1. Khái niệm kết hôn trái pháp luật
Khoản 6 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này”. So với quy định trước đây, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 bổ sung cụm từ “tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền” nên việc kết hôn sẽ không thuộc khái niệm kết hôn trái pháp luật nếu việc kết hôn đó được đăng ký tại cơ quan không có thẩm quyền. Quy định kết hôn trái pháp luật nhằm phân định thẩm quyền giải quyết vi phạm quy định về kết hôn theo hướng nếu việc kết hôn chỉ vi phạm quy định về thẩm quyền đăng ký thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan đăng ký hộ tịch, những vi phạm khác về kết hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án[2]. Theo quy định, việc kết hôn trái pháp luật sẽ bị hủy khi có yêu cầu của chủ thể có quyền và theo quyết định của Tòa án.
Khác với Luật Hôn nhân và gia đình của Việt Nam, Bộ luật Dân sự Pháp không đưa ra định nghĩa về kết hôn trái pháp luật mà chỉ quy định cụ thể về giải quyết yêu cầu hủy hôn nhân từ Điều 180 đến Điều 202. Do đó, có thể hiểu rằng, theo pháp luật Pháp, kết hôn trái pháp luật là việc kết hôn không tuân thủ các quy định về kết hôn, bao gồm quy định về điều kiện kết hôn và quy định về đăng ký kết hôn. Việc kết hôn sẽ bị hủy theo quyết định của Tòa án trên cơ sở yêu cầu của những chủ thể có quyền theo quy định của luật trong từng trường hợp.
2. Căn cứ hủy việc kết hôn trái pháp luật
2.1. So sánh pháp luật của Pháp và pháp luật của Việt Nam
Giống như pháp luật của các nước châu Âu, pháp luật của Pháp quy định về hủy hôn nhân trên cơ sở quy định chung về hủy hợp đồng nên có sự phân chia thành hai trường hợp: Hôn nhân vô hiệu tương đối và hôn nhân vô hiệu tuyệt đối. Tinh thần chung là, nếu có căn cứ về việc kết hôn trái pháp luật thì Tòa án cần phải tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Tuy nhiên, với quan điểm “che chở cho hôn nhân”, pháp luật về gia đình của Pháp quy định về hủy hôn nhân theo hướng hẹp hơn so với quy định của luật chung về hủy hợp đồng. Theo đó, không phải tất cả các trường hợp kết hôn trái pháp luật đều dẫn đến việc hủy bỏ hôn nhân[3].
Hôn nhân sẽ vô hiệu tương đối trong hai trường hợp: (i) Người kết hôn bị cưỡng ép hoặc bị nhầm lẫn (không có sự tự nguyện); (ii) Người chưa thành niên được miễn điều kiện về tuổi kết hôn nhưng không có sự đồng ý của những người theo quy định của Bộ luật Dân sự. Đối với trường hợp (i), chỉ có bên bị cưỡng ép, bị nhầm lẫn hoặc Viện Công tố mới có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hôn nhân vô hiệu[4]. Quy định Viện Công tố có quyền yêu cầu việc hủy việc kết hôn xuất phát từ yêu cầu đấu tranh chống lại hành vi cưỡng ép kết hôn. Đối với trường hợp (ii), người có quyền yêu cầu tuyên bố hôn nhân vô hiệu gồm: Những người mà theo quy định của Bộ luật Dân sự phải có sự đồng ý của họ (cha mẹ, ông, bà…) và vợ hoặc chồng mà khi kết hôn chưa đủ 18 tuổi[5]. Tuy nhiên, những người này không có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn nếu họ đã tán thành việc kết hôn một cách rõ ràng hay ngầm định hoặc trong thời hạn 05 năm, kể từ khi biết việc kết hôn mà người này không yêu cầu hủy việc kết hôn; vợ/chồng không còn quyền yêu cầu hủy hôn nhân nếu trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày người này đủ 18 tuổi mà người này không có yêu cầu hủy việc kết hôn[6].
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu hủy hôn nhân đã thay đổi kể từ Luật số 2008-561 ngày 17/6/2008. Đối với trường hợp hôn nhân vô hiệu tương đối, người bị cưỡng ép kết hôn hoặc có sự nhầm lẫn chỉ có thể yêu cầu hủy hôn nhân trong thời hạn 05 năm, kể từ khi kết hôn[7]. Đối với trường hợp kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi, thời hiệu khởi kiện cũng là 05 năm như đã nêu ở đoạn trên.
Hôn nhân bị xác định vô hiệu tuyệt đối khi sự vi phạm có tính chất nghiêm trọng, xâm phạm trật tự công. Đó là 05 trường hợp: (i) Kết hôn khi chưa đủ tuổi kết hôn mà không thuộc trường hợp được miễn tuổi (Điều 144, Điều 145); (ii) Người kết hôn mất hoàn toàn khả năng nhận thức (Điều 146)[8]; (iii) Việc kết hôn trái với nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng (Điều 147); (iv) Kết hôn giữa những người có quan hệ gần mà luật cấm kết hôn (các điều 161, 162, 163); (v) Vi phạm quy định về đăng ký kết hôn, gồm: Khi đăng ký kết hôn không có mặt của người kết hôn (Điều 146-1), không công bố dự định kết hôn trước khi cử hành hôn lễ, người cử hành hôn lễ không đúng thẩm quyền (Điều 191)[9].
Việc xử lý đối với các trường hợp hôn nhân vô hiệu tuyệt đối được quy định rất nghiêm khắc do quan điểm cần bảo vệ trật tự công. Điều 184 Bộ luật Dân sự Pháp quy định: “Tất cả những cuộc hôn nhân được xác lập mà vi phạm quy định tại các điều 144, 146, 146-1, 147, 161, 162 và 163 đều có thể bị yêu cầu hủy trong thời hạn 30 năm kể từ khi cử hành hôn lễ theo yêu cầu của chính vợ chồng, người có lợi ích liên quan hoặc Viện công tố”. Theo đó, việc giải quyết các trường hợp hôn nhân vô hiệu tuyệt đối không thể có ngoại lệ, kể cả khi Tòa án giải quyết mà người kết hôn đã đủ tuổi kết hôn (trường hợp kết hôn khi chưa đủ tuổi) hoặc quan hệ hôn nhân thứ nhất đã chấm dứt (trường hợp kết hôn khi đang có vợ, có chồng)[10].
Phạm vi chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hôn nhân vô hiệu trong trường hợp này khá rộng, gồm: Vợ, chồng; vợ hoặc chồng của người kết hôn với người khác trong trường hợp kết hôn vi phạm nguyên tắc đơn hôn; những người có quyền và lợi ích liên quan và Viện Công tố[11]. Về thời hiệu, từ năm 2008, Điều 184 Bộ luật Dân sự quy định thời hạn yêu cầu Tòa án tuyên bố hôn nhân vô hiệu là 30 năm kể từ ngày cử hành hôn lễ. Do tính chất nghiêm trọng của sự vi phạm nên luật của Pháp đã định ra một thời hiệu khởi kiện rất dài và như vậy, nguy cơ hôn nhân bị tuyên bố vô hiệu luôn hiện hữu.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 của Việt Nam không có quy định về hôn nhân vô hiệu tương đối và tuyệt đối như pháp luật của Pháp nhưng cũng có những sự phân biệt trong việc giải quyết việc kết hôn trái pháp luật đối với những dạng vi phạm khác nhau. Điều 11 Luật này quy định: “Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó”[12]. Theo đó, việc kết hôn mặc dù là trái pháp luật nhưng nó chỉ bị hủy nếu ở một trong hai trường hợp: (i) Tại thời điểm Tòa án giải quyết, các bên kết hôn vẫn chưa đủ điều kiện kết hôn; (ii) Hai người kết hôn không yêu cầu công nhận hôn nhân của họ. Quy định của pháp luật Việt Nam về hủy việc kết hôn trái pháp luật tạo ra nhiều ngoại lệ, nhất là đối với trường hợp kết hôn khi chưa đủ tuổi kết hôn hoặc kết hôn khi đang có vợ, có chồng. Điều này thể hiện quan điểm linh hoạt, mềm dẻo của pháp luật Việt Nam mà đã được thực hiện từ trước, trong thực tiễn xét xử của các Tòa án[13]. Đây là quan điểm khác biệt so với pháp luật của Pháp. Tuy nhiên, đối với các trường hợp kết hôn giả tạo hoặc giữa những người có quan hệ gần mà Luật Hôn nhân và gia đình cấm kết hôn thì việc giải quyết không thể có ngoại lệ, việc kết hôn trái pháp luật trong các trường hợp này phải bị hủy[14].
Về chủ thể có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có nhiều quy định giống như Bộ luật Dân sự Pháp trong việc phân biệt theo hai trường hợp. Đối với trường hợp kết hôn có sự cưỡng ép hoặc lừa dối kết hôn thì chỉ có người bị cưỡng ép, bị lừa dối mới có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn. Các chủ thể có quyền yêu cầu đối với trường hợp vi phạm điều kiện kết hôn khác gồm: Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật; cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ (khoản 2 Điều 10). Tuy nhiên, khác với pháp luật Pháp, pháp luật Việt Nam không quy định về thời hiệu yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật. Các chủ thể nêu trên có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật vào bất cứ thời điểm nào[15].
2.2. Đề xuất hoàn thiện pháp luật Việt Nam
Thứ nhất, quy định về xử lý việc kết hôn trái pháp luật trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 của Việt Nam thể hiện tính mềm dẻo, linh hoạt. Tuy nhiên, điều này dẫn đến khả năng người kết hôn không tuân thủ quy định về điều kiện kết hôn. Từ kinh nghiệm pháp luật của Pháp và trong điều kiện xã hội của Việt Nam, pháp luật Việt Nam cần sửa đổi theo hướng quy định chặt chẽ hơn về xử lý các trường hợp kết hôn trái pháp luật. Luật Hôn nhân và gia đình chỉ nên quy định một ngoại lệ cho phép Tòa án công nhận hôn nhân trong trường hợp cưỡng ép hoặc lừa dối kết hôn với điều kiện hai bên sau khi kết hôn đã có quá trình chung sống bình thường như một quan hệ vợ chồng trong thời gian từ 06 tháng trở lên; trong trường hợp này chỉ cần một bên kết hôn đề nghị Tòa án công nhận hôn nhân.
Thứ hai, về thời hiệu yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật, cũng như những quan hệ dân sự khác, Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam cũng cần quy định về thời hiệu yêu cầu trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình để tạo ra một sự ổn định cho quan hệ này. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của pháp luật Pháp đã được sửa đổi từ năm 2008. Cụ thể, đối với trường hợp bị cưỡng ép, lừa dối kết hôn thì thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết là 05 năm kể từ ngày kết hôn; đối với các trường hợp vi phạm các điều kiện kết hôn khác thì thời hiệu yêu cầu là 30 năm kể từ ngày kết hôn.
3. Hậu quả pháp lý khi hủy việc kết hôn trái pháp luật
3.1. So sánh pháp luật của Pháp và pháp luật của Việt Nam
Về nguyên tắc chung, pháp luật của Pháp và pháp luật của Việt Nam đều thừa nhận hủy việc kết hôn trái pháp luật có tính hồi tố, nghĩa là việc kết hôn không có giá trị pháp lý ngay từ khi nó được thực hiện (từ thời điểm kết hôn). Ở Pháp, theo quy định của luật chung, khi giao dịch dân sự bị tuyên bố vô hiệu, không phân biệt đó là vô hiệu tương đối hay vô hiệu tuyệt đối thì đều dẫn đến hậu quả là giao dịch không có giá trị ngay từ thời điểm xác lập, tức là tuyên bố vô hiệu có hiệu lực hồi tố. Theo đó, thông thường, khi hôn nhân bị tuyên bố vô hiệu, các bên đã kết hôn bị coi là chưa bao giờ có tư cách vợ, chồng và giữa họ không có quyền, nghĩa vụ của vợ chồng; quan hệ của họ được xem xét như trường hợp hai người sống chung (concubins)[16]. Ở Việt Nam, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập” (khoản 1 Điều 131). Theo bản chất pháp lý của chế tài hủy việc kết hôn trái pháp luật và kết hợp với quy định chung của Bộ luật Dân sự về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, cần hiểu quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật có hiệu lực hồi tố đến thời điểm kết hôn, nghĩa là ngay từ khi kết hôn trái pháp luật, quan hệ vợ chồng không phát sinh, các bên kết hôn không có quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng.
Về hậu quả pháp lý đối với con chung, pháp luật của hai nước thể hiện quan điểm giống nhau là bảo vệ quyền lợi của con không phân biệt quan hệ của cha, mẹ chúng là hợp pháp hay trái pháp luật[17]. Theo đó, khi tuyên bố hủy việc kết hôn trái pháp luật, Tòa án sẽ giải quyết những vấn đề về con chung như khi giải quyết ly hôn.
Tuy nhiên, về hậu quả pháp lý đối với quan hệ của hai người kết hôn, pháp luật của hai nước có một điểm khác biệt về bảo vệ người kết hôn ngay tình. Điều 201 Bộ luật Dân sự Pháp quy định: “Hôn nhân bị tuyên bố vô hiệu vẫn phát sinh hiệu lực đối với vợ chồng nếu họ xác lập hôn nhân một cách ngay tình. Nếu chỉ một bên vợ hoặc chồng ngay tình thì hôn nhân chỉ phát sinh hiệu lực đối với bên ngay tình”. Điều luật này tạo ra một tình trạng pháp lý cho quan hệ của hai người kết hôn trái pháp luật mà học thuyết ở Pháp gọi là “mariage putatif” (như hôn nhân) khi người kết hôn ngay tình. Khi quan hệ của hai bên kết hôn trái pháp luật được thừa nhận “như hôn nhân” thì quyết định của Tòa án tuyên bố hôn nhân vô hiệu không có hiệu lực hồi tố mà nó chỉ làm chấm dứt quan hệ hôn nhân từ thời điểm bị tuyên bố vô hiệu; trước thời điểm này, hôn nhân vẫn phát sinh hiệu lực (các bên vẫn có các quyền, nghĩa vụ của vợ chồng). Nói cách khác, trong trường hợp này, hậu quả pháp lý của hôn nhân vô hiệu giống như hậu quả của ly hôn.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 của Việt Nam về cơ bản giữ quan điểm chung về hủy việc kết hôn trái pháp luật khi quy định về quan hệ giữa hai người kết hôn. Khoản 3 Điều 12 Luật này quy định: “Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật này”. Theo đó, các quan hệ về tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa hai bên kết hôn trái pháp luật được giải quyết như những trường hợp chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn. Các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về chế độ tài sản của vợ chồng sẽ không được áp dụng cho quan hệ của hai người kết hôn trái pháp luật. Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014 tạo ra một ngoại lệ trong việc giải quyết quan hệ tài sản của các bên: “Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập” (khoản 2 Điều 16). Với quy định này, khi giải quyết hủy việc kết hôn trái pháp luật, Tòa án cần đánh giá những diễn biến trong quan hệ của hai bên kết hôn cũng như tình hình của con (nếu có) và đóng góp thực tế của mỗi bên trong việc duy trì đời sống chung để thực hiện việc phân chia tài sản đảm bảo sự công bằng.
3.2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam
Pháp luật của Việt Nam quy định bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con cũng như của bên có đóng góp vào việc duy trì đời sống chung. Quy định này phù hợp với tình trạng ở Việt Nam trong bối cảnh còn chịu ảnh hưởng nhiều của tập quán khiến cho người phụ nữ thường là người phải đảm trách các công việc gia đình. Do đó, nó góp phần thúc đẩy bình đẳng giới thực chất. Tuy nhiên, quy định này không có nội dung rõ ràng nên trong thực tế dễ bị lạm dụng dẫn đến không đảm bảo công bằng khi giải quyết hủy kết hôn trái pháp luật. Mặt khác, quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chưa đáp ứng được yêu cầu cần bảo vệ người bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn, trong đó nạn nhân có thể là nam giới. Về điều này, từ kinh nghiệm trong Bộ luật Dân sự Pháp, một giải pháp phù hợp cho việc hoàn thiện Luật Hôn nhân và gia đình của Việt Nam đó là, cần bổ sung quy định về bảo vệ người bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn theo hướng thừa nhận cho họ có quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đến thời điểm việc kết hôn bị hủy.
Tóm lại, pháp luật của Pháp và pháp luật của Việt Nam về hủy việc kết hôn trái pháp luật có nhiều điểm giống và khác nhau. Sự giống và khác nhau đó có nguyên nhân từ những yếu tố về lịch sử, văn hóa và điều kiện kinh tế - xã hội. Mặc dù vậy, việc nghiên cứu so sánh pháp luật của hai nước vẫn có thể gợi mở về giải pháp cho pháp luật của mỗi nước.
TS. Bùi Minh Hồng
Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài khoa học cấp cơ sở “Kết hôn và chế độ tài sản của vợ chồng trong pháp luật một số nước”, Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2023.
[2]. Xem: Điều 13 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[3]. Gérard CORNU, Droit civil, La famille, 9e édition, Montchestien, 2006, pages 313 - 315;
Philippe MALAURIE et Laurent AYNÈS, Droit de la famille, 6e édition, LGDJ, Lextenso éditions, 2018, pages 172 - 175.
[4]. Điều 180 Bộ luật Dân sự Pháp.
[5]. Điều 182 Bộ luật Dân sự Pháp.
[6]. Điều 183 Bộ luật Dân sự Pháp.
[7]. Điều 181 Bộ luật Dân sự Pháp.
[8]. Đây là trường hợp người đã thành niên kết hôn trong tình trạng mất hoàn toàn năng lực nhận thức. Trong quyết định của Tòa phá án ngày 28/5/1980, đối với vụ việc trong đó người kết hôn 72 tuổi, 02 năm trước khi kết hôn, người này trong tình trạng bị bại não mà cần được chăm sóc như một đứa trẻ, Tòa án đã đưa ra quan điểm cần hủy việc kết hôn vì người kết hôn không có chút khả năng nhận thức nào. Trường hợp này cần coi là hôn nhân vô hiệu tuyệt đối.
[9]. Tuy nhiên, đối với trường hợp vi phạm quy định về đăng ký kết hôn, trên thực tế, án lệ chỉ coi sự vi phạm này là căn cứ để hủy việc kết hôn nếu nó thể hiện ý đồ gian dối của người kết hôn nhằm tạo ra một cuộc hôn nhân giả và thẩm phán có thẩm quyền đánh giá trong từng vụ việc cụ thể để xác định người kết hôn có ý định gian dối hay không.
Xem: Gérard CORNU, Droit civil, La famille, 9e édition, Montchestien, 2006, p. 314.
[10]. Tuy nhiên, có tác giả cho rằng, đối với trường hợp kết hôn khi đang có vợ, có chồng nhưng sau đó người vợ/chồng thứ nhất đã chết thì sự vô hiệu của hôn nhân phải biến mất, bởi vì nếu tuyên bố hôn nhân vô hiệu, sau đó hai vợ chồng có thể kết hôn lại ngay lập tức.
Xem: Philippe MALAURIE et Laurent AYNÈS, Droit de la famille, 6e édition, LGDJ, Lextenso éditions, 2018, p. 178.
[11]. Từ Điều 184 đến Điều 191 Bộ luật Dân sự Pháp.
[12]. Quy định này được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
[13]. Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20/01/1988 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986.
[14]. Các trường hợp được quy định tại điểm a và điểm d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[15]. Truyền thống lập pháp ở Việt Nam theo quan điểm không quy định về thời hiệu khởi kiện đối với các vụ, việc về hôn nhân và gia đình.
[16]. Philippe MALAURIE et Laurent AYNÈS, Droit de la famille, 6e édition, LGDJ, Lextenso éditions, 2018, page 179.
[17]. Xem: Điều 202 Bộ luật Dân sự Pháp và Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2104 của Việt Nam.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 386), tháng 8/2023)