Tóm tắt: Bài viết phân tích quy định về quyền chiếm hữu trong pháp luật dân sự Việt Nam và hướng hoàn thiện pháp luật về quyền chiếm hữu.
Abstract: The article analyzes the regulations on the right of possession in Vietnamese civil law and the direction to improve the law on the right of possession.
Trên cơ sở các nguyên tắc hiến định của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu tài sản, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục ghi nhận những quyền năng mà chủ sở hữu có được đối với tài sản của mình, đó là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Với mục tiêu trở thành luật chung của hệ thống pháp luật tư điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia; ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội, sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có những quy định mang tính đột phá về quyền chiếm hữu, tách quyền chiếm hữu thành một nội dung độc lập với quyền sở hữu. Theo đó, chế định chiếm hữu được thiết kế độc lập với quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản như là một tình trạng thực tế giữa người với tài sản: Chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản. Các quy định này nhằm đáp ứng sự đa dạng của quan hệ xã hội, bảo đảm sự ổn định trong quá trình tài sản được đưa vào giao dịch dân sự, xây dựng chế độ pháp lý phù hợp với bản chất của từng loại quan hệ đối với tài sản, nhất là chế độ pháp lý giữa quan hệ thực tế giữa người với tài sản (chiếm hữu, quan hệ đối vật) và quan hệ giữa người với người với tài sản (quan hệ đối nhân). Chế định chiếm hữu trong Bộ luật Dân sự năm 2015 được xây dựng trên cơ sở tôn trọng tình trạng thực tế về chiếm hữu, hạn chế tối đa những hành xử mang tính vũ lực để đòi lại tài sản, qua đó bảo đảm trật tự trong các quan hệ xã hội; là cơ sở để mọi chủ thể có thể yên tâm đầu tư khai thác tài sản một cách hiệu quả và không lãng phí (Điều 179 đến Điều 185).
1. Chế định chiếm hữu trong pháp luật của một số nước trên thế giới
Từ rất sớm, các nhà luật học cổ La Mã đã nhận thức được sự cần thiết phân biệt giữa sở hữu (ownership) và chiếm hữu (possession) như là sự phân biệt giữa nội dung và hình thức của một quan hệ xã hội[1]. Quyền chiếm hữu được các nhà làm luật La Mã định nghĩa là nắm giữ, chi phối tài sản theo ý chí của mình mà không phụ thuộc vào ý chí người khác, coi tài sản đó như là của mình. Do chiếm hữu và sở hữu là hai vấn đề khác nhau nên pháp luật dân sự các nước tiên tiến quy định chúng trong những chế định khác nhau và dành cho chúng những cách thức bảo vệ riêng biệt. Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp quy định: “Chiếm hữu là việc nắm giữ hoặc hưởng dụng một vật hoặc một quyền của chính người đang nắm giữ vật hoặc người thực hiện quyền hoặc của một người khác thay mặt người đó nắm giữ vật hoặc thực hiện quyền” (Điều 2228) và “Quyền sở hữu là quyền được hưởng dụng và định đoạt tài sản một cách tuyệt đối nhất, miễn là không sử dụng tài sản vào những việc pháp luật cấm” (Điều 544). Ở Nhật Bản, các nhà làm luật quan niệm: “Quyền chiếm hữu được đắc thủ bằng việc chiếm giữ một vật với mục đích đó nhân danh cá nhân mình”[2] và “sở hữu chủ có quyền tự do sử dụng, khai thác lợi ích và định đoạt vật sở hữu ngoại trừ những hạn chế do luật và pháp lệnh quy định”[3].
2. Quy định về quyền chiếm hữu trong pháp luật dân sự Việt Nam
2.1. Khái niệm quyền chiếm hữu
Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ xem quyền chiếm hữu là một nội dung của quyền sở hữu, nằm bên trong quyền sở hữu bên cạnh quyền sử dụng và quyền định đoạt. Đến Bộ luật Dân sự năm 2015, chế định chiếm hữu được bổ sung như là tình trạng pháp lý về việc cá nhân, pháp nhân nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Điều 179 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản”.
Quyền chiếm hữu trong Bộ luật Dân sự năm 2015 được chia thành các loại khác nhau thông qua dấu hiệu chủ thể thực hiện quyền. Nếu là chủ sở hữu thực hiện việc chiếm hữu thì hình thành nên quyền chiếm hữu của chủ sở hữu (Điều 186 Bộ luật Dân sự năm 2015). Quyền chiếm hữu này là đương nhiên, chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội. Bên cạnh quyền chiếm hữu của chủ sở hữu, pháp luật còn quy định quyền chiếm hữu của người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản và quyền chiếm hữu của người được giao tài sản thông qua giao dịch dân sự. Đặc điểm chung của hai trường hợp này là việc chiếm hữu được thực hiện bởi một cá nhân, pháp nhân không được coi là chủ sở hữu đối với tài sản và việc chiếm hữu này phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu cũng như quy định của pháp luật. Việc chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu không thể là căn cứ xác lập quyền sở hữu trừ một số trường hợp xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc bị thất lạc; gia cầm bị thất lạc; vật nuôi dưới nước và xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
2.2. Chiếm hữu ngay tình, chiếm hữu không ngay tình
Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ quy định chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã định nghĩa thế nào là chiếm hữu ngay tình và chiếm hữu không ngay tình. Quy định này vừa mang tính khoa học cao, vừa phù hợp với thực tiễn áp dụng pháp luật.
Khái niệm chiếm hữu ngay tình đã được đề cập đến trong Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Dân sự năm 2005 với tên gọi là “chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình”. Cụ thể, Điều 195 Bộ luật Dân sự năm 1995 và Điều 189 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định như sau: “Người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình là người chiếm hữu mà không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật”. Khái niệm này được Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rộng hơn: “Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”. So sánh hai định nghĩa này, có thể thấy những điểm khác nhau như sau:
Thứ nhất, ở các Bộ luật Dân sự trước đây, khái niệm chiếm hữu ngay tình gắn liền với yếu tố “không có căn cứ pháp luật”, điều này có nghĩa, muốn được xem là chiếm hữu ngay tình phải thoả mãn hai yêu cầu: Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật và ngay tình. Đến Bộ luật Dân sự năm 2015, khái niệm “chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình” được định nghĩa là “chiếm hữu ngay tình”. Như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 không đặt vấn đề việc chiếm hữu này có căn cứ pháp luật hay không mà chỉ căn cứ vào tiêu chí “ngay tình”. Khái niệm chiếm hữu ngay tình được quy định như hiện tại nhằm phù hợp với việc xây dựng “chiếm hữu” thành một chương riêng, tách biệt với quyền sở hữu, được xem như một quyền năng của chủ thể đối với tài sản.
Thứ hai, ở các Bộ luật Dân sự trước đây, khái niệm chiếm hữu ngay tình chỉ việc chiếm hữu mà chủ thể “không biết hoặc không thể biết” việc chiếm hữu của mình là không có căn cứ pháp luật. Như vậy, một người muốn chứng minh rằng mình thực hiện việc chiếm hữu ngay tình, ngoài việc hành vi chiếm hữu đó phải là hành vi chiếm hữu không có căn cứ pháp luật, phải chứng minh rằng mình “không biết hoặc không thể biết” việc chiếm hữu của mình là không có căn cứ pháp luật. Quy định này trong Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có sự thay đổi, theo đó, một người được xem là chiếm hữu ngay tình phải chứng minh “có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu” (Điều 180), thì việc chiếm hữu đó mới ngay tình.
Ngược lại với chiếm hữu ngay tình, chiếm hữu không ngay tình là trường hợp đòi hỏi người chiếm hữu phải nhận thức được mình không có quyền đối với tài sản, việc chiếm hữu của mình là không có căn cứ pháp luật; biết và buộc phải biết mình không có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu của người chiếm hữu là cơ sở pháp lý để pháp luật buộc họ phải chấm dứt việc chiếm hữu thực tế đối với tài sản, hoàn trả lại tài sản cho chủ thể có quyền đối với tài sản, bồi thường thiệt hại nếu có do hành vi chiếm hữu bất hợp pháp gây ra (Điều 579 và khoản 1 Điều 581 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Những trường hợp đòi hỏi người chiếm hữu biết hoặc phải biết việc chiếm hữu của mình là không ngay tình thường liên quan đến loại tài sản có đăng ký quyền sở hữu như bất động sản, động sản đăng ký quyền sở hữu; đối với loại tài sản thuộc sở hữu chung và các đồng chủ sở hữu phải thể hiện ý chí chuyển giao quyền cho người đang chiếm hữu tài sản; liên quan đến việc chuyển giao quyền chiếm hữu của chủ thể không có quyền chuyển giao quyền chiếm hữu (người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự).
Đối với chiếm hữu không ngay tình, người chiếm hữu nhận thức được việc chiếm hữu của mình là bất hợp pháp ngay từ thời điểm có được tài sản, vì vậy họ phải có nghĩa vụ hoàn trả lại cho chủ thể có quyền đối với tài sản. Pháp luật dân sự không bảo vệ quyền lợi của chủ thể chiếm hữu không ngay tình này.
2.3. Chiếm hữu liên tục, công khai
Chiếm hữu liên tục quy định tại Điều 185 Bộ luật Dân sự năm 2015 được hiểu là việc chiếm hữu về mặt thực tế và về mặt pháp lý của một chủ thể đối với tài sản. Chiếm hữu về mặt thực tế là việc chủ sở hữu, hoặc người có quyền chiếm hữu tự mình nắm giữ tài sản. Khi chủ sở hữu trao quyền chiếm hữu tài sản của mình cho một chủ thể khác, thì chủ sở hữu chỉ có quyền chiếm hữu về mặt pháp lý đối với tài sản, còn chủ thể được chủ sở hữu trao quyền chiếm hữu thì có quyền chiếm hữu thực tế đối với tài sản. Đây là trường hợp chủ sở hữu trao quyền chiếm hữu thực tế một cách tự nguyện. Ví dụ: Sinh viên A đi học, gửi xe của mình cho người trông xe ở bãi xe nhà trường, thì sinh viên A là người chiếm hữu về mặt pháp lý đối với tài sản, người trông xe là người chiếm hữu về mặt thực tế đối với tài sản. Tính liên tục của chiếm hữu được ghi nhận bao gồm hai điều kiện: (i) Việc chiếm hữu diễn ra trong một khoảng thời gian xác định; (ii) Không có tranh chấp về quyền đối với tài sản hoặc có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật tại Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.
Điều 190 Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ ghi nhận chiếm hữu liên tục trong một khoảng thời gian và không có tranh chấp về tài sản. Bộ luật Dân sự năm 2015 bổ sung trường hợp có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác. Như vậy, theo tinh thần của điều luật này thì dù việc chiếm hữu được thực hiện trong một khoảng thời gian có tranh chấp hay không có tranh chấp về quyền đối với tài sản thì vẫn được coi là chiếm hữu liên tục.
Chiếm hữu công khai được thể hiện chính là ở việc người chiếm hữu thực hiện các tác động vật chất đối với tài sản một cách minh bạch, không giấu giếm. Cần phân biệt việc chiếm hữu giấu giếm với trường hợp chiếm hữu với loại tài sản đặc thù không thể hiện ra bên ngoài, ví dụ: Việc mua vàng để cất giữ trong két sắt, dù không thể hiện ra bên ngoài cho các chủ thể khác biết về việc để dành tài sản là vàng này nhưng người chiếm hữu này không hướng đến việc giấu giếm nhằm một ý đồ gì. Ngoài ra, chiếm hữu công khai còn thể hiện qua việc chủ thể chiếm hữu có đầy đủ căn cứ chứng minh tình trạng chiếm hữu của mình đối với tài sản, thể hiện tính minh bạch trong việc chiếm hữu tài sản.
Việc chiếm hữu liên tục, công khai vừa có ý nghĩa trong xác định và bảo vệ quyền sở hữu của chủ sở hữu, vừa là căn cứ quan trọng để xác định quyền sở hữu theo thời hiệu theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan có quy định khác”.
2.4. Suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu
Một thay đổi đáng chú ý nữa của Bộ luật Dân sự năm 2015 xoay quanh vấn đề “chiếm hữu tài sản” đó là, lần đầu tiên nhà làm luật đã đưa vào Bộ luật quy định về “suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu”. Đây là quy định mới hoàn toàn so với các Bộ luật Dân sự trước đó và là quy định tiến bộ của Bộ luật Dân sự năm 2015, tiếp thu có chọn lọc quy định pháp luật của các nước tiên tiến trên thế giới, nhằm bảo vệ quyền lợi của người chiếm hữu. Theo quy định của Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp, suy đoán người đang chiếm hữu là chiếm hữu với tư cách chủ sở hữu (sự suy đoán này cho phép người chiếm hữu được hưởng thời hiệu xác lập sở hữu) nếu không có phản chứng (Điều 2230); nếu người chiếm hữu chứng minh được rằng trước đây đã chiếm hữu, thì được suy đoán rằng đã chiếm hữu từ thời điểm đó tới nay, trừ trường hợp có phản chứng (Điều 2234). Bộ luật Dân sự Hà Lan quy định, suy đoán là người chiếm hữu là ngay tình, người khác muốn nại rằng người đó không ngay tình thì phải chứng minh (Điều 118).
“Suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu” trong pháp luật dân sự nước ta áp dụng phương pháp tiếp cận tương đồng với “suy đoán vô tội” trong pháp luật hình sự, theo đó, người chiếm hữu được suy đoán là ngay tình, người nào cho rằng người chiếm hữu không ngay tình thì phải chứng minh. Trường hợp có tranh chấp về quyền đối với tài sản, thì người chiếm hữu được suy đoán là người có quyền đó. Người có tranh chấp với người chiếm hữu phải chứng minh về việc người chiếm hữu không có quyền (Điều 184 Bộ luật Dân sự năm 2015). Quy định mới này có thể tạo tác động tích cực đến hoạt động áp dụng pháp luật trong giải quyết xung đột: Thứ nhất, khi có tranh chấp về tài sản xảy ra giữa hai chủ thể, người chiếm hữu” từ nay được hưởng quyền suy đoán là ngay tình và người phản kháng lại sự chiếm hữu này phải chứng minh điều ngược lại; thứ hai, quy định này đáp ứng với thực tế khi một người chiếm hữu” chỉ cần bảo vệ quyền lợi của mình đối với tài sản đang tranh chấp, ngoài ra cũng nhằm giải quyết tranh chấp về chiếm hữu tài sản một cách hòa bình, trên cơ sở tôn trọng pháp luật.
Việc suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu được áp dụng đối với chủ thể là người chiếm hữu, nên để áp dụng quy định này, người có liên quan phải đáp ứng các tiêu chí của một người chiếm hữu, cụ thể là: (i) Chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản (khoản 1 Điều 179 Bộ luật Dân sự năm 2015); (ii) Việc nắm giữ, chi phối tài sản phải đáp ứng điều kiện công khai và liên tục. Bởi lẽ, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, việc chiếm hữu không liên tục không được coi là căn cứ để suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu được quy định tại Điều 184 của Bộ luật này (khoản 2 Điều 182).
2.5. Bảo vệ việc chiếm hữu
Bộ luật Dân sự năm 2015 cùng với việc quy định chiếm hữu trong một chương riêng đã đưa ra một giải pháp giúp bảo vệ chiếm hữu theo một phương thức độc lập với chế định sở hữu. Mục tiêu của quy định này là nhằm bảo vệ quyền chiếm hữu của chủ thể đang nắm giữ việc chiếm hữu. Quy định tương tự đã được ghi nhận ở Điều 255 Bộ luật Dân sự năm 2005 với nội dung: Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu Toà án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Như vậy, theo pháp luật dân sự từ trước đến nay, người chiếm hữu tài sản cũng được ghi nhận quyền được đòi trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền chiếm hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Quy định về bảo vệ việc chiếm hữu chỉ định rõ rằng, người nắm giữ việc chiếm hữu phải là người chiếm hữu, tức là, chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản như những quy định tương ứng của Chương này.
Trong trường hợp việc chiếm hữu bị người khác xâm phạm thì người chiếm hữu hợp pháp được pháp luật bảo vệ. Người chiếm hữu có thể tự mình thực hiện quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại bằng những biện pháp không trái quy định của pháp luật. Hoặc người chiếm hữu có thể yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm việc chiếm hữu thực hiện các trách nhiệm này. Quy định này bảo vệ người đang chiếm hữu tài sản hợp pháp, phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội, giao lưu dân sự - kinh tế; giúp các doanh nghiệp an tâm hơn khi đưa tài sản vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp bảo vệ tài sản của doanh nghiệp.
Bên cạnh bảo vệ quyền chiếm chiếm hữu của chủ sở hữu tài sản (quyền đương nhiên), Bộ luật Dân sự năm 2015 đã sửa đổi Chương “Bảo vệ quyền sở hữu” trong Bộ luật Dân sự năm 2005 thành Chương “Bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản”; đồng thời các quy định trong phần này cũng đã ghi nhận và bảo vệ cả các vật quyền khác đối với tài sản, trong đó có quyền chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu tài sản.
Điều 166 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đói với tài sản đó. Như vậy, có thể thấy, khi một chủ thể (không phải là chủ sở hữu) có quyền chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản, thì quyền này được pháp luật bảo vệ, thậm chí nó đối kháng với cả chủ sở hữu tài sản. Điều 167 Bộ luật Dân sự năm 2015 tiếp tục kế thừa Điều 257 Bộ luật Dân sự năm 2005 khi quy định về quyền đòi lại động sản không phải đăng ký của chủ sở hữu đã đưa ra một trường hợp ngoại lệ mà chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản. Đó là, tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu rời khỏi chủ sở hữu theo ý chí của chủ sở hữu, người thứ ba chiếm hữu ngay tình thông qua hợp đồng có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản. Nghĩa là, chủ sở hữu chuyển giao quyền tài sản cho người chiếm hữu hợp pháp thông qua hợp đồng thuê, mượn, cầm cố, đặc cọc… (lúc này tài sản rời khỏi chủ sở hữu theo ý chí của người đó). Sau đó, người chiếm hữu hợp pháp này lại chuyển giao tài sản đó cho người thứ ba thông qua hợp đồng có đề bù như hợp đồng mua bán, trao đổi tài sản… mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu và người thứ ba này là người chiếm hữu ngay tình (tức là không biết hoặc không thể biết người giao dịch với mình là người không có quyền định đoạt tài sản). Pháp luật quy định trong trường hợp này, chủ sở hữu không được quyền kiện đòi tài sản, nhưng chủ sở hữu có quyền kiện yêu cầu người đã giao kết hợp đồng với mình phải bồi thường thiệt hại. Hay nói cách khác, tranh chấp giữa chủ sở hữu và người đã giao kết hợp đồng với chủ sở hữu sẽ được giải quyết theo quy định về hợp đồng dân sự.
3. Một số vướng mắc của chế định chiếm hữu theo Bộ luật Dân sự năm 2015 và hướng hoàn thiện pháp luật về quyền chiếm hữu
3.1. Về khái niệm quyền chiếm hữu
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015, nội hàm của quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 không đưa ra định nghĩa hay khái niệm chung về quyền chiếm hữu mà chỉ quy định về “quyền chiếm hữu của chủ sở hữu” (Điều 186), quyền chiếm hữu của người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản và quyền chiếm hữu của người được giao tài sản thông qua giao dịch dân sự. Như vậy, có thể hiểu, pháp luật thừa nhận việc chiếm hữu như là một trạng thái thực tế và có thể thông qua trạng thái thực tế một người đang nắm giữ, chi phối trực tiếp tài sản thì được coi là người chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản. Khoản 2 Điều 179 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu”. Như vậy, điều luật này mới chỉ ra trạng thái thực tế của người là chủ sở hữu và người không phải là chủ sở hữu mà chưa quy định thế nào là quyền chiếm hữu. Sự thiếu vắng định nghĩa về quyền chiếm hữu trong Bộ luật Dân sự năm 2015 dẫn đến việc trong một số trường hợp nội dung quyền này chưa được hiểu một cách thống nhất.
Thứ hai, thuật ngữ “chiếm hữu” được sử dụng trong hai nội dung khác nhau dẫn đến sự trùng lấn, khó tách bạch: Chiếm hữu vừa được quy định là một phần của quyền sở hữu, vừa được quy định là một tình trạng thực thế của chủ thể. Quy định như vậy của Bộ luật Dân sự năm 2015 về chiếm hữu có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, có thể hiểu thuật ngữ “chiếm hữu” để chỉ hành vi hoặc thuật ngữ “quyền chiếm hữu” chỉ một nội dung của quyền sở hữu.
Thứ ba, theo quy định tại khoản 1 Điều 179 Bộ luật Dân sự năm 2015, chiếm hữu được coi là một trình trạng thực tế, được hiểu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền. Việc ghi nhận chế định chiếm hữu tại Điều 179 Bộ luật Dân sự năm 2015 dẫn đến việc ghi nhận quyền chiếm hữu của chủ sở hữu tại Điều 184 Bộ luật Dân sự năm 2015 dưới góc độ là nội hàm quyền sở hữu (trong trường hợp chủ sở hữu chiếm hữu tài sản thuộc sở hữu của mình thì chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, quản lý tài sản nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội) là không thực sự cần thiết. Quy định này về bản chất chưa nói rõ đây là quyền chiếm hữu hay là một trạng thái chiếm hữu của chủ sở hữu.
So với Bộ luật Dân sự năm 2005, quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền chiếm hữu đã có sửa đổi cho tương thích với các quy định khác. Bởi lẽ, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã tách chiếm hữu ra thành một chế định riêng để điều chỉnh một thực tế chiếm hữu hoàn toàn độc lập. Điều này được lý giải rằng, về mặt pháp lý, tài sản có thể thuộc sở hữu của một chủ thể, nhưng thực tế lại có thể đang nằm trong sự kiểm soát của chủ sở hữu hoặc chủ thể khác[4]. Như vậy, với những lý do khác nhau, tình trạng thực tế của đồ vật có sự khác biệt với sự phân định về mặt pháp lý của chúng và cần có những sự điều chỉnh thích hợp của pháp luật dân sự. Về mặt pháp lý, chủ sở hữu đương nhiên có quyền chiếm hữu, tuy nhiên, trên thực tế chủ sở hữu có thể phải hoặc không phải là người chiếm hữu; ngược lại, người không phải là chủ sở hữu có thể chiếm hữu tài sản.
Từ những phân tích nêu trên, nên chăng, chiếm hữu cần được coi là chế định khác biệt với sở hữu, bởi vì, chiếm hữu chỉ là một tình trạng thực tế, là biểu hiện bề ngoài của quyền sở hữu, do đó, cần phải tách chiếm hữu ra khỏi nội dung của quyền sở hữu, chiếm hữu cần được ghi nhận là một chế định độc lập bên cạnh chế định quyền sở hữu[5]. Việc tách bạch quyền chiếm hữu ra khỏi nội hàm của quyền sở hữu và quyền chiếm hữu cần được nhìn nhận như một trạng thái thực tế hơn là một quyền năng cụ thể.
3.2. Quy định về quyền chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu tài sản theo Bộ luật Dân sự năm 2015
Thứ nhất, cần xem xét vị trí quy định về quyền chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu tài sản trong Bộ luật Dân sự nước ta. Cả Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015 đều quy định quyền chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu tài sản trong tiểu mục quyền chiếm hữu trong nội dung quyền sở hữu. Quy định này chưa thực sự hợp lý, bởi vì, nếu trong chế định chiếm hữu đã quy định rõ “chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu”, thì các quy định về quyền chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu tài sản nên để ở phần riêng chứ không nên nằm trong phần quy định về chiếm hữu của người là chủ sở hữu tài sản, mặc dù, về bản chất, theo quy định của pháp luật dân sự nước ta hiện nay thì quyền chiếm hữu của các chủ thể (không phải là chủ sở hữu tài sản) có được cũng là do chủ sở hữu tài sản đồng ý cho họ cái quyền đó.
Thứ hai, việc Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận và bảo vệ cả các vật quyền khác đối với tài sản trong đó quyền chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu tài sản là phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 không chỉ giới hạn phạm vi những chủ thể chiếm hữu được bảo vệ là những người chiếm hữu có căn cứ pháp luật (gồm người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản; người được giao tài sản thông qua giao dịch dân sự; người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm; người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc…) mà Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định theo hướng người chiếm hữu được suy đoán là ngay tình (người nào cho rằng người chiếm hữu không ngay tình thì phải chứng minh) và trường hợp có tranh chấp về quyền đối với tài sản thì người chiếm hữu được suy đoán là người có quyền đó. Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, người chiếm hữu vẫn có quyền kiện bảo vệ sự chiếm hữu tài sản của mình trong bất kỳ trường hợp nào. Về khía cạnh nào đó, quy định này có thể sẽ làm hạn chế quyền của chủ sở hữu tài sản (khi chủ sở hữu tài sản không phải là người chiếm hữu tài sản).
Từ những phân tích nêu trên, theo tác giả, nên thiết kế lại vị trí của các quy định về quyền chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu tài sản. Các quy định này nên để ở phần riêng.
3.3. Về bảo vệ quyền chiếm hữu đối với người thứ ba ngay tình
Bộ luật Dân sự năm 2015 dành một sự bảo vệ “yếu” cho người thứ ba ngay tình. Điều 166 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”. Có thể thấy rằng, dù người chiếm hữu là ngay tình, khi nào quyền sở hữu do thời hiệu chưa được xác lập thì kể cả khi thời gian chiếm hữu đã tương đối dài và tình trạng chiếm hữu là ổn định, thì người đó luôn có thể bị chủ sở hữu đòi lại tài sản. Điều này là chưa thực sự công bằng đối với người thứ ba ngay tình. Trong khi luật pháp các quốc gia khác trên thế giới quy định một thời hạn để kiện đòi tài sản, thì pháp luật Việt Nam lại bảo vệ quyền sở hữu một cách tuyệt đối. Sự bảo vệ tuyệt đối này có thể gây ra sự không công bằng và làm cho chủ sở hữu không có ý thức giữ gìn và bảo vệ tài sản của mình.
Quan niệm chiếm hữu như một tình trạng có thể dẫn tới việc người đi kiện đòi tài sản có thể được bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, cần phải bổ sung thời hiệu khởi kiện đòi tài sản, quy định cụ thể hơn về các hình thức suy đoán để quyền lợi của người thứ ba ngay tình được bảo vệ tốt hơn.
3.4. Xây dựng hệ thống đăng ký biến động vật quyền hoàn thiện
Điều kiện cần để một quyền chủ thể được tôn trọng và được bảo đảm thực thi bằng sức mạnh của công lực là nó phải được xã hội biết đến. Việc đăng ký tài sản rất quan trọng, một mặt là cơ sở để chủ sở hữu bảo vệ quyền lợi của mình và đối kháng với người thứ ba khi có tranh chấp phát sinh; mặt khác tạo điều kiện rất thuận lợi cho Tòa án trong việc xác định chứng cứ để xét xử các tranh chấp.
Bộ luật Dân sự cần đưa ra những nguyên tắc chung về đăng ký tài sản, giá trị pháp lý của việc đăng ký… Sau đó, cần ban hành Luật về đăng ký tài sản (hoặc trước mắt cần ban hành Luật về đăng ký bất động sản) như kinh nghiệm của Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới. Do đó, xây dựng một hệ thống đăng ký vật quyền và thông tin vật quyền đóng một vai trò vô cùng quan trọng, giúp bảo vệ tốt hơn quyền tài sản của các chủ thể, giải quyết tranh chấp dễ dàng và bảo đảm sự an toàn pháp lý trong các giao dịch dân sự.
Tóm lại, những điểm mới của chế định “chiếm hữu tài sản” quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 đã góp phần hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật dân sự và tạo hành lang pháp lý vững chắc về chiếm hữu nói riêng, về quyền sở hữu nói chung. Xuất phát từ việc hiểu và nắm được như thế nào là chiếm hữu chúng ta có thể xác định được việc chiếm hữu là có hợp pháp hay không, một hành vi chiếm hữu là có ngay tình hay không, từ đó áp dụng pháp luật một cách đúng đắn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, bảo đảm công bằng xã hội.
Lê Thị Luyến
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp
[1]. Xem: Nguyễn Ngọc Điện, “Xây dựng lại chế định chiếm hữu bằng chất liệu phù hợp”, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207218, truy cập ngày 03/01/2023.
[2]. Xem Điều 180 Bộ luật Dân sự Nhật Bản.
[3]. Xem Điều 206 Bộ luật Dân sự Nhật Bản.
[4]. Ví dụ: Anh A là chủ sở hữu chiếc xe ô tô. Anh A có thể chiếm hữu, sử dụng hoặc cho anh B mượn để sử dụng thông qua hợp đồng cho mượn tài sản.
[5]. Xem: Đinh Thị Mai Phương (Chủ nhiệm), Một số vấn đề về quyền dân sự và bảo vệ quyền dân sự trong Bộ luật Dân sự Việt Nam, Chương trình nghiên cứu chung Việt - Nhật về sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự Việt Nam.