1. Khái niệm quyền con người
Quyền con người có quá trình phát triển rất lâu đời trong lịch sử nhân loại, có nội dung rộng lớn, là một vấn đề khá phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực như đạo đức, chính trị, pháp lý..., là sự kết hợp của các yếu tố quốc tế và dân tộc, giai cấp và nhân loại. Đến nay, có khoảng 50 định nghĩa về quyền con người đã được công bố, mỗi định nghĩa tiếp cận vấn đề từ một góc độ nhất định, chỉ ra những thuộc tính nhất định, nhưng không định nghĩa nào bao hàm được tất cả các thuộc tính của quyền con người. Tính phù hợp của các định nghĩa hiện có về quyền con người phụ thuộc vào sự nhìn nhận chủ quan của mỗi cá nhân. Học thuyết Nhân quyền tự nhiên cho rằng: “Con người có những quyền cố hữu do tạo hóa ban tặng như quyền sống, quyền tự do, quyền sở hữu; quyền con người là thiêng liêng, cao quý và phải được xếp cao hơn pháp luật của nhà nước; nhân dân trao quyền cho nhà nước vì vậy quyền lực nhà nước là có giới hạn và nhà nước có nghĩa vụ đối với người dân”[1]. Nhà tư tưởng tiêu biểu cho Học thuyết nhân quyền đó là John Locke (1632 – 1704). Hiến pháp năm 1791 của Pháp viết: Quyền con người là “quyền tự do, sở hữu, được an toàn và chống lại áp bức”; Tuyên ngôn độc lập của Mỹ viết: “Quyền con người đó là các quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; Hai học giả người Trung Quốc có quan niệm khác về quyền con người, học giả Đồng Vân Hồ quan niệm: “Có thể nói gọn lại, nhân quyền là quyền tồn tại, phát triển một cách tự do, bình đẳng”[2], còn học giả Từ Sùng Ôn viết: “Nhân quyền suy cho cùng bắt nguồn từ điều kiện kinh tế - xã hội, phản ánh lợi ích cơ bản của một giai cấp nhất định”[3].
Ngày nay, khoa học pháp lý phát triển đã cho chúng ta nhiều căn cứ để đưa ra định nghĩa về quyền con người đầy đủ hơn trong sự vận động biện chứng của lịch sử. Một định nghĩa rất phổ biến thường được trích dẫn bởi các học giả theo học thuyết quyền tự nhiên: “Quyền con người là những quyền cơ bản, không thể tước bỏ mà một người vốn được thừa hưởng đơn giản vì họ là con người”[4]. Ở cấp độ quốc tế, theo định nghĩa của Văn phòng cao ủy Liên Hợp quốc thường xuyên được trích dẫn: “Quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người”[5]. Ở Việt Nam, chưa có một văn bản pháp luật nào quy định định nghĩa về quyền con người. Tuy nhiên, nội hàm của khái niệm quyền con người được thể hiện trong những quy định cụ thể. Tại Nghị quyết về giành chính quyền được thông qua tại Đại hội Đại biểu Quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập ngày 16/8/1945 đã ghi:
Ban bố những quyền của dân, cho dân:
a) Nhân quyền;
b) Tài sản (quyền sở hữu);
c) Dân quyền: Quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền[6].
Trên phương diện nghiên cứu khoa học pháp lý, một số cơ quan nghiên cứu, tác giả cũng đưa ra định nghĩa về quyền con người. Tuy không hoàn toàn giống nhau, nhưng xét chung, quyền con người được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế[7]. Quyền con người được cấu thành bởi hai yếu tố: (i) Quyền con người được hiểu là những đặc quyền vốn có tự nhiên của con người và chỉ con người mới có; (ii) Quyền tự nhiên vốn có đó khi được pháp luật ghi nhận và điều chỉnh, thì sẽ trở thành các quyền con người. Quyền con người chính là sự thống nhất giữa hai yếu tố khách quan và chủ quan được ghi nhận trong pháp luật của mỗi quốc gia và pháp luật quốc tế.
Quyền con người luôn được xác định như là những chuẩn mực được cộng đồng quốc tế thừa nhận và tuân thủ. Những chuẩn mực này kết tinh những giá trị nhân văn của toàn nhân loại, chỉ áp dụng với con người, cho tất cả mọi người. Nhờ có những chuẩn mực này, mọi thành viên trong gia đình nhân loại mới được bảo vệ nhân phẩm và mới có điều kiện phát triển đầy đủ các năng lực của cá nhân với tư cách là một con người[8]. Cho dù cách nhìn nhận có những khác biệt nhất định, nhưng đó lại là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Chính vì vậy, quyền con người và việc bảo đảm thực hiện quyền con người luôn là mối quan tâm hàng đầu, là mục tiêu phấn đấu của các quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế.
Liên Hợp Quốc luôn coi quyền con người là vấn đề cấp thiết trên toàn thế giới, với mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh thế giới, Liên Hợp quốc đã soạn thảo hàng trăm văn kiện quốc tế về quyền con người. Trong bản Hiến chương của mình, tuy không có điều khoản riêng nào đề cập đến quyền con người, nhưng trong nhiều đoạn, mục, Liên Hợp Quốc đã đề cập đến các quyền tự do cơ bản của con người. Ngay trong phần mở đầu đã nêu rõ “... sự tin tưởng vào những quyền cơ bản, nhân phẩm và giá trị của con người, ở quyền bình đẳng giữa nam và nữ, ở quyền bình đẳng giữa các nước lớn và nhỏ”[9]. Hiến chương còn khẳng định, các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc cam kết “thực hiện sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, văn hóa và nhân đạo và khuyến khích phát triển sự tôn trọng các quyền của con người và các tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hoặc tôn giáo”[10].
Có thể nói, lần đầu tiên quyền con người được chính thức ghi nhận và tôn trọng trong một văn bản quốc tế có giá trị pháp lý và được thừa nhận rộng rãi. Trên cơ sở Hiến chương, năm 1948, Liên Hợp Quốc đã thông qua Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền gồm 30 điều, ghi nhận tất cả các quyền con người trên các lĩnh vực. Tuyên ngôn này được đánh giá không chỉ là văn kiện đầu tiên khẳng định các nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, mà còn ghi nhận các quyền và tự do của con người một cách cụ thể như các quyền liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, dân sự. Trên cơ sở Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948, quyền con người đã được thể hiện cụ thể hơn trong Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội và Công ước quốc tề về các quyền dân sự, chính trị (năm 1966) [11].
Ở Việt Nam quyền con người, quyền công dân được quy định đầy đủ và chi tiết tại Chương 2 Hiến pháp năm 2013 với 36 điều. Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Việt Nam cũng đã và đang tích cực tham gia Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội năm 1966, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966, Công ước về quyền trẻ em năm 1989, Công ước về quyền của người khuyết tật năm 2006... Nội dung của các Công ước đều được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật Việt Nam. Điều này cho thấy việc coi trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là mục tiêu nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là yêu cầu quan trọng trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; là động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Quyền của người lao động
Quyền của NLĐ là vấn đề có ý nghĩa rất lớn cả về lý luận và thực tiễn không chỉ đối với cá nhân con người, tập thể NLĐ, mà còn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước, dân tộc và toàn nhân loại. Quyền của NLĐ là những quyền liên quan đến NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ). Các quyền của NLĐ được ghi nhận trong các Điều ước quốc tế như: Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và các khuyến nghị của ILO.
Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948 ghi nhận các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa, trong đó ghi nhận rõ quyền lao động của con người bao gồm: quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 22), quyền làm việc, tự do chọn nghề và được trả lương ngang nhau cho những công việc như nhau, được trả lương xứng đáng và hợp lý để bảo đảm cho một cuộc sống có đầy đủ giá trị nhân phẩm, được thành lập hoặc gia nhập công đoàn (Điều 23), quyền được nghỉ ngơi, giải trí (Điều 24).
Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 đã cụ thể hóa các quyền của NLĐ, cụ thể là: Quyền làm việc (Điều 6); quyền được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi như được trả lương thỏa đáng và trả thù lao bằng nhau, quyền được hưởng những điều kiện làm việc an toàn và vệ sinh, sự nghỉ ngơi, thời gian rảnh rỗi (Điều 7); quyền được thành lập và gia nhập công đoàn, quyền được đình công (Điều 8); quyền được hưởng an toàn xã hội, kể cả bảo hiểm xã hội (Điều 9).
Các quyền của NLĐ mặc dù được ghi nhận trong các văn bản pháp lý quốc tế, nhưng đó chỉ là sự ghi nhận mang tính nguyên tắc chung. Các quyền trong lĩnh vực lao động còn được ghi nhận và bảo vệ bởi rất nhiều văn kiện do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khởi xướng. Một chức năng cơ bản của ILO là thiết lập các chuẩn mực lao động quốc tế bằng việc thông qua các Công ước và khuyến nghị bao trùm các lĩnh vực liên quan đến lao động, việc làm, đôi lúc chúng được nhắc đến như là Bộ luật Lao động quốc tế (International Labour Code). ILO đã xây dựng các tiêu chuẩn lao động quốc tế nhằm quy định và bảo vệ các quyền của người lao động thông qua việc ban hành nhiều Công ước và khuyến nghị. Đến nay, ILO đã thông qua 189 công ước và 203 khuyến nghị, đây chính là những công cụ pháp lý chủ yếu, quan trọng nhằm khuyến trợ công bằng xã hội và bảo đảm các quyền cho NLĐ. Theo các văn bản này, quyền của NLĐ gồm các quyền: Quyền làm việc, quyền công đoàn độc lập, quyền không bị ép làm việc không lương, quyền nam nữ hưởng lương bằng nhau, quyền không bị phân biệt đối xử, quyền không bị phân biệt đối xử nếu có con cái, quyền được giúp đỡ và có việc làm thích hợp nếu bệnh tật, quyền được đào tạo, bồi dưỡng có ăn lương, quyền không bị đuổi việc, quyền được trả lương bằng tiền, quyền hưởng lương trên hoặc bằng mức tối thiểu, quyền được trả lương nếu chủ sử dụng lao động bị phá sản, quyền được nghỉ ít nhất nguyên một ngày mỗi tuần, quyền an toàn lao động, quyền được bồi thường nếu có tai nạn, quyền được nghỉ khi bị bệnh và chữa bệnh, quyền của phụ nữ mang thai hoặc cho con bú sữa mẹ, quyền của lao động xuất khẩu, quyền được có tiếng nói tham gia vào công việc phát triển đơn vị, cơ sở, bộ phận..., nơi mình đang lao động thông qua công đoàn, quản đốc hoặc cá nhân có ý kiến.
Ngoài việc ghi nhận hàng loạt các quyền của NLĐ, ILO còn có cơ chế để theo dõi, giám sát việc thực hiện các quyền này. Theo đó mọi quốc gia thành viên của ILO, ngay cả khi quốc gia đó chưa phê chuẩn các công ước vẫn phải có nghĩa vụ nộp báo cáo quốc gia hàng năm cho ILO. ILO còn yêu cầu các quốc gia thành viên cần phê chuẩn và sau khi phê chuẩn các công ước phải có nghĩa vụ thi hành nhằm đảm bảo các quyền của NLĐ không bị xâm hại.
Qua nghiên cứu các văn bản pháp luật quốc tế có thể thấy rằng, các quyền của NLĐ là một trong những quyền hết sức quan trọng của con người thuộc nhóm các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa. Các quyền của NLĐ có vai trò quan trọng đối với người lao động hoặc tập thể NLĐ. Các quyền này không chỉ được ghi nhận trong các văn bản pháp luật quốc tế (tuyên ngôn, công ước, khuyến nghị), mà còn được cụ thể hóa và quy định trong các văn bản pháp luật quốc gia như Hiến pháp, Bộ luật, Luật và được thể hiện dưới hai khía cạnh là quyền và nghĩa vụ, bởi để bảo đảm các quyền của NLĐ các quốc gia buộc phải ban hành các quy định về nghĩa vụ thông qua việc ban hành các chính sách, chương trình để thúc đẩy việc thực hiện các quyền của NLĐ, đồng thời phải đưa ra các quy định mang tính chế tài xử lý khi các quyền này bị xâm phạm.
2. Quyền có việc làm
Quyền có việc làm (hay quyền được làm việc) là nhóm quyền cơ bản trong luật lao động và là một trong rất nhiều quyền khác của NLĐ. Quyền được làm việc có vị trí rất quan trọng vì “quyền được làm việc là cốt lõi để thực hiện các quyền con người khác và tạo nên một phần quan trọng không thể tách rời tự nhiên của nhân phẩm”[12]. Quyền có việc làm là yếu tố cơ bản để bảo đảm sự tồn tại thực tế của con người, đồng thời cũng là yếu tố để bảo đảm nhân phẩm và lòng tự trọng của NLĐ. Quyền có việc làm được coi là quyền hiến định trong pháp luật quốc tế, cụ thể, Điều 23 Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948 ghi nhận: “Mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm...”; trong các Điều 6, 7, 8 của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội năm 1966 cũng xác định các yếu tố của quyền có việc. So với quyền của NLĐ, quyền có việc làm hẹp hơn, tuy nhiên, đây lại là một quyền cơ bản nhất, quan trọng nhất trong lĩnh vực lao động việc làm. Quyền có việc làm chính là tiền đề, điều kiện quan trọng để thực hiện các quyền khác của NLĐ nói riêng và các quyền của con người nói chung, như quyền về nhà ở, quyền về giáo dục, văn hoá..... Chỉ khi quyền có việc làm được đảm bảo thực hiện, thì các quyền khác của con người mới có ý nghĩa.
Ở Việt Nam, cho đến nay chưa có công trình nào đưa ra khái niệm về quyền có việc làm. Quyền có việc làm cũng được ghi nhận và nội luật hóa các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người trong lĩnh vực lao động, đặc biệt là quyền có việc làm của NLĐ trong Hiến pháp và văn bản pháp luật luật lao động như: Điều 30 Hiến pháp năm 1959: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có quyền làm việc...”; Điều 58 Hiến pháp năm 1980: “Công dân có quyền có việc làm...”; Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”[13]; “Có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nghề nghiệp, học nghề và nâng cao trình độ nghề nghiệp, không bị phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo”[14], “được làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm”[15].
Như vậy, kể cả pháp luật quốc tế hay Hiến pháp và các văn bản pháp luật lao động của nước ta hiện nay đều chưa đưa ra khái niệm mang tính chất tổng quát về quyền có việc làm của NLĐ. Tuy nhiên, trên cơ sở nghiên cứu, tác giả xin đưa ra quan điểm cá nhân về quyền có việc làm của NLĐ trên cơ sở tiếp cận quyền này dưới góc độ quyền con người như sau: “Quyền có việc làm là quyền cơ bản và quan trọng của con người trong lĩnh vực lao độngđược ghi nhận vàbảo vệ trong Hiến pháp, pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế”.
ThS. Trần Thị Tuyết Nhung
Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam
[1] Bộ Tư pháp, Một số kiến thức về quyền con người, tập 1 Quyền dân sự và chính trị, 2012 tr17.
[2] Đồng Vân Hồ, Nguồn gốc của khái niệm nhân quyền và diễn biến lịch sử của nó. Tạp chí Thế giới tri thức - Trung Quốc, số 13/1992.
[3] Từ Sùng Ôn, Về phương pháp luận nghiên cứu vấn đề nhân quyền. Tạp chí Nghiên cứu triết học - Trung Quốc số 12/1992.
[4].http://en.wikipedia.org/wiki/Human_rights.
[5] OHCHR, Freequently Asked Questions on a Human Rights-based Approach to Development Cooperation, New York and Geneva, 2006, trang 1.
[6] Quốc hội Việt Nam với việc bảo đảm quyền con người, sđd, tr 99.
[7] Khoa Luật Đại Học Quốc gia Hà Nội - Giáo trình Lý luận và pháp luật về Quyền con người, Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2011, tr38.
[8] Khoa Luật Đại Học Quốc gia Hà Nội - Giáo trình Lý luận và pháp luật về Quyền con người, Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2011, tr 38.
[9] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nxb Chính trị quốc gia, 1998, tr.19.
[10] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nxb Chính trị quốc gia, 1998, tr.20.
[11] Trần Thị Thúy Lâm - Thực trạng việc bảo đảm quyền con người trong pháp luật lao động ở Việt Nam và khuyến nghị, 2011.
[12] Lê Thị Hoài Thu (2013), Bảo đảm quyền con người trong pháp luật lao động Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, năm 2013, tr 23.
[13] Điều 35 khoản 1, Hiến pháp năm 2013.
[14] Điều 5 khoản 1, Bộ luật Lao động năm 1994.
[15] Điều 10 khoản 1, Bộ luật Lao động năm 2012.