Ở Việt Nam hiện nay, quyền an tử chưa từng được quy định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, quyền an tử đã được thảo luận trong nghị trường khi soạn thảo Bộ luật Dân sự năm 2015. Mặc dù, không được đưa vào Bộ luật Dân sự năm 2015, song vấn đề quyền an tử vẫn nên được nghiên cứu xây dựng ở nước ta, bởi vì: Thứ nhất, giống như ở mọi quốc gia khác, nhu cầu và những đòi hỏi về quyền an tử ở nước ta là có thật. Với những bệnh nhân mắc bệnh nan y, việc đáp ứng nhu cầu đó cũng chính là bảo đảm quyền sống theo đúng nghĩa của con người; thứ hai, việc Hiến pháp năm 2013 bổ sung quy định trực tiếp về quyền sống đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về tất cả các khía cạnh liên quan đến quyền này trong hệ thống pháp luật, trong đó bao gồm vấn đề an tử; thứ ba, quốc tế có xu hướng thừa nhận quyền này trong thời gian gần đây.
1. Xung đột quan điểm xoay quanh vấn đề xây dựng Luật An tử
1.1. Quan điểm phản đối việc xây dựng luật an tử
Quan điểm slippery slope (tạm dịch là “con dốc trơn”) cho rằng, việc hợp pháp hóa quyền an tử - những hành vi trước đây hoàn toàn bị phản đối sẽ dẫn tới việc hợp pháp hóa an tử phi tự nguyện - những hành vi hiện tại đang bị phản đối. Để chuyện đó không xảy ra, chúng ta cần ngăn chặn bước đi đầu tiên, tức là ngăn không cho việc hợp pháp hóa quyền an tử xảy ra[2]. Lập luận này thường được đưa ra dưới 02 dạng phổ biến được biết đến là dạng lập luận logic và dạng lập luận theo tâm lý học.
- Dạng lập luận logic cho rằng, việc chấp nhận A sẽ dẫn đến việc chấp nhận B một cách logic[3]. Lập luận này thậm chí còn được phát triển theo 02 hướng khác nhau nhằm giải thích quá trình chấp nhận A sẽ dẫn đến việc chấp nhận B. Hướng giải thích được dùng nhiều hơn và hay được gọi với cái tên lập luận arbitrary line[4] - tạm dịch là lập luận “đồ thị”.
- Dạng lập luận psychological (tâm lý), David Enoch miêu tả dạng lập luận này như sau: “Một khi chúng ta cho phép quyền an tử, chúng ta có thể (hoặc chắc chắn) mất đi sự phân biệt cơ bản và sau đó chúng ta sẽ đưa ra một kết quả không thể chấp nhận được về mặt đạo đức là cho phép an tử trái nguyện vọng; hoặc có lẽ ngay cả khi chúng ta có được một sự phân biệt xác đáng, chúng ta vẫn sẽ không hành động đúng mực bởi một vài lý do (có thể là lý do chính trị hay một lý do nào đó liên quan đến bệnh tật hay ý chí, hay một số lý do khác)”[5].
Dạng lập luận này thể hiện dưới hai nội dung cơ bản sau: (i) Bệnh nhân sẽ phát sinh tâm lý cần phải đồng ý an tử với sự trợ giúp của bác sĩ bởi họ nhận thức bệnh tình của bản thân mình là một gánh nặng đối với người thân. Một bệnh nhân nên được khuyến khích sống tốt và lạc quan, nếu một bệnh nhân có thêm một lựa chọn là an tử êm ái bên cạnh việc phải sống chung với căn bệnh của mình, nhiều khả năng họ sẽ chọn cái chết, và như thế thì sẽ không ai còn có ý chí đấu tranh với bệnh tật của mình nữa. Lẽ thông thường, các bác sĩ điều trị các bệnh nan y nên khuyến khích, cổ vũ bệnh nhân mình hi vọng khỏi bệnh và được sống. Họ không nên nuôi dưỡng ý định giết bệnh nhân của mình, điều này vừa vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vừa vi phạm đạo đức xã hội và pháp luật. Một bác sĩ đang hành nghề phải luôn để trong tâm lời thề Hippocrates[6]. (ii) Chính thái độ kỳ thị của xã hội đối với người bệnh đã làm các bệnh nhân cảm thấy như bị mất nhân phẩm, đó là lý do vì sao cái chết êm dịu còn được gọi là “death with dignity” (cái chết xứng với nhân phẩm)[7]. Việc hợp pháp hóa quyền an tử có thể gia tăng việc chọn cái chết nhằm bảo toàn nhân phẩm đến đáp lại thái độ kì thị của xã hội mà không phải xuất phát từ ý chí tự nguyện của họ.
Dưới góc độ y học, việc người bệnh có mong muốn chết có thể là dấu hiệu bệnh tâm thần, thường xuất hiện ở các bệnh nhân trầm cảm, tâm thần phân liệt, sử dụng thuốc cũng như rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Do đó, có thể nói, việc một bệnh nhân yêu cầu được an tử không chắc chắn đó là ý chí tự do và tỉnh táo của người đó, và chúng ta cần tích cực chăm sóc, chữa trị về tâm lý cho người đó hơn là đẩy họ đến với cái chết[8]. Y đức luôn là trách nhiệm hàng đầu của bác sĩ, do đó nếu quyền an tử được đưa vào luật, các bác sĩ sẽ chịu áp lực cực kỳ lớn khi phải làm việc kết thúc một sinh mạng dù trực tiếp hay gián tiếp[9].
Trên thực tế tại một số quốc gia, việc hợp pháp hóa quyền an tử sẽ xảy ra hiện tượng bất bình đẳng giới, tỷ lệ phụ nữ chết do an tử sẽ cao hơn nam giới; nhiều phụ nữ tìm kiếm an tử hoặc an tử vì nhiều lý do khác nhau hơn so với nam giới; các bác sĩ đồng ý hoặc từ chối yêu cầu an tử vì giới tính của bệnh nhân[10].
1.2. Quan điểm ủng hộ việc xây dựng Luật An tử
Lập luận thường thấy trong quan điểm ủng hộ quyền an tử là nếu như mỗi người được sinh ra trên thế giới đều có “quyền được sống”, thì cũng có thể suy ra một cách logic là mỗi người đều có quyền được kết thúc cuộc sống của mình (hay là quyền được chết ). Bởi vì, cái chết là một phần của cuộc sống, nên quyền được sống của một người phải bao gồm cả quyền từ bỏ cuộc sống. Do đó, bất kỳ luật nào quy định về quyền sống của con người cũng vốn đã chứa đựng quyền an tử, nếu không thì đó không phải là quyền được sống theo đúng nghĩa của nó[11]. Một trong những lập luận chủ chốt nữa thường thấy được sử dụng trong việc ủng hộ an tử chính là nguyên tắc tự do ý chí. Sự hình thành quyền tự quyết của mỗi người là nguyên tắc cho một con người tự do, tự chủ có nhân phẩm cố hữu và xứng đáng được tôn trọng một cách vô điều kiện, có quyền quyết định cuộc sống của mình[12].
Dưới góc độ luật thực định, các hành vi an tử nếu được luật định không hề vi hiến. Đa phần các Hiến pháp các nước đều cấm việc tước đoạt tính mạng trái luật. Vì vậy, nếu hợp pháp hóa các hành vi an tử vào luật thì rõ ràng những hành vi này là chấm dứt cuộc sống người bệnh một cách hợp pháp, hoàn toàn không mâu thuẫn với Hiến pháp. Quyền được chết là quyền của một người trong việc tự chấm dứt cuộc sống của mình một cách có nhận thức. Về bản chất, quyền được chết là quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân. Nếu đã là quyền, con người có thể được tự do lựa chọn thụ hưởng hay từ bỏ. Quyền được chết có ý nghĩa như quyền tự do cuối cùng của con người.
Đối với cáo buộc về việc hợp pháp hóa hành vi an tử sẽ làm tăng số lượng người tự tử, số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cho thấy điều ngược lại khi tỷ lệ người tự tử tại Hà Lan (một nước cho phép an tử) là 10% thấp hơn hẳn so với Lithuania (một nước không hề cho phép an tử) là 29,5%[13]. Do đó, chuyện hợp pháp hóa an tử hay không không hề liên quan đến tỷ lệ tự tử trong xã hội.
Hành vi an tử không phải là những hành vi bất nhân, mà trái lại, lại được nhiều người cho rằng là nhân đạo. Nhiều người bệnh sống vật vã, đau đớn hoặc phải sống đời sống thực vật, họ cũng không cảm nhận được cái đẹp của cuộc sống mà còn phải chịu đựng bệnh tật hành hạ. Dưới góc độ y học, nếu trước đây nghĩa vụ của người bác sĩ là giữ gìn, cứu chữa và kéo dài sự sống của con người bất kỳ nơi nào và bất kỳ khi nào có thể, thì với công nghệ hiện nay nghĩa vụ của người bác sĩ phải là giữ gìn, cứu chữa và kéo dài sự sống của con người bất kỳ khi nào việc đó còn ý nghĩa. Theo đó, một bác sĩ hoàn toàn có thể kết thúc cuộc sống đã không còn ý nghĩa của một bệnh nhân một cách chủ động hay bị động nhằm giải thoát cho bệnh nhân mà không bị xem là vi phạm y đức[14].
2. Thực tiễn xây dựng Luật An tử trong pháp luật của một số quốc gia
2.1. Ở Hà Lan
Năm 2001, Hà Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua Luật về an tử - Đạo luật được nhiều luật gia nhận định là mang tính cấp tiến nhất thế giới. Đạo luật này hợp pháp hóa an tử và trợ tử trong những trường hợp và hoàn cảnh rất đặc biệt và phải thỏa mãn các điều kiện sau: (i) Nỗi đau của bệnh nhân là không thể chịu đựng được và không có triển vọng cải thiện; (ii) Yêu cầu an tử của bệnh nhân phải tự nguyện (không chịu ảnh hưởng của người khác, tâm lý bệnh tật hoặc của thuốc) và kiên trì theo thời gian; (iii) Bệnh nhân phải nhận thức được đầy đủ về tình trạng của mình, triển vọng và các lựa chọn; (iv) Phải có sự tham vấn với ít nhất một bác sĩ độc lập khác là người mà cần xác nhận các điều kiện nêu trên; (v) Cái chết phải được thực hiện theo cách phù hợp về mặt y tế bởi bác sĩ hoặc bệnh nhân và bác sĩ phải có mặt; (vi) Bệnh nhân ít nhất 12 tuổi (bệnh nhân từ 12 đến 16 tuổi đòi hỏi có sự chấp thuận của cha mẹ[15].
Tại Hà Lan, số lượng các trường hợp đã thực hiện an tử đã tăng lên gấp 02 lần trong vòng 06 năm (từ gần 2.000 vụ năm 2006 đến hơn 4.000 năm 2012) và có xu hướng tiếp tục tăng mạnh trong năm 2014. Theo một nghiên cứu, thì số lượng người chết do an tử và trợ tử tăng “một cách hợp lý” và mức độ gia tăng không hể cao hơn so với trước khi Luật về an tử được đưa ra. Tại Hà Lan, số lượng tự tử, an tử và trợ tử trái nguyện vọng giảm hẳn từ khi Luật về an tử được thông qua[16].
2.2. Ở Nhật Bản
Chính quyền Nhật Bản không hề ban hành luật chính thức nào về an tử và Tòa án tối cao Nhật Bản cũng chưa bao giờ xét xử vụ việc nào liên quan. Tính đến nay, chính sách về an tử tại Nhật Bản đã được quyết định bởi 02 vụ việc được xét xử bởi Tòa án địa phương (vụ đầu tiên là tại Tokyo vào năm 2007, liên quan đến an tử bị động và vụ thứ hai là tại Yokohama vào năm 2005, liên quan đến an tử chủ động). Phán quyết của 02 vụ việc này đã xây dựng nên một khuôn khổ pháp lý không chính thức và xác lập một số điều kiện để hành vi an tử trở nên hợp pháp hay ít ra là không bị truy tố hình sự. Tuy vậy, cũng có thể nói, Nhật Bản hiện nay cũng có một khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện an tử[17].
(i) Đối với an tử bị động, có 03 điều kiện cần phải được đáp ứng là:
- Bệnh nhân phải là người đang bị mắc bệnh nan y ở giai đoạn cuối và không có khả năng hồi phục;
- Bệnh nhân phải biểu lộ ý định ngừng các trị liệu một cách rõ ràng, và ý định này phải được giữ và duy trì cho đến khi chết. Nếu người bệnh không có khả năng đưa ra một ý định rõ ràng, ý định của họ có thể được xác định thông qua một văn bản được soạn từ trước như chúc thư y tế hay lời chứng của gia đình bệnh nhân;
- Bệnh nhân có thể được an tử bị động bằng các phương pháp như ngừng dùng thuốc điều trị, hóa trị, máy thở oxi, truyền máu.
(ii) Đối với an tử chủ động, có 04 điều kiện sau cần được đáp ứng là:
- Bệnh nhân phải đang chịu đựng cơn đau thể chất không thể chịu đựng được;
- Cái chết phải không thể tránh được và đang đến gần;
- Bệnh nhân phải đưa ra ý định cụ thể (không như an tử bị động, ý định của bệnh nhân trong trường hợp này phải trực tiếp, không tính đến chúc thư y tế hay lời chứng của gia đình bệnh nhân);
- Các bác sĩ đã phải sử dụng toàn bộ các biện pháp giảm đau nhưng không hiệu quả.
Thời gian gần đây, trên thế giới tỉ lệ ủng hộ quyền an tử có dấu hiệu tăng cao hơn. Năm 2012, phần đông dân số ở 12 nước Tây Âu, trong đó có gần 3/4 dân Anh, ủng hộ việc hợp pháp hóa quyền an tử (theo kết quả khảo sát mới nhất của Hiệp hội Luật sư Y tế Thụy Sĩ)... Hiện nay ở châu Âu, có bốn quốc gia hợp pháp quyền an tử gồm Bỉ, Luxembourg, Hà Lan và Thụy Sĩ[18].
3. Khả năng áp dụng quyền an tử tại Việt Nam
3.1. Lợi ích khi xây dựng Luật An tử tại Việt Nam
- Dưới góc độ pháp lý: (i) Việc luật hóa quyền an tử sẽ khẳng định pháp luật tôn trọng sự tự do và quyền tự quyết của con người. Bởi vì, quyền được quyết định cuộc sống của mình là biểu hiện đầu tiên và tối thiểu của quyền tự quyết cá nhân; (ii) Việc luật hóa quyền an tử sẽ giải quyết tình trạng bế tắc khi người dân có nhu cầu nhưng pháp luật không đủ khả năng để giải quyết và do đó, tránh được tình cảnh pháp luật “ngó lơ” với người dân. Một số nước như Nam Phi, Hàn Quốc do không quy định quyền an tử dẫn đến Tòa án các nước này không có đủ thẩm quyền giải quyết một số trường hợp cá biệt.
- Dưới góc độ kinh tế: (i) Dưới góc độ kinh tế, công nhận quyền an tử không chỉ tạo cơ hội cho những bệnh nhân không còn thiết tha với cuộc sống được an nghỉ một cách êm ái mà còn tiết kiệm được cho gia đình bệnh nhân một số tiền khổng lồ tiêu tốn vào thuốc men, chi phí chữa trị hay các liệu pháp y học; (ii) Công nhận quyền được chết sẽ giảm thiểu vấn đề nan giải của ngành y tế lâu nay là các bênh viện luôn trong tình trạng quá tải, đội ngũ y bác sĩ luôn phải làm việc cật lực, căng thẳng. Do đó, việc cho phép an tử, trợ tử không chỉ giúp bệnh nhân được ra đi thanh thản mà còn nhường lại cơ hội được điều trị, chăm sóc tốt hơn cho những người bệnh khác.
3.2. Những gợi mở khi xây dựng Luật An tử tại Việt Nam
Thứ nhất, quyền an tử phải được quy định như một quyền nhân thân bởi hai lý do: Cũng như quyền được sống, quyền an tử là quyền gắn liền với một chủ thể nhất định và không thể chuyển giao cho chủ thể khác; quyền an tử không thể là quyền tài sản. Quyền an tử không thể là đối tượng của các giao dịch bởi vì chủ thể nhận quyền an tử không thể hưởng thụ quyền này.
Thứ hai, quyền an tử sẽ được quy định vào Hiến pháp như một quyền con người, và được đưa vào luật dân sự với tư cách là quyền được an tử cho bệnh nhân đủ điều kiện.
Thứ ba, quyền được an tử một quyền có điều kiện. Quyền có điều kiện là quyền chỉ phát sinh khi chủ thể quyền đáp ứng một số điều kiện do luật định, quá trình thực hiện, hưởng thụ quyền cũng như người thực hiện hành vi an tử cũng phải đáp ứng những điều kiện nhất định được quy định trong pháp luật. Đây là đặc điểm quan trọng giúp phân biệt giữa an tử và tội giết người, cũng như phân biệt giữa hành vi thực hiện an tử và tội trợ giúp, xúi giục người khác tự tử.
Thứ tư, quy định về quyền được an tử cần đảm bảo những nội dung cơ bản sau:
(i) Cần làm rõ các khái niệm an tử; trợ tử; bệnh nan y; chết; các loại giấy tờ xác nhận liên quan (giấy xác nhận bệnh tình, giấy xác nhận tình trạng tâm lý/tâm thần của người bệnh…); chúc thư y tế;
(ii) Điều của bệnh nhân được hưởng quyền an tử:
- Là người thành niên và có đầy đủ năng lực hành vi, có khả năng đưa ra quyết định một cách độc lập và tự do, tự nguyện;
- Người này phải là bệnh nhân bị chẩn đoán là mắc bệnh nan y, đang chịu nhiều đau đớn về thể chất hoặc tinh thần kéo dài và không có khả năng thuyên giảm với điều kiện y học hiện nay không thể chữa trị được;
- Người này được tiên lượng là không thể sống quá một năm;
- Chủ thể phải tự nguyện đưa ra yêu cầu xin được chấm dứt sự sống trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo về tinh thần, tự do về ý chí hoặc có chúc thư y tế được lập trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo về tinh thần, tự do về ý chí, trong đó nêu rõ mong muốn được an tử.
(iii) Bác sĩ thứ nhất chịu trách nhiệm điều trị cho bệnh nhân, đưa ra những chẩn đoán, tiên lượng về bệnh và thực hiện những quy trình, thủ tục để thực hiện an tử (gọi tắt là “bác sĩ điều trị”);
(iv) Bác sĩ thứ hai xem xét về tình trạng bệnh nhân và những chẩn đoán, tiên lượng của bác sĩ điều trị (gọi tắt là “bác sĩ cố vấn”). Bác sĩ cố vấn phải là người không liên quan với bác sĩ điều trị cũng như bệnh nhân và không cùng một bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh với bác sĩ điều trị và phải là bác sĩ có chuyên môn về căn bệnh của bệnh nhân;
(v) Yêu cầu đề nghị được an tử cho bệnh nhân (gọi tắt là “yêu cầu”). Yêu cầu bằng văn bản và phải do chính bệnh nhân ký tên, đề ngày, trong đó cần đảm bảo những thông tin sau:
- Thông tin cơ bản của bệnh nhân;
- Tình trạng bệnh lý của bệnh nhân;
- Cam kết về tình trạng tâm lý, tâm thần của bệnh nhân cũng như tính tự nguyện của yêu cầu;
- Cam kết bệnh nhân đã được cung cấp đầy đủ thông tin;
- Cam kết của bệnh nhân tự chịu trách nhiệm về yêu cầu của mình, không truy cứu trách nhiệm đối với bác sĩ thực hiện, có xác nhận của người làm chứng;
- Người được bệnh nhân ủy quyền quyết định các liệu pháp y tế sau khi bệnh nhân mất ý thức bằng văn bản ủy quyền. Nếu bệnh nhân ủy quyền cho người khác soạn yêu cầu thì phải có cam kết của người đưa ra quyết định an tử cho bệnh nhân nhân rằng yêu cầu được lập trong tình trạng tỉnh táo, cam kết nội dung yêu cầu đúng như những gì bệnh nhân mong muốn. Bệnh nhân phải thể hiện ý chí là đồng ý với yêu cầu này. Người được ủy quyền lập yêu cầu phải là người thành niên và không có bất kỳ lợi ích về mặt vật chất nào đối với cái chết của bệnh nhân. Trường hợp này bác sĩ phải có mặt trong lúc lập yêu cầu và ký tên xác nhận yêu cầu;
- Cam kết của những người làm chứng trong chừng mực hiểu biết và nhận định của mình đảm bảo bệnh nhân hoặc người lập yêu cầu bình thường về mặt tâm lý, tự do và tự nguyện và không bị ép ký vào đơn yêu cầu, trong trường hợp ủy quyền lập yêu cầu thì người làm chứng còn phải đảm bảo bệnh nhân đồng ý với yêu cầu được lập;
- Yêu cầu phải được lập dưới sự làm chứng của ít nhất 02 người.
(vi) Quy trình, cách thức, địa điểm, phương tiện thực hiện hành vi an tử. Hồ sơ bệnh án của bệnh nhân cần được đính kèm thêm các tài liệu sau:
- Tất cả yêu cầu bằng văn bản của bệnh nhân về an tử;
- Yêu cầu của người được ủy quyền trong văn bản ủy quyền, nếu có;
- Chẩn đoán và tiên lượng của bác sĩ điều trị, bác sĩ cố vấn, tài liệu chứng minh bệnh nhân có đủ khả năng ra quyết định, tự do và tự nguyện hành động và được thông tin đầy đủ;
- Kết luận của bác sĩ tâm lý/ tâm thần;
- Đơn thuốc;
- Giấy chứng tử của bệnh nhân;
- Báo cáo của bác sĩ điều trị cho thấy toàn bộ điều kiện quy định trong luật an tử đã được đáp ứng và các bước thực hiện yêu cầu của bệnh nhân.
Vũ Lê Hải Giang - Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Nguyễn Thị Thanh Nhã - Tập đoàn Openasia Group, TP. Hồ Chí Minh