Abstract: The Criminal Code of 2015 (as amended in 2017) possesses new, progressive provisions on infliction of bodily harm upon another person in conformity with viewpoints of the Party and the State on human right protection and requirements of the prevention, fight against crimes in the present time. In order to more clearly understand this group of crimes, the paper studies provisions of Vietnamese criminal law from the feudal time until the time before the Criminal Code of 2015 in effect.
Con người được coi là vốn quý của xã hội, là đối tượng hàng đầu được pháp luật bảo vệ. Bảo vệ con người trước hết là bảo vệ tính mạng, sức khỏe, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và tự do của họ. Pháp luật hình sự Việt Nam qua các thời kỳ đều chú trọng việc bảo vệ con người, đặc biệt nghiêm cấm và có thái độ nghiêm khắc đối với các hành vi xâm phạm sức khoẻ con người.
1. Các quy định pháp luật thời kỳ phong kiến
Bộ luật Hồng Đức được áp dụng phổ biến và chủ yếu thời Lê sơ và các triều đại sau này đến thế kỷ XVIII, gồm 06 quyển, 13 chương và 722 điều luật. Nhóm các tội xâm phạm sức khoẻ con người được quy định tại Quyển thứ tư, chương Đấu ẩu (có 50 điều), gồm các tội: Tội cố ý đánh người (Điều 465, 466, 469... ), tội cùng đánh nhau gây thương tích hoặc chết người (Điều 467, 471…). Bắt gian phu trong đêm tối, đã bắt được rồi mà còn đánh chết, thì xử tội đồ làm chủng điền binh và phải trả một phần ba số tiền đền mạng cho vợ con người bị chết. Nếu người khác thuê mà đánh chết, thì phải tội nặng thêm hai bậc và phải trả một nửa số tiền đền mạng cho vợ con người bị chết. Nếu đánh trọng thương thì xử tội đồ làm khao đinh. Nếu chưa phân phải trái mà lỡ đánh chết ngay tại chỗ, thì không phải tội. Ở Chương Đấu tụng (đánh nhau kiện cáo) có một số quy định như:
- Lăng mạ ông bà cha mẹ thì xử tội lưu châu ngoài; đánh thì xử lưu đi châu xa; đánh bị thương thì xử tội giảo; nếu lầm lỡ mà làm chết, thì xử tội lưu đi châu ngoài; bị thương thì xử tội đồ làm chủng điền binh. Đánh ông bà ngoại thì giảm tội một bậc. Nếu con cháu trái phạm lời dạy dỗ, mà ông bà, cha mẹ đánh chết, thì xử tội đồ làm khao đinh; đánh chết bằng đồ vật có mũi nhọn, thì xử tội đồ làm tượng phường binh; cố ý giết chết thì phải tội thêm một bậc. Nếu ông bà ngoại, mẹ đích, mẹ kế, mẹ nuôi mà đánh chết con cháu, thì xử tội nặng thêm một bậc. Ngộ sát thì đều không phải tội. [475 - Điều 11]
- Vợ cả, vợ lẽ mà lăng mạ ông bà, cha mẹ chồng thì xử tội lưu (cha mẹ chồng thưa kiện mới xử tội); đánh thì xử lưu châu ngoài; đánh bị thương thì xử lưu đi châu xa; đánh chết thì xử tội giảo; ngộ sát thì xử tội đồ làm thung thất tỳ; lỡ đánh bị thương thì xử tội đồ làm xuy thất tỳ. Đánh chửi ông bà, cha mẹ chồng cũ, thì đều bị xử nhẹ hơn một bậc. Đánh vợ của con cháu thành phế tật, thì xử biếm hai tư, nặng nữa thì xử biếm ba tư; đánh chết thì xử tội đồ; cố sát thì xử tội lưu châu ngoài; đánh nàng hầu con cháu thì được giảm 2 bậc; ngộ sát thì không xử tội. Ông bà, cha mẹ chồng cũ mà phạm tội, thì xử tội thêm một bậc. [476 - Điều 12]
- Đánh anh chị cậu dì và ông bà cha mẹ vợ thì xử tội đồ làm khao đinh; đánh bị thương thì xử đồ làm tượng phường binh; đánh bị thương gãy chân tay, thì xử đồ làm chủng điền binh; đánh bằng gươm giáo bị thương gãy chân tay mù mắt, thì xử lưu đi châu xa; đánh chết thì xử chém. Lăng mạ những người nói trên, thì xử biếm hai tư; ngộ sát thì xử đồ làm chủng điền binh; lầm lỡ làm bị thương, thì đồ làm khao đinh. Đối với bác, chú, thím, cô đều xử nặng hơn một bậc. Đánh chết em trai, em gái, cùng là con cháu gái, con rể con cháu của anh em, thì xử đồ làm chủng điền binh; đánh chết bằng đồ nhọn sắc và cố ý giết thì xử tội lưu đi châu ngoài; ngộ sát thì không phải tội; đánh vợ của anh thì xử nặng hơn tội đánh người thường một bậc. [477 - Điều 13]
- Đánh anh chị hàng ty ma thì phải biếm một tư, hàng tiểu công, đại công, thì tăng tội từng bậc một. Đánh bậc tôn trưởng lại thêm tội một bậc; đánh trọng thương thì xử nặng hơn tội đánh bị thương người thường một bậc; đánh chết thì phải tội chém. Bậc tôn trưởng đánh bị thương những con cháu bậc dưới từ hàng ty ma thì xử nhẹ hơn đánh người thường một bậc; hàng tiểu công, đại công đều kém dần từng bậc một. Đánh chết thì xử tội giảo; đánh chết không phải bằng mũi nhọn và không phải cố ý giết thì xử tội lưu đi châu xa. [478 - Điều 14]
- Nô tỳ đánh chủ nhà thì xử tội giảo; đánh què, bị thương thì phải tội chém; ngộ sát thì phải lưu đi châu xa; lỡ làm bị thương thì lưu đi châu ngoài; lăng mạ thì lưu đi châu gần. Đánh chửi ông bà, cha mẹ chủ thì phải xử cùng một tội; đánh mắng ông bà ngoại cùng hàng cơ thân của chủ thì đều xử nhẹ hơn một bậc; đánh bị thương thì xử tội giảo. Đánh chửi họ chủ từ hàng ty ma thì xử nặng hơn đánh mắng người thường hai bậc; hàng tiểu công, đại công, thì tăng dần lên từng bậc một; đánh chết thì đều phải chém. Người cầm cố mà đánh mắng chủ cầm, thì đều xử nhẹ hơn tội nô tỳ một bậc và đòi tiền cầm trả cho chủ. [480 - Điều 16]
- Chồng đánh vợ bị thương, thì xử nhẹ hơn tội đánh bị thương người thường ba bậc; nếu đánh chết thì xử nhẹ hơn tội đánh giết người ba bậc; tiền đền mạng được bớt ba phần. Cố ý giết vợ thì được giảm tội một bậc; nếu có tội mà chồng đánh không may đến chết, thì sẽ xử khác. Đánh vợ lẽ bị thương, què trở lên thì đều xử nhẹ hơn tội đánh vợ hai bậc; nếu vợ cả đánh bị thương, đánh chết vợ lẽ xử tội như chồng đánh vợ (đều phải có vợ cả, vợ lẽ cáo quan thì mới bắt tội, nếu bị chết thì người khác được cáo quan. Đánh chết vợ là bất mục). Nếu ngộ sát thì không phải tội. [482 - Điều 18]
- Nô tỳ đánh chủ cũ, thì xử lưu đi châu gần; đánh bị thương què, thì xử lưu đi châu xa; đánh chết thì xử chém. Lăng mạ thì xử tội đồ làm tượng phường binh. Lầm lỡ giết chết hay đánh bị thương thì xử theo tội giết hay đánh bị thương người thường. Nếu chủ cũ đánh những nô tỳ cũ từ bị thương què gãy trở lên, thì xử nhẹ hơn tội đành người bị thương bốn bậc. Ngộ sát thì không phải tội. [486 - Điều 22]
- Người trông nom công dịch mà đánh người phục dịch đến chết, thì xử tội đồ, và phải phạt một nửa số tiền đền mạng; ngộ sát, thì chỉ phải đền tiền mai táng 20 quan. Nếu vì oán thù riêng mà mượn cớ việc công để đánh chết người, thì xử theo tội đánh giết người. [494 - Điều 30]
- Những việc lầm lỡ làm người bị thương hay chết, đều xét theo tình trạng sự việc mà giảm tội (nghĩa là việc xảy ra ngoài sức người, tai mắt không kịp nhận thấy, không kịp nghĩ tới, hay vì vật nặng, sức người không chống nổi; hoặc trèo lên trên cao, tới chỗ nguy hiểm, săn bắt cầm thù, để đến nối thành ra sát thương người đều là việc lầm lỡ). [499 - Điều 35]
Năm 1815, Bộ luật Gia Long (Hoàng Việt luật lệ) được công bố, gồm 398 điều, chia thành 22 quyển. Trong Bộ luật này các tội xâm phạm sức khỏe con người được quy định tại Quyển 15 phần “Đấu ẩu” (đánh lộn), từ Điều 1 đến Điều 22 được sắp xếp thành nhóm căn cứ vào khách thể loại, bao gồm các tội: Đánh ẩu (đánh lộn); cung nội phẩn tranh (nổi giận trong cung); tôn thất than bị ẩu (Hoàng tôn thân trong tôn thất bị đánh); ẩu chế sứ cập bản quản trưởng quan (đánh sứ nhà vua và đánh trưởng quan cai quản); tá chức thống thuộc ẩu trưởng quan (quan phó dưới quyền đánh trưởng quan); thượng ti quan dữ thống thuộc quan tương ẩu (quan thượng ti và quan dưới quyền cùng đánh nhau); cửu phẩm dĩ thượng quan ẩu trưởng quan (quan cửu phẩm trở lên đánh trưởng quan); cự ẩu trị nhiếp nhân (chống cự, đánh người đến thu thuế); ẩu thụ nghiệp thu (đánh thầy dạy mình); uy lực phế phược nhân (dùng oai lực áp chế trói người); lương tiện tương ẩu (kẻ lành, kẻ hèn cùng đánh nhau); nô tì ẩu gia trưởng (nô tì đánh gia trưởng); đồng tính thân thuộc tương ẩu (thân thuộc cùng họ đánh nhau); thê thiếp ẩu phu (thê thiếp đánh chồng); ẩu đại công dĩ hạ tôn trưởng (đánh hàng đại công xuống đến công trưởng); ẩu kỳ than tôn trưởng (đánh hàng kì than tôn trưởng); ẩu tổ phụ mẫu, phụ mẫu (đánh ông bà, cha mẹ); thê thiếp dữ phu than thuộc tương ẩu (thê thiếp cùng đánh lộn với than thuộc bên chồng); ẩu thê tiền phu chi tử (đánh con chồng trước của vợ); thê thiếp ẩu cố phu phụ mẫu (thê thiếp đánh cha mẹ của chồng đã chết và Tổ phụ bị ẩu (ông bà bị đánh)…
Mỗi điều luật trong Bộ luật này thường quy định nhiều tội phạm khác nhau và tuy không xâm phạm cùng khách thể nhưng chúng lại có mối liên hệ chặt chẽ với nhau nên rất thuận lợi cho việc xét xử. Đường lối xử lý cũng có nhiều tiến bộ, thể hiện ở việc quy định nhiều loại và mức hình phạt khác nhau phù hợp với nhân than người phạm tội, vai trò của người đồng phạm... mức thấp nhất là hai mươi roi, cao nhất là chém. Ngoài ra còn có các hình phạt bổ sung và các biện pháp cưỡng chế khác.
2. Quy định ở các thời kỳ trước khi ban hành Bộ luật Hình sự năm 1985
Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền nhân dân non trẻ mới được thành lập phải đối mặt với những khó khăn vật chất. Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho việc trấn áp tội phạm bằng các sắc lệnh trên nhiều lĩnh vực. Với quan điểm lịch sử cụ thể, Nhà nước đã chập nhận sử dụng luật lệ của chế độ cũ. Sắc lệnh số 47/SL ngày 10/10/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cho phép thi hành một số luật lệ của chế độ cũ nhưng không trái với nền độc lập của nước Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hòa. Trong đó có Bộ “Luật Hình An Nam” ban bố tại Bắc bộ Dụ ngày 25/8/1921 và Nghị định của nguyên Toàn quyền Đông Dương ngày 02/12/1921 cùng những Dụ và nghị định sửa đổi bộ luật ấy sẽ thi hành trong toàn cõi Bắc bộ kể cả Hà Nội và Hải Phòng; Bộ “Hoàng Việt Hình Luật” ban bố tại Trung bộ, Dụ ngày 03/7/1933 và nghị định của nguyên Toàn quyền Đông Dương ngày 04/7/1933 cũng những Dụ và nghị định sửa đổi Bộ luật ấy sẽ thi hành trong toàn cõi Trung bộ kể cả Đà Nẵng; Bộ Hình luật pháp tu chỉnh được ban hành ngày 31/12/1912 cùng những sắc lệnh sửa đổi sắc lệnh ấy vẫn thi hành ở Nam bộ.
Sau khi miền Bắc giải phóng, các tội xâm phạm sức khỏe con người được quy định tại Thông tư số 442-TTg ngày 19/01/1955 của Thủ tướng Chính phủ chính thức quy định tội cố ý gây thương tích. Điểm 3 của Thông tư có quy định: “Đánh bị thương phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm”; “đánh bị thương có tổ chức hay gây thành cố tật, hay gây chết người có thể phạt đến 20 năm. Điều này thể hiện bước tiến bộ về kỹ thuật lập pháp hình sự của nước ta.
Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, để đảm bảo an ninh trật tự và đáp ứng yêu cầu của tình hình nhiệm vụ mới, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ban hành Sắc luật số 03-SL/76 ngày 15/3/1976 quy định về tội phạm và hình phạt với 07 loại tội phạm, trong đó có quy định về các tội xâm phạm sức khoẻ con người. Cũng giai đoạn này, thông qua tổng kết công tác hàng năm và tổng kết chuyên đề về các nhóm tội, Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn pháp luật cho các Tòa án các cấp trong cả nước như Chỉ thị số 07-TANDTC/CT ngày 22/12/1983 về việc xét xử các hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác do vuợt quá phòng vệ chính đáng...
3. Các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1985
Ngày 27/6/1985, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VII, kỳ họp thứ 9 thông qua Bộ luật Hình sự đầu tiên của Việt Nam, đặt dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện quy phạm pháp luật về hình sự nói chung và quy phạm pháp luật về các tội xâm phạm sức khoẻ nói riêng.
Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người đã được quy định tại Chương II ngay sau chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Điều này, minh chứng cho sự coi trọng của Nhà nước ta đối với quyền được bảo hộ về sức khỏe của công dân. Các tội xâm phạm sức khoẻ gồm 03 điều, gồm các tội: Tội xâm phạm tính mạng hoặc sức khoẻ của người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 103); tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác (Điều 109); tội vô ý gây thương tích nặng hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác (Điều 110 ). Hình phạt và trong mỗi khung thì có mức hình phạt tương ứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, trong đó, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là 20 năm tù.
Bộ luật Hình sự năm 1985 được sửa đổi, bổ sung 4 lần (vào tháng 12/1989; tháng 8/1991; tháng 12/1992 và tháng 5/1997), trong đó, các tội xâm phạm sức khoẻ con người được sửa đổi, bổ sung hai lần, gồm: Lần thứ nhất ngày 28/12/1989, sửa đổi, bổ sung về tội cố ý gây thương tích (Điều 109), bổ sung thêm một trường hợp tăng nặng trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 109 là: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người; lần thứ hai ngày 12/8/1991, đã sửa đổi, bổ sung tội xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 103), cụ thể là tại khoản 1 cụm từ “sử dụng vũ khí” được thay thế bằng cụm từ “dùng vũ lực”; “phạm tội làm chết nhiều người” được sửa đổi, bổ sung là “phạm tội làm chết nhiều người hoặc trong trường hợp nghiêm trọng khác”. Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm giải quyết các trường hợp xảy ra trong thực tiễn làm chết nhiều người, làm bị thương nhiều người, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước do hành vi phạm tội gây ra.
4. Các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999
So với Bộ luật Hình sự năm 1985 thì Bộ luật Hình sự năm 1999 đã tách một số điều, quy định thành những tội danh mới với những hình phạt tương ứng mức độ hành vi nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Việc tách này là cụ thể hóa chính sách hình sự, có lợi cho người phạm tội và đảm bảo sự công bằng, Các tội xâm phạm sức khoẻ con người gồm 06 điều, cụ thể là:
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 109 Bộ luật Hình sự năm 1985 được tách thành 03 tội và được quy định thành ba điều luật khác nhau: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104); Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 105), Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 106).
Tội xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người trong khi thi hành công vụ (Điều 103 Bộ luật Hình sự năm 1985) được chia thành hai tội: Tội là chết người trong khi thi hành công vụ (Điều 97) và tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 107).
Tội vô ý gây thương tích nặng và gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 110 Bộ luật Hình sự năm 1985) được tách thành hai tội: Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác (Điều 108) và tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 109).
Việc tách các tội danh như trên là biểu hiện của sự phân hoá trách nhiệm hình sự trong luật đồng thời cũng tạo điều kiện về mặt kỹ thuật để có thể tiếp tục phân hoá trách nhiệm hình sự qua việc quy định các khung hình phạt khác nhau. Cụ thể, khi chỉ là trường hợp tăng nặng hoặc giảm nhẹ định khung, các nhà làm luật khó có thể xây dựng được các khung hình phạt khác nhau cho trường hợp đó. Khi đã được tách thành tội riêng thì có thể dễ dàng xây dựng được nhiều khung hình phạt khác nhau, kể cả khung tăng nặng cũng như khung giảm nhẹ. Thêm tình tiết định khung mới là “phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê”, quy định tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 104), những tình tiết này có thể được quy định ở một tội danh hoặc ở nhiều tội danh khác nhau của nhóm tội này.
Cho đến nay, Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã được ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Bộ luật này đã đánh dấu một bước tiến mới trong kỹ thuật lập pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập cũng như phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước sau Hiến pháp năm 2013, đặc biệt liên quan đến các quy định về các tội xâm phạm sức khỏe con người. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã thay đổi vị trí của chương (từ Chương XII, nay quy định tại Chương XIV), tội phạm hóa một số trường hợp phạm tội và sửa đổi một số dấu hiệu định khung, sửa đổi quy định về hình phạt phù hợp với quan điểm của Đảng, nhà nước trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ quyền con người.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương