Hiện nay, khi đề cập đến quyền về giáo dục, Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (CESCR) năm 1966 và Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC) năm 1989 là các điều ước được viện dẫn rộng rãi nhất. Nhìn chung, quy định của luật quốc tế về quyền được giáo dục tập trung vào các vấn đề sau:
1.1. Các chuẩn mực quốc tế về quyền được giáo dục
Theo Điều 13 và 14 của CESCR năm 1966, quyền được giáo dục chứa đựng cả các quyền và tự do, bao gồm:
- Miễn phí và phổ cập giáo dục tiểu học với tất cả mọi người;
- Có thể tiếp cận và sẵn có về giáo dục trung học (bao gồm cả giáo dục kỹ thuật, dạy nghề và đào tạo) với mọi người và từng bước miễn phí;
- Có thể tiếp cận với giáo dục ở cấp cao hơn một cách bình đẳng trên cơ sở năng lực của mỗi người và từng bước miễn phí;
- Giáo dục cơ bản cho những người chưa tiếp cận hoặc chưa hoàn thành toàn bộ chương trình giáo dục tiểu học;
- Giáo dục có chất lượng ở cả trường công lập và trường tư thục;
- Tự do của các bậc cha mẹ và của những người giám hộ hợp pháp (nếu có) trong việc lựa chọn trường cho con cái họ phù hợp với tôn giáo và đạo đức cũng như ý nguyện riêng của họ;
- Tự do học thuật của giáo viên và học sinh;
- Tự do của các cá nhân và tổ chức được thành lập và điều hành các cơ sở giáo dục phù hợp với yêu cầu về tiêu chuẩn tối thiểu mà Nhà nước quy định.
Các điều ước quốc tế khác cũng quy định quyền được giáo dục của những nhóm người (như phụ nữ, người khuyết tật, người di cư, người tị nạn, người bản địa[1]…) trong những hoàn cảnh cụ thể (như xung đột vũ trang, sử dụng lao động trẻ em[2]...). Nội dung của quyền giáo dục được giải thích bởi các Tòa án (trong trường hợp các văn kiện khu vực) hoặc bởi các cơ quan điều ước của Liên Hợp Quốc (UN). Các cơ quan này sử dụng rất nhiều khung khổ để giải thích các chuẩn mực của quyền được giáo dục, trong đó, khung khổ được sử dụng phổ biến nhất là 4A[3].
1.2. Các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ, tôn trọng và thực hiện quyền được giáo dục
Khi một quốc gia phê chuẩn điều ước bảo vệ quyền được giáo dục, quốc gia đó có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thực hiện[]4, trong đó nghĩa vụ thực hiện bao gồm cả nghĩa vụ hỗ trợ và cung cấp[5]: (i) Nghĩa vụ tôn trọng: Các quốc gia phải tránh những biện pháp gây trở ngại hoặc ngăn cản việc thụ hưởng quyền được giáo dục; (ii) Nghĩa vụ bảo vệ: Các quốc gia phải thực hiện các biện pháp, thông thường là thông qua các quy định và bảo đảm pháp lý, để không cho bên thứ ba can thiệp vào việc thụ hưởng quyền được giáo dục; (iii) Nghĩa vụ thực hiện: Thông qua các biện pháp thích hợp (lập pháp, hành pháp, tư pháp, lập quỹ và các biện pháp khác) để thực hiện đầy đủ quyền được giáo dục.
Các quốc gia có nghĩa vụ “thực hiện các bước hướng tới” để thực hiện đầy đủ quyền được giáo dục trên cơ sở tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có (Điều 2 CESCR năm 1966) và “các quốc gia bắt buộc phải nỗ lực đạt được mục đích này thật nhanh, thật hiệu quả”[6]. Tuy nhiên, bất kể nguồn lực bị hạn chế như thế nào, tất cả các quốc gia có các nghĩa vụ ngay lập tức thực hiện những khía cạnh sau đây của quyền được giáo dục:
- Đảm bảo những nghĩa vụ cốt lõi, tối thiểu để đáp ứng các mức độ thiết yếu của quyền được giáo dục, bao gồm: Cấm phân biệt trong tiếp cận với giáo dục và trong giáo dục; đảm bảo miễn phí và giáo dục tiểu học bắt buộc cho tất cả mọi người[7]; tôn trọng tự do của cha mẹ trong việc chọn trường cho con của họ; bảo vệ tự do của cá nhân và tổ chức được thành lập và điều hành các cơ sở giáo dục.
- Tiến hành những bước đi phù hợp để thực hiện đầy đủ quyền được giáo dục trên cơ sở tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có. Các quốc gia phải chứng minh đã tiến hành mọi nỗ lực để cải tiến việc hưởng quyền về giáo dục, thậm chí khi khan hiếm các nguồn lực.
- Không tiến hành các biện pháp thoái lui hoặc thông qua các biện pháp mà sẽ hủy bỏ những bảo đảm hiện hành đối với quyền về giáo dục.
Quyền giáo dục được thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm và thực thi tốt nhất ở cấp độ quốc gia. Theo luật quốc tế, các quốc gia có quyền quyết định cách thức thực hiện các điều ước về quyền con người trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia. Điều này cho phép sự đa dạng về phương pháp và cách thức thực thi đầy đủ quyền được giáo dục, phù hợp nhất với điều kiện và hoàn cảnh thực tế ở quốc gia. Mặc dù vậy, các điều ước quốc tế về quyền con người cũng yêu cầu các quốc gia thành viên phải thực hiện điều ước bằng “tất cả các biện pháp thích hợp”. Việc sửa đổi các luật không phù hợp với quy định của điều ước quốc tế là nghĩa vụ tối thiểu mà một quốc gia có thể làm để đảm bảo tôn trọng quyền được giáo dục. Để bảo vệ tối đa và thực thi đầy đủ quyền được giáo dục, các quốc gia trước hết phải ghi nhận quyền về giáo dục một cách hợp lý trong hệ thống pháp luật quốc gia[8].
Các quốc gia có thể chọn cách thức cụ thể để chuyển hóa điều ước quốc tế về quyền con người vào luật quốc gia và xác định vị trí của điều ước đó trong hệ thống pháp luật của quốc gia. Phương thức chuyển hóa có thể rất khác nhau giữa các quốc gia và bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố có liên quan đến lịch sử, chính trị và văn hóa pháp lý của quốc gia, đồng thời phụ thuộc đáng kể vào sự tiếp cận chung mà mỗi quốc gia đã tiến hành để chuyển hóa điều ước vào luật trong nước[9]. Bảo vệ pháp lý cao nhất mà một quốc gia có thể tạo ra cho quyền được giáo dục là ghi nhận trong hiến pháp. Cách thức hữu hiệu nhất để thực hiện quyền được giáo dục là sự kết hợp của tất cả các công cụ, trong đó, hiến pháp quy định quyền được giáo dục có tính bắt buộc phải thi hành về pháp lý, các luật thực hiện quyền về giáo dục và các chính sách sẽ bổ sung cho các luật này.
1.3. Cơ chế quốc tế giám sát thực hiện quyền được giáo dục tại các quốc gia
Việc thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người được giám sát bởi các cơ chế tài phán và/hoặc có tính chất tài phán, phụ thuộc vào quy định của chính điều ước đó. Các điều ước về quyền con người đã thiết lập cơ chế quốc tế liên khu vực và khu vực để giám sát việc thực thi quyền được giáo dục tại các quốc gia, bao gồm các cơ chế cơ bản sau:
Thứ nhất, báo cáo kiểm điểm phổ quát định kỳ (UPR). Đây là một cơ chế giám sát nhân quyền dựa trên đối thoại giữa các quốc gia trong khuôn khổ của Hội đồng Nhân quyền (HRC) - cơ chế dựa trên Hiến chương Liên Hợp Quốc. Theo cơ chế này, mỗi quốc gia được yêu cầu sẽ đệ trình một báo cáo chi tiết về việc thực hiện các nghĩa vụ của quốc gia về quyền con người. Xã hội dân sự và các chủ thể khác cũng có thể đệ trình các báo cáo về việc thực thi quyền con người của quốc gia. Cuối cùng, HRC công bố kiến nghị đối với mỗi quốc gia; các quốc gia có trách nhiệm thực hiện các kiến nghị đó và báo cáo về các nỗ lực của mình tới HRC.
Thứ hai, báo cáo định kỳ của các quốc gia tới các cơ quan điều ước về quyền con người để giải trình về các biện pháp mà quốc gia đã tiến hành để thực hiện điều ước, bao gồm các bước được tiến hành để chuyển hóa các quy định vào trong pháp luật quốc gia, bảo đảm chúng có tính bắt buộc về pháp lý và chủ thể quyền được bồi thường khi quyền đó bị vi phạm[10].
Thứ ba, thủ tục khiếu nại tới các cơ quan điều ước về quyền con người[11]. Theo thủ tục này, nếu quốc gia bị khiếu nại là thành viên của điều ước và đã chấp nhận thẩm quyền của cơ quan điều ước được xem xét các khiếu nại về quốc gia thì các cơ quan điều ước có thể xem xét các khiếu nại của cá nhân và tập thể, cũng như khởi động các cuộc điều tra bí mật về những vi phạm có tính thô bạo và hệ thống các quyền con người ở quốc gia đó[12]. Bên thứ ba cũng có tham gia vào các cơ chế này, qua đó làm nổi bật những vi phạm ở cấp độ quốc gia.
Thứ tư, các thủ tục đặc biệt theo yêu cầu của một quốc gia cụ thể hoặc theo các chủ đề được yêu cầu, trong đó có quyền được giáo dục[13]. HRC tiến hành các thủ tục giám sát đặc biệt, thông qua việc các chuyên gia độc lập báo cáo hàng năm tới UN về những gì họ nắm bắt được và đóng góp ý kiến về các vấn đề nhân quyền, trong đó có vấn đề liên quan đến quyền được giáo dục.
2. Thực tiễn thực hiện quyền được giáo dục tại Việt Nam
Việt Nam là quốc gia đặc biệt coi trọng sự nghiệp giáo dục và quyền được giáo dục. Để thực hiện các cam kết quốc tế về quyền được giáo dục, Việt Nam đã quyết tâm thực hiện từ chủ trương đến các việc làm cụ thể.
2.1. Xây dựng và hoàn thiện pháp luật quốc gia về quyền được giáo dục
Việt Nam thừa nhận cả hai biện pháp chuyển hóa và áp dụng trực tiếp để đưa các quy định của luật quốc tế về quyền được giáo dục vào hệ thống pháp luật Việt Nam, qua đó xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia theo yêu cầu của các điều ước quốc tế. Việt Nam cũng xác định hiệu lực ưu tiên áp dụng của điều ước quốc tế so với văn bản pháp luật Việt Nam. Điều ước quốc tế về quyền con người sẽ được thực hiện kể cả trong trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác.
Quyền được giáo dục luôn được hiến định trong các bản Hiến pháp của Việt Nam từ năm 1946 đến nay, theo đó, “công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” và “giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học”[14]... Quyền này được cụ thể hóa trong các luật như Luật Giáo dục năm 2005, Luật Dạy nghề năm 2006, Luật Phổ cập giáo dục tiểu học năm 1991, Luật Giáo dục đại học năm 2012…, trong đó luôn có những chú ý đặc biệt tới quyền học tập của người khuyết tật, trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số[15]. Việt Nam không quy định và không bắt buộc cha mẹ phải cho con học theo bất cứ tôn giáo hay chữ viết nào. Bên cạnh Hiến pháp và luật, Việt Nam còn triển khai nhiều chương trình và kế hoạch nhằm thực hiện quyền được giáo dục.
2.2. Tổ chức thực hiện nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thực thi quyền được giáo dục
Việc triển khai thực hiện Hiến pháp, luật và các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động quốc gia nhằm thực hiện quyền được giáo dục ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam vẫn ưu tiên duy trì mức 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục. So với các nước trong khu vực, tỷ lệ chi tiêu công cho giáo dục trên GDP của Việt Nam cao hơn hẳn nhiều nước, thậm chí so với các nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn. Nhà nước luôn bảo đảm những điều kiện tốt nhất cho vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp giáo dục thông qua việc miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm và có chính sách thu hút, hỗ trợ giáo viên đến công tác tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn bằng quyền lợi kinh tế và quyền lợi chính trị. Bên cạnh đó, Nhà nước và các địa phương đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi trong giáo dục như: Miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí cho học sinh, sinh viên nghèo; hỗ trợ phát triển giáo dục đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật… Các chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng, cho vay đi học… đối với học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách và các hộ nghèo, cận nghèo đã mang lại hiệu quả, giúp những học sinh, sinh viên này có được cơ hội học tập.
Tất cả các tỉnh vùng có đông dân tộc thiểu số ở Việt Nam đều có trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, trường dạy nghề và đào tạo nghiệp vụ trong các lĩnh vực nông nghiệp, quản lý kinh tế, tài chính, giáo dục, y tế. Nhà nước cũng phát triển trường phổ thông dân tộc bán trú, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở có chất lượng tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Việc giảng dạy bằng tiếng dân tộc thiểu số cũng được triển khai tại 20 tỉnh với 07 thứ tiếng dân tộc thiểu số. Tính đến hết năm học 2014 - 2015, đã có 5.515 lớp học chữ tiếng dân tộc với 124.246 học sinh theo học các tiếng Chăm, Khơ-me, Ê-đê, Ba-na, Gia-rai, Hơ-mông. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang hợp tác với UNICEF thí điểm thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ[16]. Năm 2000, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập tiểu học, vượt trước 15 năm so với thời hạn của mục tiêu thiên niên kỷ. Hiện nay, tất cả các tỉnh, thành phố đều đạt phổ cập trung học cơ sở và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.
2.3. Thực hiện nghĩa vụ báo cáo quốc gia về bảo đảm quyền được giáo dục
Việt Nam đã thành lập Ban soạn thảo theo cơ chế nhóm công tác liên ngành và tổ chức tham vấn lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức có tính đại diện rộng rãi, đồng thời hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia trong quá trình bảo vệ báo cáo về quyền con người, trong đó có quyền được giáo dục. Năm 2011, Việt Nam đã hoàn thành và nộp Báo cáo quốc gia thực hiện CESCR năm 1966 giai đoạn 1993 - 2010, trong đó có báo cáo về quyền được giáo dục. Năm 2012, Việt Nam đã hoàn thành và gửi Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện CEDAW năm 1979, trong đó có nội dung không phân biệt đối xử với phụ nữ trong việc hưởng quyền được giáo dục. Năm 2012, Việt Nam đã nộp và trình bày Báo cáo quốc gia về thực hiện CRC năm 1989 giai đoạn 2008 - 2011, trong đó có báo cáo về các biện pháp và các thành tựu đạt được trong việc bảo vệ quyền được học tập của trẻ em. Về cơ bản, Việt Nam hoàn thành tốt nghĩa vụ báo cáo đối với các công ước mà Việt Nam là thành viên và được các quốc gia khác đánh giá cao về những thành tựu đã đạt được trong việc bảo đảm quyền được giáo dục.
3. Một số hạn chế và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của việc bảo đảm và thực thi quyền được giáo dục tại Việt Nam
Những thành tựu đạt được trong công cuộc bảo vệ và thúc đẩy quyền được giáo dục ở Việt Nam là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bản chất ưu việt, tiến bộ của chế độ xã hội chủ nghĩa, của truyền thống văn hóa, các đặc thù của dân tộc Việt Nam với việc thực hiện nghiêm túc các chuẩn mực chung và nghĩa vụ quốc tế về quyền con người được quy định trong các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền được giáo dục tại Việt Nam trên thực tế còn một số tồn tại chưa được khắc phục. Đó là, sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; giáo dục về nhân quyền trong các cấp học chưa được đầu tư thỏa đáng. Trong chương trình giáo dục phổ thông, nội dung giảng dạy về quyền con người nói chung và các quyền cụ thể còn sơ sài và chưa phù hợp với cấp học và độ tuổi[17]. Khuôn khổ pháp luật Việt Nam về quyền được giáo dục mặc dù đang từng bước được kiện toàn nhưng vẫn chưa đồng bộ. Bản thân người dân chưa hiểu biết đầy đủ về các quy định của pháp luật để thực hiện quyền của mình một cách đầy đủ và hiệu quả. Nguyên nhân của những hạn chế này là do sự thiếu hụt các nguồn vật chất bảo đảm; chưa có một cơ quan chuyên trách về vấn đề thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; chưa có một quy chế chặt chẽ trong việc xử lý các tố cáo và vi phạm quyền được giáo dục…
Kết quả nghiên cứu, rà soát và phân tích cho thấy, vẫn còn nhiều quy định trong các đạo luật hiện hành chưa tương thích với các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ví dụ như, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 chưa quy định thiệt hại được bồi thường do vi phạm quyền học tập của công dân; Luật Giáo dục năm 2005 mới chỉ quy định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở nhưng chưa có quy định ưu tiên phát triển giáo dục ở vùng hải đảo; Luật Giáo dục đại học năm 2012 chưa có quy định ưu tiên phát triển giáo dục ở vùng hải đảo… Để bảo đảm tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế về quyền được giáo dục và thực hiện đầy đủ các quy định của Hiến pháp năm 2013, từ kết quả rà soát, phân tích đối chiếu, tác giả bài nghiên cứu này xin đề xuất một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, cần có những nghiên cứu chuyên sâu về các quy định của luật quốc tế và Hiến pháp năm 2013 về quyền được giáo dục, từ đó đánh giá mức độ tương thích của các quy phạm pháp luật về quyền được giáo dục với các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập.
Thứ hai, tiến hành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các đạo luật hiện hành, đặc biệt là các đạo luật đã nêu ở trên, nhằm kịp thời khắc phục những lỗ hổng pháp lý để từ đó, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật hiện hành về quyền được giáo dục. Về mặt kỹ thuật lập pháp, trong bối cảnh sẽ sửa đổi Luật Giáo dục năm 2005, Việt Nam cần xem xét tiếp tục áp dụng kỹ thuật “một luật sửa nhiều luật”18#, bởi vì, nội dung quyền được giáo dục thể hiện trong nhiều đạo luật có tính lồng ghép và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Việc áp dụng kỹ thuật này cho phép rút ngắn thời gian và quy trình soạn thảo văn bản, bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này.
Thứ ba, tăng cường sự phối hợp giữa các ủy ban chuyên môn của Quốc hội và nhóm liên ngành trong việc xây dựng báo cáo quốc gia về quyền con người để trình HRC. Tiếp tục phát huy vai trò của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội trong giám sát việc thực hiện các khuyến nghị UPR đã được Việt Nam chấp nhận, nhất là thực hiện các khuyến nghị về quyền được giáo dục.
Thứ tư, tiếp tục đầu tư hơn nữa cho hệ thống giáo dục hướng đến hai mục tiêu là tăng tỉ lệ nhập học đúng tuổi ở mọi cấp giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục. Giáo dục về quyền con người là hướng ưu tiên đặc biệt nhằm nâng cao nhận thức của người dân và năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân.
Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực phục vụ cho việc bảo đảm tốt hơn các quyền con người; tham gia tích cực và có trách nhiệm vào công việc của HRC; tăng cường hiệu quả các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về quyền con người nói chung và quyền được giáo dục nói riêng.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Điều 10 Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt với phụ nữ (CEDAW) năm 1979; Điều 24 Công ước về quyền của người khuyết tật năm 2006; Điều 28 và 29 CRC năm 1989; Công ước quốc tế về bảo vệ các quyền của tất cả các lao động di cư và thành viên trong gia đình họ năm 1990; Công ước về bảo vệ những người bị cưỡng bức mất tích năm 2006…
[2]. Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965; Công ước về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hoặc hạ nhục con người năm 1984; các Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).…
[3]. Trước tiên, kết cấu khung 4A được phát triển bởi cựu báo cáo viên đặc biệt của UN về quyền giáo dục, ông Katarina Tomaševski. Sau đó, khung khổ 4A được ủy ban về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa thông qua trong Bình luận chung số 13 về quyền được giáo dục (1999, đoạn 6, 7).
[4]. Koch, I.E. 2005. Dichotomies, Trichotomies or Waves of Duties. Human Rights Law Review, Vol. 5, No. 1, pp. 81-103; ủy ban CESCR, Bình luận chung số 13, các đoạn 46-48 & 50.
[5]. OHCHR, Fact Sheet No. 33, Frequently Asked Questions on Economic, Social and Cultural Rights, p. 11.
[6]. ủy ban CESCR, Bình luận chung số 3: Bản chất nghĩa vụ của các quốc gia thành viên, ngày 01/01/1991, đoạn 2-9.
[7]. Nếu điều này không thể thực hiện ngay, các quốc gia phải xây dựng và thông qua một chương trình hành động để từng bước thực hiện, trong một số năm hợp lý, được ấn định trong kế hoạch về nguyên tắc giáo dục bắt buộc và miễn phí cho tất cả mọi người.
[8]. ủy ban CESCR, Bình luận chung số 9, đoạn 2.
[9]. ủy ban CESCR, Bình luận chung số 9, đoạn 6.
[10]. ủy ban CESCR, 1998. Bình luận chung số 9: Thực hiện Công ước ở các quốc gia (Doc. E/C.12/1998/24.)
[11]. Thông tin thêm về các thủ tục khiếu nại lên cơ quan điều ước, xem website của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) về Các thủ tục khiếu nại lên cơ quan điều ước nhân quyền www.ohchr.org/EN/HRBodies/TBPetitions/Pages/HRTBPetitions.aspx; www.ohchr.org/EN/HRBodies/HRC/ComplaintProcedure/Pages/HRCComplaintProcedureIndex.aspx; Thông tin thêm về thủ tục khiếu nại lên UNESCO trong trường hợp vi phạm quyền con người có liên quan đến yêu cầu của UNESCO, xem tại www.claiminghumanrights.org/unesco_procedure.html (truy cập ngày 09/12/2017).
[12]. Về thủ tục khiếu nại của cá nhân, xem trang web của OHCHR về thủ tục khiếu nại của cá nhân lên cơ quan điều ước nhân quyền, www.ohchr.org/EN/HRBodies/TBPetitions/Pages/HRTBPetitions.aspx#individualcomm (truy cập ngày 09/12/2017).
[13]. Thông tin thêm về đệ trình thông tin hoặc khiếu nại cá nhân tới các Báo cáo viên đặc biệt của UN về giáo dục, xem tại: www.ohchr.org/EN/Issues/Education/SREducation/Pages/IndividualComplaints.aspx (Truy cập ngày 09/12/2017).
[14]. Điều 39, Điều 61 Hiến pháp năm 2013.
[15]. Điều 37, Điều 61 Hiến pháp năm 2013; Điều 10, Điều 11 Luật Giáo dục năm 2005; Điều 92 - Điều 94 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Điều 27- Điều 31 Luật Người khuyết tật năm 2010…
[16]. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo cáo quốc gia giáo dục cho mọi người 2015 của Việt Nam, xem tại http://unesdoc.unesco.org/images/0023/002327/232770vie.pdf; Bộ Ngoại giao Việt Nam, Báo cáo Quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế kiểm định kỳ phổ cập (UPR) chu kỳ II, xem tại http://www.mofahcm.gov.vn/mofa/ctc_quocte/ptklk/nr040819162124/ns131204084101, truy cập ngày 02/1/2018.
[17]. Bộ Ngoại giao Việt Nam, Báo cáo Quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế kiểm định kỳ phổ cập (UPR) chu kỳ II, xem tại http://www.mofahcm.gov.vn/mofa/ctc_quocte/ ptklk/nr040819162124/ns131204084101 (truy cập ngày 02/01/2018).
[18]. Kỹ thuật này đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và khẳng định lại trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.