tàu bay hạ cánh; quốc tịch, số hiệu đăng ký, kiểu loại tàu bay và các đặc điểm khác của tàu bay bị yêu cầu bắt giữ; tên, địa chỉ và quốc tịch của chủ sở hữu tàu bay, người thuê tàu bay, người khai thác tàu bay; nghĩa vụ về tài sản phải thi hành án theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc theo phán quyết của Trọng tài; lý do yêu cầu bắt giữ tàu bay.
Trường hợp người yêu cầu bắt giữ tàu bay để thi hành án không biết chính xác, đầy đủ các nội dung về tên, địa chỉ và quốc tịch của chủ sở hữu tàu bay, người thuê tàu bay, người khai thác tàu bay; quốc tịch, số hiệu đăng ký, kiểu loại tàu bay và các đặc điểm khác của tàu bay bị yêu cầu bắt giữ thì ghi những gì mà mình biết có liên quan đến những vấn đề đó.
Hai là, về căn cứ bắt giữ tàu bay để thi hành án: Khi có yêu cầu bắt giữ tàu bay để thi hành án theo quy định, Tòa án quyết định bắt giữ tàu bay trong các trường hợp sau đây: Thực hiện theo bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự; người phải thi hành án về tài sản là chủ sở hữu tàu bay tại thời điểm yêu cầu bắt giữ; nghĩa vụ thi hành án là việc phải bồi thường thiệt hại do tàu bay đó gây ra cho người được thi hành án. Tòa án chỉ quyết định bắt giữ tàu bay để thi hành án khi cơ quan thi hành án dân sự không thể áp dụng biện pháp kê biên tài sản khác hoặc các biện pháp cưỡng chế khác để thi hành án, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự hoặc người phải thi hành án ở nước ngoài và không có tài sản khác ở Việt Nam.
Ba là, về việc gửi, nhận, xem xét đơn yêu cầu bắt giữ tàu bay và tài liệu, chứng cứ kèm theo để thi hành án: Người yêu cầu bắt giữ tàu bay gửi đơn yêu cầu bắt giữ tàu bay kèm theo tài liệu, chứng cứ cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền để chuyển cho Tòa án nơi có cảng hàng không, sân bay mà tàu bay bị yêu cầu bắt giữ hạ cánh. Đơn yêu cầu bắt giữ tàu bay có thể được gửi trước thời điểm tàu bay hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay. Trong trường hợp này phải gửi kèm theo lịch trình bay.
Ngay sau khi nhận được đơn yêu cầu bắt giữ tàu bay và tài liệu, chứng cứ kèm theo, cơ quan thi hành án dân sự phải ghi vào sổ nhận đơn và có văn bản chuyển đơn, tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu bay. Trong văn bản chuyển đơn, cơ quan thi hành án dân sự phải nêu rõ lý do không thể áp dụng biện pháp kê biên tài sản khác hoặc biện pháp cưỡng chế khác để thi hành án. Ngay sau khi nhận được văn bản chuyển đơn của cơ quan thi hành án dân sự kèm theo đơn yêu cầu bắt giữ tàu bay và tài liệu, chứng cứ, Tòa án phải ghi vào sổ nhận đơn. Chánh án Tòa án phân công ngay một thẩm phán giải quyết đơn.
Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được văn bản chuyển đơn, đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo, thẩm phán phải xem xét đơn và ra một trong các quyết định sau đây: Thụ lý đơn yêu cầu bắt giữ tàu bay nếu xét thấy có đủ điều kiện để ra quyết định bắt giữ tàu bay, yêu cầu người nộp đơn nộp lệ phí bắt giữ tàu bay; trả lại đơn yêu cầu bắt giữ tàu bay nếu xét thấy không đủ điều kiện để ra quyết định bắt giữ tàu bay hoặc việc giải quyết đơn không thuộc thẩm quyền của Tòa án. Trường hợp quyết định trả lại đơn yêu cầu bắt giữ tàu bay để thi hành án, Tòa án phải gửi quyết định đó cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền; cấp hoặc gửi ngay quyết định đó cùng đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người yêu cầu bắt giữ tàu bay.
Bốn là, về quyết định bắt giữ tàu bay để thi hành án: Theo quy định thì Thẩm phán sẽ ra ngay quyết định bắt giữ tàu bay khi người yêu cầu đã nộp lệ phí bắt giữ tàu bay và tàu bay đã hạ cánh xuống cảng hàng không, sân bay. Quyết định bắt giữ tàu bay phải có các nội dung: Ngày, tháng, năm làm đơn yêu cầu; tên cơ quan thi hành án dân sự nhận đơn yêu cầu; tên Tòa án nhận đơn yêu cầu; tên, địa chỉ và quốc tịch của người yêu cầu bắt giữ tàu bay; quốc tịch, số hiệu đăng ký, kiểu loại tàu bay và các đặc điểm khác nếu có của tàu bay bị yêu cầu bắt giữ; cảng hàng không, sân bay nơi tàu bay hạ cánh; tên, địa chỉ và quốc tịch của chủ sở hữu tàu bay, người thuê tàu bay, người khai thác tàu bay; nghĩa vụ về tài sản phải thi hành án theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc theo phán quyết của Trọng tài; nhận định của Tòa án và những căn cứ pháp luật để chấp nhận đơn yêu cầu; các quyết định của Tòa án.
Quyết định bắt giữ tàu bay có hiệu lực thi hành ngay, kể cả trong trường hợp có khiếu nại, kiến nghị. Quyết định bắt giữ tàu bay được giao cho Giám đốc Cảng vụ hàng không hoặc Trưởng đại diện Cảng vụ hàng không; gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự, người yêu cầu bắt giữ tàu bay, chủ sở hữu tàu bay, người thuê tàu bay, người khai thác tàu bay, hãng hàng không liên quan; Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao trong trường hợp tàu bay bị bắt giữ có yếu tố nước ngoài. Trong trường hợp chưa thực hiện được việc bắt giữ tàu bay, thì quyết định bắt giữ tàu bay có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ban hành, trừ trường hợp người yêu cầu bắt giữ tàu bay đề nghị chấm dứt hiệu lực thi hành của quyết định này.
Năm là, việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại về quyết định bắt giữ tàu bay, trả lại đơn yêu cầu bắt giữ tàu bay để thi hành án: Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được quyết định bắt giữ tàu bay của Toà án, người phải thi hành án, chủ sở hữu tàu bay, người khai thác tàu bay, người thuê tàu bay có quyền khiếu nại bằng văn bản với Chánh án Tòa án về quyết định đó.
Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được khiếu nại về quyết định bắt giữ tàu bay để thi hành án, Chánh án Tòa án phải xem xét và ra một trong các quyết định sau đây: Giữ nguyên quyết định bắt giữ tàu bay; huỷ quyết định bắt giữ tàu bay. Quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án là quyết định cuối cùng và được gửi ngay cho người khiếu nại. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được quyết định trả lại đơn yêu cầu bắt giữ tàu bay để thi hành án, người yêu cầu có quyền khiếu nại bằng văn bản với Chánh án Tòa án về quyết định đó. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được khiếu nại về quyết định trả lại đơn yêu cầu bắt giữ tàu bay để thi hành án và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phải xem xét ra một trong các quyết định sau đây: Giữ nguyên quyết định trả lại đơn yêu cầu bắt giữ tàu bay; huỷ quyết định trả lại đơn yêu cầu bắt giữ tàu bay và nhận lại đơn yêu cầu cùng tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành thụ lý việc bắt giữ tàu bay. Quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án là quyết định cuối cùng và được gửi ngay cho người khiếu nại.
2. Thủ tục thả tàu bay đang bị bắt giữ để thi hành án
Một là, về căn cứ thả tàu bay đang bị bắt giữ để thi hành án: Điều 41 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay quy định tàu bay đang bị bắt giữ để thi hành án sẽ được thả khi có các căn cứ sau đây: Người phải thi hành án đã thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án; người phải thi hành án đã thực hiện các biện pháp bảo đảm thay thế, nghĩa vụ về tài sản của người phải thi hành án đã có người khác bảo lãnh thực hiện thay. Trong các trường hợp này, phải được người được thi hành án chấp thuận và các căn cứ khác theo quy định tại Điều 105 của Luật Thi hành án dân sự(1).
Hai là, về yêu cầu thả tàu bay đang bị bắt giữ để thi hành án: Khi có một trong các căn cứ quy định về thả tàu bay đang bị bắt giữ để thi hành án nêu trên, chủ sở hữu tàu bay, người thuê tàu bay, người khai thác tàu bay, người đã yêu cầu bắt giữ tàu bay và những người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu thả tàu bay đang bị bắt giữ.
Đơn yêu cầu thả tàu bay đang bị bắt giữ phải có các nội dung sau đây: Ngày, tháng, năm làm đơn yêu cầu; tên Tòa án ra quyết định bắt giữ tàu bay; tên, địa chỉ của người yêu cầu thả tàu bay đang bị bắt giữ; quốc tịch, số hiệu đăng ký, kiểu loại tàu bay và các đặc điểm khác nếu có của tàu bay bị yêu cầu bắt giữ; cảng hàng không, sân bay nơi thực hiện bắt giữ; số, ngày, tháng, năm của quyết định bắt giữ tàu bay; lý do yêu cầu thả tàu bay đang bị bắt giữ.
Ba là, về thủ tục giải quyết đơn yêu cầu thả tàu bay đang bị bắt giữ: Người yêu cầu thả tàu bay đang bị bắt giữ phải gửi đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Tòa án đã ra quyết định bắt giữ tàu bay. Ngay sau khi nhận được đơn yêu cầu thả tàu bay, Chánh án Tòa án phân công một thẩm phán giải quyết việc thả tàu bay. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu thả tàu bay và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy có căn cứ thì thẩm phán được phân công giải quyết việc thả tàu bay phải ra quyết định thả tàu bay; trường hợp trả lại đơn thì thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu thả tàu bay biết và nêu rõ lý do.
Bốn là, khiếu nại và giải quyết khiếu nại về quyết định trả lại đơn yêu cầu thả tàu bay đang bị bắt giữ để thi hành án: Trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được thông báo trả lại đơn yêu cầu thả tàu bay đang bị bắt giữ để thi hành án, người yêu cầu thả tàu bay có quyền khiếu nại bằng văn bản với Chánh án Tòa án về quyết định đó. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được khiếu nại về quyết định trả lại đơn yêu cầu thả tàu bay và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phải xem xét và ra một trong các quyết định sau đây: Giữ nguyên quyết định trả lại đơn yêu cầu thả tàu bay; hủy quyết định trả lại đơn yêu cầu thả tàu bay và nhận lại đơn yêu cầu cùng tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành thụ lý đơn yêu cầu thả tàu bay đang bị bắt giữ. Quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án là quyết định cuối cùng và được gửi ngay cho người khiếu nại.
Năm là, quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ để thi hành án và việc giải quyết khiếu nại về quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ để thi hành án: Quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ phải có các nội dung: Ngày, tháng, năm ra quyết định; tên Tòa án ra quyết định; căn cứ pháp luật để Tòa án ra quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ; quốc tịch, số hiệu đăng ký, kiểu loại tàu bay và các đặc điểm khác nếu có của tàu bay được yêu cầu thả; tên, địa chỉ và quốc tịch của chủ sở hữu tàu bay, người thuê tàu bay, người khai thác tàu bay; lý do để thả tàu bay đang bị bắt giữ; các quyết định của Tòa án; cảng vụ hàng không nơi tàu bay bị bắt giữ thực hiện thả tàu bay.
Quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ có hiệu lực thi hành ngay, kể cả trong trường hợp có khiếu nại, kiến nghị. Quyết định thả tàu bay được giao cho Giám đốc Cảng vụ hàng không hoặc Trưởng đại diện Cảng vụ hàng không; gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự, người yêu cầu thả tàu bay, người yêu cầu bắt giữ tàu bay, chủ sở hữu tàu bay, người thuê tàu bay, người khai thác tàu bay, hãng hàng không liên quan; Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao trong trường hợp tàu bay bị bắt giữ có yếu tố nước ngoài.
Điều 46 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay quy định việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại về quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ để thi hành án như sau: Trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ, người yêu cầu bắt giữ tàu bay có quyền khiếu nại bằng văn bản với Chánh án Tòa án về quyết định đó. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được khiếu nại về quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phải xem xét và ra một trong các quyết định sau đây: Giữ nguyên quyết định thả tàu bay; hủy quyết định thả tàu bay. Quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án là quyết định cuối cùng và được gửi ngay cho người khiếu nại.
Ngoài ra, Điều 47 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay quy định việc kiến nghị và giải quyết kiến nghị về quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ để thi hành án như sau: Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị bằng văn bản với Chánh án Tòa án về quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ. Thời hạn kiến nghị là 48 giờ, kể từ thời điểm Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định của Tòa án. Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được kiến nghị về quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ, Chánh án Tòa án phải xem xét và ra một trong các quyết định sau đây: Giữ nguyên quyết định thả tàu bay; hủy quyết định thả tàu bay. Quyết định giải quyết kiến nghị của Chánh án Tòa án là quyết định cuối cùng và được gửi ngay cho Viện kiểm sát.
Với những quy định rõ ràng về thẩm quyền, trình tự thủ tục bắt giữ tàu bay, thả tàu bay đang bị bắt giữ để thi hành án được quy định tại Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay sẽ khắc phục những hạn chế của công tác thi hành án dân sự có đối tượng tài sản thi hành án là tàu bay trong thời gian qua, qua đó, góp phần tích cực vào việc triển khai có hiệu quả Luật Thi hành án dân sự trong thời gian tới.
ThS. Nguyễn Văn Nghĩa
Bộ Tư pháp
Tài liệu tham khảo:
(1) Điều 105 - Giải toả kê biên tài sản
1. Việc giải toả kê biên tài sản được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Đương sự thoả thuận về việc giải toả kê biên tài sản mà không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba;
b) Đương sự đã thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án và các chi phí thi hành án theo quy định của Luật này;
c) Có quyết định của người có thẩm quyền hủy bỏ quyết định kê biên tài sản;
d) Có quyết định đình chỉ thi hành án theo quy định tại Điều 50 của Luật này.
2. Chấp hành viên ra quyết định giải toả kê biên và trả lại tài sản cho người phải thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này.