Toàn cảnh buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật báo cáo về dự thảo Nghị định. Về tên gọi của dự thảo Nghị định là “Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật” vừa có tính bao quát, vừa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội thông qua ngày 19/02/2025. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm 09 chương với 108 điều và 04 phụ lục, có những nội dung chính là:
- Chương I: quy định chung (lấy ý kiến, truyền thông, đính chính văn bản quy phạm pháp luật, hiệu lực của văn bản, quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật);
- Chương II và Chương III: quy định cụ thể về xây dựng chính sách, đánh giá tác động của chính sách, tham vấn chính sách, thẩm định chính sách, dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết trong trường hợp đặc biệt; định hướng lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội, Chương trình lập pháp hằng năm;
- Chương IV và Chương V: quy định về trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Chương này được xây dựng theo cách thiết kế tương tự như quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025;
- Chương VI: quy định về ngôn ngữ, thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản. Chương này cơ bản không có nhiều thay đổi, chủ yếu dựa trên kết cấu của Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH 14 ngày 14/3/2017 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Đồng thời có tiếp thu, chọn lọc một số quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 và Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024 của Chính phủ;
- Chương VII: quy định về đăng tải văn bản quy phạm pháp luật trên công báo và dịch văn bản quy phạm pháp luật. Chương này cơ bản kế thừa quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Thông tư số 01/2017/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thực hiện quy định về công báo;
- Chương VIII: quy định về nguồn lực trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chương này được thiết kế mới, có kế thừa một số quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Chương này bổ sung quy định ưu tiên, sử dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật theo lĩnh vực chuyên môn, lựa chọn quy hoạch, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý, phát triển thành đội ngũ chuyên gia nòng cốt trong công tác xây dựng pháp luật; được hưởng thu nhập tăng thêm. Thu nhập tăng thêm từ hoạt động xây dựng pháp luật là khoản thu không tính thuế thu nhập cá nhân và không dùng để tính đóng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế;
- Chương IX: quy định về điều khoản thi hành. Chương này quy định trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp trong công tác xây dựng pháp luật.
- Ngoài ra, dự thảo Nghị định còn có 04 phụ lục gồm: Phụ lục 1: mẫu văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ban hành; Phụ lục 2: mẫu văn bản quy phạm pháp luật do các chủ thể khác ban hành; Phụ lục 3: mẫu hồ sơ kèm theo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Phụ lục 4: thể thức văn bản quy phạm pháp luật, viết hoa trong văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng chí Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tham dự đã phát biểu ý kiến về các nội dung lớn, quan trọng trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: (i) các vấn đề liên quan đến quy trình xây dựng các văn bản dưới luật trong dự thảo Nghị định; (ii) các vấn đề liên quan đến định hướng lập pháp nhiệm kỳ và chương trình lập pháp hằng năm của Quốc hội; (iii) các vấn đề liên quan đến quy trình soạn thảo, thành phần hồ sơ quy định báo cáo đánh giá tác động của chính sách đối với nghị định của Chính phủ điều chỉnh những vấn đề mới, vấn đề chưa có văn bản pháp lý cao hơn nghị định điều chỉnh (nghị định “không đầu”); (iv) cân nhắc việc đánh giá tác động của chính sách đối với nghị quyết thí điểm của Chính phủ, nghị quyết thí điểm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nghị quyết quy định về biện pháp khác có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025; (v) cân nhắc việc đưa bảng so sánh giữa dự thảo văn bản quy phạm pháp luật mới và văn bản quy phạm pháp luật cũ trong thành phần hồ sơ hay không; (vi) các vấn đề liên quan đến kinh phí và nguồn lực; lấy ý kiến các đơn vị có liên quan; thẩm định; thẩm định lại…
Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận buổi làm việc.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu tham dự để hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Nghị định thời hạn cho từng bước trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; thiết kế quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đặc biệt. Đồng thời, cần có quy trình rõ ràng để bảo đảm chặt chẽ, minh bạch trong việc lấy ý kiến các bộ, ngành và bảo đảm sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực mình quản lý, Bộ Tư pháp sẽ chịu trách nhiệm tổng hợp, thẩm định các ý kiến trước khi trình Chính phủ. Bộ trưởng cũng yêu cầu cần xác định rõ lộ trình, thời hạn cụ thể để ban hành các văn bản hướng dẫn, tránh chậm trễ ảnh hưởng đến việc triển khai các luật mới và giải quyết vấn đề về tài chính, nguồn lực./.
Hoàng Trung