1. Về phạm vi hòa giải vụ án dân sự
Cũng giống như Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không liệt kê những vụ việc phải tiến hành hòa giải mà quy định theo phương pháp loại trừ. Theo đó, phạm vi hòa giải vụ án dân sự rất rộng, đó là những tranh chấp được quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được theo quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
1.1. Những vụ án dân sự không được hòa giải
Theo Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, những vụ án không được hòa giải bao gồm: Yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước và những vụ án dân sự phát sinh từ giao dịch trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, đối với yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước thì không được hòa giải, nhằm phòng ngừa trường hợp lợi dụng việc hòa giải để thỏa thuận, thương lượng gây thiệt hại, thất thoát tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định về hình thức sở hữu nhà nước mà thay bằng hình thức sở hữu toàn dân (Điều 197 Bộ luật Dân sự năm 2015). Như vậy, về phạm vi những vụ án dân sự không được hòa giải không phù hợp với quy định tại Điều 197 Bộ luật Dân sự năm 2015 về hình thức sở hữu, thì Điều 206 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cần được hướng dẫn cho phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến tài sản thuộc sở hữu toàn dân là trường hợp tài sản thuộc sở hữu toàn dân bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật, do hợp đồng vô hiệu, do vi phạm nghĩa vụ dân sự… gây ra và người được giao quản lý, sử dụng có yêu cầu đòi bồi thường. Do đó, theo tác giả, khi hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về vấn đề này cần phân biệt các trường hợp sau:
- Trường hợp tài sản thuộc sở hữu toàn dân được đầu tư vào doanh nghiệp thì Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp phải có quyền tự chủ, tự quyết định tài sản của doanh nghiệp mình, việc hạn chế không được hòa giải khi có tranh chấp xảy ra trong trường hợp này hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp năm 2014. Do đó, theo tác giả, trong trường hợp này, Tòa án vẫn tiến hành hòa giải để các bên đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
- Trường hợp thuộc sở hữu toàn dân được giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, thì Nhà nước thực hiện quyền kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản đó. Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân thực hiện việc quản lý, sử dụng đúng mục đích theo quy định của pháp luật đối với tài sản được Nhà nước giao. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện việc quản lý, sử dụng tài sản được Nhà nước giao đúng mục đích, phạm vi, theo cách thức, trình tự do pháp luật quy định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được quy định trong điều lệ.
Theo Điều 1 Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 thì tài sản nhà nước giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang quản lý, sử dụng là tài sản nhà nước tại các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Đồng thời, theo các điều 14, 15, 21, 22, 23, 30, 34, 37 của Luật này thì việc định đoạt tài sản được Nhà nước giao của các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thông qua cơ quan có thẩm quyền như Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu các cơ quan khác ở trung ương quyết định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao tài sản nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Như vậy, trong trường hợp này, cơ quan, tổ chức được giao tài sản để sử dụng nhưng Nhà nước thực hiện quyền sở hữu thông qua cơ quan có thẩm quyền thì Tòa án không được hòa giải vì việc hòa giải có thể làm thiệt hại đến tài sản nhà nước.
1.2. Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được
Đó là những vụ án pháp luật quy định phải hòa giải nhưng thực tế có những trở ngại khách quan dẫn đến việc không hòa giải được. So với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 bổ sung thêm trường hợp: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì vụ án không tiến hành hòa giải được (khoản 1 Điều 207). Việc bổ sung này là cần thiết, phù hợp với thực tế, bởi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người không khởi kiện, không bị kiện nhưng họ có quyền hoặc nghĩa vụ liên quan đến vụ án dân sự. Tuy nhiên, quy định này lại chưa thật sự hợp lý, bởi lẽ, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự bao gồm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập là người tham gia tố tụng đứng về phía nguyên đơn hoặc bị đơn, họ không đưa ra yêu cầu độc lập nên Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà họ vẫn cố tình vắng mặt thì thuộc trường hợp vụ án không tiến hành hòa giải được là hợp lý. Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình, họ có thể chống lại cả nguyên đơn và bị đơn. Bản chất của vụ án có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là Tòa án đã nhập yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết trong cùng một vụ án. Do đó, Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà họ vẫn cố tình vắng mặt thì phải coi như họ đã từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc có người đại diện hợp pháp tham gia. Giải quyết vấn đề theo hướng này là phù hợp với điểm đ khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Mặt khác, quy định tại khoản 1 Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chưa phù hợp với khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự phải có mặt tại phiên Tòa, nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng thì hoãn phiên Tòa, còn nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì trong trường hợp bị đơn vắng mặt, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt. Như vậy, để bảo đảm sự tương thích với khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, theo tác giả, nghị quyết hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cần hướng dẫn rõ khoản 1 Điều 207 như sau: Tòa án đã triệu tập hợp lệ bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập lần thứ hai mà vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng.
Đối với trường hợp đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự, Tòa án cũng không tiến hành hòa giải được. Bởi hòa giải là sự thỏa thuận của chính các đương sự cho nên khi một bên đương sự mất năng lực hành vi dân sự mà ly hôn là quan hệ gắn liền với nhân thân của đương sự đó thì sẽ không thể hòa giải được. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 bổ sung thêm trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ. Việc bổ sung này là hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay. Vì vậy, để tương thích với Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cần bổ sung thêm trường hợp đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 còn bổ sung thêm trường hợp không hòa giải được là một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải. Trước đây, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), khi đương sự không muốn tham gia hòa giải thì Tòa án vẫn phải triệu tập đương sự đến lần thứ hai, nếu họ vắng mặt thì mới được đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, dẫn đến thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài. Vì vậy, việc bổ sung trường hợp không hòa giải được này là hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tế, hạn chế việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
2. Về phiên hòa giải và thời hạn ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong trường hợp có đương sự vắng mặt khi hòa giải
Nhằm cụ thể hóa quy định tại khoản 5 Điều 103 của Hiến pháp năm 2013 về “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử[1], đồng thời quy định về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ[2]. Việc bổ sung nội dung này đã phần nào khắc phục được những hạn chế, bất cập của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) và phù hợp với pháp luật tố tụng dân sự của nhiều nước trên thế giới, nhằm bảo đảm tốt hơn các điều kiện cần thiết để thực hiện tranh tụng. Song, khác với pháp luật của các nước trên thế giới, phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 được tiến hành cùng với phiên hòa giải. Quy định này có ưu điểm là tránh lặp lại nội dung của phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và phiên hòa giải, giúp cho đương sự không phải đến Tòa án nhiều lần, tiết kiệm chi phí tố tụng cho cả Tòa án và đương sự.
Để bảo đảm sự có mặt của các đương sự khi tiến hành hòa giải, Tòa án phải triệu tập các đương sự hoặc người đại diện của họ tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Trong vụ án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp và việc tiến hành phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thẩm phán tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì thẩm phán phải hoãn phiên họp. Thẩm phán phải thông báo việc hoãn phiên họp và việc mở lại phiên họp cho đương sự. Theo quy định của điều luật này thì thẩm phán chỉ được tiến hành hòa giải vắng mặt đương sự khi thỏa mãn cả hai điều kiện: Các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành hòa giải và việc hòa giải đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Vấn đề đặt ra là như thế nào được coi là “việc hòa giải không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt”? Nếu trong vụ án có nhiều quan hệ pháp luật mà quan hệ pháp luật này liên quan đến đương sự này, quan hệ pháp luật kia liên quan đến đương sự khác và việc giải quyết quan hệ pháp luật đó chỉ liên quan đến các đương sự có mặt không liên quan đến các đương sự vắng mặt thì thẩm phán tiến hành hòa giải những vấn đề có liên quan đến các đương sự có mặt. Đối với trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề chuyển giao nghĩa vụ mà đương sự vắng mặt là người có quyền thì phải tuân thủ quy định về chuyển giao nghĩa vụ. Theo quy định của Điều 370 Bộ luật Dân sự năm 2015 về chuyển giao nghĩa vụ thì bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ. Vì vậy, nếu đương sự vắng mặt khi hòa giải là đương sự có quyền thì dù các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự thì thỏa thuận đó vẫn phải có sự đồng ý của người có quyền.
Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm tốt hơn việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã bổ sung thành phần tham gia hòa giải bao gồm cả người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có) nên Tòa án phải triệu tập họ tham gia việc hòa giải. Quy định này đã bảo đảm sự tương thích với khoản 3 Điều 76 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng chưa quy định về hậu quả pháp lý nếu họ vắng mặt khi được Tòa án triệu tập hợp lệ tham gia phiên hòa giải, do đó, nghị quyết hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự cần hướng dẫn rõ về trường hợp này như nếu họ vắng mặt, phiên hòa giải vẫn được tiến hành bình thường.
Để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cũng như để đảm bảo cho việc xác định chứng cứ được khách quan, trong trường hợp cần thiết, thẩm phán yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan tham gia phiên họp. Đây là quy định mới của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 so với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Ngoài ra, theo tác giả, đối với tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, thẩm phán có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân nơi có đất tham gia phiên họp. Tuy nhiên, để tránh việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án, nghị quyết hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nên quy định, nếu đại diện Ủy ban nhân dân vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.
So với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), thủ tục phiên hòa giải, biên bản hòa giải được quy định chi tiết, cụ thể hơn trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy vậy, các nhà làm luật lại không quy định giá trị pháp lý của biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trong trường hợp các đương sự không thỏa thuận được với nhau về giải quyết vụ án là điểm hạn chế rất đáng tiếc của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Mục đích của phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải nhằm xác định và chốt lại yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết; tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác; bổ sung tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên Tòa. Do đó, về nguyên tắc, sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cuối cùng các đương sự không có quyền cung cấp chứng cứ, không có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu. Song, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tại phiên Tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử vẫn chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu. Như vậy, sau khi kết thúc phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cuối cùng nhưng trước khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm mà các đương sự mới thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ và việc thay đổi, bổ sung này là vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập đã được xác định tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án có chấp nhận không? Đây là vấn đề mà Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chưa quy định cụ thể nên cần được hướng dẫn theo hướng, sau khi kết thúc phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cuối cùng, các đương sự không có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu, nếu việc thay đổi, bổ sung này là vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập đã được xác định tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cuối cùng.
Trong trường hợp vụ án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp nhưng trường hợp thỏa thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị và được thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản. Tuy nhiên, thời hạn lấy ý kiến của đương sự vắng mặt trong trường hợp này chưa được khoản 3 Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định dẫn đến có các cách hiểu và áp dụng khác nhau. Do đó, cần quy định thời hạn và phương thức lấy ý kiến của đương sự vắng mặt trong trường hợp này, có thể tối đa là 15 ngày, kể từ ngày các đương sự có mặt tại phiên hòa giải thỏa thuận được với nhau về giải quyết vụ án. Đối với trường hợp đương sự vắng mặt ở nước ngoài thì thời hạn lấy ý kiến của đương sự vắng mặt được thực hiện theo thủ tục ủy thác tư pháp sẽ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt. Mặt khác, tiếp thu điểm hợp lý, phù hợp với thực tế của Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2011)[3], cần hướng dẫn khoản 3 Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 theo hướng, ngày Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong trường hợp này là 07 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến đồng ý bằng văn bản của đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Xem Điều 24 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[2]. Xem các quy định từ Điều 208 đến Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[3]. Khoản 3 Điều 17 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn khoản 3 Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) như sau: Trường hợp trước khi tiến hành hòa giải đương sự vắng mặt đã có ý kiến bằng văn bản nhưng sau khi kết thúc phiên hòa giải, nội dung hòa giải của các đương sự có mặt khác với nội dung văn bản thể hiện ý chí của đương sự vắng mặt, thì Tòa án phải lấy ý kiến bằng văn bản của đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải về thỏa thuận của các đương sự tại phiên hòa giải. Thủ tục và thời hạn lấy ý kiến bằng văn bản của đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Trường hợp đương sự đồng ý với kết quả hòa giải thì ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải được xác định là ngày các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án.