Một yêu cầu mang tính thời sự và cũng là đòi hỏi cấp bách từ thực tế là pháp luật điều chỉnh như thế nào để tình trạng án oan sai được giảm thiểu đến mức thấp nhất. Chính Luật Tạm giữ, tạm giam ra đời sẽ đáp ứng được điều đó, bởi vậy, Luật này được thảo luận và cân nhắc kỹ. Vấn đề nổi bật là quyền con người, quyền công dân của những đối tượng tình nghi, bị can, bị cáo sẽ được pháp luật bảo đảm ra sao trong khi họ tạm thời bị cách ly với xã hội ở nơi tạm giam, tạm giữ. Về nguyên tắc, nhiều ý kiến thống nhất cao là với những đối tượng này, họ chỉ bị hạn chế về quyền tự do thân thể và một số quyền khác, tuy nhiên, các quyền cơ bản về nhân thân, dân sự, tư cách công dân thì cần phải được tôn trọng trên tinh thần người nào chưa bị Tòa án kết tội thì người đó chưa phải là tội phạm. Điều này phải được thể hiện trong các quy định tại Luật Tạm giữ, tạm giam. Một vấn đề khác là tách khỏi cơ quan điều tra việc quản lý hệ thống nhà tạm giam, tạm giữ và như vậy sẽ tránh được việc “xuất nhập kho” tùy tiện - điều kiện để nạn bức cung, nhục hình xảy ra - tiền đề của việc oan sai.
Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) mà Ủy ban Tư pháp của Quốc hội là cơ quan thẩm định đã làm nổi lên một số vấn đề pháp lý gây tranh luận. Trước hết là vấn đề “ủy quyền”, cứ như tình trạng hiện tại thì hầu hết người ký ra các quyết định, hành vi hành chính bị kiện thì không bao giờ xuất hiện tại tòa mà chỉ ủy quyền cho cấp dưới đi thay mình. Như vậy, nhiều vấn đề không được làm rõ trước tòa, việc tranh tụng không được đảm bảo. Người ra quyết định “đối diện” với “đương sự” trước Tòa án cũng chính là đối diện với trách nhiệm của mình. Nếu làm được điều này, không những chất lượng xét xử được nâng lên, tiếp cận sự thật được mở ra mà thêm nữa, sẽ làm giảm thiểu việc ra những quyết định hành chính chủ quan, trái luật hoặc tùy tiện. Tiếp nữa là việc Tòa án chỉ có thể tuyên hủy các quyết định hành chính sai trái mà không hề được phép sửa nó, quyết định này lại trở về chỗ nó đã sinh ra và được thay thế bằng một quyết định mới. Có ý kiến thẳng thắn rằng, còn giữ quy định này trong luật thì việc xét xử của tòa sẽ vô tác dụng.
Trong Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), quy định về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng là vấn đề được thảo luận nhiều. Từ trước đến nay, pháp luật quy định quyết định của Ủy ban này là cuối cùng và không đặt ra việc phải xem xét lại. Nay, từ thực tế cuộc sống, thấy rằng quyết định cuối cùng, “tối cao” cũng có thể sai lầm nên cần có quy định này trong luật. Các ý kiến cũng chỉ ra rằng, bằng sự giám sát của Quốc hội, từ dư luận xã hội, nếu nhận thấy quyết định của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có những sai trái thì chính Ủy ban này phải xem xét lại và sửa sai. Ở đây không hề có sự vi hiến cũng như không trái với các quy định pháp luật hiện hành. Bởi Tòa án là cơ quan duy nhất đưa ra những phán quyết trong xét xử thì quy định này vẫn nằm trong khuôn khổ Tòa án, không ngoài Tòa án. Và như vậy, pháp luật đã tạo ra một cơ sở pháp lý để chính Tòa án xem xét lại quyết định cuối cùng của mình, tháo gỡ vướng mắc từ trước đến nay là khi quyết định của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bị phát hiện là sai lầm nhưng không ai có thẩm quyền để sửa cái sai đó.
Một điểm cũng đáng được chú ý là căn cứ để kháng nghị, trong áp dụng pháp luật hay quá trình tố tụng, phát hiện có sai trái thì phải kháng nghị để giám đốc thẩm, không phân biệt chuyện đó xảy ra ở cấp nào. Đây là một quy định giúp cho “tai nạn công lý” không xảy ra. Ngoài ra, việc xác định thẩm quyền xét xử, cơ chế và quy định thi hành án trong lĩnh vực hành chính như thế nào cho hiệu quả, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người khiếu kiện cũng được đặt ra và được thống nhất cao trong phiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).
Tòa án với chức năng đặc biệt là bảo vệ công lý. Tất cả các hoạt động của các cấp Tòa án đều nhắm tới mục đích này. Do vậy, hệ thống pháp luật cũng phải tập trung, đồng bộ để Tòa án thực hiện chức năng bảo vệ công lý một cách tốt nhất mà không có bất cứ rào cản nào cho việc thực hiện nó. Hy vọng rằng, những quy định pháp luật đã đề cập ở trên sẽ được áp dụng cho cả hoạt động tố tụng hình sự và dân sự chứ không chỉ riêng trong lĩnh vực tố tụng hành chính. Những ý kiến đóng góp, xây dựng pháp luật vừa qua hướng tới bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tuân thủ Hiến pháp và thể hiện điều đó trong các văn bản luật đã tạo nên một sự khởi sắc trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta.
Bình Sơn