Hiện nay, pháp luật điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam đã bước đầu tạo điều kiện, là “bước đệm” cần thiết cho hoạt động nhượng quyền thương mại và đem lại lợi ích cho nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề phát sinh trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng nhượng quyền thương mại như: Bên nhượng quyền gây ảnh hưởng đến tính độc lập của bên nhận quyền, đôi khi coi bên nhận quyền là bên yếu thế; các bên không trung thực trong cung cấp thông tin, bên nhượng quyền không thực hiện hết các thỏa thuận, giữa bên nhận quyền sơ cấp và bên nhận quyền thứ cấp hay bên nhận có ý đồ chiếm đoạt bí quyết kinh doanh..., đặc biệt là, do một số quy định pháp luật liên quan còn có vướng mắc, bất cập nên trong nhiều trường hợp, các bên chưa thống nhất cách hiểu, áp dụng pháp luật về hoạt động nhượng quyền thương mại.
1. Một số khó khăn, vướng mắc trong quy định pháp luật về nhượng quyền thương mại
Thứ nhất, việc các doanh nghiệp ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại sẽ giúp cho các doanh nghiệp rất nhiều lợi ích trong việc chiếm lĩnh thị trường nhằm tiết kiệm chi phí kinh doanh, thời gian xây dựng thương hiệu và “đứng vững” trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, Luật Thương mại năm 2005 mới quy định về nhượng quyền thương mại mà chưa đưa ra một định nghĩa chính thức về hợp đồng nhượng quyền thương mại với tư cách là đối tượng của quan hệ nhượng quyền thương mại. Bên cạnh đó, Điều 285 Luật Thương mại năm 2005, với tiêu đề “hợp đồng nhượng quyền thương mại” cũng chỉ quy định về hình thức của hợp đồng nhượng quyền thương mại, theo đó: “Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”. Vậy, có thể hiểu, hợp đồng nhượng quyền thương mại phải có những đặc điểm chung của hợp đồng được quy định ở Bộ luật Dân sự năm 2015; phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp luật dân sự đặt ra đối với một giao dịch dân sự. Đồng thời, hợp đồng nhượng quyền thương mại thể hiện bản chất của giao dịch nhượng quyền thương mại.
Mặc dù Luật Thương mại năm 2005 không đưa ra định nghĩa cụ thể về hợp đồng nhượng quyền thương mại nhưng tại Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại (Nghị định số 35/2006/NĐ-CP) lại đưa ra định nghĩa về các dạng đặc biệt của hợp đồng nhượng quyền thương mại như “Hợp đồng phát triển quyền thương mại” hoặc “Hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp”. Có thể thấy, việc đưa ra định nghĩa cụ thể về những dạng biến thể này là cần thiết. Tuy nhiên, khi giải thích về nghĩa của cả hai biến thể nói trên, các nhà làm luật vẫn sử dụng thuật ngữ “hợp đồng nhượng quyền thương mại” để làm cầu nối.
Việc pháp luật thương mại không đưa ra định nghĩa về hợp đồng nhượng quyền thương mại mà lại dùng chính thuật ngữ này để giải thích cho các thuật ngữ khác có liên quan là chưa đảm bảo tính hệ thống và tính chính xác cần phải có đối với các quy định pháp luật trong bối cảnh hiện nay. Việc không có một khái niệm chính thức, rõ ràng về hợp đồng nhượng quyền thương mại mà lại dùng chính thuật ngữ này để giải thích cho các thuật ngữ khác có liên quan là chưa bảo đảm tính hệ thống và tính chính xác cần phải có đối với các quy định pháp luật trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, sẽ khiến cho việc áp dụng pháp luật trở nên khó khăn, thiếu minh bạch, dễ tùy tiện… bởi hợp đồng nhượng quyền thương mại là loại hợp đồng có nhiều nét tương đồng, dễ gây nhầm lẫn với nhiều loại hợp đồng khác như li-xăng, chuyển giao công nghệ, đại lý…
Thứ hai, nội dung của đối tượng chuyển giao trong quan hệ nhượng quyền theo quy định hiện nay chưa bao hàm đầy đủ các quyền sở hữu trí tuệ, đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ và các yếu tố sở hữu trí tuệ khác cấu thành nên quyền thương mại mà các thương nhân trong hệ thống nhượng quyền chuyển giao cho nhau.
Luật Thương mại năm 2005 và Nghị định số 35/2006/NĐ-CP đều thống nhất bộ phận cấu thành của quyền thương mại bao gồm: Nhãn hiệu; tên thương mại; khẩu hiệu kinh doanh; biểu tượng kinh doanh và quảng cáo của bên nhượng quyền. Trong khi đó, trên thực tế, các bộ phận cấu thành quyền thương mại còn có thể bao gồm các đối tượng khác của các quyền sở hữu trí tuệ như: Kiểu dáng công nghiệp, tác phẩm, vật liệu nhân giống, vật liệu thu hoạch, quy trình, trưng bày…
Thứ ba, cách định nghĩa quyền thương mại trong Nghị định số 35/2006/NĐ-CP chưa minh bạch giữa các yếu tố sở hữu trí tuệ được chuyển giao cấu thành quyền thương mại với việc phân loại các hình thức nhượng quyền thương mại, dễ dẫn đến nhầm lẫn giữa hợp đồng nhượng quyền với các hợp đồng về sở hữu trí tuệ khác. Cụ thể: Điểm a khoản 6 Điều 3 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP định nghĩa quyền thương mại bằng cách nêu ra quyền của bên nhận quyền được kinh doanh bằng một hệ thống gắn liền với các yếu tố sở hữu trí tuệ thuộc sở hữu của bên nhượng quyền. Trong khi đó, các điểm b, c, d khoản 6 Điều này lại quy định về các hình thức nhượng quyền thương mại.
Thứ tư, khái niệm bí quyết kinh doanh chưa được giải thích, quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, chưa được sử dụng thống nhất trong các định nghĩa về quyền thương mại trong Luật Thương mại năm 2005 và Nghị định số 35/2006/NĐ-CP. Theo đó, khoản 1 Điều 284 Luật Thương mại năm 2005 có sử dụng khái niệm bí quyết kinh doanh nhưng định nghĩa về quyền thương mại tại khoản 6 Điều 3 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP không sử dụng khái niệm này. Việc bí quyết kinh doanh không được giải thích và không được sử dụng thống nhất trong các quy định của pháp luật về quyền thương mại có thể khiến cho quyền thương mại - với tư cách là đối tượng của hoạt động nhượng quyền thương mại không được pháp luật bảo vệ một cách đầy đủ, dễ bị xâm phạm và gây ảnh hưởng xấu đến sự tồn tại và phát triển của hoạt động thương mại này.
Thứ năm, Điều 8 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (Nghị định số 08/2018/NĐ-CP) quy định điều kiện đối với bên nhượng quyền như sau: “Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất một năm”. Điều này cũng tăng tính khả thi, bảo đảm quyền lợi cho các thương nhân nhận quyền. Nghị định này cũng quy định hủy bỏ Điều 6 về điều kiện đối với bên nhận quyền, Điều 7 về hàng hóa, dịch vụ được phép kinh doanh nhượng quyền thương mại tại Nghị định số 35/2006/NĐ-CP nhằm nâng cao, mở rộng và bảo đảm quyền chọn cho bên nhận quyền. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có quy định cụ thể đối với bên nhượng quyền là thương nhân nước ngoài, thương nhân Việt Nam nhượng quyền thương mại ra nước ngoài.
Thứ sáu, căn cứ đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại của bên nhận quyền theo quy định của pháp luật thương mại Việt Nam hiện nay chưa thể hiện sự bình đẳng giữa các chủ thể trong quan hệ nhượng quyền khi cho phép: “Bên nhận quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại trong trường hợp Bên nhượng quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 287 Luật Thương mại”. Rõ ràng, với quy định như vậy sẽ rất dễ để bên nhận quyền lạm dụng đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại bất cứ khi nào.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện
Một là, như đã phân tích ở trên, hiện nay, Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản hướng dẫn đều thiếu quy định về khái niệm hợp đồng nhượng quyền thương mại. Vì vậy, cần bổ sung khái niệm cụ thể, phù hợp để hoàn thiện pháp luật về hợp đồng nhượng quyền thương mại nói riêng và pháp luật về nhượng quyền thương mại nói chung. Theo đó, khái niệm hợp đồng nhượng quyền thương mại cần được bổ sung vào Luật Thương mại năm 2005 và làm rõ theo hướng: Đưa ra định nghĩa hợp đồng nhượng quyền thương mại trên cơ sở các quy định của pháp luật về hợp đồng và những đặc trưng cơ bản của hoạt động nhượng quyền thương mại; bên cạnh đó, từ định nghĩa hợp đồng nhượng quyền thương mại, có thể đưa ra sự phân loại một cách trực tiếp hay gián tiếp các loại hợp đồng nhượng quyền thương mại. Đồng thời, cần chỉ ra quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên nhượng quyền sơ cấp, nhận quyền sơ cấp, nhượng quyền thứ cấp, nhận quyền thứ cấp.
Hai là, vì nội dung của đối tượng chuyển giao trong quan hệ nhượng quyền thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay chưa bao hàm đầy đủ các quyền sở hữu trí tuệ, đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ và các yếu tố sở hữu trí tuệ khác cấu thành nên quyền thương mại mà các thương nhân trong hệ thống nhượng quyền chuyển giao cho nhau. Ngược lại, pháp luật Liên minh châu Âu (EU) quy định rất đầy đủ các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ trong vấn đề đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại. Vì vậy, cần bổ sung đầy đủ các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật Việt Nam vào định nghĩa về quyền thương mại trên cơ sở tham chiếu pháp luật EU. Sự bổ sung này là hợp lý, bởi lẽ, nhượng quyền thương mại trong tương lai sẽ còn phát triển, thâm nhập vào rất nhiều lĩnh vực kinh doanh khác mà không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh doanh hàng tiêu dùng. Ở Việt Nam, trên thực tiễn đã xuất hiện hoạt động nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ, nhượng quyền thương mại trong kinh doanh thời trang và còn có thể xuất hiện nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đối tượng của những quan hệ nhượng quyền thương mại này, bao gồm tất cả những loại quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật Việt Nam như: Quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh thời trang, công nghệ; quyền đối với giống cây trồng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Do đó, thiết nghĩ, cần bổ sung tất cả những đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật Việt Nam vào quy định về hoạt động nhượng quyền thương mại tại Điều 284 Luật Thương mại năm 2005 và quy định về định nghĩa quyền thương mại tại điểm a khoản 6 Điều 3 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP theo hướng, quyền thương mại bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các quyền sau đây: Quyền được bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành công việc kinh doanh cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ theo một hệ thống do bên nhượng quyền quy định và được gắn với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ của bên nhượng quyền theo pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Ba là, do cách định nghĩa quyền thương mại trong Nghị định số 35/2006/NĐ-CP đã có sự nhầm lẫn giữa các yếu tố sở hữu trí tuệ được chuyển giao cấu thành quyền thương mại với việc phân loại các hình thức nhượng quyền thương mại. Vì vậy, tác giả đề xuất định nghĩa về quyền thương mại tại khoản 6 Điều 3 của Nghị định này căn cứ vào điểm a và bỏ các quyền khác tại các điểm b, c, d khoản này.
Bốn là, khái niệm bí quyết kinh doanh chưa được sử dụng thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại và chưa được giải thích trong bất kỳ văn bản nào, tác giả đề xuất bổ sung mới khái niệm bí quyết kinh doanh vào Điều 3 về giải thích từ ngữ trong Nghị định số 35/2006/NĐ-CP để thống nhất với khái niệm bí quyết kinh doanh được sử dụng trong quy định về hoạt động nhượng quyền thương mại tại Điều 284 Luật Thương mại năm 2005, cụ thể như sau: “Bí quyết kinh doanh là tập hợp những thông tin hành nghề có tính chất bí mật, quan trọng và xác thực, được đúc kết từ kinh nghiệm và sự thử nghiệm của bên nhượng quyền và không phải là đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật về sở hữu trí tuệ. Bí quyết kinh doanh có thể được xác định theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng nhượng quyền thương mại”. Bên cạnh đó, cũng cần có những quy định cụ thể nhằm bảo đảm quyền lợi bên nhượng quyền trong việc bảo vệ bí quyết kinh doanh, tránh trường hợp bên nhận quyền có ý đồ chiếm đoạt bí quyết kinh doanh.
Năm là, cần quy định cụ thể đối với bên nhượng quyền là thương nhân nước ngoài trong trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP về điều kiện đối với bên nhượng quyền.
Sáu là, cần sửa đổi, quy định theo hướng, sự vi phạm nghĩa vụ của bên nhượng quyền quy định tại Điều 287 Luật Thương mại năm 2005 đến mức độ nào để được coi là căn cứ đơn phương chấm dứt hợp đồng của bên nhận quyền sao cho bảo đảm được tính hợp lý và cân bằng.
Có thể nói, hoạt động nhượng quyền thương mại đã được pháp luật Việt Nam quy định khá cụ thể và chi tiết, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với hình thức kinh doanh này. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, hạn chế cần sửa đổi, bổ sung để pháp luật về hoạt động nhượng quyền thương mại nói chung và hợp đồng nhượng quyền thương mại nói riêng của Việt Nam phù hợp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn và đồng bộ với pháp luật quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế, thương hiệu Việt Nam lớn mạnh, tự tin hội nhập quốc tế.
TS. Lê Minh Thái
Khoa Luật, Đại học Văn Lang
Ảnh: Internet
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 392), tháng 11/2023)