Quyền khởi kiện lại trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng giống như trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) không được quy định một cách riêng rẽ tại một điều luật độc lập, mà được thiết kế nằm chung với điều luật về trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện tại Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, theo cách thức là một ngoại lệ của việc trả lại đơn khởi kiện (điểm c khoản 1 Điều 192) và là một khoản riêng về quyền nộp đơn khởi kiện lại (khoản 3 Điều 192).
Theo đó, khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể các trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện như sau: Người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự; chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật; hết thời hạn được thông báo theo quy định mà người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Toà án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng; vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án; người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của thẩm phán liên quan đến các nội dung chính của đơn khởi kiện; người khởi kiện rút đơn khởi kiện; sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại.
Những trường hợp ngoại lệ về việc trả lại đơn khởi kiện như trên lại một lần nữa được khẳng định bởi quyền nộp đơn khởi kiện lại quy định tại khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo đó, đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại khi người khởi kiện đã có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự; yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại; đã có đủ điều kiện khởi kiện; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định trên, trong số các trường hợp bị Tòa án trả lại đơn khởi kiện, chỉ có một vài quan hệ pháp luật được liệt kê là không bị Toà án trả lại đơn khởi kiện, mặc dù đã từng được yêu cầu giải quyết trước đó. Nói cách khác, chỉ những trường hợp được liệt kê tại Khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì đương sự mới được quyền nộp đơn khởi kiện lại.
Trong số các trường hợp được quyền nộp đơn khởi kiện lại được BLTTDS 2015 quy định chỉ có một yêu cầu liên quan đến cấp dưỡng, đó chính là yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng. Theo pháp luật hôn nhân và gia đình, cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu (khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014). Khi nhắc đến cấp dưỡng, không thể không nhắc đến các khái niệm liên quan như nghĩa vụ cấp dưỡng, mức cấp dưỡng hay phương thức cấp dưỡng được quy định chi tiết trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và các văn bản pháp luật liên quan.
Trong bài viết, vấn đề tác giả muốn đề cập là phương thức cấp dưỡng. Điều 117 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã phân loại phương thức cấp dưỡng thành hai phương thức, đó là cấp dưỡng định kỳ và một lần. Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Ở mỗi phương thức đều có những ưu điểm riêng, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như hoàn cảnh, điều kiện sống và cơ sở vật chất cũng như những biến chuyển của xã hội mà các bên sẽ chọn phương thức cấp dưỡng phù hợp.
Đối với phương thức cấp dưỡng định kỳ, phương thức này có những ưu điểm riêng, ngoài việc giúp cho người có nghĩa vụ cấp dưỡng tránh được gánh nặng tài chính một lần, nó còn góp phần đảm bảo cho người được cấp dưỡng có cuộc sống vật chất ổn định định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm hay hàng năm. Về mặt tình cảm, phương thức này góp phần duy trì sợi dây tình cảm liên kết giữa những người có quan hệ huyết thống hay đã từng có quan hệ hôn nhân. Tuy nhiên, phương thức này lại có nhược điểm là phụ thuộc thuộc rất nhiều vào tinh thần tự nguyện của người phải cấp dưỡng.
Còn đối với phương thức cấp dưỡng một lần, phương thức này giúp giảm thiểu đáng kể sự trốn tránh trách nhiệm của người có nghĩa vụ cấp dưỡng theo định kỳ, góp phần bảo vệ quyền lợi của người được cấp dưỡng, đảm bảo cho người được cấp dưỡng có cuộc sống vật chất ổn định trong điều kiện tối thiểu xuyên suốt thời kỳ được cấp dưỡng mà không phải lo lắng về việc người có nghĩa vụ trốn tránh việc cấp dưỡng. Tuy nhiên, phương thức này cũng có nhược điểm riêng của nó là người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu gánh nặng về mặt tài chính trong một lần và không giúp duy trì tốt mối quan hệ tình cảm… Trên thực tế xét xử, tác giả nhận thấy rằng, chỉ khi các bên đồng thuận về vấn đề cấp dưỡng một lần thì Toà án mới ra quyết định cấp dưỡng một lần, còn nếu không thì áp dụng phương thức cấp dưỡng định kỳ.
Một vấn đề đặt ra là, đương sự có được quyền nộp đơn khởi kiện lại đối với yêu cầu về thay đổi phương thức cấp dưỡng hay không, khi mà trước đó Toà án đã ra quyết định về cấp dưỡng định kỳ (hoặc ngược lại).
Để giải quyết vấn đề này, có thể thấy, Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã đưa ra một số trường hợp về những tranh chấp trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như: Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; tranh chấp về chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân; tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn; tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ; tranh chấp về cấp dưỡng. Khi xảy ra tranh chấp ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Như vậy, tranh chấp về cấp dưỡng là một quan hệ tranh chấp thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án và theo khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại khi đã từng bị Toà án trả lại đơn khởi kiện hoặc để yêu cầu giải quyết cùng một sự việc đã được Toà án ra phán quyết trước đó, trong đó có yêu cầu về thay đổi mức cấp dưỡng.
Như vậy, có thể thấy rằng, nếu giải thích luật theo hướng chỉ những vấn đề được luật liệt kê thì mới có thể khởi kiện lại, thì rõ ràng, yêu cầu thay đổi phương thức cấp dưỡng không nằm trong phạm vi này, do luật chỉ liệt kê trường hợp yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng (khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Nếu không xem yêu cầu thay đổi phương thức cấp dưỡng nằm trong phạm vi được khởi kiện lại được luật liệt kê, thì liệu yêu cầu này có được xem là một quan hệ tranh chấp mới không, bởi lẽ theo một số quan điểm thì thay đổi phương thức cấp dưỡng là một yêu cầu mới so với kết quả phán quyết trước đó của Toà án. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, đây là một sự việc đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nên không thể nộp đơn khởi kiện lại (điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Ở đây, tác giả không đồng thuận về vấn đề này, vì rõ ràng, nếu cho rằng sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án thì lý giải như thế nào cho việc nộp đơn khởi kiện lại cho những trường hợp xin thay đổi nuôi con, xin thay đổi mức cấp dưỡng, hay thay đổi người quản lý di sản... Phải chăng, những trường hợp nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân chung, đó là vì lợi ích của đương sự nên mặc dù trước đó sự việc đã được Toà án giải quyết nhưng luật vẫn cho phép đương sự được khởi kiện lại để bảo vệ lợi ích chính đáng cho mình. Nói cách khác, có những trường hợp mà sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án nhưng vì để bảo vệ cho những lợi ích của đương sự, Luật đã mở rộng “đường đi” cho đương sự bằng cách quy định cho đương sự quyền nộp đơn khởi kiện lại trong một số trường hợp. Vì vậy, theo tác giả, vấn đề cốt lõi ở đây là yêu cầu về thay đổi phương thức cấp dưỡng có thể bị bỏ quên, mặc dù trên thực tế, việc thiếu vắng quy định như vậy đã gây khá nhiều khó khăn, vất vả cho đương sự, gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống vật chất và tinh thần của họ.
Thực tế, việc cấp dưỡng định kỳ phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí và sự tự nguyện thi hành của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Đã có rất nhiều trường hợp khi Toà án tuyên cấp dưỡng định kỳ hàng tháng, nhưng khi đến hạn nghĩa vụ, người có nghĩa vụ cấp dưỡng lại không tự nguyện thi hành. Trong một vụ án ly hôn trên thực tế, anh H.V.Đ được Toà án tuyên phải cấp dưỡng cho hai con chung mà người vợ là chị N.T.H đang nuôi dưỡng, mỗi tháng là 575.000đ/mỗi con, cho đến khi hai con chung tròn 18 tuổi. Ít lâu sau, anh H.V.Đ kết hôn với người vợ mới. Số tiền cấp dưỡng định kỳ mỗi tháng không nhiều, người có nghĩa vụ cấp dưỡng (anh H.V.Đ) lại là lao động tự do, không có tài khoản thu nhập nhưng có các tài sản khác là nhà cửa, ruộng vườn. Vì lý do đó, nên khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án nhưng anh H.V.Đ vẫn không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng định kỳ[1], chị N.T.H đã yêu cầu thi hành án. Tuy nhiên, cơ quan thi hành án lại không thể cưỡng chế thi hành án được, với lý do số tiền cấp dưỡng đến hạn theo từng tháng quá ít, nên không thể cưỡng chế tài sản có giá trị lớn hơn (ví dụ như nhà cửa, ruộng vườn của người có nghĩa vụ)[2]. Trước sự việc như vậy, cơ quan thi hành án đã hướng dẫn chị N.T.H định kỳ mỗi tháng làm đơn yêu cầu thi hành án cho khoản cấp dưỡng đến hạn, cho đến khi số tiền cộng dồn đủ nhiều để có thể tiến hành cưỡng chế tài sản. Yêu cầu này hoàn toàn hợp lý, do khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định: “Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn”. Có thể thấy rằng, quy định này vô hình trung khiến cho người yêu cầu thi hành án tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức khi cứ định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm hay hàng năm, lại phải thực hiện các thủ tục yêu cầu thi hành án về đòi tiền cấp dưỡng, mặc dù số tiền không nhiều.
Trong tình huống thực tế nêu trên, chị N.T.H là người nuôi hai con chưa thành niên và hoàn toàn không có tài sản để đảm bảo nuôi con, chỉ sống nhờ vào gia đình bên ngoại và làm công việc tự do. Nếu tuân theo luật thi hành án và cách hướng dẫn của cơ quan thi hành án trong tình huống trên, đợi đến khi tổng số tiền để thi hành án đã đủ nhiều để tiến hành cưỡng chế tài sản là nhà cửa, ruộng vườn hay gia súc của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, thì liệu lúc này những tài sản trên có còn tồn tại để thực hiện việc cưỡng chế hay không. Mặc dù vẫn có thể áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án quy định tại Điều 66 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 nhưng những việc này đòi hỏi sự theo dõi sát sao hành vi và tài sản của người có nghĩa vụ thi hành để kịp thời áp dụng những biện pháp trên.
Hiện nay, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã có điều luật cho phép người thân thích của người được cấp dưỡng được quyền yêu cầu Toà án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó (khoản 3 Điều 119), tuy nhiên, luật cũng không nêu rõ cách thức mà Toà án buộc người không tự nguyện phải thực hiện nghĩa vụ đó như thế nào. Như vậy, theo nguyên tắc chung, bản án do Toà án tuyên sẽ mang tính chất cưỡng chế và buộc người không tự nguyện thi hành phải thi hành nhờ vào hoạt động cưỡng chế của cơ quan thi hành án. Trong trường hợp này, chúng ta lại trở lại câu chuyện bế tắc trong việc thi hành án như đã nói trên, nếu như phương thức cấp dưỡng không được thay đổi.
Có thể thấy rằng, với quy định không cho phép khởi kiện lại đối với yêu cầu xin thay đổi phương thức cấp dưỡng, cùng với những quy định về thủ tục thi hành án nêu trên, một mặt, làm kéo dài thời gian thi hành án, gây tồn đọng án phải thi hành, tạo gánh nặng cho cơ quan thi hành án, mặt khác, không giúp cho đương sự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, mà thiết nghĩ đây mới là mục tiêu chính của pháp luật dân sự. Phần lớn người được cấp dưỡng là con chưa thành niên, do một bên cha hoặc mẹ nuôi dưỡng, nếu tài chính không đảm bảo thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống vật chất và tinh thần của họ. Do vậy, việc mở rộng quy định về quyền nộp đơn khởi kiện lại đối với trường hợp xin thay đổi phương thức cấp dưỡng là điều hết sức cần thiết nhằm đảm bảo cho việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đương sự, mà cụ thể ở đây là con chưa thành niên, chủ thể được bảo vệ bởi Luật Trẻ em năm 2016.
Tóm lại, với việc mở rộng quy định về quyền khởi kiện lại như theo đề xuất của tác giả, vấn đề nêu trên hoàn toàn có thể được giải quyết. Cụ thể, trong trường hợp Toà án đã ra phán quyết áp dụng phương thức cấp dưỡng định kỳ, nhưng nếu khi đương sự có nghĩa vụ không tự nguyện thi hành và cơ quan thi hành án không có điều kiện cưỡng chế thì đương sự có quyền có thể yêu cầu Toà án thay đổi phương thức cấp dưỡng (áp dụng phương thức cấp dưỡng một lần) khi nhận thấy đương sự có nghĩa vụ có đủ tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ này một lần.
Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật
Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh